Thiên Thiên

Người viết thư thuê cuối cùng tại Sài Gòn: “Còn phụng sự được là còn vui”

Đăng 8 năm trước

Ông Dương Văn Ngộ là một trong những người lưu giữ nét đẹp văn hóa tại Bưu điện Thành phố.

“Tôi sẽ cố gắng để phụng sự tốt hơn nữa.” Đây là lời trải lòng của ông cụ 85 tuổi có mái tóc bạc phơ, mặc chiếc áo sơ mi trắng ngắn tay, luôn ngồi lặng lẽ bên chiếc bàn làm việc của mình để chờ những vị khách đến nhờ viết thư.

40 năm làm bưu tá và 25 năm gắn bó với nghề viết thư tay,ông Dương Văn Ngộ là người viết thư thuê cuối cùng ở Sài Gòn. Ông sinh ngày 3/3/1930, là người gốc Triều Châu, Trung Quốc. Năm 2007, ông được tờ Spiegel củaĐức phỏng vấn, ngoài ra, còn có các báo của Canada, Thụy Sĩ và đoàn quay phim của Hungary. Năm 2010, Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Namcông nhận ông là “người viết thư thuê chuyên nghiệp nhất trong lịch sử ngànhbưu điện Việt Nam”. Tôi đã có cuộc gặp mặt và phỏng vấn ông Ngộ, người gắn cuộc đời mình với Bưu điện Thành phố.

Ông Dương Văn Ngộ, người viết thư thuê lâu nhất và cuối cùng ở Bưu điện Thành phố.

Ông bắt đầu viết thư thuê từ khi nào, cái duyên nào đưa ông đến với nghề này?

- Hồi xưa tôi làm cho bưu điện, lúc tôi hưu trí thì ở bưu điện có mấy người viết thư thuê rồi. Cách đây 25 năm, tức là từ năm 1990, lãnh đạo mới cho tôi ra viết chung với mấy người đó, tôi ngồi đây đã được 25 năm rồi.

Được biết, ông thông thạo hai ngoại ngữ Anh và Pháp. Ông đã trau dồi như thế nào để có được nền tảng tiếng nước ngoài như vậy ?

- Tôi nhờ chương trình tiểu học, hồi đó tiểu học 6 năm chứ không phải 5 năm như bây giờ, học hết tiểu học là đã giỏi tiếng Pháp rồi. Tôi bắt đầu học tiếng Pháp vào năm thứ hai của tiểu học, lúc ấy tôi 7 tuổi, qua trung học chỉ học thêm thôi. Khi tôi 36 tuổi, Bưu điện cho tôi đi học tiếng Anh để có thêm ngoại ngữ phục vụ cho công việc viết thư thuê ở đây.

Bây giờ, có còn nhiều người nhờ ông viết và dịch thư ?

- Hồi xưa, nhiều người có nhu cầu dịch thư sang tiếng Anh và tiếng Pháp. Nhưng bây giờ, có internet và điện thoại rồi, nó nhanh và dễ dàng hơn nên ít người nhờ dịch thư lắm nhưng vẫn có nhiều người đưa bao thư nhờ viết địa chỉ. Hay nhiều người nước ngoài đến tham quan Bưu điện Thành phố, họmua bưu thiếp rồi nhờ tôi viết mấy câu để gửi về cho bạn bè hoặc giữ làm kỉ niệm.

Văn hóa viết thư ở Việt Nam và nước ngoài có gì khác nhau?

- Cái đó tùy theo người viết, kiểu như lời chào của ngoại quốc khác với lời chào của Việt Nam nên phải dịch sao cho đúng ngữ nghĩa, mỗi ngôn ngữ đều có cái khác nhau, tùy theo ngữ cảnh mà mình dịch giúp họ sao cho phù hợp. Đồng thời, cũng cần linh hoạt thay đổi các cấu trúc ngữ pháp khi dịch thư để không gây nhàm chán.

Hiện nay, việc viết thư tay đã không còn phổ biến, người ta quen với việc gửi email. Ông nghĩ gì vềđiều này?

- Bây giờ, trào lưu nó như vậy, gửi email thì nhanh hơn nhiều, lại có các công cụ trợ giúp như Google dịch. Nhưng nếu dịch trực tiếpcùng mình thì người ta dễ dàng truyền đạt ý hơn, ý nghĩa bức thư đúng hơn. Ví dụ như thư gửi con thì mình hỏi xem là con trai hay con gái để dịch cho chính xác.Còn sử dụng các công cụ thì nhiều khi sai, không chính xác được.

Là người viết thư thuê lâu nhất và cuối cùng ở Việt Nam, dù bây giờ đã đủ tuổi nghỉ hưu nhưng ôngvẫn tiếp tục viết thư thuê. Vậy điều gì khiến ông kiên trì với cái nghề này?

- Lúc tôi bắt đầu viết thư thuê thì đã có mấy người làm trước, bây giờ họ chết hết rồi, tôi đang làm thì tiếp tục làm luôn thôi. Đây lại là nghề duy nhất không có người thay thế, thành ra được coi là điểm sáng cho Bưu điện Sài Gòn nên dù đến tuổi nghỉ hưu rồi, tôi vẫn xin Bưu điện được tiếp tục làm tư vấn viết thư thuê.

*Ông có thấy vui với nghề viết thư thuê của mình không?

- Còn phụng sự được là còn vui thôi cô.

Ông Ngộ vẫn luôn cất giữ bài báo đầu tiên viết về mình của tờ Spiegel (Đức) như một món quà kỉ niệm cho nghề viết thư thuê suốt mấy chục năm của mình.

*Trong suốt thời gian làm nghề, chắc hẳn ông có rất nhiều kỉ niệm. Vậy kỉ niệm nào với ông là đáng nhớ nhất?

- Kỉ niệm thì nhiều, nhưng cái bổn phận của người làm bưu điện là không được nói với người khác câu chuyện mà mình làm cho người nào đó, thành ra cứ viết xong là quên. Vì đó là tâm thư, là tình cảm của khách nên phảigiữ bí mật.

*Người ta đặt cho ông những biệt danh như là “người viết thư tình xuyên thế kỉ”,“người nối thế giới bằng cây bút mực”, “người giữ hồn cho những lá thư tay”.Ông cảm thấy thế nào khi được gọi bằng những cái tên ấy?

- Cái đó là cách để truyền thông giúp bài báo được chú ý thôi, chứ thật sự thì cái nghề của tôi không đến mức độ đáng khen như vậy.

*Được biết, ông được rất nhiều báo đài trong và ngoài nước biết đến. Cơ duyên nào khiến truyền thông biết đến ông ?

- Bài phỏng vấn tôi trên tờ Spiegel của Đức là bài báo đầu tiên giới thiệu về tôi, nhờ bài báo này mà tôi mới được truyền thông ở Việt Nam biết đến và phỏng vấn. Ngoài ra cũng có nhiều nước khác đến phỏng vấn và giới thiệu về tôi, cách đây 3 tuần, tôi được truyền hình bởi một hãng truyền thông của Đức. Nhiều du khách nước ngoài đi du lịch Việt Nam nghe nói về tôi, cũng có đến chào và thăm tôi khi tham quan Bưu điện thành phố.

* Năm 2010, Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam công nhận ông là “người viết thư thuê chuyên nghiệp nhất trong lịch sử ngành bưu điện Việt Nam”. Ông cảm thấy như thế nào về những điều ông đã đạt được?

- Tôi cảm thấy rất vui và biết ơn trước những tình cảm mọi người dành cho tôi. Tôi sẽ cố gắng để phụng sự tốt hơn nữa.

*Cảm ơn ông.

Chủ đề chính: #viết_thư

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn