The Monster

Những món ăn ngon, lạ, độc đáo ở Bắc Bộ

Đăng 8 năm trước

Có rất nhiều món ăn ngon, lạ, độc đáo ở Bắc Bộ nhưng lại hết sức dân dã mà có thể bạn chưa biết. Cùng du lịch ẩm thực Việt Nam qua bài viết để biết thêm nhé!

"Du lịch ẩm thực" là chủ đề đang được rất nhiều bạn trẻ quan tâm, đó cũng được xem là sở thích của nhiều người hiện nay. Ngoài việc thỏa mãn thú vui được "phượt" đến nhiều nơi, lưu giữ những khoảnh khắc vui vẻ bên gia đình và bạn bè thì việc được khám phá, thưởng thức những món ăn ngon, lạ và độc đáo ở các vùng miền khác nhau là điều khiến không ít người cảm thấy thích thú. Tuy nhiên, cá với bạn là không phải ai trong chúng ta cũng biết khi "phượt" đến đâu thì nên thưởng thức những món ăn gì là ngon. Mỗi vùng miền đều có nét đặc trưng riêng về ẩm thực, và nếu chỉ tính riêng những món ăn dân dã của các vùng miền Việt Nam thôi cũng đủ cho bạn khám phá mệt nghỉ rồi đấy. Bài viết này chắc chắn sẽ là cẩm nang du lịch ẩm thực trong nước bổ ích cho mọi người, đảm bảo sẽ không thể thiếu yếu tố bất ngờ. Phần này chúng ta hãy cùng nhau khám phá " những món ngon, lạ và độc đáo" ở Bắc Bộ nhé.

1. Lên Yên Bái thưởng thức món lạ rêu đá vùi than

Rêu đá vùi than là đặc sản nổi tiếng của người Thái ở tỉnh Yên Bái. Rêu đá theo tiếng dân tộc Thái là "Cay". Có 3 loại rêu đá nhưng chỉ có hai loại rêu đá ăn được goi là "Cay him pho": rêu mọc trên đá ở suối và "Cay tau": rêu đá mọc từng đám trên mặt hồ. Muốn chọn rêu non và xanh thì thường chọn ở vùng nước chảy xiết hoặc đá to. Khi vớt thì cho vào rổ, giặt bằng nước suối sạch hoặc dùng một cây gỗ to đập qua nhiều lần để loại bỏ chất bẩn.

Rêu đá vùi than Yên Bái

Sau khi rửa sạch, rêu được vắt hết nước rồi tẩm với nhiều gia vị khác nhau như sả, gừng, hạt muối, hạt dỗi,.. Tất cả được gói vào lá dong, vùi trong than nóng phủ thêm một lớp than hồng. Vừa nướng rêu đá vùi than vừa trò chuyện với người thân, nghe mùi nồng rất riêng của rêu đá tỏa ra như càng khiến cho mọi người xích gần lại nhau hơn. Khi là dong vừa cháy đen là có thể dùng được. Vị mềm, ngậy mà ngon, lạ, độc đáo mà không ngán khiến cho ai có cơ hội thưởng thức sẽ khó lòng quên được. Theo như nhiều người đây là một món rau sạch của người Thái và cũng là một vị thuốc dân gian giúp giải độc, giải nhiệt, hạ huyết áp, chữa trị một số bệnh mãn tính khác.

2. Ghé lên Sơn La chớ quên thịt bò gác bếp

Thịt bò, thịt trâu gác bếp là đặc sản của người Thái Đen, đây là thịt được lấy từ phần đùi thăn chắc của những con trâu, bò nuôi thả rông ở vùng đồi núi. Khi chế biến người ta thái thịt ra thành từng miếng rồi hun bằng khói của than củi được đốt từ các loại cây.

Thịt bò gác bếp Sơn La

Với miếng thịt bò sau khi được chế biến xong, mùi khói gần như vẫn còn nguyên, song lại không gây khó chịu. Nhờ có bí quyết riêng mà miếng nào ra miếng nấy, không bị hỏng. Người làm khi chế biến có tẩm ướp thịt với các gia vị khác như ớt, gừng, đặc biệt là mắc khén - một loại hạt tiêu rừng của người dân tộc thiểu số vùng cao Tây Bắc. Miếng thịt khô lại, gia vị nhiều khi còn hiện nguyên trên miếng thịt nhưng vẫn giữ nguyên mùi vị đặc trưng. Khi ăn, món này được chế biến hoàn toàn tự nhiên, không có chất bảo quản nhưng vẫn để dự trữ được trong vòng một tháng.

 3. Lam nhọ, phong vị độc đáo ngàn đời của người Thái

Lam Nhọ

Lam nhọ cũng là một món ăn ngon, lạ và độc đáo của người Thái ở các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu. Theo người Thái thì "lam" có nghĩa là nướng, "nhọ" có nghĩa là nhừ. Thịt trâu, hoặc bò được cắt thành từng tảng lớn mang nướng trên than hồng cho thật chín rồi thái mỏng ngang thớ, trộn với rất nhiều gia vị đặc trưn như: tiêu rừng (mắc khén), ớt, tỏi, gừng và rau bí, quả bí non, cà rừng… tất cả cho vào ống tre nướng chín, sau đó lấy que chọc cho nhuyễn, tiếp tục nướng ppngs tre cho chín nhừ. Lam nhọ vị ngọt đậm, mềm nhừ mà vẫn đóng bánh, khi ăn phải lấy đũa sắn từng miếng.

4. Đậm đà cá nướng Điện Biên

Nếu một lần có cơ hội ghé thăm Điện Biên, bạn đừng bỏ lỡ món cá nướng Điện Biên. Đây là món ăn truyền thống, ngon lạ và độc đáo rất được lòng thực khách. Đối với món này cá được chọ chế biến phải là cá có bề ngang lớn từ trắm, mè, trôi... độ từ cân rưỡi trởi lên. Cá như vậy mới có nhiều thịt. Cá mang về nhà rửa sạch, mổ từ sống lưng trở xuống để lấy sạch ruột, rồi xoa một lượng muối rang nổ vào cả bên trong và bên ngoài cá. 
Mô tả hình ảnh

Cách ướp cá cũng là bí quyết riêng của người dân Tây Bắc để cá có mùi vị đặc biệt hơn. Món cá nướng này không dùng riềng mẻ hay nghệ nhiều,bởi điều đó sẽ làm át hương vị của cá. Chỉ cần một chút mắc khén, ớt tươi, nghiền nát hành tỏi rau thơm thái nhỏ rồi nhổi vào bụng cá, sau đó gập ngang thân cá, dùng que xiên nướng trên than hồng. Vị dịu của mắc khén, vị cay nồng nàn của ớt, vị đậm đà của muối, vị thơm ngậy của cá nướng hòa với mùi thơm của rau mùi…tất cả tạo nên một hương vị rất riêng, rất hấp dẫn. Từng thớ thịt cá trắng ngà quện với gia vị dậy mùi thơm phức, nếm thử một miếng cũng cảm nhận được độ ngon, ngọt và đậm đà.

5. Đến Chiềng Khoi, Lai Châu thưởng thức sự độc đáo từ thịt dơi của người Thái

Tại bản Hiêm, xã Chiềng Khoi, huyện Yên Châu, có một hang đá rất lớn gọi là Hang Dơi. Từ lâu người Thái ở Chiềng Khoi đã biết bắt dơi về chế biến các món ăn. Đối với họ đây là món ăn hiếm chỉ dùng để biếu bố mẹ hoạc tiếp khách quý.

Mô tả hình ảnh

Dơi sau khi bắt về được làm sạch, chặt cánh bỏ riêng. Thịt vằm nhỏ cho thêm xả, ớt, tiêu rừng, rau húng, lá lốt.. Sau khi thịt dơi đã mịn thì cho một chút muối rồi dùng cánh của nó fois lại như bánh đa. Cánh dơi mõng nhưng kín, hia vị không bị bay hơi nên rán lên cho vị thơm ngon tuyệt vời. Cũng có một cách làm khác là làm sạch, ướp gia vị rồi nhét vào ống tre. Cho vào một ít hạt sa nhân, một ít nước rồi bịt kín bằng lá dong, Hầm 3 đến 4 tiếng cho đến khi cạn rồi lai đổ nước thêm. Đây là một món rất bổ dưỡng, ngon và độc đáo được người Thái rất ưa thích.

6. Vị lạ thịt chua Thanh Sơn - Phú Thọ

Nhắc đến Thanh Sơn - Phú Thọ thì phải nhắc đến thịt chua. Với những nét đặc trưng riêng, thịt chua Thanh Sơn - Phú Thọ không chỉ là món ngon địa phương mà nó còn là đặc sản của cả nước. Để có được món thịt chua hấp dẫn người ta dùng thịt ba chỉ, thịt mông sấn, thịt nạc vai, nạc thăn đã được sơ chế sạch từ loại lợn lửng, một loại lợn địa phương được nuôi thả rông một năm chỉ đạt tới 15- 17 kg, có thịt săn chắc và thơm ngon, ít nước.

thịt chua Thanh Sơn

Thịt chua có cách làm khá đơn giản nhưng để có một lọ thịt chua hấp dẫn và đạt yêu cầu lại là cả một nghệ thuật, và nó thể hiện qua sự chọn lọc kỹ càng để có các nguyên liệu tốt nhất cũng như quy trình thực hiện chính xác, nghiêm ngặt. Khi làm xong người ta thường treo lên hoặc bảo quản ở những nơi cao ráo, thoáng đãng. Thời gian đảm bảo cho thịt lên men và dùng được là từ 04 – 05 ngày vào mùa hè, từ 05 – 07 ngày vào mùa đông. Thịt để lên men có vị chua thơm ngon tự nhiên, không hề có chất bảo quản, không cho chất tạo men, 100% lên men chua chín tự nhiên. 
Khi ăn miếng thịt khô, tơi, chua, ngọt, thơm ngậy vừa miệng. Khi dùng ta thường ăn kèm với các loại lá như: lá sung, lá ổi, lá mơ, lá đinh , rau thơm .v.v… chấm kèm với tương ớt thêm chút hạt tiêu… thì mới cảm nhận được hết hương vị khá độc đáo, mới lạ từ món ăn đem lại.

7. Sá sùng món lạ Quảng Ninh

sá sùng Quảng Ninh

Vùng biển Quảng Ninh được trời phú cho một loại hải sản đặc biệt gọi là sá sùng, hay còn gọi là con sâu cát, người dân gọi là con mồi. Sá sùng có nhiều ở các huyện đảo Vân Hải và chúng chỉ sống ở những vùng nước thủy triều lên xuống. Khi triều xuống người dân hay rủ nhau đi đào sá sùng. Sá sùng xào tỏi là một món ngon dân dã của người dân Quảng Ninh. Sá sùng khô đem rang, khi chín có màu vàng, mùi rất thơm, một hương thơm nồng ngậy đậm đà của biển. Sá sùng rang chấm với tương ớt, điểm thêm rau dấp cá, rau thơm thưởng thức cùng một vài ngụm bia thì trên cả tuyệt vời.

8. Sam 7 món, Cát Bà - Hải Phòng

Sam là món ăn đặc trưng hương vị biển vừa ngon, vừa lạ lại vừa độc đáo của vùng Cát Bà, Hải Phòng. Sam có nguồn gốc tự nhiên, luôn đảm bảo độ tươi sống. Sam biển có thể chế biến thành nhiều món ăn khác nhau như: tiết canh, gỏi, chân sam sào chua ngọt, sam sào xả ớt, trứng sam chiên giòn hoặc sào lá lốt, sam hấp, sam bao bột rán, sụn sam nướng, sam sào miến… Các món ăn từ thịt sam thơm ngon và có mùi vị triêng.

sam 7 món

Sam là món ăn thuộc loại hàn tính nên khi ăn phải ăn cùng các gia vị nóng như: giềng, sả, ớt… Đây là một loại thực phẩm ngon dành cho ai có ý định du lịch Cát Bà trong thời gian tới.

9. Khâu nhục - Bắc Kạn

Khâu Nhục còn có tên gọi khác là nằm khau, cái tên bắt nguồn từ cách thức sắp xếp món ăn trên đĩa giống như một mỏm đồi nhỏ đang vươn lên. Khâu Nhục là món ăn đặc trưng của đồng bào dân tộc Tày – Nùng ở Bắc Kạn. Đây là món ăn được chế biến khá cầu kỳ và chỉ hay được sử dụng  khi có tiệc tùng, cưới hỏi, lễ tết.

khâu nhục

Để chế biến món ăn đặc sản này cũng cần nhiều công phu.Thịt ba chỉ phải là loại nhon nhất, luộc sơ qua, dùng tăm tre chọc bì thật kĩ, tẩm ướp gia vị rồi đem quay, vưa quay vừa quết mật ong cho vàng bì. Khoai môn phải là loại khoai được trồng tại Bắc Kạn, xắt và rán vàng. Nhân được làm bằng thịt mỡ, nấm hương, mộc nhĩ, trứng, đỗ xanh… đã xào chín.Gia vị của món khâu nhục cũng rất cầu kỳ. Lá tàu soi – một loại rau muối mặn dùng để làm thức ăn mặn của người Hoa và người Tày, Nùng Bắc Kạn. Băm nhỏ lá tàu soi làm nhân, sau đó dùng gia vị gồm tương tàu choong, xì dầu, húng lìu, tỏi giã nhỏ đem trộn đều. Xếp lá tàu soi xuống dưới, khoai môn đã rán vàng xen kẽ với những miếng thịt thái dày chừng 1,5cm, bên trên bát thịt được phủ một lớp nhân, hấp cách thủy 5 giờ để cho thịt chín mềm nhừ.


Món khâu nhục có thể ăn với xôi, bánh gật gù (một loại bán tráng tươi của đồng bào dân tộc) hay cơm đều rất ngon. Vị béo của thịt, miếng khoai bở tơi và nước sốt sóng sánh hòa quện với nhau khiến cho những ai có cơ hội thưởng thức thì không thể nào quên được.

10. Lạ lùng bánh trứng kiến Cao Bằng

Nếu có cơ hội đến với Cao Bằng vào khoảng tháng 4, tháng 5, hãy tự cho mình cơ hội được thưởng thức món bánh trứng kiến, một món ăn độc đáo nhưng khoonh kém phần lạ và ngon của người Tày. Vào khoảng thời hian kể trên trong năm là lúc sinh trưởng mạnh của loài kiến đen. Trong những chuyến đi rừng của mình, người Tày thường lấy trứng của loại kiến này về làm bánh (người Tày gọi là Pẻng rày). Để lấy được trứng của loại kiến này phải là người có kinh nghiệm và phải bỏ thời gian cả ngày để tìm kiếm bởi mỗi tổ chỉ lấy được từ 2 đến 3 chén trứng kiến.

bánh trứng kiến

Thành phần của bánh gồm bộp nếp nương, trứng kiến và lá non của cây vả. Chọn lá làm bánh không được quá non và không quá già. Gạo nếp có pha một ít gạo tẻ để bột đỡ dẻo. Xay bột thật mịn, thêm nước vừa phải đảo nhuyễn. Lá vả rửa sạch, bỏ phần gân lá rồi trải bột lên vừa phải. Trứng kiến đem phi mỡ lợn cho thơm, cho thêm ít lá hẹ rồi rắc lên lớp bột và gập đôi chiến lá lại kế đó đem vào khay hấp. Khi bánh chín đem ra để nguội rồi dùng kéo cắt ra từng miếng vuông vừa phải. Bánh trứng kiến ăn dẻo, thơm mùi lá vả, béo và ngậy mùi trứng kiến. Trứng kiến chứa rất nhiều đạm, béo và không ngấy nên cũng rất được lòng đối với nhiều người.


10 đặc sản ở vùng Bắc Bộ kể trên là những món ăn lạ, ngon và độc đáo nhưng lạ hết sức dân dã. Không phải vô cớ mà nó đã chiếm được cảm tình của rất nhiều thực khách khó tính nhất từng có cơ hội ghé thăm vùng này. Vẫn còn rất nhiều những món ăn lạ của vùng Bắc Bộ rất đáng để bạn tự cho mình cơ hội khám phá, nhưng với giới hạn cho phép mình không thể kể hết ở đây. Nếu bạn biết thêm những đặc sản nào thú vị, hãy cùng chia sẻ để mọi người cùng biết nhé.

Đón đọc:  Du lịch ẩm thực Việt Nam - Phần 2 "Những món ăn ngon, lạ, độc đáo ở Trung Bộ"

Xem thêm các bài viết khác của mình tại đây!

Lê Chung - Ohay TV

Chủ đề chính: #Du_lịch_ẩm_thực

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn