Cú mèo

Những điểm sáng của thế giới trong năm 2016

Đăng 7 năm trước

Năm 2016 qua đi với màu sắc ảm đạm, tuy nhiên vẫn có những gam màu tươi sáng. Hãy cùng điểm qua những điểm sáng đó để vững tin bước vào năm 2017 tươi sáng hơn.

Số lượng hổ, gấu trúc bắt đầu tăng lên sau nhiều năm

Trong thông cáo báo chí phát đi ngày 12/04/2016 từ Hà Nội, Quỹ động vật hoang gia thế giới - Việt Nam cho biết, tổng số lượng cá thể hổ trong tự nhiên đã gia tăng thành 3.890 cá thể, đây là con số cập nhật ở mức tối thiểu, được tính toán từ số liệu của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) và các cuộc khảo sát mới nhất về hổ ở cấp quốc gia cho thấy dấu hiệu gia tăng quần thể hổ hiện tại so với con số ước lượng 3.200 cá thể vào năm 2010. Số liệu gia tăng này được cho là do một số các yếu tố như sự gia tăng số lượng hổ tại Ấn Độ, Nga, Nepal và Bhutan, sự tiến bộ trong việc khảo sát và việc bảo vệ hổ hiệu quả hơn.

Đồng thời, đầu tháng 9/2016, bản cập nhật trong Sách Đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) đã bỏ gấu trúc lớn ra khỏi danh sách các động vật có nguy cơ bị tuyệt chủng, giờ đây chúng đang nằm trong diện "có nguy cơ bị đe dọa số lượng". Nguyên nhân một phần là bởi sự phục hồi số lượng cá thể gấu trúc trở lại ở Trung Quốc.

Bồ Đào Nha hoàn toàn chỉ dùng năng lượng tái tạo trong 4 ngày liên tiếp

Theo dữ liệu phân tích mạng lưới năng lượng của Bồ Đào Nha trong tháng 5/2016, toàn bộ lượng điện tiêu thụ trong khoảng thời gian từ 6h45 sáng (giờ UTC) ngày 07/5 cho tới 5h45 tối (giờ UTC) ngày 11/5 đều được lấy từ nguồn năng lượng tái tạo. Nguồn năng lượng tái tạo bao gồm điện gió, điện mặt trời và thủy điện. 

Cần phải nói thêm rằng, chỉ với ba năm trước, Bồ Đào Nha còn là một quốc gia phụ thuộc tới 1/2 nguồn năng lượng nhiên liệu hóa thạch và khoảng gần 1/3 vào năng lượng hạt nhân. Tới nay, quốc gia này đã có thể thay thế dần toàn bộ mạng lưới điện bằng nguồn năng lượng tái tạo. 

Thành công đem tới hơn 107 giờ điện hoàn toàn bằng năng lượng tái tạo của Bồ Đào Nha không chỉ nhờ điều kiện thời tiết thuận lợi, đó còn là thành công vô cùng ấn tượng trong công tác quản lý và điều hành mạng lưới điện của quốc gia Châu Âu nhỏ bé.

Phát hiện lịch sử của nhân loại – sóng hấp dẫn – hứa hẹn giải đáp nguồn gốc vũ trụ

Các chuyên gia thuộc Viện công nghệ California (Mỹ) tuyên bố đã tìm thấy khoảng không-thời gian bị uốn cong do sự va chạm giữa hai hố đen khổng lồ. Vùng không-thời gian bị uốn cong đó chính là sóng hấp dẫn - thứ đã được thiên tài Albert Einstein dự đoán trong Thuyết tương đối từ năm 1915. Phát hiện này cũng đồng thời tái khẳng định thuyết Big bang - giả thuyết vũ trụ được hình thành sau một vụ nổ khổng lồ - là đúng sự thật.

Trào lưu ‘dội nước đá’ năm 2014 gây quỹ giúp hoạt động nghiên cứu bệnh ASL đã giúp tìm ra gene liên hệ mật thiết với căn bệnh này

Mục đích ban đầu của trào lưu dội nước đá là để gây quỹ giúp hoạt động nghiên cứu căn bệnh xơ cứng teo cơ một bên (tên khoa học trong tiếng Anh: Amyotrophic Lateral Sclerosis, viết tắt: ALS). Giờ đây, số tiền quyên góp được từ cơn sốt dội nước đá cách đây 2 năm đã đưa lại những bước tiến đáng kể trong hoạt động nghiên cứu căn bệnh này. 

Bằng số tiền quyên góp được, tổ chức này đã có thể hỗ trợ kinh phí cho các nhà khoa học đi đầu trong lĩnh vực nghiên cứu căn bệnh ALS, và một trong số các nghiên cứu ấy đã nhận dạng được gene có liên hệ mật thiết với căn bệnh nan y này. 

ALS là một căn bệnh liên quan tới sự rối loạn chức năng hệ thần kinh, trong đó, những dây thần kinh vận động chuyên kiểm soát hoạt động cơ, bị xơ cứng hoặc teo dần, khiến người bệnh dần trở thành tàn phế.

Sri Lanka được WHO công nhận loại trừ bệnh sốt xuất huyết

Ngày 05/9/2016, Tổ chức y tế thế giới (WHO) chứng nhận loại trừ sốt rét ở Sri Lanka, một căn bệnh thường xuyên đe dọa tính mạng của khoảng 3,2 triệu người trên thế giới. 

Công bố này được đưa ra sau khi thống kê cho biết, trong 3 năm liên tiếp vừa qua, đất nước có 20 triệu dân trên Ấn Độ Dương này không ghi nhận bất cứ ca bệnh sốt rét nào. 

Theo WHO, năm 2015, có khoảng 214 triệu người trên toàn thế giới mắc bệnh sốt rét và khoảng 400.000 người tử vong vì căn bệnh này. 91% trong số này ở Vùng tiểu Sahara.

Thử nghiệm dùng ánh sáng nhấp nháy điều trị bệnh Alzheimer

Các chuyên gia vừa bất ngờ tìm ra một phương pháp mới để điều trị bệnh Alzheimer. Họ tin rằng các tia sáng nhấp nháy làm giảm số lượng các mảng lắng có hại trong não của protein beta-amyloid và TAU protein. Hiện phương pháp này mới chỉ thử nghiệm trên chuột nhưng mở ra nhiều hứa hẹn. 

Trong thử nghiệm nói trên, các nhà khoa học đã dùng ánh sáng tác động tới chuột hàng ngày, mỗi ngày một giờ trong vòng một tuần lễ. Đó là ánh sáng nhấp nháy đèn LED với tần số 40 hertz (40 lần mỗi giây). Trong thời gian này, số lượng các mảng lắng đọng độc hại trong não đã giảm khoảng 50%. Đặc biệt, số lượng đó giảm 60% trong vỏ não thị giác. 

Thử nghiệm thành công đã mở ra cánh cửa cho một hướng hoàn toàn mới trong nghiên cứu về rối loạn não và ngăn chặn bệnh về não.

Chevrolet trình làng mẫu ô tô điện giá rẻ

Sản phẩm concept Bolt EV của Chevrolet (một thương hiệu toàn cầu của General Motors) có giá chỉ 30.000 đô la Mỹ (khoảng 640 triệu đồng) tại Mỹ và khả năng chạy tối đa 200 dặm/321km chỉ cho một lần sạc. Trong khi hành trình tối đa của Bolt EV vẫn kém xa Tesla Model D (khoảng 475km cho một lần sạc) và nhất là Tesla Roadters 3.0 (khoảng 650km/1 lần sạc), thì mức giá quá rẻ của Bolt EV hứa hẹn đưa xe hơi bảo vệ môi trường tới tay phần đông người tiêu dùng trong tương lai.

SpaceX hạ cánh thành công tên lửa trên biển hứa hẹn có thể tái sử dụng các tên lửa đắt tiền

SpaceX hạ cánh thành công tên lửa trên biển sau bốn lần thử nghiệm thất bại. Thành công này là một cột mốc rất quan trọng với SpaceX bởi cuối cùng hãng này có thể hạ cánh thành công tên lửa trên cả đất liền và trên biển. 

Trước đó, hồi tháng 12/2015, SpaceX đã hạ cánh thành công Falcon 9 xuống một điểm hạ cánh trên mặt đất đặt tại một căn cứ ở Cape Canaveral, Florida, Mỹ sau khi tên lửa này đưa một vệ tinh vào không gian. Với bước tiến này, SpaceX đang ngày càng tiến gần hơn tới viễn cảnh có thể tái sử dụng tên lửa nhằm tiết kiệm chi phí cho các chuyến du hành vũ trụ.

Pakistan thông qua luật chống hủ tục giết người vì danh dự

Quốc hội Pakistan thông qua đạo luật mới, có thể kết án tử hình đối với kẻ giết người vì danh dự thay vì miễn tội như trước kia. 

Khoảng 500 phụ nữ bị giết mỗi năm ở Pakistan bởi chính các thành viên trong gia đình, với lý do họ gây hại đến "danh dự" như bỏ trốn cùng bạn trai, kết bạn với người đàn ông khác hoặc bất cứ hành vi nào bị coi là chống lại các "giá trị truyền thống" liên quan đến phụ nữ.  

Trong hầu hết trường hợp, nạn nhân là phụ nữ và kẻ sát nhân chính người thân của họ. Kẻ giết người sau đó thường không bị trừng phạt bởi gia đình nạn nhân đứng ra xin tha thứ.  

Luật mới quy định nếu gia đình nạn nhân xin tha thứ, kẻ giết người chỉ thoát án tử hình nhưng vẫn phải ngồi tù chung thân.

Mỹ in hình người phụ nữ da màu trên tờ 20 đô la

Hình của tổng thống Jackson trên tờ 20 đô la Mỹ hiện tại vẫn được giữ nguyên nhưng sẽ chuyển ra mặt sau, còn mặt trước của tờ tiền thuộc về bà Harriet Tubman, một phụ nữ Mỹ gốc Phi từng là nô lệ và sau này kiên quyết đấu tranh để bãi bỏ chế độ nô lệ hồi cuối thế kỷ 19. 

Một phần nguyên nhân của việc Mỹ thay đổi thiết kế tiền giấy xuất phát từ lá thư của một bé gái gửi Tổng thống Obama, để nói về tình trạng thiếu vắng hình ảnh phụ nữ trên tiền Mỹ. 

Từ năm ngoái, một chiến dịch trên mạng xã hội đã quyết liệt vận động thay thế hình của ông Jackson trên tờ 20 đô la Mỹ.

Máy bay năng lượng mặt trời Solar Impulse 2 hoàn thành chuyến bay vòng quanh thế giới

Tổng cộng máy bay đã vượt qua chặng đường 40.000km với hơn 500 giờ bay, tốc độ trung bình 45-90km/giờ. Máy bay từng dừng lại ở Oman, Ấn Độ, Myanmar, Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Tây Ban Nha, Ý, Ai Cập và Ả Rập Saudi. 

Solar Impulse 2 bắt đầu chuyến bay vòng quanh thế giới từ ngày 09/3/2015, do hai phi công người Thụy Sĩ Bertrand Piccard và Andre Borschberg thay nhau lái. Nó đã bay qua 4 châu lục, 3 biển và 2 đại dương. 

"Solar Impulse 2" là máy bay một chỗ ngồi làm từ sợi carbon. Nó có sải cánh 72m, rộng hơn máy bay Boeing 747, vận hành nhờ 17.000 tấm pin năng lượng mặt trời - có nhiệm vụ chuyển năng lượng mặt trời thành điện để cung cấp cho các động cơ máy bay.  

Dự án Solar Impulse được bắt đầu vào năm 2003 với chi phí ước tính khoảng 100 triệu đô la Mỹ trong 10 năm. Dự án được sự tài trợ chính của công ty Masdar - công ty năng lượng sạch ở Abu Dhabi, và hơn 40 nhà tài trợ phụ, trong đó có tập đoàn ABB (Thụy Điển - Thụy Sĩ), Google...

Quân đội Nigeria giải thoát 800 con tin khỏi nhóm Boko Haram

Ngày 08/12, quân đội Nigeria thông báo tổng cộng 800 con tin bị nhóm cực đoan Boko Haram bắt giữ đã được lực lượng này giải thoát trong Chiến dịch Lafiya Dole tại bang Borno của nước này. 

Nhóm phiến quân Boko Haram tiến hành hoạt động vũ trang tại Nigeria từ năm 2009 nhằm thành lập một nhà nước Hồi giáo. 

Ít nhất 20.000 người đã thiệt mạng, hàng nghìn người bị bắt cóc và hơn 2,6 triệu người bị mất nhà ở trong các vụ tấn công của nhóm cực đoan này tại Nigeria và các nước láng giềng Cameroon, Niger và Chad. 

Ấn Độ trồng 50 triệu cây trong một ngày, lập kỷ lục thế giới mới

Hơn 800.000 tình nguyện viên bao gồm sinh viên, nhà lập pháp, quan chức chính phủ, người nội trợ và tình nguyện viên của một số tổ chức phi chính phủ ở Ấn Độ cùng tham gia trồng 50 triệu cây xanh trong vòng 24 giờ tại bang Uttar Pradesh. 

Địa điểm trồng cây nằm dọc theo các tuyến đường quốc lộ, đường cao tốc, đường sắt và đất rừng. 

Trước đó, kỷ lục thế giới Guinness về số lượng cây xanh trồng trong một ngày được thiết lập ở Pakistan vào năm 2013, với số lượng 847.275 cây. 

Chính phủ Ấn Độ dành riêng 6,2 tỷ đô la Mỹ cho chiến dịch trồng cây nhằm tăng diện tích rừng, góp phần thực hiện những cam kết của quốc gia này tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu toàn cầu (COP 21) diễn ra tại Paris, Pháp, năm 2015.

(Tổng hợp)

Có thể bạn quan tâm:

Chủ đề chính: #nhìn_lại_2016

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn