Minh Chiến

“Người ra đi đầu không ngoảnh lại….”

Đăng 6 năm trước

“…Lại một lần nữa bạn ta tiễn đưa ta lên đường nhận nhiệm vụ nơi xa. Vào một buổi chiều mưa bay phố Đà ta mãi nhớ…” (Kỷ niệm ngày buồn ai với phố biển). Đây là những dòng tâm sự trích từ cuốn nhật ký của Nguyễn Bá Cường, một trong 64 chiến sĩ anh dũng hi sinh trong trận hải chiến Gạc Ma ngày 14/3/1988.

Giọt máu đào từ cái nôi Cách mạng.

Lần theo con đường đất nhỏ, đi qua mấy lũy tre làng, chúng tôi tìm về nhà Mẹ Ngò tại thôn Thanh Quýt 1, xã Điện Thắng Trung, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Trò chuyện với chúng tôi, Mẹ đặt tay lên ngực mình nghẹn ngào: “Út Cường nó vẫn ở đây con ạ, ngay trong tim mẹ. Sống anh hùng chết vẻ vang, nó ra đi vì trách nhiệm với tổ quốc”.

Vợ chồng Mẹ Ngò đã lớn lên ngay trên chính mảnh đất quê hương MẹThứ. Mẹ từng trực tiếp tham gia cơ sở cách mạng tại địa phương qua cả hai cuộc kháng chiến. Chính những truyền thống của quê hương cách mạng và gia đình đã tôi luyện ý chí liệt sĩ Nguyễn Bá Cường.

Mẹ Ngò nói những năm kháng chiến chống Pháp, rồi chống Mỹ cứu nước sau này, nhà nhà tham gia Cách mạng khí thế lắm. Các thôn trong xã Điện Thắng là “địa chỉ đỏ” cách mạng mà! Chồng Mẹ là cụ ông Nguyễn Bá Ngưu (sinh năm 1920) làm dân công, du kích, đi cảnh giới và liên lạc cho bộ đội. Còn Mẹ tham gia nữ cứu thương cho bác sĩ Nguyễn Hữu Kỉnh người địa phương thời đó. Gian nan, lửa đạn chẳng làm ai sờn lòng…

Mẹ sinh lần lượt tất thảy 9 người con nhưng chỉ có ba người con trai khỏe mạnh, cả ba đều lên đường nhập ngũ. Con cả Nguyễn Bá Xuân gia nhập Trung đoàn thông tin 575 (Quân khu V), con thứ là Nguyễn Xuân Hùng tham gia Lữ đoàn 173, từng tham gia chiến đấu ở chiến trường Campuchia và liệt sĩ Nguyễn Bá Cường, người con út trong gia đình, cũng noi gương các anh đã lên đường bảo vệ vùng biển Việt Nam vào năm 1988.

Xếp bút nghiên chiến đấu, vì một màu cờ…

Đoạn, ông Nguyễn Xuân Hùng, anh trai liệt sĩ Cường, khệ nệ bê chiếc thùng sắt hoen gỉ, bên trong là tất cả “vốn liếng” mà Út Cường để lại cho gia đình. Một cuốn sổ Đoàn viên, một chiếc ba lô xanh nhạt màu, tấm ảnh trắng đen thời còn sinh viên trong quân trường, đôi ba tờ báo cũ kĩ bị mối mọt đục phá lởm chởm cùng bộ quân phục hải quân xơ cứng của liệt sĩ Cường, đặc biệt là cuốn sổ tay với những dòng chữ viết vội mà nét mực nay đã nhòe… Tất cả đều nằm im trong chiếc thùng sắt cũ kĩ. Dấu ấn thời gian in bóng trên từng kỷ vật, chạm khắc những nỗi niềm khôn nguôi vào tâm khảm người ở lại mỗi khi lần tìm về quá khứ. 

Ông Hùng sống lại trong dòng hồi ức của mấy mươi năm về trước: “Thằng Cường là con út, nó ngoan ngoãn lắm. Năm 1980, thi đậu Đại học Tổng hợp Đà Lạt. Học được một năm, nó về xung phong đi bộ đội.”. Đến đây, lời kể bỗng đứt quãng bởi những tiếng nấc nghẹn ngào của người đàn ông tóc đã hoa râm. “Má khuyên nó cứ học hết đi đã vì hai anh vẫn còn đang phục vụ trong quân ngũ. Nó vẫn cứ nằng nặc đòi đi. Má đành phải bán chục ang lúa, gà, heo gom tiền xin cho nó hoãn học. Năm 1985, Cường nó gia nhập Lữ đoàn bộ binh 173 (Quân khu V), một năm sau thì học trường Học viện Hải Quân ở Nha Trang, khi biết được nhận nhiệm vụ ở Trường Sa nó liền xin lên đường ra đảo rồi nó đi luôn”.

Cũng như nhiều người lính hải quân xung phong đi Trường Sa năm ấy. Nguyễn Bá Cường được điều xuống tàu HQ-604 làm nhiệm vụ. Ngày Cường ra đi, Mẹ Ngò nói: “26 tuổi rồi mà chưa vợ con chi.Đi xong đợt này, về cưới cô vợ, đẻ cho má thằng cu rồi đi. Má già rồi, cần có cháu bồng bế chớ”. Cường cười: “Má yên tâm, con sẽ cưới vợ và đẻ một đàn cháu, tha hồ má bế”. Ai ngờ, niềm ước mong nhỏ nhoi ấy chẳng thành sự thật. Trong cuốn nhật ký viết bằng mực tím đầy ắp tâm tư của người lính trẻ: “Mặc dù biết rằng khi ta bước chân ra đi thì chưa biết ngày nào trở về với gia đình […], trước mắt gia đình ta khó khăn về mọi mặt, cha ta một nắng hai sương, mẹ ta lo chạy vạy ngày hai bữa...”.  Đó cũng là cái lần đứa con ấy đã rời quê đi mãi không về. Anh vẫn còn thiếu Mẹ một lời chào từ biệt. Nhưng Mẹ anh không trách, bởi còn gì thiêng liêng hơn khi con mình đã ngã xuống vì Tổ quốc của tất cả chúng ta.

Tạm để lại sau lưng hoài bão tuổi trẻ, những mối tình nồng cháy, anh bước đi về phía biển - đến nơi cần anh, cần những con người nhiệt huyết, cống hiến cho sự tự do. Trước lúc lên đường bảo vệ đảo Gạc Ma, liệt sĩ Cường có ở quê ăn tết vài hôm, anh không quên nhắn nhủ, căn dặn những người ở lại: “Con đi chuyển này rồi về học tiếp chứ chi đâu mà lo, ba má và các anh đừng bận tâm”. Nhưng ai ngờ rằng đó lại là mùa xuân cuối cùng, mùa xuân mà “Út Cường được về hẳn 10 ngày, được ăn bữa cơm chung với cả nhà”. 

Tượng đài bất diệt trên đảo Gạc Ma

Ngày 14 tháng 3 năm 1988, người lính hải quân Nguyễn Bá Cường và 63 chiến sĩ khác đã lấy thân mình tạo nên một “vòng tròn bất tử”. Những loạt đạn 36 ly của quân thù điên cuồng bắn vào người các anh. Từng lớp, từng lớp, người này ngã xuống người kia đứng lên quyết giữ vững ngọn cờ tổ quốc khẳng định vị trí chủ quyền Việt Nam, máu của các anh tô đỏ Gạc Ma, xác thịt của các anh xây nên một tượng đài bất diệt.

Liệt sỹ Nguyễn Bá Cường hy sinh, tin dữ như vết cắt xoáy sâu vào trái tim Mẹ Ngò. Đớn đau. Rỉ máu. Vết thương ấy chẳng thể nào lành lại. Ngày nhận được giấy báo tử, Mẹ như chết lặng. Liên tiếp hằng tháng trời Mẹ Ngò đợi ở cửa khóc suốt, trên tay ôm mớ ảnh và bộ quần áo của liệt sỹ Cường như ôm ấp niềm hy vọng đứa con út với cái dáng “trung trung, đẹp đẹp, tóc đen xoăn tít” được một lần quay trở về.

Một chiều tháng Ba, trở về từ ngôi nhà của Mẹ Ngò, chúng tôi  thắp nén hương lòng trầm mặc kính viếng hương hồn liệt sĩ Nguyễn Bá Cường.   

 Ngôi mộ gió nằm lại trên mảnh đất quê hương. 

 Máu anh nhuộm thắm Gạc Ma.  

 Mẹ biển cả mãi mãi ôm thân xác anh vào lòng. 

Lời tâm sự cuối cùng của Mẹ Ngò như một dư vang không dứt trong trường kỷ niệm về anh Cường, hòa lẫn vào phía Đông của Tổ quốc, nơi con của Mẹ gửi mình ở đây mãi chẳng về: “Con của mẹ ởTrường Sa! Nó ở Trường Sa mãi mãi”… 

Minh Chiến

Chủ đề chính: #hải_chiến_Gạc_Ma

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn