Nguyễn Minh Ngọc Hà Dream as if you'll live forever. Live as if you'll die today. - James Dean -

Những nỗi sợ hãi lớn nhất của con người

Đăng 6 năm trước

“Chúng ta được sinh ra với tình yêu. Nỗi sợ hãi là những gì chúng ta đã học được ở thế giới này.” – Marianne Williamson

Khi còn là những đứa trẻ, chúng ta chưa biết gì về thế giới. Trong thế giới của một đứa trẻ vừa chào đời, không có các tiêu chuẩn, không có quy tắc cứng nhắc và các quy định phải tuân theo. Không có chỗ cho sự đánh giá hay phán xét bản thân và người khác. Chúng ta vẫn chưa biết chán ghét hay không hài lòng với chính mình. Và chúng ta tò mò mọi thứ về thế giới, để vui chơi, để học hỏi và phát triển.

Tất cả chúng ta đều được sinh ra là những linh hồn tự do. Nhưng sau đó, môi trường sống bao gồm: gia đình, trường học, tôn giáo và hệ thống chính trị đã hình thành nên suy nghĩ và cách hành xử của mỗi người.

Sợ hãi là một trong những thói quen mà ta đã học được. Khi còn bé, chúng ta thường không sợ thất bại, không ngại cố gắng, vấp ngã là đứng dậy. Đó là cách mà chúng ta học những bước đi đầu tiên. Chúng ta không cảm thấy xấu hổ, cũng không trừng phạt mình mỗi khi vấp ngã, chúng ta chỉ đơn giản đứng dậy và thử bước đi một lần nữa.

Lúc còn là những đứa trẻ, chúng ta chẳng hề lo sợ khi bước khỏi vùng thoải mái của mình và thử những điều mới mẻ.

Vậy tại sao khi lớn lên chúng ta lại sợ hãi nhiều thứ? Và chúng ta thực sự sợ hãi những gì?

1. Sợ sự không hoàn hảo

Tôi vẫn thường nghe mọi người nói về sự hoàn hảo như là một chuẩn mực tối cao. Khó trách vì xã hội thường đánh giá con người thông qua việc họ làm tốt mọi việc trong cuộc sống, một số người thậm chí còn cảm thấy tự hào khi tự cho mình là “người cầu toàn” hoặc “người nghiện công việc” để khẳng định sự hoàn hảo của bản thân.

Nhưng với tôi, chủ nghĩa hoàn hảo là dấu hiệu của sự sợ hãi. Vì bạn sợ mọi người nhìn ra điểm yếu, điểm không tốt của mình nên bạn cố gắng làm tất cả mọi thứ một cách hoàn hảo để không ai có thể bắt bẻ hay sửa lỗi gì bạn.

Khi còn bé, mỗi lúc bị điểm kém ở trường tôi rất sợ bị bố mẹ la mắng hoặc đánh đòn. Nhiều năm sau, khi lớn lên, tôi phát triển thành người cầu toàn, đặc biệt là trong công việc. Tất cả công việc được giao tôi đều phải hoàn thành thật tốt để không có cấp trên nào có thể chỉ trích tôi. Vào thời điểm đó, sự sợ hãi uy quyền vẫn còn hiện diện trong tôi – nỗi sợ hãi được bắt nguồn từ rất sớm, khi tôi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Những người đang theo đuổi chủ nghĩa hoàn hảo thường sống rất mệt mỏi vì họ không cần đến sự giúp đỡ. Vẻ ngoài, có thể trông họ giống như những chiến binh bất khả chiến bại và mạnh mẽ hơn bất kỳ ai, nhưng nỗi sợ hãi của họ còn lớn hơn người khác gấp nhiều lần vì họ luôn phải phấn đấu và nỗ lực tốt hơn, tốt hơn nữa theo từng ngày. Và tôi cũng đã từng như thế.

Nhưng rồi tôi nhận ra, dù bạn có theo đuổi hoặc cố gắng thế nào đi chăng nữa thì bạn sẽ không bao giờ đạt đến sự hoàn hảo, không một ai! Nó chỉ đặt lên vai bạn những gánh nặng vô hình, khiến cuộc sống của bạn trở nên cứng nhắc và khô khan. 

Thật ra, để thể hiện điểm yếu trước mặt mọi người bạn cần phải có can đảm hơn người khác rất nhiều lần. Chính nhược điểm sẽ giúp bạn nhìn rõ bản thân mình để thay đổi và phát triển hơn.

“Nhược điểm là nơi sản sinh ra sự đổi mới, sáng tạo và thay đổi.” – Brené Brown

2. Sợ thất bại

Tôi từng đọc một bài báo về những người thành công đã cố ý lập kế hoạch cho thất bại của họ. Nghe có vẻ kỳ lạ và điên rồ phải không? Kế hoạch để thất bại? Có ai thích thất bại chứ?

Không ai cả! Không ai thích làm rối tung cuộc sống của mình. Thế nhưng họ đã sử dụng những sai lầm như là phương tiện cần thiết để học hỏi và phát triển. Và, họ đã thành công.

Tôi thường lo sợ khi phải bước ra khỏi vùng thoải mái của bản thân hoặc thử một điều gì đó mới mẻ – đúng hơn là tôi sợ thất bại với những quyết định của mình.

Mỗi lần tôi bị mắc kẹt trong mớ cảm xúc sợ hãi, không dám chấp nhận thử thách vì nghĩ mình có thể sẽ thất bại, những lúc ấy, tôi thường tự hỏi mình: Điều tồi tệ nhất có thể xảy ra là gì? Tôi có thể đối phó như thế nào nếu nó thực sự xảy ra?

Những câu hỏi ấy giúp tôi nhận ra rằng cuộc sống của tôi chắc chắn vẫn sẽ tiếp diễn, và hầu hết những sai lầm ấy sẽ chẳng giết được tôi.

“Sai lầm lớn nhất bạn có thể phạm phải trong đời là luôn sợ hãi mình sẽ mắc sai lầm.” – Elbert Hubbard

3. Sợ bị bỏ rơi

Được mọi người yêu thích, được hòa nhập với cộng đồng là nhu cầu cơ bản của con người. Chúng ta sợ bị cô lập, sợ bị bỏ rơi nên luôn tìm kiếm sự chấp thuận từ mọi người để điều ấy không xảy ra.

Rất nhiều tình huống trong cuộc sống, tôi đã làm những điều mình không thực sự muốn chỉ để làm hài lòng người khác, chẳng hạn như đi xem phim với cô bạn thân vào chủ nhật trong khi cơ thể tôi đang biểu tình đòi một giấc ngủ trưa.

Tôi đã từng là bậc thầy làm hài lòng người khác. Nhưng thành thật mà nói, đó không phải xuất phát từ việc tôi muốn tất cả mọi người đều hạnh phúc, mà tôi muốn họ yêu thích cũng như chấp nhận và ủng hộ tôi. Tôi mong họ sẽ cho tôi những điều mà tôi chưa dành cho bản thân: tình yêu, sự quan tâm và chú ý.

Được mọi người yêu thương là nhu cầu cơ bản của con người. Tuy nhiên, cần phải phân biệt rõ với việc thiếu thốn tình thương. Dần dần, tôi bắt đầu phát hiện ra những người biết yêu bản thân mình thường ít phụ thuộc vào sự chấp thuận của người khác.

Tự chăm sóc và yêu thương bản thân là vô cùng cần thiết. Vì nếu bạn không thể yêu chính mình thì bạn có thể yêu ai được đây? Và khi chúng ta đối xử tử tế với bản thân mình, chúng ta cũng truyền cảm hứng cho người khác đối xử tử tế với chính bản thân họ.

“Tôi đã từng là một người làm hài lòng người khác. Bây giờ, thay vào đó, tôi yêu thương họ.” – Cheryl Richardson

4. Sợ những gì người khác nghĩ về mình

Bạn có biết việc lo sợ người khác nghĩ gì về mình chính là nỗi sợ hãi hàng đầu của mỗi con người? Ngay cả việc sợ chết cũng chỉ xếp thứ hai mà thôi! 

Hầu hết chúng ta đều cố hết sức để che đậy những điểm yếu của mình trước mặt mọi người. Thay vì tập trung vào hiệu suất của bản thân, đáng tiếc, chúng ta lại quan tâm, lo lắng về những suy nghĩ của người khác.

Tôi nhớ lại có rất nhiều tình huống trong cuộc sống hàng ngày mà tôi không dám đặt câu hỏi, đặc biệt là đối với điều gì đó tôi chưa biết hoặc chưa rõ. Chỉ vì tôi không muốn mình trở thành kẻ kém thông minh, chậm hiểu, thậm chí là ngu ngốc trong mắt người khác. Hay nói nôm na là tôi đang “giấu dốt”. 

Kết quả là, khi còn ngồi trên ghế nhà trường thì bài thầy giảng tôi không hiểu, khi đã đi làm thì kế hoạch sếp giao tôi nắm bắt không thông. Và thế là tôi bị điểm kém, hổng kiến thức, tôi bị sếp mắng... Cuối cùng thì người thiệt thòi cũng chính là bản thân tôi.

Nhưng bây giờ thì tôi đã ngộ ra, mỗi ngày trường học cuộc sống luôn dạy cho tôi những bài học mới. Điều quan trọng là tôi phải không ngừng học hỏi để tích lũy kiến thức cũng như vốn sống của mình, mọi lúc, mọi nơi. Có như thế tôi mới phát triển và hoàn thiện chính mình. Và tôi đã không còn e ngại mỗi khi phải đặt câu hỏi giống như trước đây.

Chúng ta hãy thành thật với nhau đi: Chẳng ai thích nghe mọi người nói mình là kẻ xấu xí hoặc ngu ngốc đâu. Tất cả chúng ta đều muốn được công nhận giá trị của mình. Nhưng cuối cùng, điều quan trọng vẫn là chúng ta hoàn toàn chấp nhận chính mình. Nếu chính bạn còn không chấp nhận bạn, thì ai có thể chấp nhận đây?

“Khi tôi tìm kiếm sự chấp nhận từ kẻ khác, giây phút đó tôi đã không chấp nhận chính mình.” – Byron Katie

5. Sợ những điều có thể xảy ra trong tương lai

Khi bạn dành thời gian quý báu của mình để suy nghĩ và vẽ ra những viễn cảnh khác nhau về tương lai, nhiều khả năng bạn đã bỏ lỡ cuộc sống của chính mình và bỏ qua khoảnh khắc hiện tại.

Nhưng hầu hết những điều bạn lo lắng sẽ không bao giờ xảy ra. Chúng chẳng là gì ngoài sản phẩm của trí tưởng tượng.

Sự thật là, “những điều tồi tệ” sẽ xảy ra ở một vài thời điểm, nhưng ở góc nhìn tích cực chúng lại khiến bạn trở nên mạnh mẽ và khôn ngoan hơn hoặc cho bạn nhìn thấy được con đường nào là đúng đắn.


Nhìn lại quá khứ, tôi đã từng thất bại và khổ đau với vài mối tình để hiểu rõ hơn bản thân mình cần và phù hợp với một người yêu, người bạn đời ra sao, cũng như biết cách tôn trọng và vun vén hơn cho tình cảm hiện tại. Tôi đã phải thất nghiệp một thời gian mới nhận ra mình thực sự mong muốn và thích hợp với nghề gì, và ở đó tôi tìm được niềm vui, có thêm động lực mỗi khi hoàn thành công việc được giao.

Còn bây giờ, tôi xem những trải nghiệm đau đớn thực sự là những món quà, nên sẵn sàng chấp nhận những gì sẽ xảy ra, và bất kể đó là gì, tôi tin mình đều có thể giải quyết.

“Việc sử dụng trí tưởng tượng tốt nhất là sáng tạo. Việc sử dụng tồi tệ nhất là lo lắng.” – Deepak Chopra

Tôi đã không còn cảm thấy xấu hổ hoặc có lỗi với bản thân vì những nỗi sợ hãi của mình. Mục đích của sợ hãi là bảo vệ tôi thoát khỏi những điều có thể gây tổn thương, nhưng tôi cũng biết không nên để nỗi sợ hãi kiểm soát mình. Hơn hết, tôi biết chỉ có tôi mới có thể tạo ra thế giới riêng của mình thông qua cảm xúc, suy nghĩ và hành động.

“Phép lạ là sự chuyển đổi trong nhận thức từ sợ hãi thành tình yêu.” – Marianne Williamson

Và bây giờ, tôi muốn được nghe từ bạn. Bạn sợ hãi điều gì nhất? Và làm thế nào để bạn kiểm soát nỗi sợ hãi của chính mình?

Ngọc Hà - Ohay TV

Chủ đề chính: #nỗi_sợ_hãi

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn