Bee

Những nhân vật bí ẩn nổi tiếng chưa được xác định rõ danh tính trong lịch sử

Đăng 6 năm trước

Lịch sử phát triển của loài người đã trải qua rất nhiều thăng trầm, biến cố. Những sự kiện đặc biệt đã diễn ra và rất nhiều nhân vật bí ẩn từng xuất hiện và trở nên nổi tiếng với tính biểu tượng mà họ mang lại, nhiều người trong số đó vẫn chưa được biết rõ về thân thế khiến họ trở thành những bí ẩn rất lớn. Chúng ta hãy cùng điểm lại một số nhân vật bí ẩn nổi tiếng trong lịch sử chưa được xác định rõ danh tính cho đến ngày nay.

Tank Man (Người chặn xe tăng)

Bức ảnh chụp một người đàn ông đứng không sợ hãi trước một đội xe tăng trong vụ xung đột tại Quảng trường Thiên An Môn ngày 5/6/1989, cuộc biểu tình đã gây ra cái chết của hàng loạt sinh viên, giới tri thức trẻ Trung Quốc thời kì đó. Được tạp chí TIME bình chọn là 1 trong 100 bức ảnh có tính biểu tượng của lịch sử, bức ảnh được chụp bởi Jeff Widener, biên tập viên ảnh của hãng Associated Press.

Khi quân đội Trung Quốc sử dụng những chiếc xe tăng tấn công người biểu tình ủng hộ dân chủ trên quảng trường, người đàn ông này đã đứng chặn và không chịu rời đi khi chiếc xe tăng phía trước cố gắng di chuyển, anh cũng leo lên một trong những chiếc xe tăng để ngăn chặn chúng. Người đàn ông không có vũ trang, anh ấy dường như chỉ là một người bình thường sau khi đi mua sắm với hai túi xách trên tay, nhưng hành động anh hùng của người đàn ông đã trở thành biểu tượng cho sự phản kháng của con người khi đối mặt với áp bức, bạo lực.

Nhiều người cho rằng cái chết của anh là không thể tránh khỏi. Một số nguồn tin sau đó cho rằng người đàn ông này là Wang Weilin, sinh viên 19 tuổi đã bị xử tử. Tuy nhiên Giang Trạch Dân, từng làm Tổng Bí thư của Đảng Cộng sản Trung Quốc tuyên bố rằng tất cả thông tin đó chỉ là bịa đặt. Bằng nhiều cách, truyền thông Trung Quốc đã cố gắng giấu diếm câu chuyện suốt gần 3 thập kỉ qua và lớp trẻ trong nước ít được biết đến hình ảnh lịch sử này, cho đến nay danh tính thực sự của người đàn ông chặn xe tăng vẫn là một bí ẩn. 

Babushka Lady (Quý cô Babushka)

Babushka Lady (Quý cô Babushka) đã từng được nhắc đến rất nhiều trong các sự kiện bí ẩn không có lời giải đáp trong lịch sử. Trong vụ ám sát Tổng thống Hoa Kỳ John F. Kennedy vào năm 1963, nhiều hình ảnh được ghi nhận về sự xuất hiện của một người phụ nữ đội chiếc khăn Babushka của những phụ nữ người Nga (vì thế người ta gọi bà là Quý cô Babushka), người phụ nữ cầm một chiếc máy ảnh và có thể đã chụp lại được toàn bộ diễn biến vụ ám sát.

Điều kỳ lạ nhất là sau khi Tổng thống bị bắn chết trên chiếc xe của mình, trong khi tất cả mọi người đều hoảng loạn chạy trốn thì người phụ nữ lại không có vẻ gì làm ngạc nhiên, sợ hãi và vẫn tiếp tục chụp toàn bộ khung cảnh đang diễn ra.

Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) sau đó đã ra thông báo công khai yêu cầu phụ nữ này giao nộp lại hình ảnh mà bà đã chụp, nhưng bà ta không bao giờ xuất hiện. Cho đến ngày nay, danh tính của người phụ nữ này vẫn chưa được làm rõ và bà đã trở thành một trong những nhân chứng nổi tiếng bí ẩn nhất của vụ ám sát John F. Kennedy.

The Falling Man (Người đàn ông rơi)

Vụ tấn công khủng bố nhằm vào Tòa tháp đôi (Hoa Kỳ) của nhóm khủng bố Hồi giáo Al-Qaeda gày 11/9/2001 được coi là vụ tấn công tồi tệ nhất lịch sử nước Mỹ, làm 2.996 người chết, hơn 6.000 người bị thương và tổng thiệt hại lên đến hơn 3 nghìn tỉ đô la. 

Sau khi hai chiếc máy bay đâm vào tòa tháp phía Bắc và phía Nam, những người xấu số trong hai tòa tháp ngày hôm đó mặc nhiên trở thành nạn nhân và hình ảnh những con người vẫy tay ra ngoài cửa sổ kêu gào trong vô vọng trở thành nỗi ám ảnh của những người chứng kiến. Một số người không chịu được sức nóng của lửa và tình trạng không có ôxy đã gieo mình xuống đất chấp nhận cái chết. 

Hình ảnh The Falling Man - bức hình một người đàn ông rơi xuống từ trên tòa tháp cao do Richard Drew chụp được tạp chí TIME bình chọn là 1 trong 100 hình ảnh có sức ảnh hưởng nhất thế giới. Không ai biết rõ danh tính của người này trong số rất nhiều những nạn nhân ngày hôm đó. Người đàn ông đã trở thành một biểu tượng của cuộc đấu tranh của thế giới văn minh chống lại khủng bố và là hình ảnh chân thực về hậu quả của vụ tấn công 11/9.

Hiroshima Shadows (Những bóng đen ở Hiroshima)

8h15 phút sáng ngày 6/8/1945, một quả bom nguyên tử đã được thả xuống thành phố Hiroshima (Nhật Bản). Nó phát nổ ở độ cao 580 m trên bầu trời, tạo nên một khối cầu lửa khổng lồ và phát tán khắp bề mặt thành phố với sức nóng 4.000 độ C. Nhiệt lượng tỏa ra kinh khủng đến mức phá hủy gần như ngay lập tức toàn bộ thành phố, nhiều người bị thiêu rụi khi họ vẫn còn đang làm những công việc hàng ngày, người đàn ông chống gậy đi bộ, người đang đi trên cầu thang cháy đen để lại những bóng tối ám ảnh trên nền đất. 

Những thân thể chỉ còn lại những vệt đen và người ta gọi đó là Hiroshima shadows (Những bóng đen ở Hiroshima). Không ai còn có thể nhận dạng được bất cứ ai trong số họ, những bóng đen trên nền đất cho đến nay vẫn còn là hình ảnh biểu tượng của hậu quả khốc liệt của chiến tranh thế giới và cho thấy sức mạnh khủng khiếp của bom nguyên tử.

Người Do Thái cuối cùng ở Vinnitsa

Từ sau năm 1940, khi Chiến tranh thế giới thứ hai ở đỉnh cao, Đức Quốc xã đã lên kế hoạch diệt chủng một cách có hệ thống những người Do Thái. Ở các khu vực của châu Âu bị chiếm đóng bởi Đức, họ đã bị truy lùng và giết sạch toàn bộ. Khoảng 28.000 người Do Thái đã bị giết ở Vinnitsa và các khu vực xung quanh.

Bức ảnh "Người Do Thái cuối cùng ở Vinnitsa" cho thấy hình ảnh một người đàn ông Do Thái ở thành phố Vinnytsia của Ukranian đang ngồi bất lực trên mép của một ngôi mộ tập thể được đào bởi Đức quốc xã mà ở dưới đã chất đầy thi thể những con người vô tội. Người đàn ông bị chĩa súng vào đầu và không hề biểu lộ sự sợ hãi trên khuôn mặt mà có vẻ như đã chấp nhận số phận của mình. Bức ảnh gợi lên cảm giác ớn lạnh về tội ác diệt chủng tàn bạo và trở nên giá trị bởi tính lịch sử của nó. 

Immortal Beloved (Người tình của Beethoven)

Những người vô danh nổi tiếng trong lịch sử đến ngày nay không chỉ giới hạn ở trong những cuộc chiến tranh. "Immortal Beloved" (Người tình bất tử) là bút danh người nhận bức thư viết tay của nhà soạn nhạc huyền thoại và nghệ sĩ dương cầm Beethoven. Bức thư dài 10 trang được viết vào ngày 6 hoặc 7 tháng 7 năm 1812, với những lời lẽ trìu mến như "My angel, my all, my very self" (Thiên thần của tôi, cuộc đời tôi, tất cả những gì của riêng tôi).  

Bởi vì thiên tài âm nhạc là một trong những hiện tượng văn hoá có sức ảnh hưởng nhất thế giới nên người phụ nữ nhận bức thư cũng trở thành chủ đề tìm kiếm của rất nhiều những người hâm mộ. Tuy nhiên tất cả các giả thuyết đưa ra đều không chính xác và danh tính người phụ nữ mà nhà soạn nhạc thiên tài đem lòng yêu thắm thiết vẫn chưa được làm sáng tỏ. 

Câu chuyện là nguồn cảm hứng cho bộ phim năm 1994 cùng tên Immortal Beloved. Từ những lời trong bức thư, rõ ràng là hai người yêu nhau đã khá lâu nhưng có lẽ không thường xuyên liên lạc và ý tưởng về cuộc sống chung của họ mãi mãi không thể đạt được.

Dancing Man (Người nhảy múa)

Hình ảnh "Dancing Man" (Người nhảy múa) là biểu tượng của niềm vui và hạnh phúc vào thời khắc Thế chiến II kết thúc, cho thấy một người đàn ông khiêu vũ trong một tâm trạng vui mừng, phấn khởi trên đường phố ở Sydney, Úc năm 1945. Hình ảnh có sức lan tỏa rất lớn sau thời điểm đó nhưng không một ai biết được danh tính thật của người đàn ông. Hình ảnh "Dancing Man" đến nay vẫn là một biểu tượng của sự khát khao hòa bình và niềm vui sướng hạnh phúc của con người sau khi chiến tranh chấm dứt.

Người đàn ông cài hoa vào họng súng

Chiến tranh không chỉ để lại những thiệt hại về con người và tài sản mà còn để lại những kí ức khủng khiếp trong tâm trí của những người sống sót. Bức ảnh "Flower Power" (Sức mạnh của hoa) là một bức ảnh mang ý nghĩa lịch sử của cuộc biểu tình chống chiến tranh Việt Nam tại Mỹ năm 1967 của nhiếp ảnh gia Bernie Boston.

Một người đàn ông trong cuộc biểu tình đã cài một bông hoa vào trong họng súng của một người lính. Bức ảnh trở thành một trong những hình ảnh được sao chép nhiều nhất mọi thời đại. "Flower Power" đã trở thành một biểu tượng của phong trào chống chiến tranh những năm 1960. Kể từ đó, những người biểu tình đã cầm theo hoa, lá cờ để sử dụng với mục đích kêu gọi vũ khí, đạn dược, chiến tranh sẽ không mang lại những điều tốt đẹp cho thế giới.

Cậu bé Roland Doe

Trừ tà là chủ đề yêu thích của các nhà làm phim kinh dị. Đây là một hoạt động tôn giáo nhằm trục xuất quỷ dữ ra khỏi một người bị ám. Trong số đó, bộ phim nổi tiếng Hollywood The Exorcist (1973) đã được chuyển thể từ một câu chuyện có thật về cậu bé 14 tuổi ở Missouri, Mỹ vào năm 1940. Hàng loạt hiện tượng bí ẩn đã xảy ra sau khi cậu bé sử dụng bàn cầu cơ Ouija để kết nối với người dì đã mất của mình, cha mẹ đã đưa cậu bé đến gặp các linh mục và họ hoàn toàn chắc chắn rằng cậu đã bị chiếm hữu bởi một linh hồn tà ác. 

Những sự kiện về cuộc trừ tà của cậu bé đã được ghi chép lại và trở thành một nguồn cảm hứng vô tận, lâu dài về chủ đề bí ẩn siêu nhiên. Giáo hội Công giáo đã đặt bút danh cho cậu bé là Roland Doe để bảo toàn danh tính cá nhân của cậu. Cho đến nay, vẫn chưa một ai xác nhận được về danh tính thực sự của cậu bé. 

Chủ đề chính: #bí_ẩn_chưa_có_lời_giải

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn