Qua Do Trong

Những người đầu tiên

Đăng 5 năm trước

Có những người khi nhắc tới chúng ta lại nghĩ ngay tới những gì họ đã làm, đã đạt được. Và khi tìm hiểu về quá trình dẫn đến thành công đó lại càng khiến cho ta ngưỡng mộ con người của họ hơn. Những người này đã để lại cho chúng ta những bài học quý giá và là tấm gương sáng cho chúng ta noi theo.

Một trường hợp điển hình

Thỉnh thoảng chúng ta được nghe nói tới những người bỏ học hay những người có kết quả học tập không được tốt nhưng lại có được những thành tựu to lớn. Trong khi đó, chúng ta được đào tạo bài bản với bao nhiêu bằng cấp, chứng chỉ lại chẳng làm được gì đáng kể. Một nghịch lý của cuộc sống hay có bí ẩn nào đó khiến cho một điều bình thường trở nên khó hiểu.

Đi ngược quá trình từ hiện tại trở về thời điểm thôi học thì tự nhiên ta thấy được kể từ khi rời ghế nhà trường ta và họ đã phát triển theo hai hướng khác nhau. Khi xóa đi đoạn đường từ đó đến nay thì ta thấy con đường mà chúng ta đi vẫn còn đó, là lối đi chung của biết bao người còn con đường của họ lại chẳng còn gì cả. Hóa ra con đường mà họ đi là con đường mới và họ là người đầu tiên.

Những đặc tính bắt nguồn từ lựa chọn

Khi lựa chọn một hướng phát triển cụ thể nào đó thì những khả năng khác sẽ bị loại bỏ. Thời gian, công sức, nguồn lực được tập trung đầu tư làm cho việc thực hiện lựa chọn dần dần trở thành hoạt động trọng tâm. Quá trình thực hiện, xử lý tình huống phát sinh làm cho ta biết được những giải pháp mà ta thực hiện với những điều kiện cụ thể sẽ cho ra những kết quả như thế nào từ đó tạo ra kinh nghiệm của chúng ta. Với kinh nghiệm thu được, làm cho ta biết được những tác động, ảnh hưởng và mức độ quan trọng mà dần dần tạo ra thái độ, phản ứng của chúng ta khi gặp phải những yếu tố, những tình huống, hay những vấn đề nào đó. Tương ứng với mỗi lựa chọn khác nhau sẽ thu được những kinh nghiệm khác nhau và có cuộc sống khác nhau. Những gì trải qua trong cuộc sống theo hướng phát triển của sự lựa chọn ban đầu sẽ dần dần hình thành lên tính cách của chúng ta.

Có những đặc tính được hình thành một cách tự nhiên khi làm điều mình muốn. Nó không phải là sự khác biệt và cũng không tạo ra sự khác biệt giữa người này và người khác.

Mạo hiểm: Thể hiện ở việc từ bỏ những thành tựu có thể đạt được từ hệ thống cũ để thực hiện điều mình muốn. Họ đã từ bỏ sự ổn định, chắc chắn và chấp nhận những rủi ro trong hoạt động của mình làm cho tương lai trở nên biến động khó lường. Ngay trong sự mạo hiểm đã thể hiện lòng can đảm của họ khi biết có thể sẽ phải đối mặt với những thứ mà mình không biết, không dự đoán được. Khi nói đến việc thực hiện của họ sẽ thấy nổi lên là sự thận trọng.

Kiên trì: Mọi kết quả đều trải qua một quá trình thực hiện cụ thể nào đó. Thời gian thực hiện quá trình này có thể là ngắn, có thể là dài. Và đối với việc thực hiện điều gì đó mới mẻ thì ngay cả quá trình thực hiện được coi là hiệu quả, được coi là hoàn chỉnh còn chưa có thì cái gọi là kết quả hướng tới cũng chưa thể hình thành được. Cũng giống như việc bước đi, quá trình thực hiện cũng được tiến hành từng tí một. Kết quả của các giai đoạn này có thể là có hiệu quả cũng có thể lại chẳng có tác dụng gì trong việc thực hiện mục tiêu đề ra. Đây là một quá trình mà kết quả cũng như thời gian hoàn thành có thể là không thể xác định được. Khi đưa những khó khăn vào thì sẽ thấy được cái gọi là sự nỗ lực. Khi đưa sự ngăn cản, kìm hãm nảy sinh do tác động của việc họ làm vào quá trình thực hiện thì ta sẽ thấy sự dũng cảm. Khi đưa những tác động từ bên ngoài ảnh hưởng tới họ trong quá trình thực hiện ta sẽ thấy được khả năng chịu đựng. Bản thân việc tạo ra cái mới đã là một quá trình nghiên cứu, học tập liên tục rồi.

Sáng tạo: Cái mới thực ra đã là một kết quả cụ thể của hoạt động sáng tạo. Con đường mới có thể coi là hiện thực của một quá trình được lựa chọn để giải quyết vấn đề và sự phát triển của nó có thể coi là xu thế trong việc triển khai ý tưởng. Cũng như con đường, quá trình phát triển này cũng được hình thành từ từng giai đoạn một, kết quả của giai đoạn trước trở thành nền tảng để thực hiện giai đoạn sau hoặc cũng là cơ sở để xuất hiện vấn đề mới làm chuyển hướng hoạt động của chúng ta. Xem xét ở thời điểm bắt đầu khi chưa có cái gì cả sẽ thấy được rõ nét sự lựa chọn và tích lũy những yếu tố được cho là cần thiết hoặc muốn có đối với mục tiêu đề ra. Khi xem xét ở thời điểm kết thúc một giai đoạn sẽ thấy kết quả của giai đoạn đó tạo ra được những ứng dụng khác nhau tùy theo lựa chọn mà những ứng dụng cụ thể nào đó sẽ được sử dụng trong việc tạo ra mục tiêu cho giai đoạn tiếp theo. Sáng tạo mở ra nhiều hướng phát triển và lựa chọn tạo ra xu thế cho hoạt động.

Tầm nhìn: Tầm nhìn là khả năng dự đoán sự phát triển của hoạt động theo các xu thế khác nhau. Rộng hay hẹp là do các hoạt động mà ta biết là nhiều hay ít, xa hay gần phụ thuộc vào mức độ phát triển của hoạt động. Khi đưa sự tồn tại của hoạt động và mục tiêu của giai đoạn tiếp theo vào sẽ thấy tinh thần trách nhiệm của họ khi lựa chọn những gì được coi là tốt nhất mà họ biết trong việc tạo ra mục tiêu mới để duy trì sự phát triển.

Vấn đề tạo ra mục tiêu làm chuyển hướng hoạt động trọng tâm

Tại thời điểm phân tách thành hai con đường thì người ta đã phá vỡ hoàn cảnh và tạo ra hướng đi mới. Hướng phát triển này đã hiện hữu trong hoàn cảnh hiện tại và cánh cửa của nó chính là những vấn đề nảy sinh trong đó. Hay nói cách khác hướng phát triển mới này bị che lấp bởi những vấn đề nảy sinh, chưa được phát hiện hoặc chưa từng tồn tại trong hoàn cảnh hiện nay. Qua vấn đề được phát hiện trong một hoàn cảnh cụ thể ta mới có mục tiêu cho hoạt động để từ đó từng bước xây dựng giải pháp để giải quyết nó. Có thể là thành công, có thể là thất bại và cũng có thể là dở dang. Đây chính là con đường mới. Và đó cũng là quá trình biến đổi của hoạt động theo vấn đề được quan tâm.

Các loại vấn đề mới

Trong hoàn cảnh cụ thể, một vấn đề khi xuất hiện luôn tạo ra những tác động trực tiếp và những ảnh hưởng gián tiếp tới những đối tượng nhất định. Mỗi tác động, ảnh hưởng này khi được phát hiện, tạo lập đều là một hướng nhìn nhận và những yếu tố, đối tượng này sẽ trở thành một cơ sở để đánh giá vấn đề. Mỗi hướng nhìn là một mặt của vấn đề. Khi tập hợp và liên kết được chúng lại thành một hệ thống sẽ tạo ra quan điểm đối với vấn đề đang diễn ra. Từ quan điểm và kết quả muốn hướng tới trong hoàn cảnh đó sẽ xác định được vấn đề phát sinh.

  1. Vấn đề bây giờ mới phát sinh do sự phát triển đến mức hiện nay mới có đầy đủ các điều kiện mà nó cần thiết để xuất hiện. Vấn đề thuộc loại này xuất phát từ thành tựu và cơ sở được xây dựng, tạo ra của giai đoạn trước. Nó đòi hỏi một quá trình tích lũy và xuất hiện của các điều kiện với mức độ tăng dần của quá trình phát triển.
  2. Vấn đề đã có sẵn từ trước nhưng đến giờ ta mới có các điều kiện cần thiết để phát hiện nó. Vấn đề thuộc loại này là nguồn gốc của những phát hiện mới làm mở rộng hiểu biết của chúng ta. Và khi nó được phát hiện thì mới chỉ là điểm rời rạc chưa có hệ thống.
  3. Vấn đề đã được biết, đã được xác định nhưng hiện nay nó đã biến đổi, đã thêm các điều kiện mới hoặc ta có thể hiểu về nó đúng hơn, đầy đủ hơn và xác định được các điều kiện của nó. Vấn đề thuộc loại này là nguồn gốc của những cải tiến. Nó nhằm chỉnh sửa, bổ sung hoặc thay đổi những phát hiện đã có từ trước hay thay đổi những thứ đã có, hiện tại cho phù hợp, đúng với nhu cầu hoặc quy luật.

Các vấn đề thuộc loại 1 và 2 rất hiếm khi xảy ra và rất ít người có thể nhận ra, xác định được cũng như hiểu được các tác động, ảnh hưởng của chúng.Đồng thời có những người đã gặp phải nhưng lại không biết mình đã gặp hoặc không biết mình đã gặp phải vấn đề gì. Còn vấn đề 3 thường là vấn đề ta hay gặp, đang giải quyết nhưng đã có thêm những nhân tố mới, điều kiện mới mà chúng ta vẫn dùng cách cũ, đã có để giải quyết.

Mọi vấn đề luôn biến đổi mà trở thành mới và là hiện tại. Bởi vì cho dù nó không khác nhưng những người gặp phải, quan tâm tới nó đã khác. Cho dù nó không thay đổi nhưng hiểu biết và những gì ta có đã khác. Những gì tác động tới chúng ta, tới vấn đề đó đã khác trước và mức độ tác động cũng như tầm quan trọng của những yếu tố có liên quan cũng thay đổi. Đồng thời tâm trạng và mong muốn cũng ảnh hưởng tới cách nhìn nhận và hướng lựa chọn để giải quyết vấn đề.

Mục đích tạo nên sự khác biệt

Thắc mắc nổi lên là tại sao họ lại bỏ học khi cần học tập nhất. Tại sao họ lại bỏ học khi cần phải thu thập kiến thức về điều mình quan tâm nhất. Đưa vấn đề mà họ phát hiện vào thì ta sẽ thấy ngay được câu trả lời cho mọi thắc mắc. Hóa ra lúc đó những hiểu biết về điều họ phát hiện là rất ít hoặc chưa được công bố, những thứ này chưa được phổ biến và trong hệ thống kiến thức được đưa vào giảng dạy là không có. Họ lúc đó, đối với điều mà họ phát hiện có thể nói là những người có hiểu biết cao nhất. Thế mới biết những thứ đã được phổ biến, được truyền dạy một cách bài bản có hệ thống đều là những thứ đã lạc hậu. Tự nhiên ta nhận ra một nghịch lý đó là càng giỏi một điều gì đó thì lại càng lạc hậu nếu điều đó đã được công nhận. Hay càng được nhiều người công nhận là giỏi thì lại càng kém. Những lầm tưởng khi so sánh với họ tự nhiên bị biến mất. Họ rất giỏi và đã là người dẫn đầu ngay từ khi bắt đầu rồi. Và ta cũng nhận ra hệ thống kiến thức được truyền dạy lúc đó không phù hợp với mục đích của họ. Việc bỏ học đã không còn là một điều khó hiểu nữa.

Khi bỏ học để làm một điều gì đó thì động lực là thực hiện một điều gì đó cụ thể mà hiện nay đã có cơ hội và điều kiện để thực hiện và khả năng là hoàn toàn có thể làm được điều đó. Những người này nhằm ứng dụng những gì đã có, đã manh nha xuất hiện hoặc thực hiện những quá trình nào đó đang dở dang hoặc thúc đẩy quá trình đó được thực hiện nhanh hơn, thu hút được sự quan tâm, chú ý của mọi người nhiều hơn. Và họ thường là người tiên phong, dẫn đầu trong việc ứng dụng, hoàn thiện hoặc tạo ra cái mới. Mức độ ảnh hưởng của họ tùy thuộc vào các ứng dụng và tầm quan trọng của lĩnh vực, hoạt động mà họ thực hiện. Đừng nên lầm tưởng bỏ học là không có nền tảng kiến thức. Việc đào tạo chỉ giúp ta tiếp cận với hệ thống kiến thức của lĩnh vực, chuyên môn nào đó theo sự lựa chọn, sắp xếp bởi kinh nghiệm của những người đi trước, người cung cấp, hệ thống giáo dục, đào tạo. Nhưng với người chủ động thì ta phải biết rằng so với thời đại đó, người ta đã phát hiện ra những gì mà người khác không phát hiện được, đã dự đoán được những gì đang mơ hồ, sắp xảy ra và dự đoán được một phần nó sẽ thế nào. Người bỏ học này là người từ bỏ cái cũ cái lạc hậu để xây dựng cái mới. Đây là người tạo ra, người hoàn thiện cái chưa từng có, cái chưa đầy đủ, cái chưa có hệ thống.

Họ cũng có thể bỏ học do môi trường đào tạo không phù hợp. Lúc này điều mà họ quan tâm không phải là những gì mà hệ thống kiến thức được cung cấp nói đến. Họ biết mình muốn gì cho dù lúc đầu có thể không xác định được rõ điều đó. Đây là những người định hướng cho sự phát triển, định hướng cho sự thay đổi. Họ không thỏa mãn và từ bỏ những gì không hợp để đi tìm, xây dựng, để hoàn thiện điều mình muốn. Điều mà trước đó chưa hề có, chưa hề xảy ra hoặc đôi khi là chưa hề được chấp nhận.

Loại người này là người chủ động tích lũy, tìm tòi những gì mình quan tâm và có khả năng phát hiện, lý giải những vấn đề mà họ gặp phải theo quan điểm riêng, cách mà họ cho là hợp lý. Họ không học ai cả (theo một cách hiểu truyền thống là đào tạo có bài bản). Điều họ quan tâm là mới mẻ đôi khi là chưa xác định, chưa hình thành mà chỉ là mới cảm nhận được. Kiến thức của họ được tích lũy nhờ quá trình tự học tập, tìm tòi, nghiên cứu, phát hiện không phải do giảng dạy mà có. Đừng bao giờ cho rằng bỏ học là kém cỏi. Cái không ai biết thì làm sao mà dạy. Chẳng ai có thể học và dạy cái chưa có cả.

Học tập theo một hệ thống kiến thức có sẵn đã khó, tự tìm tòi xây dựng một hệ thống kiến thức riêng lại còn khó hơn. Kiến thức của họ là kết quả của những nỗ lực không ngừng. Đó là quá trình tích lũy từng giải pháp hiệu quả nhất đã triển khai trong việc giải quyết vấn đề thực tế mà họ đã trải qua. Khác biệt với chúng ta bắt đầu từ lúc họ tạo ra được vấn đề để định hướng cho sự phát triển. Khi chưa tạo ra được vấn đề mới thì chúng ta chỉ là học sinh giỏi mà thôi.

Nỗ lực không ngừng vươn lên

Khi ra trường chúng ta cũng sẽ bắt đầu một giai đoạn trực tiếp giải quyết những vấn đề gặp phải bằng những kỹ năng học được theo những quan điểm được chấp nhận mà thu được những kinh nghiệm trong việc xây dựng cuộc sống. Lúc đó, chúng ta có sự chuyển hướng trong hoạt động trọng tâm. Từ việc tích lũy kiến thức chuyển sang triển khai những ứng dụng của kiến thức trong các hoạt động khác nhau. Chúng ta cũng sẽ gặp những vấn đề mới. Nhưng đây chỉ là vấn đề mà ta chưa từng được biết đến với hiểu biết riêng của mình trong hoạt động mà mình tham gia. Đây là vấn đề rất nhiều người gặp phải và chúng ta do vừa tham gia nên giờ mới gặp. Đi sâu vào những vấn đề đã cũ cộng với việc thay đổi hoạt động trọng tâm có thể tạo ra điểm dừng cho việc tích lũy kiến thức. Khi so sánh với họ, tự nhiên ta thấy quá trình tích lũy kiến thức không những vẫn là hoạt động trọng tâm mà còn liên tục được bổ sung bằng những kinh nghiệm thực tế thu được trong việc giải quyết những vấn đề hoàn toàn mới. Họ đã dẫn đầu lại còn không ngừng vươn lên. Chúng ta thì đã kém lại còn chuyển hướng mà dừng lại. Hóa ra người mà ta cho là bỏ học lại là người học tập không ngừng, còn chúng ta lại kết thúc khi học xong chương trình.

Thực ra con đường chúng ta đi cũng là con đường mới chỉ là đoạn đường mà ta đi đã cũ. Khi loại bỏ dần những bước chân theo thời gian sẽ thấy con đường mờ dần đi. Và rồi, có những quãng thời gian (trong quá khứ) bị đứt đoạn từ đó đến nay. Rồi lại loại dần đi những khám phá được tạo ra theo thời gian, lại có những đoạn đường bị biến mất. Rồi lại loại dần đi, đến lúc nó chẳng còn gì. Nó biến mất hoàn toàn. Từ thời điểm này trở về trước con đường này không có. Ta lại đưa những bước chân, của những người đầu tiên, với những khám phá của họ theo thời gian. Từng đoạn đường, gắn liền với những con người, hiện ra theo thời gian, nối tiếp nhau. Đây là con đường được tạo ra bởi đóng góp của những người dẫn đầu theo thời gian. Bây giờ vẫn đang tiếp diễn. Khi phát hiện hoặc giải quyết được vấn đề mới thì họ sẽ tạo ra đoạn đường mới. Để làm được điều này cũng phải học tập, tích lũy những kiến thức được tạo ra từ trước tới nay một cách chăm chỉ và nghiêm túc.

Thế mới biết học gì, học ở đâu không tạo ra sự khác biệt trong cuộc sống giữa người này và người khác. Mục đích và quyết tâm mới hình thành nên cuộc sống của chúng ta.

Nền tảng của hành động

Bước ngoặt của sự phát triển không phải lúc nào cũng xuất hiện và cũng không phải muốn là tạo ra được. Nó bắt đầu bằng những phát hiện thu hút được sự quan tâm mà dần tạo ra những mục tiêu cụ thể để làm cơ sở hình thành ý tưởng định hướng cho hoạt động của chúng ta. Cũng giống như những nhà thám hiểm xưa kia, ghi lại từng phát hiện trên hành trình, tích lũy đến một mức nào đó rồi phát hiện ra những mối liên kết từ những thứ rời rạc và tạo ra tấm bản đồ. Còn chúng ta, những người đi sau, biết được tấm bản đồ trước rồi  mới chọn mục tiêu trong đó để khám phá bổ sung vào hiểu biết của mình về thế giới. Tùy theo lựa chọn mà có những mục tiêu và hướng phát triển khác nhau.

Kiến thức: Hướng phát triển cũ hay mới cũng đều bắt nguồn từ những phát hiện cụ thể. Tại thời điểm được phát hiện chúng đều là mới nhưng cũng có thể nó đã hiện hữu trong hoàn cảnh đó từ rất lâu rồi. Đó là những điều mà có thể ta vẫn hay nhắc tới hàng ngày, ta chấp nhận nó như một lẽ tự nhiên mà không để ý tới việc (không thể) lý giải nó. Ta tưởng nó là những hiện tượng bình thường trong cuộc sống mà lại không biết được rằng đó chính là giới hạn hiểu biết của chúng ta. Để nhận ra điều khác lạ của những gì đã thấy đòi hỏi những phát hiện đột biến để nhận ra nó không bình thường và khi lý giải được nó mới thấy đằng sau hiện tượng đó là bao bí ẩn của tự nhiên. Điều bình thường là những phát hiện trước đây mà cơ sở để hiểu và chấp nhận nó đã có còn những điều bất thường là những điều mà khi sử dụng những cơ sở đã được chấp nhận thì không thể nào lý giải được chúng. Những phát hiện cụ thể sẽ tạo ra được những cơ sở mới và khi liên kết được với những gì đã biết, đã được chấp nhận sẽ hình thành hướng tiếp cận, lý giải đối với điều được quan tâm. Ý tưởng được hình thành từ những phát hiện mới và được thực hiện bằng những cơ sở đã tích lũy được theo hướng liên kết với phát hiện của ta mà phá vỡ hoàn cảnh hiện nay tạo ra hướng phát triển mới. Những cơ sở (kiến thức) đó là ngã rẽ của sự phát triển. Tùy theo kiến thức tích lũy được mà có ngã rẽ khác nhau và hướng phát triển khác nhau cho dù đối với cùng một phát hiện. Mức độ cao hay thấp do kiến thức tích lũy được quyết định và cho dù có phát hiện mà không đủ kiến thức thì cũng không tạo ra được mối liên kết để mà lý giải hoặc tạo ra hướng phát triển mới. Tích lũy kiến thức là để sẵn sàng phát hiện những dấu hiệu và có những hành động kịp thời khi một hướng phát triển cụ thể xuất hiện. Giá trị của kiến thức là cơ hội có được do hướng phát triển mới mở ra. Kiến thức lưu truyền lại để củng cố hướng phát triển đã tạo ra còn học tập là việc tích lũy kiến thức theo hướng phát triển được lựa chọn và chỉ khi nào kiến thức tích lũy được đủ để giải quyết những vấn đề phát sinh thì mới có cơ hội tạo ra được sự phát triển.

Cơ hội: Đi ngược thời gian từ lúc thu được thành công trong hoạt động trở về thời điểm được cho là có cơ hội đạt được kết quả thì tại thời điểm đó xuất hiện một nhân tố làm đổi hướng hoạt động khi liên kết được với những gì đã có. Đó có thể là việc nhìn nhận và thực hiện mục tiêu đề ra theo cách tiếp cận và phương pháp khác. Hoặc cũng có thể là hướng tới một mục tiêu hoàn toàn khác được xây dựng dựa trên các liên kết với nhân tố mới. Một nhân tố khi đưa vào sử dụng sẽ tạo ra được những kết quả nhất định và khi chưa đạt được kết quả theo dự đoán đó thì tùy vào việc nhìn nhận khả năng thực hiện thành công mà nó được coi là cơ hội hay là không.

Nhân tố này có thể là mới hoàn toàn tức là trước giờ chưa từng có, chưa từng biết. Hoặc cũng có thể là đã biết từ lâu nhưng trước giờ ta không sử dụng được nó hoặc sử dụng nó không hiệu quả đến bây giờ mới phát hiện ra cách sử dụng hiệu quả hơn. Điều này là do hiểu biết của chúng ta.

Kiến thức của chúng ta được truyền lại đều là những phát hiện, phát minh và kinh nghiệm thực tế thu được trong cuộc sống. Nhưng qua thời gian khi được truyền đạt lại thì chỉ là thông tin được thể hiện bằng ngôn ngữ mà không có đối tượng là nội dung cụ thể mà nó thể hiện. Khi đó ta có thể biết từ ngữ mà không biết được nội dung (định nghĩa, đối tượng cụ thể trong thực tế) của nó. Hoặc là ta biết được nội dung nhưng lại không hiểu được và cũng không sử dụng được nội dung đó. Điều này làm cho kiến thức của chúng ta về một nhân tố nào đó là không có nội dung hoặc không sử dụng được chúng trong cuộc sống. Trong một hoàn cảnh, tùy vào kiến thức của mỗi người mà khi một nhân tố xuất hiện lại có cách nhìn nhận và sử dụng khác nhau. Có những người ngay cả sự xuất hiện của nó cũng không nhận ra. Có những người nhận ra nhưng lại không biết nó là gì và có tác động hay không. Có những người biết nhưng lại không sử dụng được nó. Và có những người biết và định hướng được những tác động của nó trong việc thực hiện một điều gì đó. Cùng một hoàn cảnh, cùng một nhân tố, với hiểu biết khác nhau, có người thấy đó là cơ hội, có người thấy đó là nguy cơ.

 Một cơ hội đến với chúng ta có thể là do môi trường tự nhiên hoặc là do ai đó và cũng có thể do chính chúng ta tạo ra, phát hiện được. Nếu do tự nhiên mang lại thì cơ hội là dành cho tất cả tùy theo khả năng mỗi người. Còn cơ hội do người khác tạo ra thì khi sử dụng nó mà chúng ta lấy việc triển khai ứng dụng kết quả do hoạt động của họ tạo ra làm hướng phát triển thì chúng ta chỉ là người tham gia và thành quả thu được chỉ là củng cố thêm cho sự phát triển của họ mà thôi. Đấy là những cơ hội mà sự thành công trong việc thực hiện có sự cạnh tranh, chia sẻ. Chỉ khi nào tự tạo ra, phát hiện được thì nó mới là cơ hội của riêng mình.

Cơ hội là khả năng tạo ra một kết quả có lợi cho bản thân do việc phát hiện và sử dụng một nhân tố nào đó trong một hoàn cảnh cụ thể theo hiểu biết của mình từ điều kiện hiện tại.

Nhiệt huyết: Có cơ hội sẽ thành công là một điều hiển nhiên trong suy nghĩ của chúng ta để rồi khi xem xét những kết quả đạt được lại xuýt xoa vì những cơ hội đến với người ta mà quên mất sự khác biệt và những nỗ lực của họ. Tại thời điểm xuất hiện, nhân tố mà bây giờ chúng ta cho là cơ hội thì đối với những người khác trong hoàn cảnh đó lại chưa biết hoặc không được coi là cơ hội. Lúc này nó chỉ là khả năng mà việc sử dụng nó với hiểu biết và điều kiện của mình thì kết quả thu được chẳng đáng là bao hoặc cũng có thể chẳng định trước được điều gì. Cái được gọi là cơ hội trong suy nghĩ của chúng ta chỉ là kết quả dựa trên một phương pháp đã được chứng thực bằng thành công của người nào đó đi trước mà thôi. Đây là quan niệm được hình thành từ những người không tạo ra nội dung mà họ truyền đạt. Điều này tạo ra sự khác biệt ngay trong suy nghĩ của chúng ta. Cơ hội trong suy nghĩ của chúng ta gắn liền với một điều tốt đẹp chắc chắn có được còn của họ là một khả năng. Kết quả của việc nắm bắt cơ hội của chúng ta là đạt được còn của họ là tạo ra. Chúng ta phải cạnh tranh để đạt được còn họ phải đối mặt với việc làm được hay không. Cái họ tạo ra là giá trị được bổ sung vào cuộc sống còn cái chúng ta đạt được là tài sản của riêng mình. Một bên là giá trị của tri thức còn một bên là giá trị của sức lao động. Mọi thứ chỉ bắt đầu có giá khi ta hiểu biết về chúng. Và chỉ khi nào kết quả của hoạt động được chấp nhận và sử dụng trong cuộc sống thì mới có thể thu hồi được về mặt giá trị của những gì đã đầu tư. Đó là kiến thức, là kỹ năng và những thứ khác. Hoạt động là quá trình tạo ra giá trị cho những thứ chưa được chấp nhận. Và chỉ khi nào kết quả của hoạt động tạo ra được những ứng dụng trong việc xây dựng cuộc sống thì những gì được sử dụng mới trở lên có giá trị.

Từ mức độ mà họ thu hồi được trừ dần đi theo tháng năm, giá trị đó sẽ giảm dần cho đến khi không còn nữa. Đó là thời điểm kết quả do họ tạo ra bắt đầu được người ta chấp nhận mà sẵn sàng hoàn trả vì đã tạo được một giá trị tương đương trong cuộc sống của mọi người. Ta lại lùi dần từ thời điểm được chấp nhận cho tới khi kết quả không còn nữa. Đây là thời điểm mà hoạt động bắt đầu tạo ra được một kết quả cụ thể. Đó là thời điểm mà các ứng dụng của nó bắt đầu được kiểm chứng, được chấp nhận khiến cho những gì được sử dụng dể thực hiện hoạt động trở nên có giá trị. Ta lại lùi thời gian lại cho tới khi hoạt động được thực hiện không còn diễn ra. Đây là thời điểm mà họ bắt đầu một hoạt động chưa chứng thực được sự hiệu quả cũng như đảm bảo về một kết quả tốt đẹp sẽ xảy ra. Ta lại xóa từ thời điểm này cho tới hiện nay, chỉ còn một khoảng không, chỉ còn người thực hiện với những dự định của mình. Ta lại khôi phục lại thời điểm mà thành quả của họ được chấp nhận mà trở lên có giá trị trong cuộc sống. Một khoảng không đứt đoạn hiện ra. Họ đã đem giá trị hiện tại của mình vào khoảng không để hướng tới một giá trị mới trong cuộc sống bằng hành động của mình. Ta lại xóa điểm này đi với những con người hiện tại và hoạt động sắp diễn ra. Họ đã sẵn sàng sử dụng những gì mình có để tạo ra giá trị cho mai sau. Nhiệt huyết là việc dùng cuộc đời tạo ra giá trị cho cuộc sống. Nó có thời gian và lụi tàn khi hoạt động kết thúc. Nhiệt huyết không bao giờ mất đi khi có mục tiêu trong cuộc sống.

 Người đầu tiên là người tạo ra giá trị cho cuộc sống.

Chủ đề chính: #người_đầu_tiên

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn