Yun Chan Độc thân không vui tính..

Nhắn tin thực sự huỷ hoại cuộc sống của bạn (Về mặt khoa học lẫn tâm lý)

Đăng 5 năm trước

Nhắn tin có lẽ là một trong những tình huống mâu thuẫn nhất trong thời đại chúng ta.

Chúng ta thích nhắn tin bởi những biểu tượng cảm xúc Emoji dễ hiểu và ngộ nghĩnh, nhưng có lẽ chúng ta đều không nhận ra rằng nó đang khiến chúng ta cảm thấy mình nhảm nhí như thế nào. Tất cả mọi người đều nghiện cảm giác dấu báo tin nhắn màu đỏ nhấp nháy trên màn hình, nhưng sẽ thế nào khi bạn chờ đợi một câu trả lời chẳng bao giờ tới? Sẽ thế nào khi bạn chỉ đang tỏ ra mỉa mai, nhưng đối phương lại hiểu nó thành thô lỗ, xúc phạm? Hay thế nào là sự kì vọng phiền phức đi kèm với việc phải luôn trả lời đầy đủ các tin nhắn, mọi lúc mọi nơi, hay những tin nhắn dở dang làm bạn như kẻ hâm? Dưới đây là các tác nhân gây hại tâm lý của bạn gây ra bởi việc nhắn tin thời nay, những sát thủ trong thầm lặng. 

Sự thiếu vắng những cử chỉ giao tiếp phi ngôn ngữ quan trọng

Giao tiếp phi ngôn ngữ, bao gồm ngữ điệu, biểu cảm khuôn mặt và ngôn ngữ cơ thể, là một phần cốt yếu của cuộc sống thường ngày. Chắc chắn rằng chẳng điều nào trong số này được chuyển tải qua tin nhắn, và nó sẽ gây ảnh hưởng đến cách mọi người giao tiếp với bạn.Nếu thế mạnh của bạn thường là sự cá tính, khiếu mỉa mai hài hước hay khả năng gây cười trong các tình huống, thì bạn có thể sẽ phải chào tạm biệt chúng khi chuyển qua sử dụng tin nhắn điện thoại. Chúc may mắn khi bạn cố gắng thể hiện lời lẽ xúc phạm kiểu cợt nhả của bạn qua tin nhắn khi thực chất đó chỉ là một trò đùa. Khi thiếu đi ngữ điệu phù hợp và qua màn hình điện thoại, nó sẽ rất dễ tổn thương đối phương. Ngữ pháp và chữ in hoa trong tin nhắn bây giờ lại thực hiện vai trò của những giao tiếp phi ngôn ngữ quan trọng. Chúc bạn vui vẻ trong trong trò chơi cố gắng viết dấu chấm câu chỉ để kết thúc câu mà thôi. Có một nguyên tắc luôn đúng là khi bạn cho một dấu chấm câu xuất hiện trong tin nhắn, mọi người đều sẽ nghĩ bạn đang tỏ ra nghiêm túc, dù bạn thực sự không.“Ê, họ đâu có bất cứ dấu hiệu phi ngôn ngữ nào thể hiện mong bạn nói tiếp, thế thì bạn còn mong đợi gì nữa? Còn khi bạn nhận thấy điều gì đó buồn cười? Làm thế nào để ai đó biết được việc bạn “haha” chẳng qua chỉ là một từ đế thêm vào lời bình luận gượng gạo hay là bạn đang cười thực sự?Bạn cần phải có một hành động thực tế, một tiếng cười khúc khích để đi kèm với “haha”, nhưng không may cho bạn, tin nhắn chữ không truyền tải âm thanh và hình ảnh. Bởi vậy bạn phải viết “HAHAHA,” một cụm từ mà chẳng ai muốn đọcNhắn tin gây rối loạn những hiểu biết nền tảng của chúng ta về tín hiệu phi ngôn ngữ, và thay thế chúng bởi những tín hiệu thường là sai lệch. Những tín hiệu phi ngôn ngữ thông thường đã khó để diễn đạt. Và nhắn tin càng khiến vấn đề đó trở nên tệ hại hơn nhiều lần.

Đàn ông và phụ nữ, họ yêu những tin nhắn đến đâu?

Các cô gái, có bao giờ các bạn băn khoăn rằng bạn trai hay người bạn cảm nắng ít khi thực sự hứng thú với việc nhắn tin, trong khi đó tại sao bạn có thể tán gẫu hàng giờ liền về tỉ thứ linh tinh với cô bạn thân.Và các chàng trai, có bao giờ bạn tự hỏi tại sao đôi lúc các cô gái lại có thể nhắn tin như tổng đài điện thoại? Bởi đàn ông và phụ nữ có sự đánh giá khác nhau về giao tiếp. Mỗi giới tính có sự ưu tiên khác nhau với giao tiếp, và đôi khi, họ làm đối phương cảm thấy không thể hiểu được. Rất nhiều các học giả nghiên cứu về giao tiếp, trong đó có Ronald D. Smith, một giáo sư về truyền thông ở Đại học Buffalo (Đại học bang New york), cho rằng nam giới thông qua giao tiếp để truyền đạt thông tin và nữ giới giao tiếp nhằm thiết lập thêm sự thân mật. Đối với nam giới, giao tiếp là một hình thức để trao đổi thông tin; một khi thông tin cần thiết đã được trao đổi xong, họ cảm thấy dường như không còn gì để nói.Với nữ giới thì ngược lại, họ nhìn nhận giao tiếp là một phương tiện để tìm sự đồng điệu, chia sẻ và kết nối, vậy nên phạm vi cuộc hội thoại của nữ giới là trên trời dưới bể. Đây cũng chính là gốc rễ của vấn đề. Nhắn tin cũng là một hình thức giao tiếp phục vụ mục đích. Phụ nữ thì nhắn tin để trở nên gắn kết hơn, nhưng đàn ông thì tạo mối quan hệ bằng cách cùng nhau thực hiện các hoạt động, như cùng chia sẻ các kĩ năng mới, chơi thể thao hay chơi game, xem phim hoặc cùng nhau tập gym. Nếu đàn ông không nhắn tin cho phụ nữ một cách đều đặn và nhiệt tình như cô ấy nhắn cho anh, cô có thể nghĩ rằng anh chàng này chẳng còn hứng thú gì với mình. Cô sẽ hiểu sự xao nhãng đó nghĩa là anh ấy không muốn gắn bó, và rồi chàng trai có thể tự hỏi mình rằng tại sao cô lại sớm nắng chiều mưa như vậy. Chẳng qua nhắn tin không phải phương pháp tạo sự thân mật ưa thích của đàn ông mà thôi.Họ cần giao tiếp kết hợp với một hoạt động, nên có lẽ anh ấy sẽ yêu bạn hơn nếu bạn tới chơi và cùng nhau xem một bộ phim. (Thành thực mà nói, làm vậy có khi lại tiện cả đôi đường.)

Cảm giác sai lệch về quyền lực.

Với việc nhắn tin, một định nghĩa mới về quyền lực được tạo ra. Qua lịch sử và chính trị, quyền lực được định nghĩa là khả năng gây ảnh hưởng và chi phối hành vi của người khác. Còn thời nay, quyền lực tương đương với việc ai đó sẽ phải chờ đợi tin nhắn trả lời của bạn. Luôn luôn có một cuộc giao tranh rõ ràng về quyền lực khi những tin nhắn qua lại. Mỗi lần bạn gửi một tin nhắn, luôn tồn tại một khả năng bạn sẽ bị lờ đi.Bất kể bạn nghĩ tin nhắn của mình quan trọng thế nào, người nhận có thể chỉ đơn giản cho điện thoại vào túi quần và hoàn toàn phớt lờ sự tồn tại của bạn. Nhưng điều này dường như không thể xảy ra ngoài đời thực. Ít ai có thể lờ bạn đi khi hai người đang nói chuyện mặt đối mặt. Vậy nên, bởi chúng ta (không may rằng) đang sống trong thế giới mà tính dễ bị tổn thương bị coi là điểm yếu và yếu thế, thì việc gửi đi một tin nhắn có nghĩa rằng bạn đã mất đi một chút quyền lực. Bất cứ ai nhận được tin nhắn của bạn sẽ nắm được quyền làm tổn thương bạn trong tay anh hoặc chị ta và từ đó, họ có quyền lực. Thời gian chưa trả lời tin nhắn càng kéo dài, thì người nhận càng có nhiều quyền lực. Đó đơn giản là nguyên lý của việc nhắn tin. Tệ hơn nữa là bạn thậm chí còn không biết mình đã bị lờ đi cho đến khi đã hàng giờ trôi qua mà mình vẫn chưa nhận được hồi đáp. Sự lo lắng của bạn sẽ tự bắt đầu nhen nhóm và lớn dần trong vài giờ cho đến khi nó vỡ vụn thành cảm giác bị bỏ rơi và tủi nhục. Bạn vẫn không thể hoàn hồn cho đến khi nhận được – hoặc không nhận được – câu trả lời.

Thông báo "Đã xem"

Nếu bạn có một chiếc iPhone, bạn sẽ hiểu được nỗi sợ hãi mang tên thông báo “Đã đọc”. Kể cả không có iPhone, hẳn bạn đã trải nghiệm cảm giác tương tự với chữ “Đã xem” trong tin nhắn Facebook, hiện ra chình mình mỗi khi ai đó đã đọc tin nhắn bạn gửi.Cái dòng “Đã xem” đó quả thực là phát minh tồi tệ nhất trong lịch sử. Thông báo “Đã xem, Đã đọc” (và những thứ ngu ngốc tương tự) góp phần vào cảm giác sai lệch về quyền lực mà việc nhắn tin tạo ra. Thông báo “Đã xem” thường đi kèm thời điểm chính xác người nhận đọc được tin nhắn của bạn.Điều này có thể mang một trong hai ý nghĩa sau: Một là người đó muốn bạn biết rằng anh ấy hoặc cô ấy đã nhìn thấy tin nhắn của bạn nhưng hiện tại họ đang bận và sẽ sớm trả lời; hoặc anh ấy hay cô ấy chỉ muốn bạn biết rằng họ đã đọc được tin nhắn của bạn và cố ý lờ chúng đi.Như chúng ta đã biết, hầu hết người đọc được thông báo “Đã xem” không phải cao thượng gì, nên chúng ta đều hiểu rằng nghĩa thứ hai mới là cách sử dụng phổ biến nhất thông báo này. Thông báo “Đã xem” chỉ nhằm khẳng định địa vị.Chúng nói rằng, “Tôi chắc chắn đã đọc được tin nhắn của bạn, và bạn chắc chắn biết rằng dù thế nào tôi thừa nhận điều đó. Bây giờ, bạn có thể vật vã tự hỏi tại sao tôi không trả lời.”Thông báo này đồng thời cũng tạo ra cảm giác khẩn trương. Giả sử bạn bật chế độ thông báo “Đã xem” và người nhắn tin biết được bạn đã thấy tin nhắn.Nếu bạn không thể trả lời ngay trong thời gian ngắn, bạn có thể cảm thấy tội lỗi, bởi bạn bị ảnh hưởng bởi suy nghĩ người ấy đã biết rằng bạn đã xem tin nhắn, nhưng chưa trả lời.Bạn có thể sẽ thúc ép bản thân trả lời, và nhiều khi việc phải nhắn tin ngay cả lúc đang bận bịu khiến bạn tỏ thái độ không hài lòng với người kia. Tôi thà đoán già đoán non việc liệu bạn đã đọc tin nhắn hay chưa còn hơn là phải đối diện sự lạnh nhạt khó chấp nhận toát ra từ cái thông báo “Đã xem” đó.

Đấng sáng tạo của những lời nói dối tệ hại.

 “Xin lỗi, anh không thấy tin nhắn của em!”“Anh đã nhắn tin cho tôi á? Tôi không để ý lắm.”“Ôi xin lỗi, tớ chẳng sờ đến cái điện thoại cả ngày nay.”Dối trá. Tất cả đều là dối trá. Hầu hết chúng ta, tối thiểu vẫn luôn thỉnh thoảng liếc vào màn hình điện thoại trong suốt cả ngày. “Chiếc điện thoại” ngày nay không đơn thuần chỉ là điện thoại; nó còn là đồng hồ báo thức, là thư điện tử, là nguồn thông tin, là mạng xã hội, là máy ảnh, là dự báo thời tiết, là tài khoản ngân hàng của chúng ta, vân vân và vân vân. Ừ thì bạn có thể không nhất thiết phải trả lời tin nhắn ngay đúng khoảnh khắc bạn nhận được nó. Và trong vô vàn những lý do cho việc không trả lời tin nhắn cũng tồn tại những thứ chính đáng. Có thể khi đó bạn đang ở trận đấu bóng chày của em trai, có thể bạn đang ăn tối cùng gia đình, hoặc có thể bạn phải làm việc đã tăng ca và giờ đang hít thở và nghỉ ngơi. Đó đều là những cái cớ hợp lý cho việc chậm trễ trả lời tin nhắn, và với tôi, thực lòng mà nói, tôi tự hào vì bạn đã hi sinh công nghệ để trải nghiệm cuộc sống thực. Tuy nhiên, việc nói rằng bạn không trả lời tin nhắn là vì không nhìn vào điện thoại hay không nhận được tin nhắn là nói dối. Bạn ĐÃ XEM nó. Và hơn thế bạn có bật chế độ thông báo “Đã xem”. Khi bạn đưa ra cái lý do tồi tệ này để không trả lời tin nhắn, tôi cũng chẳng còn cách nào để chứng tỏ rằng bạn đã nói dối (mặc dù tôi biết rằng bạn đã làm thế), và phải buộc lòng chấp nhận cái cớ đó. Và nó khiến tôi cảm thấy mình thật ngu ngốc khi nhắn tin với bạn.

Cuộc trò chuyện không hồi kết.

Các cuộc đối thoại thông thường giữa người với người sẽ kết thúc khi ai đó tuyên bố rằng nó nên ngừng lại hoặc họ sẽ phải đi. Với nhắn tin, các cuộc nói chuyện thực sự không có điểm khởi đầu cũng như kết thúc, chúng liên tu bất tận.Hãy thử nghĩ. Hầu hết mọi người từ lâu đã không còn bắt đầu nói chuyện bằng cách nói “Chào” hay “Này” nữa, bởi nó quá nhàm chán. Bạn sẽ phải động não về cách bắt đầu một cuộc hội thoại sao cho hấp dẫn bạn đọc.Và, sau màn chào hỏi ban đầu, cuộc nói chuyện theo phong cách trả bóng tennis bắt đầu, nơi bạn chỉ nói vừa đủ với người kia và cố giữ cho tỉ lệ Xanh – Xám luôn ở mức 1:1. Bạn nhắn hoặc anh ta/cô ta nhắn; sau đó thì đến lượt bạn trả lời hoặc anh ấy/ cô ấy trả lời. Lần lượt thay phiên như vậy cả ngày. Không ngừng. Và nếu bạn vừa giao một phát bóng thì, tốt nhất bạn không nên giao một quả bóng mới nữa bởi giờ tới lượt cho anh ấy hoặc cô ấy đánh trả quả bóng vừa rồi cho bạn.Vậy thì khi nào cuộc trò chuyện mới kết thúc? Liệu nó có kết thúc khi một câu hỏi đã hỏi và được trả lời? Hay liệu nó sẽ kết thúc khi một trong hai người “cảm thấy” nó cần phải kết thúc? Điều gì sẽ xảy ra nếu một người “cảm thấy” rằng cuộc trò chuyện đã xong nhưng người kia thì muốn nó tiếp tục, nên họ có thể cảm thấy mình đang bị phớt lờ.Tôi không cách nào hiểu được làm sao chúng ta có thể quá quen với việc giao tiếp với mỗi một cá nhân trong từng giờ và suốt cả ngày. Chúng ta thậm chí còn không cho họ cơ hội nào để thấy nhớ mình bởi ta luôn ở trong cuộc trò chuyện với họ. Họ không thể cảm thấy nhớ chúng ta hay tự hỏi xem chúng ta đang làm gì, ở đâu bởi họ luôn ở bên chúng ta; thực tế, gần như là họ sống ngay trong cái túi quần chết tiệt của chúng ta.Kiểu tán gẫu không hồi kết này ngăn chúng ta dành thời gian thực sự cho bản thân mình. Trong một nghiên cứu vào năm 2003 về lợi ích của việc được ở một mình, Christopher R. Long và James R. Averill nhận ra rằng sự đơn độc là cần thiết cho việc phát triển bản thân. Dành thời gian một mình đồng nghĩa với việc bạn sẽ có thời gian để nuôi dưỡng tâm hồn, tìm hiểu về bản thân mà không bị phân tâm, bạn sẽ có tự do để làm những gì mình thích mà không cần phải phục vụ mong muốn của người khác, và thỏa sức cho óc sáng tạo bay bổng.Vậy nên, nếu bạn liên tục đắm chìm mình trong những cuộc trò chuyện với ai đó và chẳng biết đến hồi kết, thì bạn thực sự sẽ chẳng bao giờ được ở yên một mình. Và đó mới là điều thực sự quan trọng chứ không phải những dấu báo tin nhắn chấm đỏ đang nhấp nháy trên màn hình. 

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn