Hồ Huy Thích viết lách và trải nghiệm du lịch.

Người trong giang hồ

Đăng 4 năm trước

Đừng nghĩ giang hồ hiểm ác, đừng tưởng giang hồ cạn nông. Bởi đôi khi giang hồ dịu dàng ngọt lành như một thiếu nữ ngủ ngày. Ấy là Người trong giang hồ vậy.

Giang hồ ba bữa buồn một bữa 

Thấy núi thành sông, biển hoá rừng 

Chân sẵn dép giầy, trời sẵn gió 

Ngựa về ta đứng, bụi mù tung  

Giang hồ tay nải cầm chưa chắc 

Hình như ta mới khóc hôm qua 

Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt 

Nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà

Giang hồ của Phạm Hữu Quang khiến người ta mềm lòng trắc ẩn mà ước thèm con gió đi hoang. Một khái niệm khá lâu đời, nghĩa của hai chữ giang hồ hiện vẫn còn nhiều cách hiểu. Tuy nhiên, theo quan niệm cổ, hai tiếng giang hồ dùng để ẩn ý chỉ một lớp người thích phiêu bạt, sống phóng khoáng, nay đây mai đó ngao du sơn thuỷ, kết nghĩa bạn bè. Lấy tài thơ ca, học vấn mà vẽ tạc phong cảnh thiên nhiên, quê hương đất nước; lấy thâm sâu võ học để bôn tẩu, trượng nghĩa hiệp hành. Vậy thì giang hồ đâu phải là xấu xa bỉ ổi đâu phải là chốn du thủ du thực và những con người giang hồ sao không thể ca tụng những mùa yêu thương?

Nghe từ đâu đó, nhớ từ hư huyền và nghĩ từ vô thường mộng tưởng, giang hồ hào sảng như buổi bình minh rạng ngời phía chân trời thảo nguyên xa trầm xa đục. Có những buổi chiều tím bầm tìm dập giữa chốn ngựa xe thị thành thô kệch bỗng dưng nhớ về một bông hoa chuối bung màu ngẩn ngơ nơi bờ bụi quê nhà, ấy là khi bạn đã dấn thân tựa vai vào chốn giang hồ. Bởi vậy giang hồ có gì lạ lẫm đâu.Có những đêm thâu bạn lặng im trên những con đường thơm bóng tối chạnh lòng thương cảm loài bướm đêm ủ dột thì khi ấy bạn đã là Người trong giang hồ. Bươm bướm đêm ư, giang hồ cũng cần lắm một gánh phù hoa.

Đến chỉ để lại dấu chân, đi chỉ mang theo kỷ niệm, hành tung người trong giang hồ cứ biền biệt bờ ải chia ly. Bóng dáng giai nhân và những bước chân lầm lụi giang hồ được nhắc nhiều trong những giai thoại dân gian kể về Lý Bạch (đời Đường), hay Tô Đông Pha, Âu Dương Tu (đời Tống) hoặc những nhân vật trong các tiểu thuyết dã sử hay võ hiệp như Tam Quốc chí, Thuỷ Hử truyện…hay những tiểu thuyết kinh điển lừng danh của Kim Dung, Cổ Long, Ưu Đàm Hoa… sau này. Với ý thâm thúy đó, giang hồ được nhìn nhận như một lối sống đẹp, một phong cách sống quân tử mã thượng. Than ôi, ta muốn ngửa mặt lên trời mà cười ngạo mạn một tiếng giang hồ…

Thật ngớ ngẩn và bi hài thời nay bằng sự thao túng của loài kền loài quạ hai tiếng giang hồ đã bị âm binh biến thái. Đến nay, giang hồ được hiểu là một sự định danh về thế giới ngầm, gồm toàn những người sống ngoài vòng pháp luật, nhất nhất tìm lợi ích bằng nhiều con đường mang tính phi pháp, tội lỗi, duy trì cái ác…Lũ đâm thuê chém mướn được gọi là giang hồ ư, bọn đệ tử tiên nâu tiên đỏ tiên trắng tiên hồng được gọi là giang hồ ư và nhiều thứ rác rưởi ma quỷ dưới gầm trời này cũng được coi là giang hồ ư? Các hạ có còn mộng giang hồ? Than ôi, ta muốn ngửa mặt lên trời mà hú một tiếng đau thương giang hồ…

Giang hồ đâu bận lo tiền túi 

Ngày đi ta chỉ có tay không 

Vợ con chẳng kịp chào xin lỗi 

Mây trắng trời xa trắng cả lòng

Phạm Hữu Quang ơi là Phạm Hữu Quang, người làm ta nhớ nhà, người làm ta nhớ mẹ cha, người làm ta nhớ bầu đoàn thê tử. Giang hồ ư, chẳng phải là giang hồ vặt đâu, chẳng phải là gươm cùn giày cỏ đâu ta chỉ muốn tru lên một tiếng thanh vắng giang hồ…


Trải Nghiệm Khác Biệt

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn