Hồ Huy Thích viết lách và trải nghiệm du lịch.

Người đi về phía biển

Đăng 5 năm trước

Người đi về phía biển, có một chân trời nhọc nhằn, nơi những người đi về phía biển, khom lưng phía biển, gánh gồng những toan lo khó nghèo. Đó là một phần của bức tranh về biển quê tôi.

Khi nắng còn giấu sau vòm nước chân trời, khi niềm vui nỗi buồn còn chưa kịp vỡ òa ban mai, những người đi về phía biển, miệt mài gác giấc ngủ nồng, họ trở dậy nhọc nhằn đi về phía bình minh.Ai bảo mưu sinh là khổ, tôi nghĩ khổ đau hay hạnh phúc phụ thuộc vào việc bạn làm, không quan trọng công việc ấy là gì, mà quan trọng nó có để lại tiếng cười cho một ngày mai. 

Có những kỳ nghỉ hè, về ở lại nhà bác tôi, nhiều khi lạ nhà không ngủ được, quãng ba rưỡi bốn giờ đã thấy thậm thịch những bước chân rảo qua, đã thấy rổn rảng cười nói mặn mòi. Bác tôi bảo ấy là huyên náo tiếng người đi về phía biển.

Khi con người biết buông xả những lợi danh hay thù hận, thì tâm ta mới trong sáng để vượt qua những cám dỗ của phiền não tham, sân, si, mà cảm nhận được niềm vui. Vậy thì một công việc cho dù là bé nhỏ cho dù là cơ cực cho dù là những người đi về phía biển thử hỏi là vui hay buồn khi họ đã buông tiếng cười giòn giữa cuộc đời này, giữa những buổi ban mai còn chưa hiện hữu. 

Con người được sinh ra đời để tìm hạnh phúc hay tìm đau khổ? Câu hỏi xem như ngớ ngẩn, vì trong cuộc đời đã có thừa hạnh phúc và khổ đau, ai dại mà tìm đau khổ. Nhưng tại sao lại phải tìm hạnh phúc? Hẳn là hạnh phúc mang cái nghĩa dễ chịu và an vui! Còn khổ đau thì chỉ có người bất bình thường mới mong muốn. Vậy người đi về phía biển họ đang tìm điều gì nơi chân trời giấu những bình minh? 

Ban đêm đứng từ cửa biển Diêm Điền nhìn xa xa một vùng trời mây sóng nước là vô vàn những hình ảnh lung linh như cổ tích từ những ngọn đèn lấp lánh được thắp lên trong những con tàu đón bờ cập bến. Chỉ cách có mấy nhịp thuyền, vài chục sải bơi, mà gần như hai thái cực, một bên phố xá nhộn nhịp xe cộ ồn ào còn một bên là những ngọn đèn leo lét của những con người quanh năm vất vả với chuyện mưu sinh. 

Nếu người miền núi có đại ngàn xanh ngát, thì người xứ biển có đại dương bao la; người trên núi có tiếng cồng lời chiêng thì người dưới biển có tiếng sóng lời gió. Bởi vậy mà năm tháng đi qua, ngày buồn ở lại, ngày vui trước mặt, những người đi về phía biển có bao giờ buồn đâu.

May mắn thay tôi cũng được thử lửa với nhiều chuyến đi biển. Từ cái lần đầu được đi biển ấy, rồi những chuyến đi dài xuyên qua nhiều làng biển, xuyên qua bao bến cảng, đến lúc dần quen vị ngai ngái nồng nồng của biển, mùi sóng vị gió, tôi hiểu thêm về cuộc sống, về những sắc màu văn hóa, hiểu về niềm khát vọng, sự can trường, đặc biệt là sức sáng tạo của người xứ biển trước đại dương đầy trắc ẩn.Niềm vui hay nỗi buồn chẳng phải là quan trọng, tôi nghĩ quan trọng là cuộc sống của họ đầy ắp sự hi sinh…

Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, những con người mưu sinh cùng biển cả ấy luôn tìm ra cho mình một phương thức sống thích nghi với môi trường. Mọi khó khăn thử thách càng làm cho họ kiên cường, mạnh mẽ và quyết tâm hơn, để chế ngự, chinh phục, làm chủ không gian sinh tồn mà tổ tiên để lại.Người đi về phía biển, đầu sóng, ngọn gió, ưu tư trăn trở bỏ lại nơi phía sau lưng những mảnh làng. Người đi về phía biển chỉ có tương lai bật sáng nơi chân trời. Người đi về phía biển hổn hển những nụ cười quê hương…

Người đi về phía biển, con người tâm hướng biển. Biển không chỉ là không gian sống mà nó còn là không gian văn hóa, không gian thực hành tín ngưỡng của bao thế hệ cha ông. Những ngày đầu năm, trở lại cửa biển Diêm Điền, đâu đâu cũng thấy chuyện bên lề hội bơi trải. Những tưởng những thanh âm hô thuyền gọi trải vẫn vọng vang bất tận trên sông Diêm và trên muôn nẻo đi ngang về tắt của biển Diêm Điền.Người đi về phía biển quê tôi vẫn một nắng hai sương tảo tần, từ con don, con vọp, con ngao đến những chim, thu, nhụ, đé tất cả đều gắn liền với bao câu chuyện ướt đẫm mồ hôi. 

Lại nhớ về những ngày hè đổ lửa thiếu thời, trong những giấc ngủ chập chờn quê hương, tiếng thuyền máy đề pa, tiếng giương buồm kẽo kẹt, tiếng những người đàn bà sớm hôm chợ cá, tiếng hỏi vọng ì xèo lanh chanh. Lại nhớ những đêm lạ nhà không ngủ được, quãng ba rưỡi bốn giờ đã thấy thậm thịch những bước chân rảo qua, đã thấy rổn rảng cười nói mặn mòi. Bác tôi bảo ấy là huyên náo tiếng người đi về phía biển. Những người đi về phía biển quê tôi, tự bao đời đã tạc vào thời gian thứ âm thanh của sóng, thứ âm thanh của gió, những cung bậc mặn như muối, ngọt như đất, nuôi dưỡng những cuộc đời xứ biển. Xứ quê hương mà chẳng khi nào biết muộn phiền…


Nguồn: Trải Nghiệm Khác Biệt

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn