Trần Hoàng Tâm

NHỮNG MÓN ĐỘC Ở AN GIANG KHIẾN BẠN MÊ MỆT

Đăng 5 năm trước

An Giang là vùng đất nông nghiệp trù phú ở đồng bằng sông Cửu Long, văn hóa ẩm thực nơi đây vì thế cũng rất đặc sắc và phong phú.

Khi con nước lớn tràn đồng, cũng là lúc mùa nước nổi về trên vùng Đồng Tháp Mười. Mùa lũ hàng năm đưa sản vật thiên nhiên về An Giang nhiều vô kể, chính vì vậy, những món ăn đặc trưng cũng xuất hiện từ đây.

Lấy xương heo hầm làm nước dùng, pha với mắm linh (hoặc mắm sặc) cùng nấm, cà tím cho tăng thêm hương vị. Nấu nồi lẩu mắm sôi sùng sục, bỏ thêm nguyên liệu là thịt ba chỉ, tôm, ốc, cá, lươn, thịt bò,... Món lẩu mắm sẽ không ngon nếu thiếu bông điên điển chỉ mùa nước nổi mới có, bông lục bình, so đũa,... 


Một món khác không thể thiếu trong mùa nước nổi là canh chua cá linh bông điên điển. Nấu theo kiểu thông thường, nhưng 2 nguyên liệu chính là cá linh và bông điên điển chỉ có trong mùa này nên tạo sự khác biệt rõ ràng. Những con cá linh to bằng ngón tay béo thịt, hòa quyện trong nước dùng chua chua và bông điên điển hơi nhẫn, sẽ kích thích vị giác của bạn một cách mạnh mẽ.

Đi ngang thành phố Long Xuyên, nhớ ghé đường Lê Lợi, phường Mỹ Bình để ăn bún cá. Cá lóc được ướp màu vàng nghệ đẹp mắt, thêm cách phối hợp với rau nhút, nước mắm me sẽ làm bạn khó quên. Bún cá bán ở rất nhiều tỉnh miền Tây nhưng chỉ thật ngon khi thưởng thức ở An Giang.

Đã ăn thì phải có uống, dọc theo những con đường đến Châu Đốc, dễ dàng bắt gặp mấy quán nước ven đường bán món đặc sản: nước thốt nốt. Nước được thu hoạch trên ngọn cây, nếu không để nấu đường thì sẽ bán cho mấy quán này pha chế, món nước ngọt thanh này giải khát rất tốt, lại lạ miệng. Phần thịt trái thốt nốt ăn giống như dừa nước, nhưng hơi cứng hơn một tí. 

Món ngọt thú vị nhất ở đây là bánh bò thốt nốt, hay còn được gọi là bánh bò rễ tre. Kết hợp giữa vị béo của nước cốt dừa, vị ngọt thanh của đường thốt nốt và cả bột lên men nồng nồng. Bánh này màu vàng ươm đã mắt, không phẩm màu, không hóa chất và... không thể cưỡng lại được. 

Cuối cùng là Tung lò mò, còn gọi là lạp xưởng của người Chăm. Cũng như cách làm lạp xưởng heo, nhưng món này lấy nguyên liệu chính là  ruột bò, thịt bò, mỡ bò và nhiều gia vị khác như tiêu, tỏi,... Chiên hoặc nướng lên ăn cơm rất ngon, mà nhậu thì cũng gọi là tê tái.

Dạo một vòng vùng 7 núi còn rất nhiều món ngon vật lạ mà bạn có thể chưa từng nhìn thấy, chưa từng thử qua. Hãy về An Giang đi trong một ngày nắng đẹp, viếng Bà chúa xứ rồi dạo quanh các khu chợ, món nào cũng ngon, bổ, rẻ.

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn