Blue Sky Như cơn gió, bay mãi đến muôn phương. Như đại dương, tuôn trào đi khắp chốn.

Ngọc trai đen - Báu vật độc đáo của ngành nữ trang được làm ra như thế nào?

Đăng 4 năm trước

Ngọc trai là món nữ trang từ xa xưa đã được ưa chuộng trên khắp thế giới. Trong đó ngọc trai đen luôn được đánh giá cao về cả vẻ đẹp mê hoặc lẫn giá trị thương mại. Vậy thứ đặc sản hiếm có khó tìm này được làm ra như thế nào?

Trên thị trường nữ trang thế giới, ngọc trai đen luôn được xếp vào hàng "của hiếm". Và để tìm hiểu về món trang sức độc lạ này, nơi đầu tiên được nhắc đến luôn là đảo quốc Tahiti. 

1. NƠI SẢN XUẤT NGỌC TRAI ĐEN NHIỀU NHẤT THẾ GIỚI

Tahiti là đảo lớn nhất trong quần đảo Polynesia thuộc Pháp nằm trên vùng biển Nam Thái Bình Dương. Là trung tâm kinh tế - văn hóa - chính trị của quần đảo xinh đẹp, Tahiti từ lâu đã được xem là thiên đường du lịch dành cho những người thích sự lãng mạn. Nhưng ngoài phong cảnh hút hồn, quốc gia này còn lôi kéo khách du lịch nhờ một đặc sản cao cấp nổi tiếng thế giới: ngọc trai đen.

Trên thực tế, Tahiti chính là nhà cung cấp ngọc trai đen lớn nhất thế giới khi đóng góp tới 55% sản lượng hằng năm của mặt hàng này cho thị trường toàn cầu. Ngành sản xuất ngọc trai đen trên đảo phát triển mạnh và được tiếp nối qua nhiều thế hệ, hình thành nên những trang trại quy mô gia đình đã tồn tại lâu năm.

2. QUY TRÌNH SẢN XUẤT NGỌC TRAI

Trong tự nhiên, ngọc trai được hình thành khi một dị vật (cát sỏi, mảnh vỏ sò, ký sinh trùng...) hoặc một vết sẹo xuất hiện bên trong con trai, kích thích lớp áo của trai tiết ra chất xà cừ bao lấy vật lạ đó. Theo thời gian, xà cừ được bồi đắp ngày càng nhiều và dần tạo nên viên ngọc trai sáng bóng.

Tất nhiên hiện tượng này có thể xảy ra trong tự nhiên, nhưng xác suất để bắt được một con trai mang ngọc như vậy là rất thấp, và hầu hết các viên ngọc tự nhiên đều nhỏ, màu sắc không đẹp hoặc hình dạng méo mó. Đó là những khuyết điểm làm giảm giá trị thương mại đi rất nhiều, buộc con người phải tìm tòi nghĩ ra cách nuôi cấy ngọc nhân tạo.

Phương pháp nuôi cấy ngọc trai được phát minh vào năm 1893 bởi một người Nhật tên là Kokichi Mikimoto, sau đó được tiếp tục cải tiến tại Nhật Bản và Australia trước khi được truyền bá khắp thế giới và trở thành một nghề thu hút rất nhiều người lao động sống ở vùng ven biển tham gia như hiện nay.

Để tạo ra một viên ngọc trai tròn đẹp, trước tiên người ta cần có một dị vật để cấy vào con trai giống như trong tự nhiên, mà người trong giới thường gọi là "nhân". Ở Tahiti, phần nhân này được làm từ vỏ trai dày và chắc. 

Nhưng có phải con trai nào cũng tạo ra ngọc màu đen đâu? Đúng thế, muốn có ngọc trai đen, người ta phải chọn đúng những con trai có phần mép vỏ màu đen, đó là dấu hiệu cho thấy chất xà cừ do nó tiết ra cũng sẽ mang màu sắc giống như vậy.

Nhưng khó khăn chưa dừng lại ở đó. Theo lời giải thích của chủ trang trại Gaugin's Pearl - một trong những nhà sản xuất ngọc trai đen lớn nhất tại Tahiti - thì những con trai phải đủ ít nhất là ba năm tuổi mới có thể dùng để cấy ngọc. Và quy trình này cũng đòi hỏi phải có một chú trai "hy sinh" thân mình để giúp đồng loại tạo ra ngọc quý.

Con trai dùng làm vật hy sinh đó được chọn dựa theo màu sắc của lớp xà cừ ở mặt trong vỏ, màu càng đẹp thì càng có khả năng cho ra sản phẩm tốt. Nó sẽ được mở tách vỏ, và lớp áo (chính là phần tiết ra xà cừ) sẽ được cắt thành những mảnh nhỏ có kích thước khoảng 1mm. Mỗi miếng này sau đó được ghép chung với phần nhân như đã nói ở trên và đem cấy vào lớp áo của một con trai khác.

Bên cạnh những nguyên vật liệu khắt khe như vậy, quy trình cấy ngọc trai còn đòi hỏi độ chính xác và tỉ mỉ tuyệt đối, đến nỗi người làm công việc này trông cũng tập trung vất vả chẳng kém gì bác sĩ phẫu thuật vậy.

Sau khi cấy nhân, người ta sẽ đưa lũ trai trở lại các lồng nuôi trên biển và chờ trong 18 tháng để viên ngọc dần được hình thành.

Theo kinh nghiệm của người dân địa phương, mỗi con trai có thể tạo ra tối đa năm viên ngọc trong suốt cuộc đời của nó. Nếu một viên ngọc được đánh giá là có chất lượng tốt, những lần cấy nhân sau sẽ được thực hiện với phần nhân to hơn để cho ra sản phẩm giá trị hơn nữa.

Như vậy công việc của một thợ cấy ngọc trai thực sự không hề dễ dàng, bởi nó đòi hỏi những kỹ năng được rèn luyện đến mức thuần thục và tính kiên trì bền bỉ cực cao. Hiện nay trên khắp thế giới chỉ có duy nhất một trường đào tạo nghề này được đặt tại đảo Rangiroa nằm ở phía Đông Bắc của Tahiti.

3. TIÊU CHUẨN CỦA MỘT VIÊN NGỌC ĐẸP LÀ GÌ?

Trên phương diện đồ trang sức, ngọc trai được phân loại theo một số tiêu chí như kích thước, hình dạng và độ sáng bóng.

Hiển nhiên là những viên ngọc càng lớn sẽ càng được nhiều người yêu thích, với điều kiện là chất lượng cũng phải tốt tương xứng. Một viên ngọc có độ tròn trịa hoàn hảo cũng sẽ được định giá cao hơn, và thực tế là chỉ có chưa đến 3% số ngọc trai được sản xuất ra đạt đến độ hoàn mỹ đó. Còn độ sáng bóng liên quan đến ánh sáng phản chiếu từ viên ngọc, được quyết định bởi số lượng những "tỳ vết" hiện hữu trên bề mặt nhẵn nhụi của nó. 

Điều thú vị là màu sắc lại ít ảnh hưởng đến giá trị của ngọc trai. Ngoại trừ trường hợp viên ngọc thực sự có màu đen tuyền hoàn hảo sẽ là "của quý" đúng nghĩa, còn đa số những màu khác chỉ là vấn đề sở thích cá nhân mà thôi. Và thực tế là tại Tahiti cũng có rất nhiều loại ngọc trai với đủ các màu sắc khác nhau - từ xanh lục, hồng cho tới bạc hay vàng - đều được gọi chung là "ngọc trai đen".

Dù có giá không hề rẻ nhưng những viên ngọc tuyệt đẹp vẫn luôn tạo ra sức hút khiến vô số khách du lịch tìm đến hòn đảo nhỏ bé xinh đẹp này với mong muốn tìm hiểu về một sản vật độc đáo bậc nhất của tự nhiên, và ít ai đành lòng rời đi mà không mua một hai viên ngọc trai đen về làm quà tặng.

KHÁM PHÁ QUY TRÌNH SẢN XUẤT NGỌC TRAI ĐEN TẠI TAHITI

Chủ đề chính: #trang_sức

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn