Arol Nguyen

Những kỹ năng cần thiết cho người mới đi làm

Đăng 6 năm trước

Bạn vừa ra trường? Bạn vừa xin được công việc ở một công ty nào đó? Bạn háo hức chuẩn bị và mong đợi ở những ngày đầu đi làm, tuy nhiên vẫn không tránh khỏi cảm giác lo lắng và bất an. Bạn không biết môi trường ở đó như thế nào, bạn không biết đồng nghiệp – những người gặp mặt lần đầu và sẽ gắn bó lâu dài trong công việc ra sao, bạn không biết cư xử thế nào cho phải phép. Những nguyên tắc sau đây có thể giúp bạn một phần nào đó để hòa nhập tốt hơn vào môi trường công sở khắc nghiệt.

1. Tạo thiện cảm cho lần đầu “ra mắt”

Bạn đã đi làm và phong cách thời trang sinh viên cũng không còn phù hợp nữa, hãy để những chiếc quần jean, áo phông rộng và những loại phụ kiện mang tính chất nổi loạn nằm ngay ngắn trong tủ quần áo nhé. Thứ trên người bạn nên là quần âu, áo sơ mi lịch sự gọn gàng cùng với màu tóc không mấy nổi bật. Tuy nhiên, đừng cố tỏ ra bạn là người quá sành điệu trong ăn mặc vì như vậy sẽ khiến “ma cũ” so sánh và ghen tỵ.

Cư xử nhã nhặn và thân thiện với tất cả mọi người. Một nụ cười cùng cái gật đầu nhẹ với chú bảo vệ hay cô lao công cũng đủ để người khác đánh giá bạn là một người có văn hóa. Chào hỏi thân thiện với tất cả mọi người, dù cho bạn có lớn tuổi hơn một vài người thì họ vẫn là tiền bối của bạn trong công việc.Việc tạo dựng thiện cảm không bao giờ là thừa cả, để người khác giúp mình trước tiên phải tạo ấn tượng tốt cho họ, đúng không?

2. Tác phong chuyên nghiệp

Đi làm đúng giờ, hoặc nếu có thể hãy đến sớm hơn khoảng 15 phút. Trong thời gian đó bạn có thể dọn dẹp một số khu vực chung, tuy nhiên tránh động vào bàn làm việc của đồng nghiệp, họ sẽ không thích vùng riêng tư của mình bị xâm phạm đâu. Hoặc nếu như sếp của bạn thích uống trà, bạn có thể gợi ý việc bạn có thể  mang xác trà đi đổ, rửa ấm và ly tách sạch sẽ vào đầu giờ sáng, nếu được chấp thuận hãy làm việc đó nhé, vài ba phút đổi lấy thiện cảm, cũng đáng lắm đúng không nào?

Đừng thể hiện quá nhiều, nên giấu đi tầm hiểu biết của bạn một chút,đồng nghiệp không thích người quá thông minh đâu. Tuy nhiên, bạn cũng nên quan sát để nắm rõ môi trường xung quanh mình, tự học cách sửdụng máy in, máy photocopy,… và giải quyết những vấn đề phát sinh khi trục trặc.

Biết hỏi một cách hợp lý: ghi chú lại những thứ không nắm rõ thành một danh sách ngắn, sau đó lựa chọn những người vui vẻ, dễ tính hoặc thích chỉ bảo người khác để giải đáp thắc mắc của mình. Tránh hỏi vụn vặt và lúc họ đang bận nhé.

Kiểm tra kỹ lưỡng tài liệu, email gửi đi sao cho thật chính xác và đúng chính tả. 

3. Hòa nhập với mọi người

Tham gia vào các hoạt động của công ty, sẵn sàng hỗ trợ nhiệt tình khi cần thiết.

Tập uống rượu bia. Đã là nhân viên mới thì không thể tránh khỏi trường hợp phải đi mời rượu với cấp trên và đồng nghiệp. Không cần thiết phải “ngàn ly không say” nhưng vẫn nên luyện một chút kỹ năng để không bị đổ gục khi tiệc chưa tàn nhé.

Trong những ngày đầu đi làm, nên chú ý xem mọi người dùng bữa trưa thế nào, đừng vì tiết kiệm mà vội mang cơm đến văn phòng, hãy dùng bữa cùng họ, bạn không muốn bị bỏ ngoài cuộc vui của họ, đúng không?

Bất đắc dĩ sắm vai “kẻ ba phải”. Không ai muốn nhưng không còn cách nào khác. Đừng dại mà phản bác khi đồng nghiệp nói xấu người khác với bạn, chỉ nên cười cười cho qua rồi nhanh chóng chuyển sang chủ đề khác. Hầu hết mọi người sẽ xem bạn là nơi kể lể lí tưởng, đừng hùa theo ai cả, cũng hạn chế nêu ý kiến của mình, không theo phe ai là một cách tốt.

4. Tùy cơ ứng biến – Học cách tồn tại

Đừng để mình trở thành chân sai vặt. Tất nhiên khi bạn chân ướt chân ráo vào nghề thì việc bị sai khiến làm hàng tá công việc vặt vãnh là không thể tránh khỏi, học cách chấp nhận trong giới hạn cho phép. Nên nhớ bạn cũng có công việc riêng của mình, sẽ ra sao nếu chậm trễ công việc vì những việc mà người khác nhờ vả. Học cách nói “Không” khi cần thiết, cư xử nhã nhặn và tỏ ra có lỗi khi từ chối. Nếu cần thiết, hãy tỏ ra cứng rắn hơn.

Đồng nghiệp thì chỉ là đồng nghiệp. Đừng nên tin người quá mức và quá dễ dàng, thời gian còn dài ai có thể kết thân thì hãy để thời gian trả lời đi. Bàn về các vấn đề cuộc sống, hạn chế đánh giá đồng nghiệp khác.

“Giận quá mất khôn”. Nếu bạn bị chèn ép và coi thường, đừng xù lông tranh cãi. Tỏ ra thân thiện với họ hơn, hay thậm chí là nhờ họ chỉ bảo. Một cách khác nếu như người đối đầu với bạn không là người quản lý cũng không ảnh hưởng đến công việc của bạn, thì tốt nhất không nên quan tâm đến họ làm gì. Tập trung làm tốt công việc của mình, chứng tỏ khả năng của bạn. Hãy im lặng, làm việc hiệu quả và tỏa sáng.

Dẹp bỏ tự ái. Lúc chưa quen việc thì chắc chắn sẽ gặp phải sai sót hoặc không đúng theo ý  sếp, đừng để bị tổn thương khi bị mắng, học cách chấp nhận, xem đó là kinh nghiệm cần thiết, đồng thời nên giữ tinh thần cầu tiến của mình.

Ngày nào cũng như ngày đầu tiên đi làm. Cảm giác háo hức và sự nhiệt tình sẽ nhanh chóng phai nhạt đi theo thời gian. Hãy nhớ đến khoảng thời gian đi học cực khổ và cả sự khó khăn để giành lấy công việc này.

Nắm vững nguyên tác cuộc chơi là bước chuẩn bị tốt nhất để không bị sốc văn hóa cũng như tồn tại dễ dàng hơn trong môi trường công sở khắc nghiệt.

Xem thêm

Chủ đề chính: #kỹ_năng_làm_việc

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn