Woody Übermensch Mình thích thì mình viết thôi

Nguyên nhân tại sao những công ty “tầm phào” kiếm được rất nhiều tiền.

Đăng 8 năm trước

Tại sao một công ty sở hữu trang web với nội dung nhảm nhí như Buzzfeed lại được định giá tới 850 triệu USD? Khi nào thì "vitamin" biến thành "thuốc giảm đau"?

Bạn đã bao giờ tự hỏi làm thế nào một công ty như Buzzfeed được biết đến với trang web của họ tràn đầy những nội dung kém chất lượng, những bài viết tầm phào nhạt nhẽo nhưng giật tít tung trời, những câu trắc nghiệm vớ vẩn và ảnh động GIF xấu xí lại có thể kiếm được lợi nhuận hơn 50 triệu USD, và vừa được định giá 850 triệu USD. Còn Snapchat, một ứng dụng nhắn tin nhằm giúp thanh thiếu niên “chim chuột” lẫn nhau lại được định giá tới 10 tỉ USD từ các nhà đầu tư. Phải chăng thế giới đã phát điên?

Một số nhà quan sát cho rằng sự bùng nổ gần đây của các trang web và ứng dụng tầm phào là một dấu hiệu báo trước cho bong bóng công nghệ 2.0. Nhưng có vẻ mọi chuyện còn phức tạp hơn vẻ bề ngoài của nó.

Nhiều tiền

1. "Vitamin” và “thuốc giảm đau”:

Để phân tích vấn đề này, trước tiên chúng ta làm quen với 2 khái niệm “vitamin” và “thuốc giảm đau”. Tất nhiên 2 khái niệm này không hề liên quan gì tới dược phẩm, chúng chỉ là những hình ảnh ẩn dụ.

Hầu hết chúng ta, kể cả các nhà đầu tư chuyên nghiệp, đều phân loại các sản phẩm mới thành 2 loại : vitamin và thuốc giảm đau.

Thuốc giảm đau giải quyết những vấn đề quan trọng. Chúng giải quyết những nhu cầu rõ ràng của khách hàng và của thị trường. Ví dụ các bộ máy tìm kiếm như Google, các trang web thương mại điện tử phục vụ nhu cầu mua sắm của mọi người, ngân hàng điện tử, các dịch vụ lưu trữ dữ liệu trực tuyến, các trang báo điện tử… đều có thể coi là những “thuốc giảm đau”.

Ngược lại, “vitamin” không nhất thiết phải giải quyết một nhu cầu rõ ràng, nó chủ yếu để thỏa mãn nhu cầu tâm lý của người dùng hơn là nhu cầu chức năng. Nếu ăn uống đủ chất thì bạn không cần phải uống viên viamin, chỉ những người được bác sĩ chẩn đoán là thiếu vitamin mới cần phải uống. Tuy nhiên, trong thực tế nhiều người vẫn thích uống viên vitamin mỗi ngày. Bởi vì nó thỏa mãn tâm lý rằng chúng ta quan tâm tới sức khỏe của mình, còn nó có hiệu quả gì hay không thì không quan trọng. Buzzfeed, Snapchat … và thậm chí cả Facebook đều có thể coi là những “vitamin”.

Một người đang đau răng nếu quên uống thuốc giảm đau có thể gây ra những cơn đau dữ dội nhưng nếu ai đó quên uống một liều vitamin thì cũng chẳng gây ra bất kỳ hậu quả nào. Tương tự như vậy, các nhà đầu tư thường có xu hướng bỏ qua những công ty như Buzzfeed vì cho rằng chúng chỉ là “vitamin”, có cũng được mà không có cũng chẳng sao. Các nhà đầu tư yêu thích “thuốc giảm đau” bởi vì chúng nghiêm túc và quan trọng.

Nhưng chúng ta lại không nhận thức được rằng, theo thời gian, đôi khi một số loại vitamin có thể “biến thành” thuốc giảm đau.

2. Khi “vitamin” biến thành “thuốc giảm đau”:

Chris Dixon, một nhà đầu tư của Buzzfeed đã từng viết:

“Những thứ lớn lao tiếp theo, khi mới bắt đầu trông chúng sẽ giống như những món đồ chơi.”

Chúng ta hãy xem xét một số sản phẩm công nghệ thông tin "hot" nhất hiện nay là Facebook, Twitter, Instagram và Pinterest. Chúng bán gì? “Thuốc giảm đau” hay “vitamin”?

Hầu như tất cả mọi người sẽ trả lời là “vitamin”. Bởi vì hầu hết chúng ta chẳng làm gì quan trọng trên Facebook ngoài việc up ảnh tự sướng, viết status sến súa và câu like. Tất nhiên vẫn có một số người sử dụng Facebook như một công cụ đắc lực cho thương mại điện tử và kinh doanh trực tuyến nhưng đó chỉ là thiểu số. Với đa số người dùng, Facebook chỉ là “vitamin”.

Vitamin

Nhưng hãy xem xét điều này: Khi một thói quen trở thành cơn nghiện, việc dừng tiêu thụ sẽ gây ra đau đớn.


Hãy nhớ lại khoảng thời gian mà Facebook và các mạng xã hội khác chưa xuất hiện. Không có ai thức dậy vào lúc nửa đêm và hét lên “Tôi cần một thứ gì đó để giúp tôi cập nhật status của tôi hàng ngày!”. Người dân không biết rằng mình cần Facebook cho đến khi nó trở thành một thứ không thể thiếu trong cuộc sống của họ - cho đến khi nó trở thành một thói quen.

Khi chúng ta đã quen dùng một thứ gì đó, nếu bỗng nhiên không được sử dụng nó nữa, chúng ta sẽ thấy ngứa ngáy khó chịu.

Các công nghệ gây nghiện lúc đầu xuất hiện như một “vitamin”, nhưng dần dần khi thói quen sử dụng của bạn đã hình thành, chúng biến thành “thuốc giảm đau” và bạn phụ thuộc vào chúng.

Woody Übermensch - Ohay TV

Chủ đề chính: #trang_web

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn