Ho Hoanganh Đi, nghe, nhìn, đọc và viết.

Những người mẹ vĩ đại trong lịch sử

Đăng 4 năm trước

Có thể nói, mẹ được xem là người đầu tiên trong cuộc đời mỗi con người. Và đặc biệt hơn, sự thành công của những vĩ nhân trong lịch sử nhân loại luôn gắn liền với hình ảnh của người mẹ, người đã tạo ra sự ảnh hưởng lớn trong bước đường thành công của những nhân vật này. Hãy cũng nhìn lại những tấm gương sáng của các người mẹ vĩ đại.

1. Người mẹ anh hùng của bác học Thomas Alva Edison

Không ai sinh ra được định sẵn là thiên tài.

Thật vậy, cuộc đời niên thiếu của những bậc thiên tài thế giới xem ra trái ngược hoàn toàn so với những thành tựu mà họ đạt được trong tương lai. Nên bạn chẳng có gì phải quá lo âu khi người ta cho rằng con bạn là một đứa trẻ chậm tiến, học hành tệ hại. Nhưng chắc hẳn  bạn thực sự sốc khi một giáo viên nào đó nói về con mình như một đứa trẻ “đần độn”, đó chính là tuổi thơ của nhà bác học Thomas Edison- vua của những phát minh. 

 Rất nhiều năm sau, khi mẹ đã qua đời và Edison đã trở thành một trong những nhà phát minh vĩ đại nhất thế kỷ, ông ngồi xem lại những vật dụng cũ trong gia đình. Đột nhiên, ông tìm thấy tờ giấy gấp lại trong góc ngăn kéo bàn. Ông mở ra và nhìn thấy dòng chữ được viết trên đó: "Con trai bà là một kẻ đần độn. Chúng tôi sẽ không để nó đến trường nữa".Edison thực sự bất ngờ và hồi tưởng lại những ngày tiểu học, vì học hành chẳng đâu vào đâu nên giáo viên của cậu bé Edison đã viết thư cho mẹ cậu. Tuy nhiên, khi nhận được thư, mắt người mẹ lệ nhòa và đọc to từng chữ cho Edison nghe: "Con trai bà là một thiên tài. Trường học này quá bé và không có giáo viên đủ tốt để đào tạo nó. Xin hãy để nó tự dạy chính mình". 

Thuở nhỏ, Edison nổi tiếng là một cậu bé hiếu kì. Edison đi học muộn vì ông vốn ốm yếu. Đầu óc ông luôn lơ mơ và giáo viên của ông là Reverend Engle gọi ông là “rối trí”. Trong khi bạn bè đồng lứa còn ham chơi thì Edison đã không những luôn băn khoăn tìm hiểu mọi vật quanh mình mà còn muốn hiểu thấu đáo các vật đó. Vì những trò nghịch ngợm của mình mà Edison đã bị đuổi học ngay khi đi học được ba tháng. 

Quả thực, những lời nói dối đáng yêu của bằng tấm lòng bao la của người mẹ như đã dự đoán trước về tương lai của chàng trai Edison vĩ đại. Suốt cuộc đời mình, Edison đã tự mày mò học tập mà không qua trường lớp nào. Và có lẽ niềm tin sắt đá, và sự động viên của người mẹ đã tạo ra một bước ngoặc trong cuộc đời Edison. Thế nên, bạn phải luôn tin tưởng rằng con cái đều là những đứa trẻ hoàn hảo, tuyệt vời mà Thượng Đế đã ban tặng, tương lai của con trẻ tùy thuộc vào thái độ của bạn. 

Sau này nhớ lại, Edison đã xúc động thốt lên rằng:  “Mẹ tôi đã tạo ra tôi. Bà rất tin tưởng và chắc chắn về tôi; và tôi cảm thấy rằng tôi có một điều gì đó để sống, một ai đó để tôi không thể làm cho thất vọng.”  

Khi chia sẻ về kinh nghiệm học tập, ông cho biết: "Tôi nhớ rằng mình chưa bao giờ tiến bộ ở trường. Tôi luôn đội sổ, cảm thấy các giáo viên không có cảm tình với mình, và bố tôi nghĩ tôi thật sự ngu ngốc". 

Tuy nhiên, cũng theo cuốn tiểu sử này, khi Edison nói với mẹ về việc thầy giáo gọi mình là kẻ đần độn, cả hai đã đến trường để tìm kiếm một lời xin lỗi. "Con trai tôi không đi thụt lùi, tôi tin như thế", bà Edison nói. Bất chấp những nỗ lực của mẹ, vợ chồng ông Reverend không thay đổi suy nghĩ về học trò. Cuối cùng, bà Edison nhận ra mình nên làm gì. "Được rồi, tôi sẽ tự dạy nó ở nhà", bà tuyên bố. 

 Edison được coi là một trong những nhà phát minh giàu ý tưởng nhất trong lịch sử, ông giữ 1.093 bằng sáng chế tại Hoa Kỳ dưới tên ông, cũng như các bằng sáng chế ở Anh Quốc, Pháp, và Đức (tổng cộng 1.500 bằng phát minh trên toàn thế giới). Người ta thống kê được, Edison có tổng cộng đến 1.907 phát minh được cấp bằng sáng chế - một con số khổng lồ. 

Không học ở trường, Edison tự học ở sách theo cách riêng của mình. Dần dần, với sự suy nghĩ, tìm tòi, thực hiện không chú trọng lý thuyết suông, từng bước Edison đã chinh phục những gì mà người thời bấy giờ cho là không tưởng.  

Tuy nhiên, Edison coi tất cả những gì ông đạt được chính là thành quả của người đáng kính, ông viết vào nhật ký những dòng như sau:"Thomas Alva Edison là một đứa trẻ đần độn, nhờ người mẹ anh hùng mà trở thành thiên tài của thế kỷ".

2. Thiên tài Albert Einstein được tạo bởi tình yêu của người mẹ

Cùng đồng cảnh ngộ với chàng Edison, thời thơ ấu Einstein là một đứa trẻ kém phát triển. Trong lúc những đứa trẻ lên 3 khác đều chơi đùa vui vẻ thì cậu bé Einstein gần như không bộc lộ cảm xúc gì, thậm chí cậu còn không biết nói. Ngay cả khi em gái Einstein sinh ra và có thể trò chuyện cùng bố mẹ thì cậu vẫn chỉ lắp bắp vài từ rời rạc không rõ ý nghĩa. Đến nỗi năm lên 4 tuổi, bố mẹ đã phải đưa cậu đi khám bệnh. Và Einstein có tật trước khi nói đều tự lẩm nhẩm vài lần trong miệng, đến mức người ta đều gọi cậu là “Thằng đần”. 

Trước tình cảnh như vậy, cậu bé Albert Einstein ngày càng sợ đến trường. Trường học trở thành nơi ám ảnh trong kí ức của Einstein, cậu thường trở thành trò cười cho chúng bạn, thầy cô giáo cũng không mấy thiện cảm với cậu bé chậm chạp và hay đặt ra những câu hỏi vô nghĩa.  

May mắn thay, cũng như Edison, cậu bé Einstein có một người mẹ tuyệt vời, bà Pauline Einstein (nhũ danh là Koch) phải đóng hai vai trò: vừa là người mẹ , vừa là cô giáo giảng dạy cho Einstein. Là người trầm tĩnh, có nền tảng văn hóa vững vàng, bà chính là người hướng dẫn và giúp con trai làm quen với những kiến thức đầu đời, là nền móng vững chắc cho những hiểu biết vượt bậc của cậu sau này. Bà Koch không ngừng động viên và bỏ công giúp con mình tìm hiểu các kiến thức của nhân loại: Toán học, vật lý, triết học và cả nghệ thuật.Nhận được sự ủng hộ của mẹ, Einstein vượt qua sự sợ hãi để tiếp tục đến trường. Mọi cố gắng của bà Koch đã không uổng phí khi Einstein đã vượt qua hết lớp này đến lớp khác để vào đến năm cuối cùng bậc trung học. 

Thế nhưng, vào năm cuối trung học Eistein bị đuổi học vì hay đưa ra những câu hỏi rất lạ như: Tại sao kim nam châm lại chỉ về hướng Nam? Thời gian là gì? Không gian là gì?… Mọi người đều cho rằng cậu bé này là người đầu óc có vấn đề. Thành tích học tập của cậu là luôn đứng chót lớp.Thầy Hiệu trưởng trường Einstein theo học cũng quả quyết với cha cậu rằng “thằng bé này mai sau lớn lên sẽ chẳng làm được gì đâu”. 

Bị đuổi học, Einstein cùng gia đình sang Milan để xin học tiếp. Năm 1896, Einstein học trung học tại trường Aarau.Năm 1905, Einstein đã đăng bài nghiên cứu về “nền tảng cơ bản lý thuyết tương đối”, từ đây tên tuổi của Einstein ngày càng nổi tiếng trong giới khoa học. 

Những bạn học và thầy cô giáo trước đây từng xem ông là “thằng đần”, xem ông là đối tượng chọc phá, cùng lời gièm pha “sẽ chẳng làm được gì đâu” thì nay đều tròn mắt ngạc nhiên trước tài năng của ông, tài năng của cha đẻ ngành vật lý hiện đại cùng những phát minh thay đổi lịch sử khoa học thế giới.

3. Người mẹ cơ hàn của Tổng thóng Abraham Lincoln

Abraham Lincoln là tổng thống thứ 16 của Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ từ tháng 3 năm 1861 cho đến khi bị ám sát vào tháng 4 năm 1865, ông thành công trong nỗ lực lãnh đạo đất nước vượt qua cuộc khủng hoảng hiến pháp, quân sự và đạo đức – cuộc Nội chiến Mỹ – duy trì chính quyền Liên bang, đồng thời chấm dứt chế độ nô lệ, và hiện đại hóa nền kinh tế, tài chính của đất nước. 

Ông là người nổi tiếng với những phẩm chất cao quý như sự chân thật, lòng tốt, sự thương yêu con người và đức kiên nhẫn vô song, tài lãnh đạo xuất chúng và thuật hùng biện… mặc dù ông có xuất thân bần hàn. Tên của Lincoln hầu như luôn đứng đầu danh sách những tổng thống vĩ đại nhất nước Mỹ qua nhiều thời kỳ. 

Nancy Hanks Lincoln là người mẹ đẻ đã làm ông thấm nhuần đức tính trung thực và lòng trắc ẩn. Bà đã gieo vào con trai mình những hạt giống của lòng ham hiểu biết. Mặc dù bà không phải là người được giáo dục chính quy một các đầy đủ, Nancy đã khắc sâu tầm quan trọng của việc học và việc đọc cho con trai bà khi gia đình họ chuyển đến vùng giáp ranh giữa hai bang Kentucky và Indiana. Tuy nhiên bà mất sớm vì uống phải sữa nhiễm độc khi Lincoln mới lên 9. 

Nhưng Chúa đã ban tặng cho Lincoln một người mẹ nữa. Người mẹ ấy tên là Sarah Bush Lincoln, bà là mẹ kế của Lincoln. Với Lincoln thì không, bà Sarah đối với Lincoln không khác gì mẹ đẻ. Ông từng nói: “Những gì tôi có được ngày hôm nay hay mãi về sau, tất cả là nhờ người mẹ thiên thần của mình”. Và “bà là người bạn tốt nhất của tôi trên thế giới này và không người con trai nào có thể yêu một người mẹ hơn tôi yêu quý bà”. Đó là những lời hiếm hoi của Lincoln vì vốn dĩ khác với các chính trị gia ngày nay luôn nhìn thấy những chi tiết trong thời niên thiếu của mình như một cơ hội để nâng cao hình ảnh, Lincoln rất hiếm khi nói về mình. 

Bà vốn chỉ là một người phụ nữ ít học, mẹ của ba người con trước khi tái giá với người cha góa vợ Thomas Lincoln của tổng thống Lincoln. Khi theo ông Thomas Lincoln về vùng Indiana xa xôi, gia tài khiêm tốn của người phụ nữ này cũng có mấy quyển sách như “ Truyện ngụ ngôn Aesop”, “Hành Hương” (The Pilgrim’s Progress của Bunyan), “Robinson Crusoe”, “Thủy thủ Sinbad”. Mặc dù mù chữ nhưng Sarah đã tiếp tục công việc của mẹ đẻ Nancy trong việc gieo trồng lòng ham hiểu biết và trí tuệ cho Lincoln qua việc đọc sách. 

Bà cung cấp sách cho ông đọc. “Sarah có sự đánh giá cao giá trị của giáo dục”, Oppenheimer  nói. “Bà đã sớm nhận ra điều gì đó đặc biệt về cậu bé này và đã bảo vệ quyền theo đuổi những phát triển trí tuệ của cậu”. Dưới sự hướng dẫn và bảo vệ của bà, Lincoln tiến bộ rất nhanh. “Cậu ấy đọc mọi quyển sách mà cậu có trong tay”, bà hồi tưởng, ‘và sớm sẵn sàng thực tập viết và diễn thuyết, cậu ấy còn khao khát hiểu được nghĩa chính xác của một từ. 

Sau khi nghe bài giảng của người truyền giáo địa phương, cậu đôi khi đứng trên một gốc cây, tập hợp lũ trẻ lại quanh mình và “lặp lại hầu như từng từ một”. Như vậy, mẹ kế và con chồng đã nhanh chóng thiết lập một mối gắn kết yêu thương. “Tâm trí của cậu ấy và của tôi, dù tôi có ít thôi, cũng song hành theo cùng một hướng”, Sarah nói. Bà đối xử với Abe như thể Abe là máu mủ của bà vậy. Đáp lại tình yêu thương ấy, Abraham Lincoln luôn gọi bà là “bà mẹ thiên thần”. 

Bà biết nhìn ra những tài năng dù khác biệt, dù kỳ lạ với xung quanh của người con chồng và bà tạo mọi điều kiện để Lincoln phát triển tài năng ấy. Bà biết nhìn ra những phẩm chất đạo đức tốt đẹp của Lincoln trong khi người khác chỉ thấy vẻ ngoài và lối sống “lập dị” của ông. 

4. Thái hậu Từ Dũ

Bà vừa là vợ, là mẹ, là bà và là cố vấn của các đời vua nhà Nguyễn trong suốt 78 năm. Cả cuộc đời bà yêu thương dân, hết lòng vì sự hưng thịnh của nước nhà. Tên tuổi của bà được sử sách ghi danh muôn thuở, là bậc mẫu nghi thiên hạ của mọi thời đại, Hoàng thái hậu Từ Dũ.  

Thái hậu Từ Dũ (hay Từ Dụ) tên húy là Phạm Thị Hằng, sinh ngày 19 tháng 5 năm Canh Ngọ (1810) tại Giồng Sơn Quy (Gò Rùa), làng Gò Công, huyện Tân Hòa, tỉnh Gia Định (sau thuộc tỉnh Gò Công, nay thuộc Tiền Giang). Bà là trưởng nữ của Quốc công Phạm Đăng Hưng và bà Phạm Thị Vị. 

Thuở nhỏ, bà nổi tiếng hiếu hạnh, thông minh, làu thông kinh sử, hiền thục, nết na và rất xinh đẹp. Năm 14 tuổi, bà được Thuận Thiên Cao Hoàng thái hậu Trần Thị Đang, vợ kế vua Gia Long tuyển triệu vào cung để chầu hầu Nguyễn Phúc Miên Tông (sau này là vua Thiệu Trị) – con vua Minh Mạng và là cháu trai của Cao Hoàng Thái Hậu.Năm 15 tuổi, bà sinh con gái đầu lòng là Diên Phúc công chúa. Cách năm sau, bà sinh Bảo Minh công chúa. Vào ngày 25 tháng 8 năm Kỷ Sửu (tức 22 tháng 9 năm 1892), bà sinh người con thứ ba, đặt tên là Nguyễn Phúc Thì tức Nguyễn Phúc Hồng Nhậm (sau này là vua Tự Đức).  

Năm 1841, Miên Tông lên ngôi, tức vua Thiệu Trị, bà trở thành Cung tần, được giữ chức Thượng Nghi để coi sóc Lục Thượng. Hai năm sau, bà được phong Thần Phi. Qua đầu năm Thiệu Trị thứ 6 (1846), bà được phong làm Giai Phi, rồi Nhất Phi. Tuy quyền cao chức lớn, song tính tình bà đoan chính, thanh tao, giản dị, nhân từ khiến mọi người trong cung ai cũng quý mến và kính trọng. 

Hằng đêm, vua Thiệu Trị thức khuya đọc sách, bà vẫn thức hầu mà không biết mệt mỏi và cùng vua trao đổi, bàn luận mọi việc. Bà thường hay góp ý với vua: “Làm người ắt phải học, nhiên hậu biết được điều thiện, điều ác. Điều thiện nên phát huy, điều ác nên tránh xa để không sa vào chỗ tà. Sách xưa có câu: Nhân bất học bất tri đạo (người chẳng học chẳng biết đạo lý)”. Bà thường khuyên bảo các cung tần nên tận tụy trong công việc. 

Bà là người thưởng phạt công minh. Ai phạm lỗi bà đều tìm cách dạy dỗ, bảo ban hơn là sử dụng hình phạt.Nhưng cuộc đời làm vợ của bà rất ngắn ngủi. Năm 1847, vua Thiệu Trị lâm bệnh nặng qua đời sau 8 năm nối ngôi cha trị vì đất nước. Vua mất, bà hết sức buồn rầu, mỗi ngày thường ra Hoàng Lăng quỳ than khóc. Mỗi năm đến ngày giỗ vua Thiệu Trị, bà đều mặc lễ phục đứng hầu trước điện thờ, trọn đạo làm vợ, thủy chung trọn đời.  

Vua Thiệu Trị qua đời, con trai bà là Hồng Nhậm được chọn nối ngôi, tức vua Tự Đức. Chồng mất, bà dốc sức dạy dỗ, bảo ban con. Bà thường nhắc đến công đức và những lời nói cũng như việc làm của các bậc tiền nhân để răn dạy con. Hằng đêm bà thường đọc sách giảng giải cho vua Tự Đức nghe. Bà dạy vua cách trị vì, điều hành đất nước sao cho hợp lòng dân. 

Mỗi khi vua Tự Đức có lỗi, bà thường dùng roi và lời lẽ nghiêm trị để giáo huấn nghiêm khắc. Nhờ đó mà Tự Đức trở thành một ông vua thông minh, chí hiếu, hiền hòa, ưa thích ngâm thơ, vịnh phú, có tài xuất khẩu thành thơ, văn chương lưu loát. Trong cuộc sống hằng ngày, bà rất tiết kiệm trong chi tiêu. Bà thẳng thắn phê phán thói cậy quyền, cậy chức, tham ô, xa hoa, lãng phí. 

Bà thường khuyên triều thần: “Một sợi tơ, một hạt gạo cũng là máu mỡ, là mồ hôi nước mắt của dân, nên lãng phí đã không ích gì mà lại đáng tiếc lắm vậy, chi bằng cất vào kho để dùng vào việc nước”. Bà rất nghiêm khắc với thân nhân, phê phán gắt gao kẻ dựa thế cậy quyền dòng họ nhà bà để cầu vinh, cầu chức. 

Mặt khác, bà rất trọng dụng hiền tài như Võ Trọng Bình một lòng thanh liêm, Phạm Phú Thứ thẳng thắn, hay Nguyễn Tri Phương giỏi giang, mẫn cán trong mọi việc. Bà thường khuyên rằng: “Nếu được nhiều người như vậy, đặt ra mỗi tỉnh một người, việc dân được bổ ích rất nhiều, mà vua cũng khỏi lo nhọc ngày đêm...”.  

Từ ngày lên ngôi, Tự Đức nhiều lần ngỏ ý tấn tôn cho mẹ, nhưng bà nhất định từ chối hoặc trì hoãn vì sợ tốn kém. Mãi đến ngày 15 tháng 4 năm Tự Đức thứ 2 (tức 7/5/1849), nhân dịp khánh thành cung Gia Thọ, bà mới thuận nhận Kim bảo và tôn hiệu là Hoàng thái hậu.Ngày 16 tháng 6 năm Quý Mùi (tức 19 tháng 7 năm 1883), vua Tự Đức băng hà, để di chiếu tôn bà là Từ Dụ Thái hoàng Thái hậu. 

Nhưng vì việc nước rối ren, mãi đến năm 1885, Hàm Nghi nguyên niên, nhà vua mới có thể làm lễ tấn tôn cho bà theo di chiếu.Năm 1887, Đồng Khánh thứ 2, nhà vua tấn tôn mỹ hiệu cho bà là Từ Dụ Bát huệ Thái hoàng Thái hậu.Năm 1889, Thành Thái nguyên niên, nhân dịp mừng thọ 80 tuổi, bà được dâng tôn hiệu là Từ Dụ Bát huệ Khang thọ Thái hoàng Thái hậu. 

Bà mất ngày mùng 5 tháng 4 năm Nhâm Dần (tức 12 tháng 5 năm 1902) thọ 92 tuổi, được dâng tên thụy là Nghi thiên tán thành, Từ Dụ Bát huệ trai túc tuệ đạt thọ đức nhân công Chương hoàng hậu, gọi tắt là Từ Dụ Nghi thiên Chương hoàng hậu. Ngày 20 tháng 5 cùng năm, triều đình cử hành đại lễ an táng bà phía sau bên trái Xương Lăng. Hiện toàn thể khu lăng này tọa lạc tại chân núi thuộc làng Cư Chánh, xã Thủy Bằng, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế. Bài vị của bà được thờ ở Thế Miếu trong Hoàng thành Huế. 

Trong lịch sử dân tộc Việt Nam, Hoàng thái hậu Từ Dũ luôn được mọi người ca ngợi và thán phục. Trong suốt 78 năm ở cạnh ngai vàng với cương vị cố vấn, bà tham gia bàn bạc chính sự, hết lòng hết sức vì dân vì nước, giữ trọn vai trò trọng yếu trong chính sự triều đình nhà Nguyễn vào khoảng nửa thế kỷ XIX. Bà đã nêu cao tấm gương sáng tuyệt vời về phẩm hạnh và đức độ của người phụ nữ Việt Nam. Tên của bà sống mãi cùng quê hương đất nước và được sử sách ghi danh muôn thuở.

Hồ Hoàng Anh sưu tầm

Chủ đề chính: #ngày_của_mẹ

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn