Cú mèo

Nguồn gốc biệt danh thú vị của một số địa danh

Đăng 7 năm trước

Nguồn gốc biệt danh của các địa danh đều có ý nghĩa riêng dựa trên lịch sử, văn hóa hoặc đặc điểm của nơi đó. Trong bài viết này chúng ta cùng tìm hiểu nguồn gốc và ý nghĩa tên hiệu của một số địa danh.

Vùng đất của mặt trời nửa đêm: Nauy

Na Uy, quốc gia xinh đẹp trên bán đảo Scandinavi, tọa lạc tại vùng cao với phần lớn lãnh thổ nằm ở phía Bắc vòng Bắc cực. Vào các tháng mùa hè từ cuối tháng Năm đến cuối tháng 7, mặt trời không bao giờ lặn xuống dưới đường chân trời ở khu vực phía Bắc vòng Bắc cực. Vì vậy mặt trời vẫn chiếu rọi lúc nửa đêm ở những khu vực này và người dân sống tại đây sẽ có thể thấy được mặt trời 24/24. Ngược lại, trong các tháng mùa đông từ cuối tháng 11 đến cuối tháng 01, mặt trời sẽ không bao giờ mọc hoàn toàn nằm trên đường chân trời và tại những vùng này sẽ chứng kiến cảnh không có ánh sáng mặt trời, thậm chí là vào ban ngày.

Vùng đất của lửa và băng: ICELAND

Iceland, nằm ở phía Bắc Đại Tây Dương, là một quốc gia có những đặc điểm địa chất rất đặc biệt. Do nằm ở khu vực vĩ độ Bắc, nên tại Iceland bạn có thể thấy phần lớn là băng, với diện tích các hồ nước và sông băng chiếm khoảng 15% diện tích đất nước. Reykjavik, thủ đô Iceland, có những nét độc đáo riêng của thành phố thủ đô cực bắc của thế giới. Mặt khác, nơi đây cũng là vùng có hoạt động địa chất mạnh mẽ với nhiều núi lửa, những vụ phun trào nủi lửa 2 lần trong mỗi thập kỷ đã mang đến cho vùng đất lớp dung nham giúp đất đai màu mỡ. Do vậy, 'Vùng đất của lửa và băng' là một biệt danh hợp lý phản ánh được đặc điểm của vùng đất với sông băng và suối nước nóng nằm liền kề nhau.

Thành phố của những ngọn tháp mơ ước: OXFORD

Oxford, thuộc nước Anh, với trường Đại học Oxford danh tiếng nhất thế giới, cũng là trường đại học lâu đời thứ 2 trên thế giới còn tồn tại đến ngày nay. Nhà thơ Matthew Arnold sống vào thời Nữ hoàng Victoria đã viết bài thơ Thyrsis mô tả Oxford là ‘Thành phố của những ngọn tháp mơ ước’ do những tòa kiến trúc lộng lẫy và hài hòa của Đại học Oxford. Và trên thực tế, những điểm tham quan du lịch hấp dẫn du khách nhất của thành phố Oxford là các trường Đại học.

Chiến trường của Châu Âu: BỈ

Từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 19, đây là chiến trường của nhiều cuộc đụng độ giữa các cường quốc của châu Âu. Do vị trí địa lý nằm giáp với các cường quốc châu Âu, có biên giới đất liền với Pháp, Đức, Luxembourg và Hà Lan, đồng thời giáp biển Bắc ở phía Tây Bắc, do đó nơi đây trở thành bàn đạp để các đế quốc tấn công đối thủ. Quốc gia này trở thành tuyến đường để Pháp tấn công Đức và ngược lại, Tây Ban Nha tấn công Hà Lan, Anh tấn công các đối thủ ở phía bên kia mặt trận. Đây là nơi diễn ra đụng độ nhiều nhất giữa các lực lượng tại châu Âu. Một số trận đánh điển hình như Fontenoy (trong cuộc chiến tranh Kế vị Áo giữa liên minh Phổ-Pháp với quân Áo – được sự hỗ trợ của Vương quốc Anh và Cộng hòa Hà Lan), Waterloo (trận đánh đặt dấu chấm hết Đế chế Napoléon) và Fleurus (Chiến tranh Cách mạng Pháp diễn ra từ năm 1792 đến năm 1802, giữa chính phủ Cách mạng Pháp với nhiều quốc gia châu Âu).

Quốc gia cầu vồng: NAM PHI

Nhà hoạt động nhân quyền Desmond Tutu, người đã nhận giải Nobel Hòa bình năm 1984, đã đưa ra một cụm từ độc đáo để mô tả quốc gia nằm ở cực Nam châu Phi sau bầu cử dân chủ toàn diện đầu tiên của Nam Phi được tổ chức vào năm 1994. Ông gọi Nam Phi là ‘Quốc gia cầu vồng’ để ám chỉ sự đa dạng về sắc tộc, văn hóa và mô tả Nam Phi sau khi kết thúc chế độ phân biệt chủ tộc Apartheid. Biệt hiệu này sau đó được Nelson Mandela phổ biến rộng rãi. Sự đa dạng chủng tộc tại Nam Phi từ tộc người bản địa San đến các di dân từ vùng Hạ Sahara châu Phi, châu Âu và châu Á. Có đến 11 ngôn ngữ chính thức được công nhận tại quốc gia này, và đây là một trong những quốc gia có nhiều ngôn ngữ chính thức nhất trên thế giới.

Nóc nhà của thế giới: DÃY NÚI PAMIR

Pamir là một dãy núi nằm tại Trung Á, được tạo thành tại điểm giao nhau của các dãy núi Thiên Sơn, Karakoram, Côn Lôn và Hindu Kush. Trải dài trên phần lãnh thổ của 4 quốc gia gồm Tajikistan, Kyrgyzstan, Afghanistan và Trung Quốc, đây là một trong những dãy núi cao nhất thế giới. Nguồn gốc của tên gọi Pamir được cho rằng bắt nguồn từ tiếng Ba Tư – với ý nghĩa là ‘nóc nhà của thế giới’ với các đỉnh núi cao nhất quanh năm phủ tuyết trắng, và tên gọi này là hoàn toàn phù hợp.

Cấm thành: LHASA (TÂY TẠNG)

Lhasa (nơi ở của các vị thần) là thủ phủ của Tây Tạng. Tọa lạc ở độ cao cách mực nước biển 3.500m, Lhasa là một trong những thành phố cao nhất thế giới. Nơi đây cũng là trung tâm tôn giáo của Tây Tạng hơn 450 năm với một loạt các tu viện Phật giáo vô cùng ấn tượng. Đây là nơi ở của các chức sắc tôn giáo và Thánh địa Potala từng là nơi các lãnh đạo tinh thần của Tây Tạng Đạt-lại Lạt-ma trú ngụ. Do ý nghĩa tôn giáo to lớn, không phải ai cũng được tiếp cận với thành phố này, đặc biệt là người nước ngoài. Với sự xa xôi cách trở về mặt địa lý và là thánh địa của Phật giáo Tây Tạng dẫn đến biệt hiệu “Cấm thành” của Lhasa.

Vùng đất thi sĩ: CHILE

Chile nổi tiếng với đường bờ biển dài, rượu ngon, dãy núi Andes và với những ai là tín đồ bóng đá hẳn rất quen thuộc bởi đây là quê hương của cầu thủ Alexis Sánchez. Nhưng Chile còn có truyền thống thơ ca giàu giá trị giúp đất nước này có biệt hiệu là ‘Vùng đất thi sĩ’. Đây là quê nhà của nhiều nhà thơ nổi tiếng, với 2 trong số đó đạt được Giải Nobel Văn học là Gabriela Mistral vào năm 1945 và Pablo Neruda năm 1971. Đây cũng là nơi khai sinh ra trào lưu “cơn mưa thơ ca” – khi hàng ngàn mẫu giấy nhỏ in các bài thơ được thả từ Dinh Tổng thống La Moneda sau khi Tổng thống Augusto Pinochet bị bắt tại London vào năm 2001. Trào lưu ‘cơn mưa thơ ca’ từ đó lan rộng đến những nơi khác như London (Anh), Berlin (Đức) và Warsaw (Ba Lan).

Món quà của sông Nile: AI CẬP

Ai Cập, vùng đất của một trong những nền văn minh cổ xưa nhất thế giới, với các phát kiến và sự phát triển vượt bậc nhờ vào món quà tuyệt vời – dòng sông Nile. Dòng sông Nile chảy qua Ai Cập tạo ra vùng châu thổ rộng lớn trước khi đổ vào Địa Trung Hải. Ai Cập nằm ở vùng thung lũng châu thổ màu mỡ bên rìa sa mạc Sahara. Trong lịch sử, sông Nile thường dâng cao và gây ra lũ lụt hàng năm, khi nước rút đi đã để lại lớp phù sa màu mỡ, khiến khu vực ven bờ sông trở thành vùng canh tác nông nghiệp phát triển, thúc đẩy phát triển nền văn hóa rực rỡ. Phần lớn diện tích Ai Cập bao bọc bởi Sa mạc Sahara với dân cư thưa thớt, dân cư chỉ tập trung đông ở các khu vực gần hoặc dọc theo bờ sông Nile, nơi có thể canh tác được. Do đó, sông Nile được xem như một phép màu giúp nền văn minh Ai Cập phát triển thịnh vượng.

Thành phố vĩnh hằng: ROME

Thủ đô của Italia, Rome, được bắt đầu xây dựng từ trước năm 753 trước Công nguyên, là một trong những thành phố cổ xưa nhất trên thế giới với sự sầm uất, thịnh vượng kéo dài liên tục. Lịch sử thú vị của nơi này bắt đầu từ một ngôi làng nhỏ đến một thành phố hiện đại,ghi dấu ấn với vô số các sự kiện nổi bật kéo dài hơn 2.500 năm lịch sử là một minh chứng rõ ràng cho sự bền vững và bền bỉ của thành phố. Rome ban đầu được nhà thơ La Mã Tibullus gọi là ‘Thành phố vĩnh hằng’ vào thế kỷ thứ I trước Công nguyên. Người La Mã cổ đại tin tưởng rằng cho dù có biến cố gì xảy với thế giới hay bao lần thay triều đổi vị, Rome vẫn luôn luôn trường tồn. Trên thực tế, theo dòng lịch sử, bắt đầu từ việc khai sinh đế chế La Mã hùng mạnh, đối mặt với sự hoành hành của bệnh dịch và nạn đói, thời kỳ Phục Hưng thịnh vượng đến giai đoạn đấu tranh chống lại sự xâm lăng của các thế lực ngoại bang và chuyển mình thành một thành phố hiện đại, niềm tin của người La Mã cổ đại là hoàn toàn có cơ sở.

(Nguồn Punditcafe)

Có thể bạn quan tâm:

Chủ đề chính: #tên_hiệu

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn