Sela + 5 năm là sinh viên trường ĐH Bách khoa Hà nội chuyên ngành công nghệ môi trường + 2 năm sau ra trường là nghiên cứu viên tại một trung tâm về Biến đổi khí hậu + hiện đang quản lý một cửa hàng sách nhỏ + định hướng tương lai sẽ trở thành người nghiên cứu về các mối quan hệ trong xã hội, đặc biệt hơn là các mối quan hệ trong gia đình

'Người Samari nhân lành' - Câu chuyện ngụ ngôn phổ biến nhất trong lịch sử

Đăng 5 năm trước

Là một câu chuyện ngụ ngôn trong Kinh Thánh, nhưng 'Người Samari nhân lành' trở thành một trong những câu chuyện phổ biến và nổi tiếng nhất trên thế giới, được cả những người tin hay chưa tin dẫn chứng như một ẩn dụ kinh điển về phương châm sống của con người.

Nội dung của ngụ ngôn "Người Samari nhân lành"

   Trước hết chúng ta cùng nhau xem nội dung của ngụ ngôn này nhé:

"Một người đi từ Giê-ru-sa-lem xuống Giê-ri-cô, lâm vào tay bọn cướp. Chúng lột hết áo quần, đánh đập, rồi bỏ đi, để người đó dở sống dở chết. 

Nhằm lúc ấy, một vị tế lễ đi xuống đường đó, thấy nạn nhân, thì đi tránh qua bên kia đường. Tương tự như thế, một người Lê-vi đến nơi, thấy vậy, cũng tránh qua bên kia đường. 

Nhưng một người Sa-ma-ri đi đường, đến gần thấy nạn nhân, động lòng thương xót, áp lại, băng bó vết thương, thoa dầu, bóp rượu; rồi đỡ nạn nhân lên lừa mình, chở đến quán trọ săn sóc. 

Hôm sau, người ấy lấy hai đồng đê-na-ri đưa cho chủ quán và dặn: ‘Hãy săn sóc nạn nhân, tốn kém thêm bao nhiêu, khi trở về, tôi sẽ trả cho!"

   Giê-ru-sa-lem và Giê-ri-cô là hai thành phố của đất nước Y-sơ-ra-ên, ngày nay là nước Israel. Chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu về 4 loại nhân vật, tương ứng cho 4 lối sống, quan điểm sống của con người!

Quan điểm sống 1: Những gì CỦA ANH là CỦA TÔI nếu TÔI CƯỚP ĐƯỢC - Những tên cướp

   Đây chắc chắn là một quan điểm sống không tốt đẹp và đáng bị lên án, không chỉ trong xã hội thời xưa mà ngày nay cũng như vậy. Những người này không chỉ ham muốn của cải, vật chất của người khác (lột hết quần áo) mà cũng xem thường sinh mạng của người khác nữa (đánh đập, để người kia lại dở sống dở chết). 

Ngày nay vẫn còn những con người như thế này, và có thể là còn có nhiều hơn so với thời điểm của câu chuyện này, hình thức cũng sẽ tinh vi và tế nhị hơn. Một người buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng cũng có thể được xếp vào loại người có quan điểm sống này, khi vì lợi ích, lợi nhuận của bản thân mà sẵn sàng "cướp sinh mạng" người khác, một cách từ từ.

Quan điểm sống 2: Những gì CỦA TÔI là CỦA TÔI nếu TÔI GIỮ ĐƯỢC - Người Tế lễ và Người Lê-vi

   Người tế lễ và người Lê-vi là những người giữ những vị trí và vai trò quan trọng trong hàng giáo phẩm của Do Thái giáo. Họ đại diện cho tầng lớp những người luôn muốn giữ lại những gì thuộc về mình nếu họ còn làm được điều đó. Họ lo sợ họ sẽ bị mất đi thời gian, tiền bạc, họ lo sợ việc làm lành của họ sẽ ảnh hưởng, phiền phức đến công việc, đến danh dự và đến vị trí của họ hiện nay. 

   Tất nhiên, họ có nhiều thứ trong cuộc đời này, nhưng đi kèm với đó là nỗi lo sợ sẽ mất đi những điều họ đã đạt được. Bạn có 5 triệu trong người, bạn sợ bị mất; bạn có 500 triệu trong người, bạn sẽ không còn sợ mất 5 triệu nữa, nhưng bạn sẽ sợ mất 500 triệu. Và chắc chắn nỗi sợ sau là lớn hơn và nặng hơn nỗi sợ trước.

Quan điểm sống 3: Những gì CỦA TÔI là CỦA ANH nếu anh TRẢ ĐỦ TIỀN - Người chủ quán

   Đây là quan điểm sống rất bình thường của con người chúng ta. Bạn ra ngoài quán, bạn phải trả tiền để có đồ ăn, đồ uống theo sở thích. Bạn muốn ăn những món ăn ngon hơn tại không gian thoải mái hơn, bạn phải trả thêm tiền. Bạn muốn được phục vụ chuyên nghiệp hơn, bạn chỉ cần trả thêm tiền. Quan điểm này dường như là hoàn toàn phù hợp và không có gì để lên án. Cuộc sống là phải sòng phẳng với nhau. 

   Tuy nhiên, nếu đây là quan điểm sống tốt nhất, đẹp nhất, thì có lẽ câu chuyện ngụ ngôn này sẽ chuyển thành "Người chủ quán nhân lành", tuy nhiên không phải vậy. Vẫn còn có một phương châm sống nữa vượt trên phương châm sống của người chủ quán này.

Quan điểm sống 4: Những gì CỦA TÔI là CỦA ANH nếu ANH CẦN - Người Samari

   Đây chắc chắn là quan điểm sống đáng được khen ngợi nhưng cũng sẽ đầy thách thức với con người ngày nay - Những gì của tôi là của anh, nếu anh cần đến nó. Tất nhiên, ở đây là cần chứ không phải là muốn, thích. Bạn không cần phải cho người khác tất cả những điều mình đã nỗ lực làm ra chỉ để thỏa mãn những sở thích hay mong muốn của người đó.  

   Nếu nghiên cứu kỹ hơn về lịch sử, bạn sẽ thấy rằng ngoài rào cản từ bên trong (dám hy sinh những điều thuộc về mình cho người khác), người Samari này cũng phải đối diện với rào cản về sự phân biệt chủng tộc. Trong mắt của những người Giu-đa thời đó (nạn nhân, thầy tế lễ và người Lê-vi đều là người Giu-đa) thi người Samari là loại người hạ đẳng, người lai và không đáng được tôn trọng. Những định kiến này chắc hẳn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến người Samari, khi anh ta phải đối xử tử tế với những người luôn coi anh ta là kẻ vô giá trị.

   Giúp đỡ, hy sinh cho những người chúng ta yêu thương là thường thấy, cho những người xa lạ, lần đầu gặp cũng là có thể hiểu được. Nhưng giúp đỡ và hy sinh cho những người coi mình là kẻ thù, xem thường mình thì thật sự là một thách thức to lớn cho mỗi chúng ta ngày nay.

   Nhưng biết đâu, khi vượt qua thách thức lớn lao này, sẽ có một câu chuyện về "Người học sinh nhân lành" hay "Người đồng nghiệp nhân lành" ^^


Bạn đang sống với quan điểm sống nào? Và bạn muốn sống với quan điểm sống nào sau này?

Sê-la

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn