Nguyễn Ngọc Tường Vy

Những kiểu thời trang nguy hiểm chết người trong lịch sử

Đăng 8 năm trước

Ít ai ngờ những kiểu trang phục quen thuộc như áo corset, cổ áo hay khung váy... có thể gây chết người.

Ít ai ngờ những kiểu trang phục quen thuộc như áo corset, cổ áo hay khung váy... có thể gây chết người.

1. Áo corset

Mô tả hình ảnh

Trước khi quần định dáng Spanx ra đời, corset là thứ nội y duy nhất có khả năng làm co nhỏ vòng hai và nâng căng vòng một của chị em phụ nữ. Đây là phụ kiện vô cùng thông dụng trong thời Victoria ở Anh, thể hiện sự tôn trọng đối với người phụ nữ. Thậm chí mọi người thời ấy còn cho rằng phụ nữ không mặc corset thì thân thể lỏng lẻo, buông thả như chính đạo đức của người ấy.

Nhưng trên thực tế, mang corset quá lâu sẽ làm cơ thể khó tiêu, táo bón, biến dạng cơ thể và thậm chí ngất xỉu vì không thở được. Năm 1871, một tổng kết được đưa ra cho thấy có tổng cộng 97 trường hợp nhập viện liên quan đến việc mặc corset, bao gồm cả những trường hợp kích động hoặc trầm cảm khi mang loại nội y này. Đến năm 1903, một bà mẹ sáu con 42 tuổi tên Mary Halliday đã đột ngột qua đời sau một cơn động kinh. Báo cáo khám nghiệm tử thi cho thấy có hai mảnh thép của corset đã bứt khỏi khung và găm vào ngực cô trong cơn co giật. 

2. Khung váy

Mô tả hình ảnh

Khung váy định hình crinoline có chức năng tạo độ phồng cho những bộ váy khổng lồ của quý tộc châu Âu xưa. Trong suốt thế kỷ thứ 19, thời điểm mà crinoline đạt đến đỉnh cao của độ phổ biến, đã có một vài cái chết thảm khốc xảy ra do khung váy này bắt lửa.

Một trong số đó là trường hợp của phu nhân nhà thơ Henry Wadsworth Longfellow, trong lúc nung chảy con dấu để đóng trên giấy tờ đã vô ý để tàn lửa bắt vào khung váy và nhanh chóng bị lửa bao trùm để rồi qua đời vào ngày hôm sau. Hai người em gái của nhà văn Oscar Wilde cũng bị thảm cảnh tương tự khi đến quá gần ngọn đèn trong buổi dạ vũ. Năm 1858, tờ báo New York Times cho biết trung bình mỗi tuần lại có ba vụ hỏa hoạn do crinoline gây ra, khiến cho các quý cô hết sức cẩn trọng và đề phòng trong hoạt động cá nhân của mình.

3. Cổ áo đứng rời

Mô tả hình ảnh

Cũng được phát minh vào thế kỷ 19, thời Edward, tại châu Âu, những chiếc cổ áo rời cho phép cánh đàn ông không phải thay áo sơ-mi mỗi ngày mà vẫn thay đổi được phong cách – một kiểu phụ kiện thời trang khá phổ biến thời ấy. Tuy nhiên, cổ áo được gia cố làm cho cứng đến mức có thể gây chết do ngạt thở. Nó cũng ngăn dòng máu lưu thông qua động mạch cảnh lên cấp máu cho vùng đầu mặt.

Một mục cáo phó trên tờ New York Times năm 1888 đã nêu trường hợp một người đàn ông John Cruetzi bị phát hiện chết trong công viên trong tình trạng say rượu. Khám nghiệm tử thi cho thấy trong lúc say, Cruetzi gục đầu xuống ngực để ngủ trong khi vẫn đeo kiểu cổ áo ấy, vô tình làm tắc cả khí quản và mạch máu nuôi vùng đầu mặt mà không hề hay biết.

4. Thợ làm mũ điên

Mô tả hình ảnh

Thuật ngữ “thợ làm mũ điên” (mad hatter) đã được dùng 30 năm trước khi Lewis Carroll viết nên tác phẩm nổi tiếng “Alice in Wonderland”. Ngộ độc thủy ngân là một chứng bệnh nghề nghiệp phổ biến, xảy ra ở những thợ làm mũ trong giai đoạn thế kỷ 18-19. Hóa chất dùng để sản xuất vải nỉ này, khi tiếp xúc lâu dài sẽ từ từ gây ra chứng bệnh ‘thợ làm mũ điên’ mà không ai chú ý. Triệu chứng bao gồm run thay, nhút nhát bệnh lý và cáu kỉnh… dễ khiến người khác liên tưởng đến tính cách lập dị của nhân vật cùng tên trong tác phẩm của Carroll.

5. Gót sen

Mô tả hình ảnh

Lấy cảm hứng từ vũ nữ nổi danh trong triều đình về tài nhảy múa ở thế kỷ thứ 10 – Triệu Phi Yến, tương truyền cô đã lấy vải lụa quấn chặt đôi chân mình thành hình búp sen để mê hoặc Hoàng đế, tục bó chân của phụ nữ quý tộc Trung Quốc bắt đầu từ đấy. Đôi chân càng nhỏ càng thể hiện địa vị cao sang của người phụ nữ, chứng tỏ rằng họ không cần phải làm việc gì cả. Một tục lệ tưởng chừng như để tôn vinh phái nữ này trải qua những bước thực hiện kinh hoàng như bẻ gãy xương, đoạn chi… cốt chỉ để đôi chân mang vừa đôi giày nhỏ nhắn thời thượng ấy. Mãi đến năm 1912, hủ tục man rợ này mới chính thức bị cấm trên toàn Trung Quốc.

Tường Vy

Theo BBC

Các bạn có thể xem thêm:

Chủ đề chính: #trang_phục

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn