Phạm Thị Ngọc Mai

Nguyên nhân xao lãng và mẹo giúp bạn tập trung

Đăng 8 năm trước

Các nguyên nhân khiến bạn xao lãng và mẹo giúp tập trung hiệu quả, từ sử dụng thực phẩm tới duy trì thói quen tốt và loại bỏ các thói quen xấu.

Các nguyên nhân khiến bạn xao lãng và mẹo giúp tập trung hiệu quả, từ sử dụng thực phẩm tới duy trì thói quen tốt và loại bỏ các thói quen xấu. Mời các bạn cùng tham khảo.

Mô tả hình ảnh

Mạng xã hội

Thế giới công nghệ giúp bạn thật dễ dàng kết nối với bạn bè, cũng tức là ngắt kết nối với công việc, cả vài lần mỗi giờ đồng hồ. Mỗi lần cập nhật trạng thái là một lần bạn tạm dừng mạch suy nghĩ và lại phải bắt đầu lại khi quay về với công việc.

Khắc phục như thế nào

Tránh truy cập mạng xã hội khi đang làm việc. Nếu bạn “nghiện” truy cập facebook, instagram thường xuyên, hãy cố gắng chỉ đăng nhập vào thời gian giải lao. Khi đó bạn có thể xem hàng loạt bài đăng của bạn bè mà không sợ bị ngắt mạch suy nghĩ. Nếu bạn vẫn không thể ngừng lướt mạng xã hội, hãy mang laptop ngồi chỗ nào mà bạn không có kết nối mạng trong vài giờ.

Email

Các email liên tục xuất hiện trong hộp thư và thôi thúc bạn trả lời ngay. Mặc dù các email đó liên quan tới công việc nhưng chúng khiến bạn xao lãng khỏi dự án đang làm. Công việc không tiến triển là mấy nếu bạn ngay lập tức dừng việc đang làm để trả lời mỗi lúc có email đến.

Khắc phục như thế nào

Thay vì kiểm tra hộp thư liên tục, hãy xác định thời gian cho việc đó. Vào những khoảng thời gian còn lại, hãy tắt chức năng thông báo thư mới hay đơn giản là thoát khỏi email. Làm được điều này giúp bạn có những khoảng thời gian tập trung tối đa cho công việc.

Điện thoại di động

Tiếng chuông điện thoại gây mất tập trung hơn email gấp nhiều lần. Rất ít người trong chúng ta có khả năng bỏ qua âm thanh này. Mặc dù trả lời một cuộc gọi không chỉ mất thời gian của chính cuộc điện thoại đó mà còn khiến mạch tư duy của bạn bị gián đoạn.

Khắc phục như thế nào

Bạn có thể sử dụng hộp thư thoại giúp người gọi để lại lời nhắn. Đặc biệt khi đang làm một công việc cần tập trung cao độ, hãy để điện thoại trong chế độ im lặng. Tương tự email, bạn có thể dành một khoảng thời gian nhất định trong ngày để nghe và xử lý tất cả thư thoại.

Làm nhiều việc cùng lúc

Bạn có thể tin tưởng vào khả năng làm nhiều việc cùng lúc của mình và nghĩ điều đó giúp bạn tiết kiệm thời gian. Trên thực tế, nhiều nghiên cứu cho thấy bạn sẽ lãng phí thời gian chuyển sự tập trung từ việc này sang việc kia. Kết quả là làm cùng lúc nhiều việc sẽ mất thời gian hơn làm lần lượt từng việc một.

Khắc phục như thế nào

Bất cứ khi nào có thể, hãy dành sự tập trung cho một công việc trong một khoảng thời gian nhất định, đặc biệt khi bạn đang làm các công việc yêu cầu sự tập trung cao độ. Bạn vẫn có thể áp dụng khả năng làm nhiều việc nhưng chỉ trong các trường hợp không yêu cầu gấp rút hay những việc lặt vặt.

Sự chán nản

Một ngày bạn có thể làm nhiều việc, trong đó một số việc dường như nhàm chán hơn các việc còn lại. Những việc nhàm chán này khiến bạn xao lãng. Và khi đó, Internet, điện thoại – những tác nhân gây xao lãng - sẽ trở nên hấp dẫn.

Khắc phục như thế nào

Hãy tự thoả thuận với bản thân: Nghỉ ngơi 10 phút sau mỗi khoảng thời gian tập trung cho công việc. Tự thưởng mình bằng một tách café, đồ ăn vặt hoặc đi bộ hít thở không khí ngoài trời. Bạn sẽ dễ hoàn thành các công việc nhàm chán nếu có thêm động lực. Đây là lúc bạn có thể thực hiện nhiều việc một lúc, như vừa nghe nhạc vừa sắp xếp chứng từ. Làm một việc bạn thích sẽ giúp kéo dài thời gian bạn có thể dành cho một nhiệm vụ nhàm chán.

Nghĩ đến những thứ không liên quan

Thật khó để tập trung làm việc nếu đầu óc bạn còn đang mải nghĩ đến việc nhà hay những thứ lặt vặt dang dở, hay tâm trí còn đầy những dư âm của một cuộc gặp gỡ ngày hôm qua. Bất cứ suy nghĩ nào không liên quan đều khiến bạn bị xao lãng.

Khắc phục như thế nào

Hãy viết ra những thứ khiến bạn bận tâm. Lên một danh sách công việc vặt hay việc nhà bạn cần thực hiện. Ghi lại những dấu ấn về câu chuyện ngày hôm trước vào nhật ký. Khi đã “gửi” những suy nghĩ này lên giấy, bạn sẽ tránh bị xao lãng.

Stress

Khi bạn cảm thấy căng thẳng vì quá nhiều thứ, sẽ rất khó để tập trung cho một công việc nhất định. Tình hình còn tệ hơn vì stress có thể gây ra một số triệu chứng khó chịu trên cơ thể như đau vai, đau đầu, tim đập nhanh. Những điều này càng khiến bạn khó tập trung hơn.

Khắc phục như thế nào

Hãy học cách kiểm soát stress. Một phương pháp hiệu quả là thiền. Thiền giúp bạn giảm thiểu những suy nghĩ căng thẳng, giúp lấy lại khả năng tập trung. Bạn cũng có thể tìm đến các loại thực phẩm giúp làm giảm stress.

Mệt mỏi

Mệt mỏi khiến bạn rất khó để tập trung ngay cả khi không gặp các tác nhân gây xao lãng nêu trên. Các nghiên cứu cho thấy ngủ ít làm giảm khả năng tập trung và ảnh hưởng xấu tới trí nhớ ngắn hạn.

Khắc phục như thế nào

Đa phần người trưởng thành cần ngủ từ 7-9 tiếng mỗi đêm. Hãy luôn ưu tiên ngủ đúng giờ và đủ giấc. Thói quen này giúp bạn có những giờ làm việc chất lượng hơn khi thức dậy. Bên cạnh đó, hãy chú ý xem khoảng thời gian nào trong ngày bạn làm việc hiệu quả nhất và sắp xếp các công việc cần tập trung cao độ vào những thời gian đó.

Đói

Não bộ sẽ không thể làm việc được nếu thiếu năng lượng. Vì vậy, bỏ bữa, đặc biệt là bữa sáng, là nguyên nhân chính khiến bạn mất khả năng tập trung.

Khắc phục như thế nào

Đừng để cơ thể bạn trong tình trạng bị đói, luôn cung cấp đủ năng lượng cho não bằng những thói quen tốt sau:

  • Không bỏ bữa sáng
  • Ăn các thực phẩm có hàm lượng đạm cao (sữa, quả hạch)
  • Không ăn thực phẩm thuộc nhóm hấp thu nhanh Carbohydrate (đồ ngọt)
  • Chọn thực phẩm thuộc nhóm hấp thu chậm Carbohydrate (ngũ cốc)

Chủ đề chính: #nguyên_nhân_xao_nhãng

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn