7Taylor

Những 'bài học' nên thuộc nằm lòng trong công cuộc xin việc làm

Đăng 4 năm trước

Đây là những bài học về các chi tiết rút ra từ rất nhiều buổi phỏng vấn tại rất nhiều các công ty từ start-up đến những công ty lớn mà tin chắc rằng sẽ phần nào hữu ích cho các bạn đang tìm kiếm việc làm. Bắt đầu nhé !

Tô điểm hồ sơ xin việc - CV (Curriculum Vitae/ Resume)

Hồ sơ xin việc hay còn gọi là CV chính là yếu tố quan trọng đầu tiên bạn cần lưu ý vì nó chính là công cụ để nhà tuyển dụng đánh giá bạn và cũng là tấm vé đầu tiên mang bạn đến được vòng phỏng vấn. Vì thế, trước khi bắt tay vào xin việc hãy ngay lập tức liệt kê tất cả thông tin về học vấn, bằng cấp cũng như kinh nghiệm làm việc của bạn ra giấy và bắt tay vào xây dựng cho mình một hồ sơ xin việc tối ưu nhất. Để làm tốt việc này bạn có thể tham khảo thêm những gợi ý về 1 bộ CV tốt trên mạng và sử dụng các công cụ làm CV miễn phí như TopCV, GoodCV,...

Tìm kiếm công việc ở đâu ?

Sau khi đã có được một bộ CV tối ưu, bạn cần xác định đường hướng công việc mà bạn muốn hướng tới và bắt đầu tìm kiếm. Đối với những người đã đi làm rồi thì những trang tuyển dụng như Vietnamwork, Careerbuilder, Linkedin là rất phổ biến và quen thuộc. Ngoài ra còn có rất nhiều các trang tuyển dụng khác mà bạn có thể tham khảo như Indeed, Careerlink,... bên cạnh đó bạn có thể gia nhập các group tìm kiếm việc làm trên Facebook nơi mà có rất nhiều nhà tuyển dụng đăng tuyển hàng ngày. Tuy nhiên cần lưu ý chọn lựa và sàng lọc khi ứng tuyển các công ty trên các group Facebook vì những công ty này đăng bài miễn phí nên sẽ không được kiểm duyệt và xác minh công ty. Mẹo ở đây là bạn hãy lấy tên công ty mình muốn ứng tuyển để google và tìm kiếm thông tin về công ty cũng như các thông tin xác nhận với pháp luật để tránh ứng tuyển nhầm các công ty lừa đảo nhé.

Bạn cần lưu ý những thông tin nào khi ứng tuyển vào một công ty.

Khi tìm được một mẩu tin tuyển dụng về một công ty bạn thấy phù hợp hãy chú ý kỹ đến các chi tiết mà họ ghi trong tin tuyển dụng.

Thứ nhất : JD (Job description) hay còn gọi là mô tả công việc. Bạn cần nắm vững những công việc và trách nhiệm bạn phải đảm nhận ở vị trí mà bạn ứng tuyển từ đó định hình được mình sẽ cần chuẩn bị những gì khi làm việc và cũng để đo lường mức độ phù hợp của bạn với công việc.

Thứ hai: Địa điểm và thời gian làm việc. Đây là chi tiết mà rất nhiều bạn sinh viên mới ra trường thường hay bỏ qua. Đó là bạn phải quan tâm tìm hiểu kỹ lưỡng rằng công ty bạn ứng tuyển sẽ ở đâu, có thuận tiện cho bạn khi đi phỏng vấn và đi làm hay không ? Thời gian làm việc từ mấy giờ tới mấy giờ, có phù hợp với lịch trình cá nhân của bạn hay không ? Và từ thứ mấy đến thứ mấy. Đây là chi tiết tưởng chừng như không cần quan tâm nhưng thực ra lại rất quan trọng vì nếu bạn không lựa chọn công ty có tiêu chí phù hợp thì khả năng cao khi vào làm bạn sẽ bất mãn và nghỉ việc ngang làm mất thời gian của cả bạn và nhà tuyển dụng.

Thứ ba : Mức lương và đãi ngộ. Suy cho cùng đi làm vẫn là để bán sức lao động cho nên nếu không thể bán được với giá cao thì chí ít bạn cũng phải nhận được mức lương xứng đáng với khả năng, kinh nghiệm và cả khối lượng công việc của bạn nữa. Vì vậy, hãy cân nhắc kỹ mọi yếu tố từ công việc tới quyền lợi để đưa ra mức lương mong muốn phù hợp với nhu cầu và khả năng của bạn nhất. Ngoài mức lương thì những chế độ đãi ngộ cũng cực kỳ quan trọng, nếu công ty đó lương thấp thì chí ít phải bù lại bằng đãi ngộ tốt và môi trường làm việc. 

Hãy cân nhắc những chi tiết này kỹ lưỡng để không lãng phí thời gian của bạn nhé.

Đừng bao giờ chờ đợi kết quả.

Các nhà tuyển dụng thường hay có câu trả lời ở cuối buổi phỏng vấn là : "Bên anh/chị sẽ cân nhắc và báo kết quả lại với em, em chờ kết quả phỏng vấn nhé ". Tuy nhiên, không có nhiều nhà tuyển dụng giữ đúng lời nói xã giao này, chính vì vậy bài học kinh nghiệm rút ra là bạn hãy luôn tìm kiếm công việc và cơ hội đi phỏng vấn vì nó sẽ vừa làm cho bạn dày dạn kinh nghiệm phỏng vấn hơn vừa mang lại cho bạn nhiều cơ hội được nhận vào làm việc hơn thay vì cứ ngồi nhà chờ đợi một công ty tới khi họ báo kết quả bạn fail thì mới đi ứng tuyển tiếp. Hãy luôn trong trạng thái chủ động khi tìm việc nhé.

Bỏ ngay tư tưởng "XIN" việc làm

Bạn hãy nhớ rằng đi làm tức là mua bán sức lao động, bạn bán sức lao động chứ không hề chơi không nhận lương từ các công ty, vì vậy hãy bỏ ngay tư duy bạn đang đi xin việc làm, các công ty phỏng vấn đang lựa chọn bạn thì bạn cũng có quyền lựa chọn công ty phù hợp với khả năng và nhu cầu của mình. Giả sử kể cả khi bạn đậu vào cả hai công ty cùng lúc thì bạn hoàn toàn có quyền lựa chọn công ty tốt hơn giống như cách các nhà tuyển dụng lựa chọn giữa bạn và các ứng viên tốt hơn. Hãy tự tin vào giá trị và khả năng của mình mà mạnh dạn trong các buổi phỏng vấn vì bạn hiểu rằng, CHÍNH BẠN CŨNG ĐANG PHỎNG VẤN CÔNG TY MÀ BẠN ỨNG TUYỂN VÀO.

Tạm kết

Hãy nhớ kỹ những bài học này cho những lần tìm việc làm của các bạn. Hãy luôn tự tin và chuẩn bị sẵn sàng trước khi ứng tuyển hay bước vào một buổi phỏng vấn. Và hãy nhớ chọn công ty và công việc mang lại cho bạn cảm giác muốn làm việc nhất.

Chúc các bạn thành công !

Chủ đề chính: #xin_việc_làm

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn