Kenny

Những Ngày Cuối Dưới Mái Trường Và Thầy Cô Trường THPT Phan Ngọc Hiển

Đăng 4 năm trước

Trường THPT Phan Ngọc Hiển, một ngôi trường đơn sơ tuổi đời còn rất trẻ, không nằm ở trung tâm thành phố ồn ào, náo nhiệt nên ngôi trường có một sự thanh bình hiếm có: không gian yên tĩnh, không khí trong lành. Nơi đây, em đã gắn bó trong suốt 3 năm học cấp 3.

Chắc hẳn trong chúng ta ai cũng có ngày đầu tiên đi học, với em, những ngày đầu tiên ấy không thể nào quên. Còn nhớ ngày đầu tiên bước chân vào ngôi trường cấp 3 này, cảm giác bỡ ngỡ, xa lạ với trường mới, thầy cô mới, bạn mới đã khiến em rụt rè, lo sợ, nhưng các thầy cô ở đây với lòng nhiệt huyết của “người lái đò tận tụy” đã xóa tan đi những cảm giác ban đầu đó. Quen dần với những ngày đến lớp, thầy cô, bạn bè, quen với một mái trường với hàng cây xanh rợp bóng và con đường sớm tối đi về đã trở thành những kỷ niệm khó quên. Mái trường là biểu hiện sức sống, sự vươn lên của xã hội. Dường như mỗi người đều có một mối liên hệ nào đó với một mái trường. Nhà thơ Chế Lan Viên đã từng viết: “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở. Khi ta đi, đất bỗng hóa tâm hồn…”. Đúng như vậy, thời gian chính là thứ keo gắn bó kì diệu nhất, mái trường, thầy cô, bạn bè giờ đây đã trở thành gia đình thứ hai của em cũng như các bạn học sinh ở đây. Giờ sắp phải rời xa nơi này, bất cứ học sinh lớp 12 nào cũng có chút không nỡ…

Sau mỗi tiết học, nhìn những giọt mồ hôi lăn trên trán và ướt đẫm áo thầy cô, lòng tôi bất chợt xót xa. Nhưng các bạn khác có ai biết đâu, có ai từng ngắm nhìn kĩ bất cứ một thầy cô nào, nhìn bằng cả tấm lòng thì sẽ thấy thầy cô như mỉm cười sau một tiết truyền thụ kiến thức khiến học sinh hiểu bài và ngược lại. Có thể chúng ta cho rằng đó là bổn phận, trách nhiệm của giáo viên. Chúng ta vào học thì đã đóng học phí cho nhà trường thì coi như đó là sự trao đổi công bằng nhưng đó có thật sự là công bằng không khi thầy cô tốn bao công sức, tâm huyết, yêu thương chúng ta và xem như là một phần của cuộc sống, niềm vui. Khi chúng ta rời khỏi con đường học vấn, bắt tay vào công cuộc xây dựng đất nước, tuổi xuân đang phơi phới vẫy gọi thì lúc đó thầy cô đã về tuổi xế chiều. Suốt cả cuộc đời dạy học thầy cô nhân được gì? Niềm vui? Có đấy nhưng nỗi buồn thì lại rất nhiều. Những cơn giận được biểu thị qua thái độ, hành động khi thầy cô la rầy hoặc bị điểm kém. Những điều đó tuy rất đơn giản và đến với chúng ta chỉ trong phút chốc nhưng lại là một vết thương trong lòng thầy cô.

Tình cảm thầy trò rất thiêng liêng, cao cả. Và công lao thầy cô được ví như người lái đò thầm lặng chở học trò qua sông. Dù cho con sông đó phẳng lặng hay phong ba bão táp thì thầy cô vẫn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. Từng chuyến đò qua là biết bao thế hệ trưởng thành nhưng khi con thuyền đó quay trở về để tiếp tục sự nghiệp thì chỉ còn một mình thầy cô “lẻ bóng”, học trò đã đi xây dựng sự nghiệp, cuộc sống mới, có ai còn nhớ đến người đã chở con thuyền tri thức và tình thương đó không? Nhưng thầy cô không hề nghĩ đến, đơn giản là vì thầy cô biết rằng đó là quy luật sống và là lương tâm của một nhà giáo chân chính. Thầy cô không mong sau này học trò sẽ nhớ đến mình, sẽ quay trở về và báo đáp công ơn dạy dỗ mà chỉ hi vọng những đứa trẻ đó sẽ thành công, mang danh dự về cho quê hương, đất nước thế là đã làm cho thầy cô vui lòng. Buồn lắm chứ, và cả thương nữa, không đành lòng xa những đứa con yêu dấu trong đại gia đình nhưng biết làm thế nào đây, thầy cô không thể nào mãi mãi giữ chúng ta bên mình để dạy dỗ. Chúng ta như những con chim non đang tập bay, khi đủ trình độ thì phải thả con chim đó ra để cho chúng bay lượn trên bầu trời tự do. Đây là nỗi buồn sâu lắng nhất và là nỗi niềm chung của tất cả những người theo nghiệp Nhà giáo. Không chỉ dạy chữ, quan trọng hơn cả là thầy cô dạy chúng ta cách làm người. Uốn nắn, rèn luyện chúng ta trở thành con người nhân nghĩa, lễ phép… công ơn thầy cô không có gì so sánh được. Thế là chỉ còn chưa đầy 3 tháng nữa chúng ta bước sang một ngả khác, thời gian thoăn thoắt như thoi đưa, ước như thời gian quay được trở về thời điểm mới bước vào ngôi trường này để được từng thầy cô ân cần dạy dỗ

Trong cuộc sống hối hả, nhộn nhịp của xã hội và đầy rẫy những cạm bẫy của cuộc đời chúng ta cảm thấy mệt mỏi, muốn quay về và muốn quay về bến đò xưa thì thầy cô là người luôn chờ đợi và dang tay ra để chào đón những đứa con thân yêu trở về. Chúng ta hãy dùng trí óc và con tim để ghi khắc từng kỉ niệm, từng chút một để chúng ta sẽ không lầm đường lạc lối trong cuộc đời tấp nập xô đẩy với vô vàn sóng gió. Chúng ta hãy tự tin và đứng vững trên đôi chân mình và hãy tin rằng thầy cô luôn bên cạnh, sẵn sàng nâng đỡ khi chúng ta vấp ngã. Những ngày này, học sinh khối 12 đang tất bật bước vào giai đoạn ôn thi tốt nghiệp, ôn thi đại học, những lo lắng cho kì thi sắp tới dường như bao trùm tất cả nhưng một chút nào đó trong chúng ta là sự tiếc nuối, tiếc nuối quãng đời học sinh, tiếc nuối sự gắn bó được tạo ra như một thói quen. 3 năm học, dài đấy nhưng cũng thật nhanh, và dù sao nó cũng để lại trong ta biết bao kỉ niệm đẹp đẽ, trong sáng mà có lẽ cả cuộc đời này không bao giờ quên. Bỗng dưng trong e rộn ràng câu hát: “Em yêu trường em

Với bao bạn thân

Và cô giáo hiền

Như yêu quê hương

Cắp sách đến trường

Trong muôn vàn yêu thương…”

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn