Mun Đừng chú ý đến tôi mà hãy chú ý đến những gì tôi viết.

Những người coi việc săn bắn động vật như “cúp chiến thắng”

Đăng 8 năm trước

Nhiều người lấy đi săn và đi câu cá làm phương tiện sinh sống, điều đó có thể hiểu được, nhưng tại sao một số người thích săn bắn và giết động vật cho vui?

Tháng này, nha sĩ người Mỹ Walter Palmer đã gây ra sự phẫn nộ trên toàn cầu khi ông ta giết hại sư tử Cecil, một con vật yêu thích của địa phương tại vườn quốc gia Hwange, khu bảo tồn săn bắn lớn nhất của Zimbabwe. Palmer được cho là đã trả 50.000 USD để giết Cecil, sau khi con sư tử bị nhử ra bên ngoài khu vực bảo vệ của công viên.

Nhưng Palmer không phải là người đầu tiên đi săn chiến tích như vậy, và dường như cũng không phải là người cuối cùng. Vào tháng năm, Corey Knowlton, thợ săn người Texas đã trả 350.000 USD trong một cuộc đấu giá để được phép giết một con tê giác đen đang bị đe dọa tuyệt chủng ở Namibia, và tuyên bố “cuộc đi săn” của ông ta là: 

một mảnh ghép quan trọng trong nỗ lực cứu động vật khỏi nạn tuyệt chủng của Namibia.

Tháng 11 năm 2013, người dẫn chương trình về đời sống hoang dã trên truyền hình Mỹ, Melissa Bachman, làm dấy lên sự bất bình trên phương diện quốc tế với một bài viết trên Facebook:

 Một ngày đi săn không thể tin được ở Nam Phi! Dồn đuổi con sư tử đực tuyệt đẹp này trong bãi rào 60 thước … Thật là một cuộc săn bắn tuyệt vời!

Công luận đã lên tiếng, và Bachman đã bị Kênh Địa lý Quốc gia (National Geographic) loại khỏi chương trình Giới hạn Sống sót Tối đa ở Alaska sau khi một bản kiến nghị trên trang Change.org đã nhận được hơn 13.000 chữ ký trong không quá 24 giờ.

Làm tổn thương động vật

Nhiều người lấy đi săn và đi câu cá làm phương tiện sinh sống, điều đó có thể hiểu được, nhưng tại sao một số người thích săn bắn và giết động vật cho vui? Khi điều đó xảy ra, có rất ít nghiên cứu trực tiếp về lý do tại sao người trưởng thành thích thú với việc giết các loài vật như một môn “thể thao”. Chúng ta biết một điều là có mối liên hệ giữa việc làm tổn thương động vật lúc còn bé và bạo lực ở tuổi trưởng thành.

Từ những năm 1970, nghiên cứu đã chỉ ra rằng phần lớn những người trưởng thành phạm những tội ác hung bạo có quá trình tàn ác với động vật trong thời thơ ấu. Một số nghiên cứu cho rằng có tới 70% số người phạm tội nghiêm trọng và hung hãn nhất trong nhà tù đã lặp đi lặp lại những tình tiết nghiêm trọng khi họ ngược đãi động vật trong cuộc đời.

Thật vậy, sự tàn ác với động vật, cùng với quá khứ đái dầm sau năm tuổi và nghịch lửa – được gọi là “bộ ba sát nhân”. Đây là dấu hiệu tiềm tàng cho bạo lực ở độ tuổi trưởng thành do bác sĩ tâm thần pháp y John MacDonald đưa ra lần đầu tiên trong một bài viết năm 1963 trên tạp chí Tâm thần học Mỹ.

Nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy rằng, trong khi một số người phạm tội trầm trọng có cả ba đặc điểm trên trong quá khứ, nhiều người lại không có. Các dấu hiệu khác – chẳng hạn như thiếu sự đồng cảm và không quan tâm đến những nhu cầu của người khác – thường phổ biến hơn ở người phạm tội nghiêm trọng. Nhưng (và đây là một điểm quan trọng) mặc dù cả ba đặc điểm có thể không bộc lộ ở tuổi thơ của những người lớn lên trở nên dữ tợn, sự độc ác đối với động vật ở trẻ em có thể là một dấu hiệu quan trọng của một tâm trí bất thường.

Những kẻ giết người hàng loạt, David Berkowitz (còn được gọi là Con trai của Sam), đã giết sáu người; Jeffrey Dahmer, hãm hiếp và sát hại 17 người đàn ông và bé trai; và Albert DeSalvo (còn được gọi là kẻ bóp cổ Boston), đã thú nhận giết chết 13 phụ nữ nhưng đã bị bỏ tù bởi một loạt các vụ hiếp dâm, tất cả đều tuyên bố hành động bạo lực đầu tiên của họ là tra tấn động vật.

Mô tả hình ảnh

Có lẽ săn bắn động vật lớn là một ví dụ về nhu cầu của 1 số người muốn thể hiện sự thống trị đối với kẻ khác

Tất nhiên, không phải nếu con trẻ cố tình và liên tục làm đau đớn động vật thì lớn lên chúng sẽ thành một kẻ giết người hay tội phạm tình dục. Nhưng có lẽ nên đảm bảo việc can thiệp sớm và cố gắng tìm hiểu nguyên nhân của hành vi như vậy.

Nhưng “săn bắn vì chiến tích”?

Tuy nhiên, nhu cầu làm tổn thương động vật xuất hiện ở một số trẻ em không giải thích được vì sao một số người trưởng thành săn bắn và giết hại những con vật lớn, thường là nguy hiểm, và họ không có ý định ăn những con vật đó. Tôi đã tìm kiếm tài liệu về tâm lý học, và trong khi có rất nhiều giả định vềý nghĩa của điều này, thực tế có rất ít nghiên cứu theo đuổi bất kỳ gỉả thiết nào, do đó để có một sự hiểu biết về hành vi này quả là rất khó khăn.

Có lẽ săn bắn các động vật lớn là một ví dụ về nhu cầu của một số người muốn phô trương ưu thế với những người khác. Nghiên cứu cho thấy sự gia tăng các mức độ thù địch, nhu cầu quyền lực và kiểm soát có liên quan đến thái độ xấu đối với loài vật, đặc biệt giữa những người đàn ông.

Một bài báo khác đã liên kết những đặc điểm tính cách của một số người đi săn như một bộ môn thể thao với một “bộ ba” hành vi khác, được gọi một cách đáng ngại là “bộ ba đen tối”. Chúng gồm sự ái kỷ hay tự mê bản thân (ngưỡng mộ một cách tự cao tự đại các thuộc tính của chính mình, và thiếu sự thông cảm), thủ đoạn xảo quyệt (dối trá, láu cá và mánh khoé) và bệnh thái nhân cách (không có lòng thương xót hay cảm thông, và dễ có hành vi bốc đồng).

Người ta nhận thấy rằng, trong ba đặc điểm hành vi kể trên, bệnh thái nhân cách có liên kết một cách chặt chẽ nhất với việc cố ý gây hại cho các loài vật, hơn nữa đó còn là thước đo cho cả ba đặc điểm hành vi đen tối – mặc dù mối quan hệ khá yếu.

Trên bề mặt, điều đó phù hợp với những gì mà loài vật thường phải chịu đựng dưới bàn tay của những kẻ đi săn – Cecil sau 40 giờ mới chết. Palmer ban đầu bắn bị thương nó với một cái nỏ. Cuối cùng gần hai ngày sau ông ta mới bắn chết, trước khi chặt đầu và lột da nó.

Mô tả hình ảnh

Một số người thích tận hưởng cảm giác hồi hộp của việc đuổi bắt, những người khác săn bắn để làm thực phẩm và vẫn còn những người đi săn vì những “chiến tích”.

Nhưng không phải tất cả các loài vật bị săn đuổi phải chịu đau đớn kéo dài trước khi chết. Có vô vàn lý do vì sao người ta đi săn, vậy họ (và mọi người khác) cảm nhận như thế nào về hành động tự nó có thể là phức tạp này. Ví dụ như một số người thích tận hưởng cảm giác hồi hộp của việc đuổi bắt (hãy nghĩ đến những ngư dân đánh được cá lớn, nhưng sau đó thả chúng ra), những người khác săn bắn để làm thực phẩm và vẫn còn những người đi săn vì những “chiến tích”.

Vấn đề tìm hiểu vì sao những người coi săn bắn như một trò giải trí đòi hỏi đánh giá về chiều sâu tâm lý của phần lớn những người đi săn kết hợp với các biện pháp đánh giá một loạt các đặc điểm tính cách, trước khi chúng ta có thể hình dung được họ cảm thấy gì và động cơ của họ là gì.

Và điều đó có nghĩa là chúng ta không bao giờ có thể biết tại sao những người đi săn phải kiếm cho được những chiến tích là các con vật để treo lên tường nhà họ. Thật vậy, chúng ta có thể bị lên án chỉ vì đã nhìn và tự hỏi về động cơ và năng lực cảm xúc của họ.

Tác giả: Xanthe Mallett, University of New England Dịch giả: Xuân Dung

Theo vietdaikynguyen

Chủ đề chính: #động_vật

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn