pd Hung

Nhạc 'xưa'

Đăng 5 năm trước

Nhạc 'xưa' là gì? Tại sao lại phải dùng từ 'xưa'? Có chăng là do những nét nhạc đó đã quá xưa cũ và những giá trị nó mang lại đã không còn đáng giá nữa.

Tại sao lại gọi là "xưa"

Từ "xưa". Một từ ngữ diễn tả sự bào mòn của thời gian đối với một sự vật, sự việc nào đó. Đó là một quy tắc bắt buộc, cái cũ đi rồi cái mới sẽ đến - "Tre già thì măng mọc", không có gì là trường tồn mãi với thời gian và âm nhạc cũng vậy.

Thật ra không có một giai thoại, giai đoạn nào để có thể nói chính xác nhạc từ khi nào là "xưa". Đối với bản thân chúng ta nhắc đến nhạc xưa có lẽ chúng ta sẽ nghĩ ngay đến dòng nhạc vàng, nhạc mùi, nhạc trữ tình mang âm điệu quê hương ... với những bạn nhạc như Phút cuối(Lam Phương) - Xuân này con không về(Nhật Ngân) - Nhật ký đời tôi(Thanh Sơn) -Về đâu mái tóc người thương(Hoài Linh)... với lời ca trữ tình bình dân được viết trên những giai điệu chậm buồn đều đều (bolero, rumba, ballade...).

Phố vắng em rồi(Mạnh Phát) - Ca sỹ: Tuấn Vũ

Bên cạnh đó phải kể đến dòng nhạc tình mang hơi hướng của các dòng nhạc tiền chiến trước năm 1954, thường theo điệu Slow Rock, Slow Ballad, Slow Fox... Tiêu biểu phải kể đến các nhạc sĩ như Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Phạm Đình Chương, Vũ Thành An, Tuấn Khanh.... với các ca khúc như Diễm Xưa(Trịnh Công Sơn) - Nửa hồn thương đau(Phạm Đình Chương), bài không tên của Vũ Thành An... Điều đặc biệt phải nói đến dòng nhạc này có lẽ chính là ca từ trong âm nhạc, lời của ca khúc được các nhạc sĩ trau chuốt rất kỹ càng qua từng bài hát "Lá thốt lên lời cây, gió lũ đưa đường mây"(Tình khúc thứ nhất - Vũ Thành An phổ thơ Nguyễn Đình Toàn), "Vạt tóc nâu khô còn chút thơm tho, thả gió bay đi mịt mù"(Nghìn trùng xa cách - Phạm Duy)...

Nghìn trùng xa cách(Phạm Duy) - Ca sĩ: Quang Dũng

Xa hơn nữa phải kể đến dòng nhạc tiền chiến ra đời vào khoảng những năm 1930 mở đầu cho nền Tân nhạc Việt Nam. Các bài hát đa phần theo điệu  Valse, Tango, Blues mang âm hưởng trữ tình lãng mạn.... Các nhạc sĩ tiêu biểu có thể kể đến như Phạm Duy, Văn Cao, Đặng Thế Phong, Nguyễn Văn Tý, Nguyễn Văn Đông... 

Dư Âm(Nguyễn Văn Tý) - Ca sĩ: Quang Dũng

Ngoài ra còn có các dòng nhạc như Cải lương, Tân cổ giao duyên, Vọng cổ, Hát chèo, Hát bội... mà không thể kể hết được. Ở đây chỉ nêu vài dòng nhạc tiêu biểu trong rất nhiều dòng nhạc của lịch sử Việt Nam mà thôi. Tất cả các dòng nhạc trên đều đã trải qua một thời gian rất dài từ khi ra đời, đã chứng kiến không biết bao nhiêu sự thay đổi của con người và đất nước. Nhưng đều có một điểm chung đó chính là chúng vẫn mãi tồn tại trong tim của mỗi con người Việt Nam dù ở bất cứ đâu, bất cứ thời điểm nào. Không phải cứ xưa cũ thì sẽ bị biến mất. Đúng là mỗi thời mỗi khác,không thể nào yêu cầu các bạn trẻ phải yêu thích những dòng nhạc "xưa", nếu các bạn ấy yêu thích hẵn là các bạn sẽ tự tìm đến nó mà thôi. Thời điểm khác nhau sẽ có những con người khác nhau, và những con người đó sẽ tạo nên những văn hóa khác nhau, chúng ta không áp đặt suy nghĩ của mình lên người khác. Không phải là tôi thích thì các bạn cũng phải thích, điều đó là quá vô lý bởi vì con người chúng ta không ai giống ai, mỗi người có một điểm khác biệt của họ, có vậy thì mới tạo nên được xã hội. Âm nhạc cũng vậy, mỗi dòng nhạc mang một ý nghĩa, thông điệp khác nhau, có như vậy thì mới tạo nên được sự đa dạng và đặc sắc của âm nhạc đương thời.

Có những bạn trẻ thích nghe nhạc của các ca sĩ như Sơn Tùng MTP, Bùi Anh Tuấn, Noo Phước Thịnh, Đông Nhi... nhưng bên cạnh đó cũng có rất nhiều các bạn dù còn trẻ nhưng lại thích nghe những dòng nhạc vàng, nhạc trữ tình. Không quan trọng là bạn thích nghe dòng nhạc nào, nó có "xưa" hay mới gì cũng được, bởi vì suy cho cùng âm nhạc đem đến cho ta sự thoải mái, sự đồng cảm, khi buồn chúng ta nghe nhạc buồn như thể là chúng ta đang tâm sư với chính bản thân mình thông qua âm nhạc vậy, chúng ta tìm đến những bản nhạc có giai điệu nhẹ nhàng, chậm rãi, buồn bã hơn đó là thời điểm bạn có thể tìm đến những bản nhạc "xưa" và cảm nhận chúng hay như thế nào, hay lúc vui chúng ta cũng có thể tìm đến các bản nhạc vui tươi tiết tấu nhanh hơn, máu lửa hơn, để thỏa sức "quẩy" cùng với mọi người, đây lại là thời điểm để nhạc trẻ phát huy sức mạnh. Nói như vậy không có nghĩa nhạc trẻ chỉ toàn nhạc vui hay nhạc "xưa" chỉ toàn nhạc buồn, ở đây đang lấy ví dụ về sự đa dạng trong âm nhạc mà thôi, còn đương nhiên ai thích nghe dòng nhạc nào thì tùy ý mỗi người.

Lời kết:

Âm nhạc không hề có bất kỳ một ràng buộc nào cả, dòng nhạc "xưa" còn tồn tại đến bây giờ đơn giản là vì nó vẫn còn thu hút được lòng người, vẫn còn đọng lại nét quyến rũ của riêng bản thân nó, vẫn còn những người thích nghe dòng nhạc này. Và chắc rằng dẫu có qua bao nhiêu thế hệ, sự thay đổi thì chắc rằng nó sẽ còn tồn tại mãi với thời gian cũng như lịch sử của mảnh đất hình chữ S này.

Bài viết trên đa phần mang quan điểm cá nhân nên không tránh khỏi sai sót, xin cảm ơn bạn đọc đã dành thời gian để đọc bài viết.

Chủ đề chính: #âm_nhạc_việt_nam

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn