Thanh Dung Sở thích: đọc sách và du lịch.

Những hiểu lầm thường gặp về hành vi các-ten

Đăng 5 năm trước

Hành vi các-ten là gì? Tại sao nó lại có tính chất nguy hại và tác động tiêu cực đối với môi trường kinh doanh nói riêng và môi trường cạnh tranh nói chung? Bài viết dưới đây sẽ chia sẻ với bạn đọc một số thông tin về hành vi các-ten cũng như những hiểu lầm thường gặp về hành vi này.

Hành vi các-ten là hành động hạn chế, loại bỏ sự cạnh tranh thông qua các thỏa thuận hoặc trao đổi thông tin giữa các đối thủ cạnh tranh liên quan đến giá sản phẩm, số lượng và/hoặc chất lượng sản phẩm,.... 

Đây là một hành vi thoả thuận hạn chế cạnh tranh và bị luật cạnh tranh của nhiều quốc gia nghiêm cấm.

Trên thế giới, nhiều nước có cách tiếp cận coi hành vi thoả thuận hạn chế cạnh tranh là một tội hình sự, việc xử lý các hành vi thoả thuận hạn chế cạnh tranh vi phạm được thực hiện theo thủ tục tố tụng hình sự. Ví dụ, một số quốc gia quy định cá nhân vi phạm có thể bị phạt tù tối đa lên tới 5 năm, như Nhật Bản, Ireland, Vương quốc Anh. Hoa Kỳ, Australia có cách tiếp cận nghiêm khắc hơn với quy định về thời hạn phạt tù tối đa lên tới 10 năm đối với hành vi các-ten nghiêm trọng. 

Hành vi các-ten có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng như vậy nhưng rất nhiều người vẫn chưa nhận thức được rõ về tác hại của hành vi này. Trong khi đó, mỗi chúng ta đều có thể mắc phải hành vi này, ví dụ như hành động trao đổi thông tin về giá với các đối thủ cạnh tranh. Vì vậy, việc tìm hiểu về hành vi các-ten là rất cần thiết. 

Dưới đây là một số quan niệm sai lầm phổ biến về hành vi các-ten:

1. Hành vi đó là vì lợi ích của công ty?

Quan niệm sai lầm đầu tiên chính là “Hành vi đó là vì lợi ích của công ty”. 

Thực tế, hành vi các-ten có thể gây ra thiệt hại lớn cho công ty, thậm chí lên đến hàng triệu đô la Mỹ bao gồm các khoản tiền phạt, các chi phí điều tra, dàn xếp dân sự,…

2. Sẽ không ai biết nếu bạn tiếp tục giữ im lặng về hành vi đó?

Đây là một quan niệm sai lầm bởi hiện nay, chính sách khoan hồng được áp dụng ở nhiều khu vực tài phán. Theo đó, chính sách cho phép các công ty được miễn trừ hoặc nhận hình phạt khoan hồng hơn bằng cách tự trình báo cho cơ quan quản lý cạnh tranh thông tin liên quan đến hoạt động các-ten. Do đó, hành vi các-ten sẽ dễ bị phát hiện hơn.

Thông thường, người nộp đơn xin khoan hồng đầu tiên sẽ được miễn trừ và người nộp đơn sau đó sẽ nhận được các hình phạt khoan hồng phụ thuộc vào thời gian họ nộp các đơn đó sớm hay muộn.

Vì vậy, các công ty thường thi nhau tự trình báo trước và đưa ra những bằng chứng về hành vi các-ten.

Tại Hoa Kỳ, khi thực hiện việc tự trình báo liên quan đến các-ten riêng, các khoản tiền phạt sẽ được giảm. Theo cách này, các cuộc điều tra các-ten sẽ mở rộng từ công ty này sang công ty khác, từ sản phẩm này sang sản phẩm khác khiến ngày càng nhiều hành vi bị phát hiện.

3. Các cá nhân không bị phạt?

Quan niệm sai lầm thứ ba là “Các cá nhân không bị phạt.” 

Thực tế, các hoạt động các-ten có thể phải chịu trách nhiệm hình sự đối với cá nhân. Mức phạt tiền tối đa đối với các cá nhân vi phạm về hành vi thoả thuận hạn chế cạnh tranh có thể là 5 triệu Yên (tại Nhật Bản), 4 triệu Euro (tại Ireland) hoặc 1 triệu đô la Mỹ (tại Hoa Kỳ), 220.000 đô la Úc/hành vi (tại Úc). Tại Việt Nam, vấn đề này đã cụ thể hoá theo quy định tại Khoản 1, Điều 217 về Tội vi phạm quy định về cạnh tranh của Bộ Luật hình sự 2015 (sửa đổi 2017), theo đó:

“1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây gây thiệt hại cho người khác từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm: 

a) Thỏa thuận ngăn cản, kìm hãm không cho doanh nghiệp khác tham gia thị trường hoặc phát triển kinh doanh; 

b) Thỏa thuận loại bỏ khỏi thị trường doanh nghiệp không phải là các bên của thỏa thuận; 

c) Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh khi các bên tham gia thỏa thuận có thị phần kết hợp trên thị trường liên quan 30% trở lên thuộc một trong các trường hợp: thỏa thuận ấn định giá hàng hóa, dịch vụ một cách trực tiếp hoặc gián tiếp; thỏa thuận phân chia thị trường tiêu thụ, nguồn cung cấp hàng hóa, cung ứng dịch vụ; thỏa thuận hạn chế hoặc kiểm soát số lượng, khối lượng sản xuất, mua, bán hàng hóa, dịch vụ; thỏa thuận hạn chế phát triển kỹ thuật, công nghệ, hạn chế đầu tư; thỏa thuận áp đặt cho doanh nghiệp khác điều kiện ký kết hợp đồng mua, bán hàng hóa, dịch vụ hoặc buộc doanh nghiệp khác chấp nhận nghĩa vụ không liên quan trực tiếp đến đối tượng của hợp đồng.”

Thậm chí khi bạn không trực tiếp liên lạc với đối thủ cạnh tranh nhưng cấp dưới của bạn tham gia vào hoạt động các-ten, bạn cũng vẫn sẽ phải chịu trách nhiệm với vai trò cấp trên. Bên cạnh đó, bạn sẽ phải chịu những biện pháp kỷ luật từ công ty. 

Vì vậy, nếu bạn phát hiện hành vi các-ten, hãy lên tiếng.

Thanh Dung

Chủ đề chính: #kinh_doanh

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn