Nguyễn Giang "SỐNG"

Ngôi làng tuyệt đẹp bị chia cắt bởi biên giới quốc gia

Đăng 4 năm trước

Turtuk là một phần lãnh thổ của Pakistan cho đến năm 1971, khi quân đội Ấn Độ chiếm ngôi làng này trong cuộc chiến tranh biên giới liên quan đến Đường Kiểm soát (Line of Control) giữa hai nước và ngôi làng chưa bao giờ được trả về với Pakistan

Một lịch sử đầy biến động

Đường đến với Turtuk khó không thể tưởng tượng được. Ngôi làng nhỏ này nằm ở tận cùng thung lũng Nubra của vùng Ladakh, cực bắc của Ấn Độ, được bao bọc bởi dòng sông Shyok và những đỉnh cao chót vót của dãy núi Karakoram. Có lẽ lịch sử đầy biến động của ngôi làng ít nhộn nhịp này còn hấp dẫn hơn cảnh vật nơi đây, vì đây là một ngôi làng đã “mất nước”.

Ngôi làng Balti của Ấn Độ

Trong khi những cư dân khác ở Ladakh theo Phật giáo, thì Turtuk lại là một ngôi làng Balti (Baltis là một nhóm dân tộc gốc Tây Tạng chủ yếu sống ở vùng Skardu của Pakistan). Dân làng ở đây là những tín đồ Hồi giáo Noorbakshia – một nhánh của phái Hồi giáo Sufi. Họ nói tiếng Balti (một ngôn ngữ Tây Tạng), mặc shalwar kameer (một loại quần áo của Ấn Độ) và có nhiều sự tương đồng với họ hàng của họ ở vùng Baltistan, những người sống bên kia biên giới Pakistan, cách họ 6km đường đi.

Trên thực tế, Turtuk vẫn là một phần của Pakistan cho đến năm 1971, khi quân đội Ấn Độ chiếm ngôi làng này trong cuộc chiến tranh biên giới dọc theo Đường Kiểm soát – một ranh giới gây tranh cãi chạy qua những vùng núi cao nhất và hiểm trở nhất trên Trái Đất. 

Bị chia cắt bởi biên giới quốc gia

Ấn Độ sẽ không bao giờ trả ngôi làng này về với Pakistan vì mối lo ngại an ninh biên giới. Những người dân đã rời khỏi ngôi làng này đến một nơi khác để thăm người thân, bạn bè hoặc làm việc vào ngày ngôi làng bị phân chia năm 1971 sẽ không có cơ hội quay trở về. Và trong suốt nhiều năm qua, Ấn Độ đã khoanh vùng khu vực này và duy trì sự kiểm soát nghiêm ngặt tại đây. Tuy nhiên, khu vực biên giới đã trở nên yên bình hơn trong thập kỷ qua và đến năm 2010, Turtuk đã mở cửa cho khách du lịch tham quan, cho phép người bên ngoài đến quan sát sự độc đáo của ngôi làng và nhịp sống nơi đây.

Những cư dân Balti được hưởng nhiều lợi ích từ những vách đá của dãy Karakoram bao bọc xung quanh họ. Họ xây dựng những ngôi nhà bằng đá công phu trên trung lũng đá cuội cũng như hệ thống tưới tiêu để cung cấp nước cho mùa màng của họ.

Một phương pháp giữ lạnh tài tình

Turtuk ở độ cao 2900m, thấp hơn những nơi khác ở Ladakh. Ở độ cao này, mùa hè có thể cực kỳ nóng, và dân làng đã tận dụng những tảng đá xung quanh họ để xây dựng hệ thống kho chứa dùng đá để làm lạnh tự nhiên, sử dụng để dự trữ thịt, bơ và những thực phẩm dễ hư hỏng trong suốt những tháng nắng nóng. Trong tiếng Balti, “nangchung” có nghĩa là nhà lạnh. Những nhà kho bằng đá được thiết kế có khoảng trống để không khí lạnh đi qua, giúp giữ hàng hóa lạnh hơn nhiệt độ không khí bên ngoài.

Bóng xanh

Lúa mạch là sản phẩm chủ yếu của khu vực Ladakh, vì là loại ngũ cốc duy nhất có thể sinh trưởng ở độ cao này. Tuy nhiên, do Turtuk có độ cao tương đối thấp hơn những nơi khác nên người dân Balti có thể trồng được kiều mạch. Người dân nơi đây cũng trồng thêm một lượng lớn quả mơ và óc chó Ấn Độ, xây dựng nên tiếng tăm cho ngôi làng. Công việc đồng áng là một công việc nặng nhọc và suốt trong năm, ngôi làng như một tấm chăn bông được ghép lại từ nhiều mảnh bởi những cánh đồng đang được trồng trọt hay thu hoạch. Đó thực sự là một ốc đảo xanh đối lập với những bức tường đá màu nâu cằn cỗi của dãy Karakoram và thung lũng có dòng sông chảy qua.

Trung thành với cội rễ văn hóa

Mặc dù những xung đột ở khu vực Kashmir giữa Ấn Độ và Pakisran vẫn còn, cuộc sống yên bình vẫn được duy trì ở Turtuk. Người dân nơi đây đã được cấp thẻ căn cước và có quyền công dân của Ấn Độ sau cuộc xâm chiếm vào năm 1971. Hiện nay, những nỗ lực nhằm hiện đại hóa khu vực thung lũng Nubra từ nâng cấp đường xá đến cải thiện dịch vụ chăm sóc sức khỏe và giao thông vận tải, cũng như sự bùng nổ du lịch hứa hẹn sẽ mang đến thời kỳ thịnh vượng cho Turtuk.

Tuy nhiên, nơi đây vẫn không hoàn toàn giống như những nơi khác của Ấn Độ. Những vườn mơ, đền thờ Hồi giáo Noorbakshia, những ngôi nhà và hệ thống tưới tiêu bằng đá, cũng như các món ăn truyền thống của người Balti như kisir (một loại bánh mì kiều mạch) có thịt bò Tây Tạng hoặc nho muskat, một quả mơ và sốt hạt óc chó; hoặc món balay – một loại súp với những sợi mì to được làm từ kiều mạch đã giữ ngôi làng này luôn trung thành với văn hóa truyền thống Balti.

Sắc thu

Turtuk đặc biệt hấp dẫn vào mùa thu, khi những hàng dương thay đổi màu lá và mang lại một màu sắc tươi mới, sáng sủa cho khung cảnh đầy đá xung quanh, tô điểm thêm cho cảnh vật nơi đây. Tuy những ngôi làng ở vùng Ladakh trong thung lũng Nubra cũng tận dụng đá, nhưng không nơi đâu có sự sáng tạo như ở Turtuk với những công trình xây dựng công phu, tỉ mỉ, và thậm chí dù ở trong khu vực có khả năng xảy ra động đất và lở đất, những bức tường đá của người Balti vẫn đứng hiên ngang và đầy thách thức. 

Một cuộc sống thịnh vượng

Turtuk là nơi mà người dân không chỉ phải học cách sống hòa hợp với thiên nhiên khắc nghiệt, mà hơn thế nữa, đó phải là một cuộc sống thịnh vượng. Những dân làng ở đây cũng duy trì sự trung thành với văn hóa truyền thống của mình dù cho đã “mất nước”. Và giờ đây, họ đang hướng đến một tương lai mới khi tiếp đón khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới. 

Bài, ảnh: BBC

Chủ đề chính: #pakistan

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn