Nhu Đại Phu Sinh viên y gặm bánh mỳ - gõ phím cân thiên hạ

Những kỹ năng sơ cứu cơ bản tại nhà có thể sẽ cứu sống bạn

Đăng 5 năm trước

Trong cuộc sống sẽ có những lúc bạn gặp phải những tình huống không may, và thật may vì bạn biết cách sơ cứu đúng cách. Những kỹ năng sau tuy đơn giản nhưng rất quan trọng trong cấp cứu, tất nhiên việc đầu tiên bạn phải làm là gọi cho 115 đã nhé. Có nhiều bệnh nhân may mắn được cứu sống trong gang tấc nhờ sự hiểu biết của người thân trong việc sơ cứu và cấp cứu kịp thời, chuẩn xác trước khi được đưa tới bệnh viện.

Hô hấp nhân tạo - xoa tim ngoài lồng ngực

1. Nạn nhân ngưng thở

Để nạn nhân nằm ở nơi thoáng đãng, nới rộng quần áo và dây thắt lưng, đệm dưới cổ cho đầu hơi ngửa ra sau để đảm bảo đường hô hấp được thông thoáng, lấy dị vật trong miệng nạn nhân nếu có.

Một tay bịt mũi nạn nhân, tay kia kéo hàm xuống dưới để miệng hở ra, ngậm chặt miệng nạn nhân rồi thổi liên tục hai hơi đối với người lớn, một hơi với trẻ em dưới 8 tuổi, sau đó để lồng ngực tự xẹp xuống rồi lại thổi tiếp. Người lớn và trẻ em trên 8 tuổi, mỗi phút phải thổi ngạt 20 lần. Trẻ dưới 8 tuổi, mỗi phút phải thổi ngạt 20 - 30 lần.

2. Nạn nhân ngưng tim:

Khi nạn nhân bị ngưng tim (áp tai vào lồng ngực không nghe tim đập và sờ mạch không thấy mạch đập), ngay lập tức phải tiến hành cấp cứu nạn nhân tại chỗ bằng cách bóp tim ngoài lồng ngực.

 Để nạn nhân nằm trên mặt phẳng cứng, người tiến hành ép tim quỳ gối bên trái nạn nhân. Hai bàn tay chồng lên nhau rồi để trước tim, tương ứng với điểm giữa hai núm vú hoặc khoang liên sườn 4 - 5 bên ngực trái, từ từ ấn sâu xuống khoảng 1/3 cho đến một nửa bề dày lồng ngực, sau đónới lỏng tay ra.

 Người lớn và trẻ em trên 1 tuổi, số lần ép tim trong một phút khoảng 100 lần. Trẻ dưới 1 tuổi, mỗi phút ép tim hơn 100 lần. Trẻ sơ sinh có thể phải ép tim đến 120 lần/phút.

3. Nạn nhân vừa ngưng tim vừa ngưng thở:

Phải kết hợp cả ép tim với thổi ngạt, cứ 15 lần ép tim lại thổi ngạt hai lần, với trẻ sơ sinh là ba lần ép tim thổi ngạt một lần.Sau khi bệnh nhân tự thở được cần đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời.

Cầm máu bằng cách ga rô

Đây là biện pháp cầm máu tạm thời bằng dây cao su hoặc dây vải xoắn chặt vào đoạn chi, để làm ngừng lưu thông máu từ phía trên xuống phía dưới của chi.

  • Ấn động mạch ở phía trên vết thương để tạm thời cầm máu.
  • Lót vải hoặc gạc ở chỗ định đặt garô hoặc dùng ngay ống quần, ống tay áo để lót.
  • Đặt garô và xoắn dần (nếu là dây vải), bỏ tay ấn động mạch rồi vừa xoắn vừa theo dõi mạch ở dưới hoặc theo dõi máu chảy ở vết thương. Nếu mạch ngừng đập hoặc máu ngừng chảy là được. Khi đã xoắn vừa đủ chặt thì cố định que xoắn. Nếu là dây cao su thì chỉ cần cuốn nhiều vòng tương đối chặt rồi buộc cố định.
  • Băng ép vết thương

Chú ý:  Cứ 30 phút phải nới garô một lần, làm theo thứ tự: người phụ ấn động mạch ở phía trên garô, người chính nới dây garô từ từ, vừa nới vừa theo dõi sắc mặt bệnh nhân, sự chảy máu ở vết thương, mạch và màu sắc đoạn chi ở dưới garô.

 Nới garô từ 4 - 5 phút. Nếu thấy máu chảy mạnh ở vết thương thì phải ấn lại động mạch ở gốc chi. Nếu thấy sắc mặt bệnh nhân thay đổi đột ngột tím tái hoặc nhợt nhạt phải đặt garô lại ngay.

Cấp cứu người bị hóc dị vật

  • Dùng lòng bàn tay vỗ vào lưng nạn nhân tầm 5 phút để kích thích hô hấp.
  • Dùng  thủ thuật Heimlich trong trường hợp sơ cứu hóc dị vật khi nó lọt vào đường thở và choán gần hết diện tích của đường thở. Vỗ từ lưng hoặc ép vào cơ hoành, mục đích tạo ra một áp lực lớn đột ngột trong đường hô hấp đẩy dị vật ra ngoài.

Bong gân

Khi bong gân bạn phải thực hiện đúng theo 4 bước sau đây để giảm thiểu tổn thương cho vận động xương khớp:

1. Nghỉ ngơi, hạn chế vận động khớp sưng đau (Rest)

2. Chườm lạnh vùng tổn thương càng sớm càng tốt để làm dịu cơn đau (Ice)

3. Băng ép vùng tổn thương bằng băng chun (Compression)

4. Nâng cao chi bị tổn thương để hạn chế sưng (Elevation)

Bạn chỉ cần nhớ nguyên tắc là RICE, thật dễ phải không?

Hóa chất bay vào mắt

Tốt nhất là bạn đừng dụi nhé, dùng nước sạch để rửa vùng tổn thương, nước muối sinh lý càng tốt. Dùng gạc vô khuẩn có tẩm nước muối sinh lý chặm lại và kịp thời tới cơ sở ý tế nếu cảm thấy khó chịu ở mắt.

Xử lý rắn cắn

Đầu tiên cần xác định xem đó là rắn độc hay không bằng cách nhìn vào dấu răng (rắn độc sẽ có 2 răng nanh rất to, rắn thường thì răng sẽ đều nhau).

Nếu bị rắn độc cắn thì xử lý như sau:

1. Bất động, tránh để máu lưu thông nhiều vùng bị cắn

2. Băng ép, tuy nhiên không băng ép khi bị rắn lục cắn vì chi dễ hoại tử.

3. Có thể chích nặn rửa vết cắn dưới bòi nước sạch với xà phòng rồi sát trùng.

4. Cấp cứu ngừng tim ngừng thở khi cần thiết và di chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế

Lưu ý: không garo vết thương, không hút máu, không chườm lạnh và sử dụng các phương pháp chưa được kiểm nghiệm.

Trên đây là những phương pháp sơ cứu được tổng hợp từ nhiều nguồn uy tín, các bạn nhớ lưu về dùng dần nhé!!

Chúc các bạn sống khỏe!

_nsm_ (tổng hợp)

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn