Pham Hoan Muốn chia sẻ những gì mình thấy và cảm nhận

Những Đặc sản mà bạn nhất định phải thử một lần khi đến hồ Ba Bể - Hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất Việt Nam

Đăng 5 năm trước

Đến hồ Ba Bể bất cứ mùa nào trong năm cũng đều rất đẹp, rất say lòng người. Đây là hồ nước ngọt thiên nhiên lớn nhất Việt Nam, cũng là một trong một trăm hồ nước ngọt lớn nhất thế giới và nằm trong Vườn quốc gia Ba Bể, đã được công nhận là khu du lịch quốc gia Việt Nam.

Tham quan hồ Ba Bể, du khách không chỉ được ngắm cảnh quan sơn thủy hữu tình, mà còn được thưởng thức những món ăn đặc sắc của vùng này. Sau đây là những đặc sản mà bạn NHẤT ĐỊNH phải mua khi đến hồ Ba Bể

1. Tép chua Ba Bể

Quy trình làm tép chua rất đơn giản. Tuy nhiên, để món ăn được ngon đúng điệu, tép phải tươi và là thứ gạo nương với mùi thơm đặc trưng. Tép tươi đánh bắt ở hồ đang còn nhảy tanh tách, sau khi rửa sạch được phơi dưới nắng cho khô ráo và xóc qua một lượt muối.

Gạo nương nấu chín, chủ yếu là dùng gạo tẻ, sau đó để nguội và trộn đều với men lá. Những phụ gia góp phần làm nên sức hấp dẫn cho món ăn phải kể đên tỏi, ớt, riềng mỗi thứ một ít đập dập thái chỉ, thịt nạc thăn thái nhỏ, trần sơ qua nước sôi.

2. Cá nướng Ba Bể

Cá nướng là loại cá mương nhỏ, bơi hàng đàn trên mặt hồ, được đánh bắt hoàn toàn thủ công bằng lưới. Những con cá nhỏ như ngón tay, được tẩm ướp gia vị, kẹp trên thanh tre và nướng vàng cho đến khi dậy mùi thơm. Khi ăn có vị ngọt thơm, chắc thịt, giòn giòn. khách du lịch rất thích thưởng thức món này cùng với rượu ngô khi đang đi thuyền du ngoạn trên hồ Ba Bể. có thể nướng ăn ngay tại chỗ hoặc đóng thành túi cá khô cho du khách mua làm về quà.

3. Bánh ngải

Dân tộc Tày Ba Bể có một loại bánh rất riêng mà không dân tộc nào có, đó chính là bánh ngải. Món bánh này được làm từ lá ngải cứu, rất giống với bánh dày nhưng khi ăn lại cho vị hoàn toàn khác biệt. Bánh có màu xanh đặc trưng, lại có mùi thơm của ngải cứu. Để làm bánh này, người dân đã lựa chọn loại gạo nếp nương ngon nhất để chế biến.

Bánh ngải rất dễ ăn, vừa thơm ngon, dẻo dẻo lại thanh mát mà không ngấy. Sự hòa quyện giữa vị hăng của lá ngải, vị ngọt dẻo của gạo nếp cùng với nhân lạc cô đường làm nên hương vị rất riêng, đậm chất núi rừng, hoang dã.

4. Xôi Đăm Đeng (xôi đỏ đen)

Xôi Đăm Đeng được coi là món ăn mang lại may mắn và tốt lành cho người dân nơi đây. Món ăn này được chế biến hoàn toàn từ gạo nếp nương thơm ngon. Xôi được làm nhiều màu. Điều đặc biệt ở đây là màu sắc của món xôi là hoàn toàn tự nhiên. Người dân nơi đây đã lên rừng hái những loại cỏ cây hoa lá nhiều màu sắc về đun nước để ngâm gạo trước khi đồ xôi. Chính vì thế mà xôi được nấu lên có màu rất tự nhiên, hạt bóng mẩy, dẻo thơm.

Thưởng tức món này có thể ăn kèm với muối vừng hoặc ruốc thịt, tùy theo khẩu vị của mỗi người.

5. Các loại rau rừng

Ba Bể nổi bật với nhiều loại rau khác nhau mà ở những khu vực khác khó tìm thấy được, mỗi loại lại có hương vị riêng. 

 - Rau sắng (rau ngót rừng): Hay còn gọi là rau ngót rừng, đây là loại rau được người dân nơi đây sử dụng để chế biến rất nhiều món ăn.

Không giống như các loại rau khác, trồng rau sắng rất mất thời gian, khoảng 3 -5 năm mới có thể hái lần đầu tiên, muốn thu hoạch được số lượng rau lớn thì phải mất khoảng 10 năm. Lá rau có thể sử dụng để nấu canh với thịt băm hoặc cá. Những chùm rồng rồng của loài cây này có thể nấu canh hoặc xào thịt bò rất ngon. Quả sắng cũng có thể ăn được, hạt của quả này đem ninh xương sẽ cho vị ngọt bùi. 

 - Rau bồ khai: Còn có tên gọi khác là rau dạ hiến. Loại rau này có thể kiếm được ở trên những vách núi đá cheo leo. Ngọn rau nhìn giống như cây tầm gửi, rau mọc bám vào thân cây để vươn ra đón ánh sáng. Rau được sử dụng để chế biến ra những món ăn rất quen thuộc. Có thể đem xào tỏi, xào thịt bò, được dùng làm phở hay mì xào mang lại hương vị rất riêng biệt. Đây được coi là loại thuốc quý của người dân vùng này. 

- Rau dớn: Đây là một loại rau rừng mọc ở các khu vực ẩm ướt ngay gần khe đá. Rau dớn rất dễ tìm thấy, rất bổ dưỡng và có khả năng chữa bệnh rất tốt. Rau không giữ được độ tươi lâu nên khi được hái về sẽ đem chế biến ngay để giữ được hương vị đậm đà của nó.

6. Chuối hột rừng

Chuối hột hồ Ba Bể được bán nhiều ở đường lên ao Tiên, khu vực đón khách từ cổng vào xuống hồ... Vì trồng trên những quả núi quanh hồ nên thân chuối vươn cao, quả căng tròn trông rất hấp dẫn, vừa tạo cảnh quan đẹp lại dùng để làm thuốc và quà biếu.

7. Lạp xưởng hun khói

Lạp xưởng được làm từ thịt lợn bản nên thịt thơm và chắc. Điểm độc đáo của Lạp xưởng Bắc Cạn là được tẩm ướp bằng gừng đá, một loại gừng chỉ mọc trên đá của người dân tộc nên có mùi thơm rất đặc biệt, không giống bất cứ một loại gia vị nào của miền xuôi. Lạp xưởng được làm bằng bàn tay của người Bắc Cạn có mùi của nắng vùng cao, mùi của khói bếp, thoảng mùi gừng, mùi rượu, mùi mắc mật thơm một cách đặc biệt. Vị dai của lòng, vị ngọt của thịt nạc, vị béo của mỡ hòa quyện với nhau, ăn thật ngon miệng. Nhấp thêm chút rượu nữa thì càng thêm khoái khẩu.

8. Bánh củ chuối 

Nghe tên bánh cũng thấy hơi củ chuối thật, nhưng nếu ai đã từng thưởng thức chuối hột rừng Ba Bể thì không thể bỏ qua món bánh thơm ngon này. Bánh củ chuối nhìn qua có vẻ giống với bánh gai; được làm từ chính nguyên liệu địa phương, nhân bánh có dừa và đậu xanh rất thơm. Món bánh này như một thức quà quý để mua về sau mỗi lần đến thăm Ba Bể. Chắc chắn du khách sẽ không thể nào quên được hương vị đậm đà của món đặc sản quê hương này.

9. Bánh trời (Pẻng phạ)

Bánh pẻng phạ thường xuất hiện trong dịp người Tày vùng Ba Bể đón mừng năm mới hay lễ hội xuống đồng. Hình dáng chiếc bánh không có gì đặc biệt, viên bánh tròn tròn cỡ trái nhãn lồng.Bên ngoài có lớp bột trắng che lớp bột nâu bên trong. Bánh pẻng phạ là một trong những món ăn truyền thống của dân tộc Tày để dâng trời đất.Bánh pẻng phạ chế biến không cầu kỳ nhưng mùi vị thơm ngon. Nguyên liệu chính để làm bánh là bột gạo nếp được nhào với nước chè mạn pha đặc để lấy màu nâu và vị chát, một chút rượu trắng cho dậy mùi.

10. Măng vầu

Rừng Ba Bể có rất nhiều loại măng như: măng tre, măng trúc, măng nứa, măng mai… nhưng nếu nói là đặc sản phải kể đến thứ “măng vầu” hay còn gọi là “măng đắng”. Theo kinh nghiệm của những người đi hái măng, vào đầu vụ những mầm măng vầu mới nhú còn có vị ngọt xen lẫn vị hơi hơi hơi đắng, còn từ sau tháng 2 Âm lịch, măng lại chuyển sang vị đắng gắt hơn.Ở Ba Bể, người ta có thể chế biến măng thành rất nhiều món ngon nhưng hấp dẫn hơn cả có lẽ là măng luộc chấm mắm tôm chanh ớt. Những người sành ăn măng thì hay chọn ăn loại măng luộc thật đắng vì như vậy mới cảm nhận hết được sự thú vị của món ăn này. Cái cảm giác đắng, chát cứ mất dần khi nhai kỹ, thay vào đó là cảm giác thoang thoảng ngọt, nhẹ nhẹ cay, rất lạ.

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn