Cú mèo

Nguyên nhân của các triệu chứng thường gặp

Đăng 7 năm trước

Bạn có bao giờ tự hỏi vì sao chúng ta ngáp, ợ hơi, nổi da gà, nấc cụt hay hắt xì hơi... Bài viết sau đây sẽ cho bạn câu trả lời.

Cơ thể con người là một 'bộ máy' thống nhất, phức tạp và hoàn hảo nhất, bao gồm rất nhiều cơ quan, hệ cơ quan khác nhau. Hoạt động của các cơ quan trong cơ thể không biệt lập mà phối hợp, ăn khớp với nhau một cách nhịp nhàng. Thở, tuần hoàn máu, thay thế các tế bào chết, chống lại mầm bệnh, trao đổi thông tin, duy trì trí nhớ chỉ là một vài trong số hoạt động cơ bản mà cơ thể làm việc liên tục không ngừng nghỉ ngay cả khi chúng ta bước vào giấc ngủ sâu nhất. Trong một số trường hợp, kết quả của những hoạt động này sẽ tạo ra một số triệu chứng đáng chú ý như nổi da gà, ợ hơi, nấc cụt, ho, ngáp... Hầu hết chúng ta đều khá mù mờ về nguyên nhân và có khi là hoang mang vì nghĩ những triệu chứng này là dấu hiệu của bệnh tật. Trong bài viết này, chúng ta hãy cùng khám phá một số triệu chứng và lý giải nguyên nhân dưới góc nhìn khoa học.

NỔI DA GÀ

Tất cả chúng ta đều đã có vài lần bị nổi da gà trong đời. Nổi da gà (hay còn gọi là sởn gai ốc hoặc nổi gai ốc) là những nốt nhỏ xuất hiện trên da khi chúng ta lạnh hoặc trải qua những cảm xúc mạnh như sợ hãi, cảm giác đê mê, sung sướng hoặc “lên đỉnh”. Nổi da gà được tạo ra do sự co cơ ở chân lông, khiến những sợi lông dựng đứng lên. Hiện tượng này không chỉ xuất hiện ở con người mà còn được tìm thấy ở nhiều loài động vật có vú. Khi phản ứng với trời lạnh, ở động vật, lông của chúng sẽ dựng đứng lên và tạo ra một lớp cách nhiệt, giúp giữ ấm cơ thể. Ngoài ra, đây cũng là một cách tự vệ hữu hiệu ở loài vật vì khi xù lông giúp chúng trông lớn hơn và đáng sợ hơn để đánh đuổi kẻ thù.

Ợ HƠI

Ợ hơi thường gây khó chịu và khiến mọi người trở nên ngượng ngùng. Và mặc dù thỉnh thoảng nó còn có mùi, ợ hơi là hiện tượng hoàn toàn tự nhiên của cơ thể. Khi ăn hay uống, chúng ta thường nuốt vào cả không khí khiến dạ dày căng phồng và bụng khó chịu. Để giảm áp lực cho dạ dày, cơ thể buộc phải đào thải lượng không khí này thoát ra bằng đường miệng. Không khí được đào thải chủ yếu là hỗn hợp khí nitơ và oxy. Tuy nhiên, ợ hơi thường xảy ra khi uống các loại nước uống có ga, lượng khí thoát ra chủ yếu là cacbon điôxít từ các loại đồ uống này. Một số nguyên nhân khác bao gồm trào ngược dạ dày và viêm dạ dày.

TIẾNG RẮC KHI BẺ KHỚP TAY

Nhiều người trong chúng ta có xu hướng bẻ khớp tay khi căng thẳng hay lo lắng hoặc chỉ đơn giản là để giết thời gian! Việc làm này khiến chúng ta cảm thấy thoải mái, dễ chịu hơn. Nhưng điều gì đã tạo ra những tiếng kêu răng rắc? Nhiều giả thiết đã được đưa ra, nhưng các nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng khi bạn bẻ khớp tay, các khớp bị kéo giãn và bong bóng khí được tạo ra trong lòng chất lỏng hoạt dịch, tràn vào trong khoang trống giữa các khớp. Việc hình thành những bong bóng khí này (chủ yếu là cacbon điôxít) gây ra những tiếng kêu răng rắc mà chúng ta nghe thấy. Trong khi mọi người nghĩ rằng việc bẻ khớp ngón tay có thể gây ra chứng viêm khớp, nhưng thực tế vẫn chưa có bằng chứng thuyết phục chứng minh cho nhận định này.

HẮT XI HƠI

Đây là phản xạ tự nhiên của niêm mạc mũi và họng đối với kích thích do dị ứng, các yếu tố bên ngoài và nhiễm virus. Tác dụng của việc hắt hơi là tống khứ dịch nhầy chứa đựng các tác nhân gây kích ứng và làm sạch khoang mũi. Đây là một hành động không có chủ ý và không kiểm soát được, và có thể gây ra bởi việc tiếp xúc đột ngột với ánh sáng, nhiệt độ đột ngột thay đổi, thậm chí là đầy hơi.

HO

Ho là phản ứng của cơ thể đối với các kích thích tác động đến đường hô hấp gây ra bởi các hạt ở môi trường bên ngoài, dịch nhầy và nhiễm khuẩn. Tác dụng của ho tương tự như hắt hơi, làm thông thoáng đường hô hấp bằng cách loại trừ một cách mạnh mẽ không khí chứa các tác nhân gây kích thích qua đường miệng.Tuy nhiên không giống như hắt hơi, ho có thể chủ động, nghĩa là bạn có thể buộc bản thân phải ho, như chúng ta thường làm để giả vờ bị bệnh! Ho cũng có thể là hệ quả của các tác nhân khác như khó thở hay hút thuốc.

NẤC CỤT

Nấc cụt (trong y học gọi là chứng kích động cơ hoành đồng bộ) là sự co thắt không có chủ ý của cơ hoành khiến luồng khí hít vào đột ngột bị chặn đứng, thanh môn bất ngờ đóng kín, tạo ra tiếng nấc. Trong khi các nhà khoa học vẫn chưa đạt được kết luận cuối cùng về cơ chế dẫn đến nấc cụt, một số điều kiện có khả năng cao gây ra nấc cụt là nhiệt độ đột ngột thay đổi, ăn quá nhanh, thức ăn cay, dùng các thức uống có ga và trào ngược dạ dày. Trong hầu hết các trường hợp, nấc cụt sẽ tự khỏi khi cơ hoành thư giãn, hoạt động bình thường trở lại.

NGÁP

Ngáp ngắn ngáp dai trong một một cuộc họp chán ngắt hoặc khi bạn buồn ngủ là một việc khá khó chịu. Nhưng điều gì thật sự xảy ra khi chúng ta ngáp và tại sao chúng ta ngáp? Khi chúng ta ngáp, miệng chúng ta mở rộng, cho phép hít vào không khí tối đa. Không khí đi vào làm phổi căng lên hết cỡ, cơ bụng hóp lại và đẩy cơ hoành xuống. Một vài giả thiết được đưa ra giải thích tại sao chúng ta ngáp, nhưng có hai giả thiết phổ biến nhất là: 1) nó là cơ chế để làm mát não bộ bằng cách chuyển máu “nóng” khỏi não và vận chuyển máu “mát hơn” từ phổi; 2) đó là cơ chế đồng cảm xã hội, giả thiết này giải thích tại sao ngáp là thứ ‘dễ lây lan’. Nó cũng thường được cho là gắn liền với sự buồn chán và mệt mỏi.

TÊ BÌ TAY CHÂN

Tê bì là triệu chứng thường gặp, thường xảy ra cánh tay, chân hay bàn chân với cảm giác ngứa ran, tê rần hay nhói như kim chích. Trong hầu hết các trường hợp, đây chỉ là triệu chứng nhất thời và không gây ra các cơn đau. Hiện tượng này xảy ra khi dồn áp lực lên một bộ phận cơ thể do nghiêng, tựa tại một vị trí quá lâu. Áp lực khiến dây thần kinh bị chèn ép, máu tạm thời không thể lưu thông, vì vậy nó ngăn cản dây thần kinh gửi các tín hiệu quan trọng đến não. Cảm giác tê rần thường dịu đi khi ngồi, đứng đúng tư thế, tuần hoàn máu phục hồi giảm áp lực cho bộ phận bị tê. Hầu hết mọi người đôi khi cũng bị chứng tê bì này nhưng nếu nó diễn ra thường xuyên thì rất có thể là dấu hiệu chức năng dây thần kinh có vấn đề hoặc tuần hoàn máu kém.

SÔI BỤNG

Bạn đã từng rơi vào hoàn cảnh đang ở trong một buổi họp hay cuộc hẹn quan trọng và cố gắng ngăn bụng ngừng kêu? Mặc dù đôi khi có thể khiến khổ chủ lúng túng và ngượng nghịu, sôi bụng (cũng được gọi là sôi ruột) là một triệu chứng diễn ra hoàn toàn tự nhiên. Tiếng sôi ùng ục được tạo ra do sự co bóp của các cơ trong thành ruột khi thức ăn và không khí đi qua ruột. Thành ruột co để trộn thức ăn qua ruột và giúp tiêu hóa. Quá trình này gọi là nhu động, xảy ra cả ngày và vì thế tạo ra tiếng kêu ùng ục, dầu vậy hầu như là tiếng kêu không đủ lớn để chúng ta có thể nghe thấy. Tiếng sôi của bụng lớn nhất khi bụng trống, vì vậy khi chúng ta đói thường sẽ nghe thấy bụng kêu ùng ục.

(Nguồn Punditcafe)

Có thể bạn quan tâm:

Chủ đề chính: #triệu_chứng_thường_gặp

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn