NHQ

Những bí mật chưa từng kể về hoa

Đăng 8 năm trước

Những loài hoa không chỉ đơn giản là sự có mặt, không chỉ đơn giản là làm đẹp tại nơi nó xuất hiện. Hoa còn mang trong mình những bí mật đậm dấu ấn của thời gian, không gian văn hóa, lịch sử…

Mô tả hình ảnh

Những loài hoa không chỉ đơn giản là sự có mặt, không chỉ đơn giản là làm đẹp tại nơi nó xuất hiện. Hoa còn mang trong mình những bí mật đậm dấu ấn của thời gian, không gian văn hóa, lịch sử…

Tulip - sửng sốt bởi sự cuồng tín

Mô tả hình ảnh

Trong khoảng thời gian dài trở lại đây, hoa tulip gắn liên và là biểu tượng cho nét đẹp của đất nước Hà Lan, biểu tượng của một nền trồng trọt hoa phát triển và nền công nghiệp sản xuất cũng như xuất khẩu hoa tulip vào bậc nhất thế giới. Nhưng kỳ thực, xuất phát điểm của tulip lại ở phía đông Thổ Nhĩ Kỳ từ hàng ngàn năm trước. Tulip lớn hoang dại ở xứ sở Ba Tư và gần vùng Kabul Great Baber với 33 chủng loại khác nhau. Theo truyền thuyết của người Ba Tư, những bông tulip đầu tiên mọc từ những giọt máu của những người đang yêu và trong một thời gian dài, hoa tulip là biểu tượng của tình yêu được thừa nhận. Thơ ca, hội họa, âm nhạc từ đó đều dành nhiệt huyết cho một đặc tính quý giá này của tình yêu, đến nỗi khi được mang đến châu Âu, nó ngay lập tức được xem là biểu tượng của Đế chế Ottoman. Một người Đại sứ của Thánh chế La Mã đã mang theo những hạt giống và củ hoa tulip tới Vienna. Ông gieo và trồng chúng, mùa gặt được hàng trăm củ hoa, ông mang đến tiệm tạp hóa của mình. Nhiều khi không bán được, ông liền chế biến củ hoa thành những món ăn đơn sơ. Ngày nay, vẫn có số ít người trên thế giới ăn củ tulip với nhiều dạng chế biến. Ở một vài vùng Nhật Bản, một loại bột mì được làm từ củ tulip. Trong những nạn đói kém, người Hà Lan đã ăn củ tulip khi cạn kiệt nguồn dinh dưỡng.

Những người giàu có bắt đầu để ý mua củ hoa tulip bởi các thương nhân Venetian mang về từ Thổ Nhĩ Kỳ. Năm 1577, Clusius gửi đến nước Anh một vài củ hoa nhưng địa chỉ cần tới đã không nhận được. Đầu thế kỷ 17, Pháp bắt đầu yêu thích tulip. Năm 1610, các quý bà thời trang Pháp bắt đầu cài hoa tulip lên áo.

Hiện tượng và trào lưu tulip bắt đầu từ đó. Giá trị của tulip dần trở thành cơn sốt khắp châu Âu. Khoảng ít năm, người Hà Lan như bị mê hoặc bởi tulip. Lúc đó, giá trị của một luống tulip lên tới 15.000 - 20.000 francs. Kỳ lạ hơn, không ai có thể ngờ rằng, củ hoa tulip mới là một loại tiền tệ thực sự. Đã có lúc chúng được định giá như một loại cổ phiếu.

Mô tả hình ảnh

Năm 1634-1637, rất nhiều người sẵn sàng từ bỏ kinh doanh buôn bán, vợ con, nhà cửa, tình yêu để trở thành người trồng hoa tulip. Một củ tulip thuộc chủng lọa Vice-Roi tương đương với 36 giạ lúa mì, 72 giạ thóc, bốn con bò, mười hai con cừu, tám con lợn, hai thùng rượu và bia, hai tấn bơ, 3.600 kg phô mai, một chiếc giường, quần áo, một ly làm bằng bạc: tất cả trị giá 2.500 florins Hà Lan, thậm chí là , mười hai mẫu đất, một cỗ xe mới với 12 con ngựa. Hưng cảm tulip biến thành những cơn cuồng tín.

Bão táp điên cuồng hoa tulip ảnh hưởng đến thiết kế thời trang và rất nhiều loại vải vóc. Mọi người thường xuyên lui tới thị trường và dự đoán cổ phiếu tulip. Người ta đang tin rằng từ bourse (stock exchange) - thị trường chứng khoán có xuất phát điểm từ thời gian này, bởi vì những ai tham gia dự đoán thị trường tulip đều tổ chức những cuộc gặp gỡ tại gia đình quý tộc Van Bourse.

Tulip tiếp tục được đánh giá cao ở Thổ Nhĩ Kỳ và trong một bản thảo thế kỷ 18 có ghi rằng Sheik Mohammed Lalizare, người trồng hoa tulip chính của Ahmed (1703-1730) đếm được 1323 loại hoa. Lễ hội hoa tulip hàng năm được tổ chức. Sang thế kỷ 19, một số cuốn sách ghi rằng tulip trở nên phổ biến và được trồng bởi những người thợ và chủ cửa hàng nhỏ ở Anh. Chủng loại ngày càng tăng lên. Tulip vẫn nổi như cồn đến ngày nay, vẫn gây hiệu ứng cảm xúc và đam mê tích cực cho ngay cả những người chưa từng biết đến tulip.

Hoa hồng - chiến binh của tình yêu và sự im lặng

Mô tả hình ảnh


Hoa hồng có tên gốc Latin rosa và Creek rhodon. Cloris, nữ thần của các loài hoa tôn hoa hồng là nữ hoàng của thế giới hoa. Aphrodite, nữ thần sắc đẹp và ái tình đã giới thiệu loài hoa này đến con trai của nàng là Eros, thần ái tình. Hoa hồng trở thành biểu tượng của tình yêu và sự đam mê. Eros mang hoa hồng đến cho Harpocrates, thần im lặng, để xui khiến chàng không ngồi lê đôi mách về những cuộc tình thiếu cẩn trọng của mẹ mình. Vì vậy, hoa hồng còn là tượng trưng của sự im lặng và bí mật. Thời trung cổ, một bông hoa hồng được treo trên trần của phòng hội đồng, cam kết sự bí mật.

Bằng chứng lịch sử đầu tiên về hoa hồng từ thời Lưỡng Hà cổ đại, Sargon I, vị Vua của các Akkadians (2684-2630 trước CN) mang hoa hồng trên đường trở về từ một chuyến thám hiểm quân sự vượt ngoài sông Tigris. Trong thi sử Iliad của Homer (thế kỷ 9 trước CN), tấm lá chắn của Achilles được trang trí bằng hoa hồng. Theo Herodotus, hoa hồng được mang đến Hi Lạp bởi vị vua thần thoại Midas của vùng Phrygia, người được cho là sống ở vùng Tiểu Á khoảng năm 300 trước CN. Khổng Tử viết rằng trong khoảng thời gian ông sống (551-479 B.C.), vị vua Trung Hoa sở hữu một thư viện 600 cuốn sách có nội dung liên quan đến văn hóa của hoa hồng. Người Trung Hoa thế kỷ 5 trước CN chiết xuất tinh dầu hoa hồng từ vườn hoa hồng của vua. Tinh dầu này chỉ được người hoàng tộc sử dụng, không dành cho tầng lớp thường dân.

Hoa văn trang trí trên tường của người Ai Cập và những sự vật liên quan đến hoa hồng được tìm thấy trong những ngôi mộ có niên đại từ thế kỷ 5 trước CN - thời đại của Cleopatra. Clepopatra có một đam mê say đắm đối với tất cả sự vật xuất xứ từ La Mã, trong đó là một sự ưu ái đặc biệt cho hoa hồng - loài hoa lần đầu tiên được mang đến từ Roma ở một vài thập kỷ trước khoảng thời gian nàng sống.

Trong các ngày lễ tại Athen, giới trẻ đã đội vương miện hoa hồng, nhảy múa khỏa thân trong bóng tối tại ngôi đền Hymen nhằm biểu trưng cho sự ngây thơ trong trắng của tuổi trẻ. Trong những trò chơi mang tính cộng đồng, tất cả mọi con phố ở Roma đều rắc đầy hoa hồng. Người La Mã tin rằng những bông hồng được đặt lên ngôi mộ ,sẽ xoa dịu được linh hồn của người chết; và những người giàu có thì không quên di chúc vườn hoa hồng mà họ có sẽ được đặt lên ngôi mộ của họ sau khi họ qua đời.

Mô tả hình ảnh

Trong kinh cầu nguyện của Công giáo, Đức Trinh nữ Mary được gọi với tên “Hoa hồng thần bí” và trong nhiều bài thánh hình ảnh của bà là “hoa hồng không gai”. Vua Childebert I có một vườn hồng dành cho Nữ hoàng ở Paris. Charlemagne đã ra lệnh trồng hoa hồng trong khuôn viên những tòa lâu đài nơi ông tổ chức những cuộc họp bàn quan trọng. Sau khi Leo IX được bầu làm Giáo hoàng năm 1084, ông cho tổ chức nghi lễ Hoa hồng Vàng. Hoa hồng vàng được gửi đến các vị quốc vương như một sự kính mến của Giáo hoàng; nhiều bông hoa trong số này có liên quan đến các kiệt tác của nghệ nhân kim hoàn.

Nhiều chủng loại hoa hồng bị mất trong khoảng thời gian Đế chế La Mã sụp đổ và cuộc xâm lăng châu Âu của người Hồi giáo. Sau khi chinh phục Ba Tư vào thế kỷ 7, người Hồi giáo dành nhiều yêu mến cho hoa hồng và khi lãnh thổ của họ kéo dài từ Ấn Độ đến Tây Ban Nha, rất nhiều loại hoa hồng được đưa trở lại châu Âu.

Người ta ghi lại rằng, trong hành trình trở về từ Thập tự chinh thứ Bảy, Tribaut IV - Vua vùng Navarre (1201-1253) mang từ Syria một bụi hoa hồng tặng vợ. Trong những năm sau đó, việc trồng hoa hồng là một đặc quyền của Pháp và đặc biệt là của thành phố Rouen.

Nữ hoàng Josephine của Pháp bắt đầu bộ sưu tầm hoa hồng của mình tại Malmaison năm 1804. 10 năm sau, năm 1814, khu vườn của bà có được mọi chủng loại hoa hồng. Năm 1829, khu vườn có 2.562 loài hoa hồng khác nhau. Niềm đam mê hoa hồng như một hiện tượng virus, lây lan từ Pháp đến các quần đảo của Anh, khắp Tây Âu đến Mỹ, Úc.

Đối với đặc tính chữa bệnh của hoa hồng, bạn có thể điền vào một cuốn sách lớn với nhiều công thức. Một điều mà chúng ta biết là hoa hồng được dùng để chống bệnh xco-buýt - bệnh của máu do thiếu vitamin C trong đồ ăn hàng ngày. Hoa hồng dại là hoa biểu trưng cho Iowa, bắc Dakota, Georgia và New York, cũng là hoa chính thức của Anh.

Hoa anh đào - đại sứ của ước mơ và hi vọng

Mô tả hình ảnh

Anh đào còn có một tên khác được xứ sở Nhật thường gọi là sakura. Từ thời cổ xưa, người dân Nhật Bản đã duy trì thú chơi “b” - một hình thức picnic, chơi dưới gốc anh đào đang mùa hoa nở rộ. Tập tục này có từ thời kỳ Nara (710-794). Đến thời kỳ Heian (794-1185), anh đào trở thành loài hoa nổi tiếng, khi đó hanami cũng đồng nghĩa với sakura. Tập tục này ban đầu dành cho giới uy quyền Tòa án Hoàng gia, nhưng sớm mở rộng sang cả xã hội samurai ở thời kỳ Edo, đến tầng lớp trung. Tokugawa Yoshimune đã trồng nhiều vùng hoa anh đào để khuyến khích điều này. Dưới cây sakura, mọi người cùng quây quần bữa trưa, uống rượu sake trong những lễ hội vui vẻ.

Theo con đường địa lý, anh đào bắt đầu ở Okinawa vào tháng Giêng, đến cuối tháng Ba và đầu tháng Tư thì nở rộ ở Kyoto và Tokyo. Anh đào có mặt trước ở khu vực núi cao và phía bắc, đến Hokkaidō vài tuần sau đó.

Thưởng hoa anh đào đã trở thành một thói quen không thể thiếu của người Nhật. Do đó hàng năm, Đài Khí tượng thủy văn Nhật đã làm công tác dự báo theo dõi lịch trình anh đào nở để thông báo cho người dân, nhất là ở những điểm văn hóa công cộng - nơi thường tập trung nhiều anh đào như công viên, đền chùa. Đây là cơ hội để các gia đình và những người bạn tổ chức tiệc ngắm hoa anh đào, ngày nay vẫn gọi là Hanami. Hội Hoa Anh đào Nhật Bản hiện nay có khoảng 100 điểm hoa anh đào.

Ở Nhật Bản, hoa anh đào còn là biểu trưng của những đám mây do anh đào có đặc tính nở đồng loạt. Bên cạnh đó, anh đào còn là ẩn dụ cho bản chất phù du của cuộc sống, một đặc tính nhân sinh quan trong văn hóa Nhật ảnh hưởng bởi tư tưởng của Phật giáo. Sự sống ngắn ngủi, vẻ đẹp tuyệt đỉnh và chóng tàn của anh đào khiến người ta phải làm mọi cách để anh đào trở nên bất tử. Vì lẽ đó, anh đào mang đặc tính giàu biểu tượng, xuất hiện thường xuyên trong nghệ thuật Nhật Bản như manga, hoạt hình, điện ảnh, âm nhạc cũng như trong hàng tiêu dùng như kimono, văn phòng phẩm.

Trong thế chiến thứ 2, anh đào là động lực tinh thần thúc đẩy cho sức chiến đầu của người dân Nhật Bản. Chúng ta cũng có thể thấy anh đào đã trở thành nguồn cổ vũ và chỗ dựa tinh thần cho nước Nhật và bất kỳ người dân Nhật nào ở khắp thế giới trong đợt sóng thần khủng khiếp vừa qua. Dù ở nơi đâu, dù tại thời điểm nào, khi người dân Nhật ngắm anh đào, họ lại được tiếp thêm sức mạnh và tràn trề hi vọng vào một ngày mai tươi sáng.

Mô tả hình ảnh

Loại anh đào phổ biến nhất ở Nhật là Somei Yoshino, có hoa màu trắng tinh khiết pha với hồng nhạt, đặc biệt là gần gốc. Hoa nở rộ trong vòng một tuần, trước khi lá rời khỏi cây. Sau đó, cả cây anh đào trắng muốt từ đầu ngọn đến gốc cây. Giống yaezakura có hoa lớn, dày, cánh màu hồng. Giống shidarezakura có nhánh rủ như liễu, hoa màu hồng.

Anh đào không chỉ là biểu tượng của văn hóa, con người và đất nước Nhật Bản. Anh đào có lẽ vì nét đẹp huyền thoại đã được mang đến nhiều nước khác trên thế giới. Ở Úc, để tưởng nhớ những người lính Nhật tham gia trận chiến tại nước này, chính phủ hai nước đã hỗ trợ cùng xây dựng một khu vườn Nhật được thiết kế bởi Ken Nakajima (1914-2000) - người mà sự nổi tiếng của ông gắn liền với những khu vườn đậm chất Nhật tại thời điểm này. Khu vườn mở cửa đầu tiên vào năm 1979, được thiết kế theo phong cách thời kỳ Edo theo kiểu một khu vườn dành cho tản bộ. Ở khu vườn có thể thấy tất cả phong cảnh đẹp của nước Nhật. Rộng gần 5 héc ta, Vườn Nhật Cowra là khu vườn Nhật lớn nhất ở Southern Hemisphere. Lễ hội hoa anh đào là một sự kiện chính ở Cowra hàng năm.

Người Nhật khi đến đâu sống cũng không quên mang theo hạt gống tâm hồn - hạt giống anh đào để luôn nhớ về quê nhà. Vì vậy mà hoa anh đào còn xuất hiện rực rỡ ở bang Parana, Brazil với mấy chục gốc đào; ở Vancouver, Canada, nơi nổi tiếng với hàng ngàn cây anh đào trên nhiều con phố, công viên; ở Trung Quốc với nhiều điểm anh đào nổi tiếng như Công viên anh đào Longwangtang ở Lushun, Dalian, Liaoning,...; lễ hội Hanami lớn nhất của Đức diễn ra ở Hamburg, với pháo hoa theo phong cách Nhật và được tổ chức bởi cộng động người Đức - Nhật, thu hút hàng ngàn người mùa xuân hàng năm. Hoa anh đào cũng là một nét văn hóa tinh thần không thể không nhắc đến ở Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh, Mỹ.

Hoa mai và hoa đào - sức sống của người Việt

Mô tả hình ảnh

Tại sao người Việt lại yêu đào mai và coi mai đào là biểu tượng của sự may mắn đầu năm. Hẳn hai loài hoa này có cốt cách riêng mà mỗi khi nhắc tới, lòng người lại bồi hồi thao thức. Đào mai không chỉ là hoa, là làm đẹp không khí Tết. Yêu đào mai, quý mai đào tức đã trở thành người quân tử.


Không phải người bắc thích chọn đào, người trung và nam thích chọn mai. Bởi chỉ đơn giản, đào xứ bắc ưa cái e ấp trong giá lạnh, rồi bật nở khi gặp tiết nắng và cái hơi ấm áp của khí trời; còn mai xứ nam lại ưa cái nắng ấm đều đặn để hết sức tỏa sắc. Nhưng sự phân biệt này thường không rạch ròi. Dân hai miền đã tham vọng muốn có cả hai loài hoa này trong căn nhà của mình mỗi khi Tết đến.

Hoa mai đã từng xuất hiện trong thơ của Hồ Chí Minh:

Đăng Sơn

Lục nguyệt nhị thập tứ

Thượng đáo thử sơn lai

Cử đầu hồng nhật cận

Đối ngạn nhất chi mai.

dịch :

Lên núi

Hai mươi tư tháng sáu
Lên ngọn núi dạo chơi
Ngẩng đầu mặt trời đỏ
Bên suối một nhành mai

Tưởng chừng sự tương phản của hai gam màu đỏ - vàng, sự tương phản của mặt trời tỏa ánh nắng khắp thế gian với nhành mai bên suối thanh khiết, mảnh mai có thể phá vỡ cấu trúc thơ, cấu trúc mỹ thuật, cấu trúc của hình họa. Nhưng không, tất cả đều rất hợp lý, bố cục gần xa, lớn nhỏ tạo nên một bức tranh vô cùng đặc sắc, mang tinh thần cách mạng với trách nhiệm lớn lao của một vị lãnh tụ và với bản năng dạt dào tâm hồn của một thi sĩ.

Và, hãy kéo kim đồng hồ trở về quá khứ, vị thiền sư quen thuộc với tâm hồn mai quen thuộc thuở nào:

Mãn Giác thiền sư
Xuân khứ bách hoa lạc
Xuân đáo bách hoa khai
Sự trục nhãn tiền quá
Lão tùng đầu thượng lai
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai

(Xuân đi muôn vạn hoa tàn
Xuân về thắm lại ngập tràn những hoa
Việc đời thế sự đi qua
Trên đầu tuyết điểm một vài cọng sương
Chờ cho xuân hết hoa tàn
Đêm qua sân trước nở vàng cành mai)

Khi cái gọi là sắc sắc không không, là cái gọi vô thường bất tử, là vòng đời vần xoay tạo hóa, là luân hồi chuyển kiếp tồn tại trên thế gian, Mãn Giác thiền sư cũng đã phải sửng sốt và giật mình bởi một cành mai nở đêm qua sân trước.

Mô tả hình ảnh

Còn đào ư, vẫn bất tử với người thầy đồ ngồi thuê viết chữ nho trên “phố đông người qua”:
Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông Đồ già
Bày mực tàu giấy đỏ
Trên phố đông người qua

...
Năm nay đào lại nở
Không thấy ông Đồ xưa
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ
(Vũ Đình Liên)

Chỉ cần đọc mấy dòng chữ mà tâm tư đâu lại chợt ùa về. Xưa nay vẫn thế, sự đời vẫn thế. Mà khiến lòng người đau xót nhiều năm qua...

Trong những cơn gió đông ùa về rét mướt, trong những ánh nắng đổ vàng trên không trung, trong những làn mưa bụi rùng mình gai ốc, đông đang qua hay xuân gần đến thì hoa vẫn rộn ràng thổi hương thơm ngát cung chúc cho tân xuân tràn ngập hạnh phúc.

Tết sắp đến!

Chủ đề chính: #các_loài_hoa

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn