Hạ Thanh

Ngược dòng thời gian tìm về nghệ thuật văn hóa truyền thống Trung Quốc qua 'Diên Hy công lược'

Đăng 5 năm trước

Bộ phim cổ trang 'Diên Hy công lược' đã truyền tải một cách xuất sắc đến công chúng những di sản văn hóa phi vật thể của Trung Quốc đang có nguy cơ bị mai một.

Văn hóa truyền thống Trung Quốc như những trang phục, món ăn, nghi lễ và lối sống cổ xưa dường như đang được "thổi hồn" và phục hưng trở lại nhờ những bộ phim truyền hình và phim chiếu mạng. Trong bộ phim cổ trang Trung Quốc đang hot nhất thời điểm hiện nay "Diên Hy công lược", các loại hình di sản văn hóa phi vật thể như Kunqu Opera, thêu và Kesi - một kỹ thuật dệt lụa... được mang đến cho khán giả theo dõi bộ phim. "Diên Hy công lược" tập trung mô tả cuộc sống hậu cung trong triều đại của Hoàng đế Càn Long (1711-99) thời nhà Thanh (1644-1911), với nhân vật chính là Ngụy Anh Lạc - từ thân phận cung nữ đã vươn lên đến vị trí hoàng quý phi của vua Càn Long. Một chi tiết nổi bật trong bộ phim là đã lồng ghép nghệ thuật truyền thống Dashuhua vào phân cảnh tổ chức tiệc sinh thần của Thái hậu. Đây cũng là lần đầu tiên Dashuhua - một di sản văn hóa phi vật thể có tuổi đời hơn 500 năm của tỉnh Hà Bắc (Trung Quốc) được xuất hiện trong một bộ phim.

Dashuhua là một hình thức biểu diễn pháo hoa truyền thống của người Trung Quốc trong một số lễ hội nhất định. Sử dụng những chiếc xẻng đặc biệt được làm từ rễ của cây liễu, những người biểu diễn Dashuhua mặc áo khoác da cừu và mũ tre, ném sắt đang nóng chảy ở nhiệt độ khoảng 1600 độ C vào những bức tường thành. Sắt nóng chảy sẽ phát nổ thành những tia lửa rực rỡ. Ở thời cổ đại, Dashuhua là một hình thức để mô phỏng pháo hoa - một thứ xa xỉ mà chỉ những tầng lớp giàu có mới đủ khả năng chi trả. Tuy nhiên, do việc biểu diễn Dashuhua có khả năng gây thương tích lớn cho người biểu diễn nên qua thời gian, nghệ thuật truyền thống này có nguy cơ bị mai một. Nhận thấy tình hình đó, Vu Chính - nhà sản xuất "Diên Hy công lược" đã cố gắng đưa hình thức biểu diễn nghệ thuật truyền thống này vào bộ phim của mình để qua đó, truyền tải cho khán giả một nét tinh hoa văn hóa dân tộc. 

Bên cạnh Dashuhua, một đặc trưng mà khán giả luôn nhìn thấy trong mỗi tạo hình của các cung tần, mỹ nữ trong "Diên Hy công lược" đó chính là những bông hoa nhung cài trên mái tóc. Nghệ thuật làm hoa nhung là một di sản văn hóa phi vật thể bắt nguồn từ tỉnh Nam Kinh, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc, đã tồn tại từ thời nhà Đường (618 - 907) cho đến ngày nay. Được làm bằng lụa và dây đồng, hoa nhung đã từng là đồ trang sức rất được yêu thích của phụ nữ Trung Quốc thời cổ đại bởi tên của nó trong tiếng Trung là "ronghua", đồng âm với từ "vinh quang", sẽ mang đến điều tốt lành. Hoa nhung cũng là một hình thức thể hiện thân phận của người mang nó. Trong bộ phim, hoàng hậu và các phi tần thường mang mũ với hoa văn của hoa mẫu đơn, hoa cúc hoặc có thể kết hợp giữa nhiều loại hoa để thể hiện thân phận cao quý, còn cung nữ chỉ được mang những mảnh hoa đồng và ít màu sắc hơn.

Ban đầu, khán giả của bộ phim không hề biết được giá trị của những bông hoa nhung này mà chỉ coi nó như đồ trang sức bình thường. Tuy nhiên, khi đoàn làm phim giải thích về nguồn gốc của những bông hoa nhung này thì đã ngay lập tức nhận được sự phản hồi tích cực và sự đón nhận nồng nhiệt của khán giả. Nhờ vậy, số ít những nghệ nhân làm hoa nhung còn sót lại như ông Zhao giờ đây cũng luôn bận rộn tại Bảo tàng nghệ thuật dân gian Nam Kinh để biểu diễn cách làm hoa nhung cho du khách. Ông Zhao sẵn sàng sử dụng những màu sắc nhẹ nhàng hơn so với những màu sắc rực rỡ của hoa nhung truyền thống để hợp với thị hiếu của các bạn trẻ hiện đại. Ông cũng thể hiện quan điểm rằng: "Chính những bộ phim truyền hình đã đưa di sản phi vật thể đến gần hơn với công chúng. Chúng tôi càng hi vọng rằng nghệ thuật hoa nhung sẽ dần dần trở lại thành một phần của cuộc sống hiện đại và đồng thời cũng là biểu tượng cho phục trang cổ đại."

Chủ đề chính: #Diên_hi_công_lược

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn