Mỹ Hằng Những gì chính mình còn không hiểu, thì đừng viết cho người khác đọc.

Những phản biện thú vị xung quanh câu chuyện 'Con quạ thông minh' và bài học rút ra

Đăng 7 năm trước

Những phản biện thú vị qua câu chuyện 'Con quạ thông minh' có thể khiến bạn có cái nhìn đa chiều hơn khi tiếp nhận câu chuyện quen thuộc thời tiểu học này.

Đầu tiên tôi sẽ giúp bạn nhớ lại câu chuyện "Con quạ thông minh" (cũng có tên khác là "Con quạ khát nước") nếu như bạn không còn nhớ chi tiết câu chuyện.

Chuyện "Con quạ thông minh" là câu chuyện của tác giả Aesop thời Hy Lạp cổ đại được truyền miệng ở khá nhiều nước trong đó có Việt Nam và có nội dung như sau:

Một con quạ đang khát nước. Nó bay rất lâu để tìm nước nhưng chẳng thấy một giọt nước nào. Mệt quá, nó đậu xuống cành cây nghỉ. Nó nhìn quanh và bỗng thấy một cái bình ở dưới một gốc cây.

Khi tới gần, nó mới phát hiện ra rằng cái bình có chứa rất ít nước, và nó không thể chạm mỏ đến gần đáy mà uống được. Nó thử đủ cách để thò mỏ được đến mặt nước, nhưng mọi cố gắng của nó đều thất bại. 

Nhìn chung quanh, quạ thấy những viên sỏi nhỏ nằm lay lắt ở gần đấy. Lập tức, nó dùng mỏ gắp một viên sỏi thả vào bình. Cứ như vậy, nó gắp những viên sỏi khác và tiếp tục thả vào bình. 

Chẳng bao lâu, nước đã dâng lên đến miệng bình. Giờ thì nó có thể thò mỏ vào để uống. Quạ rất vui sướng khi nhìn thấy công sức của mình đã có kết quả. Quạ uống thỏa thích những giọt nước mát ngọt rồi bay lên cây nghỉ ngơi.

Qụa là một loài rất thông minh, trí thông minh của nó ngang bằng với trẻ em 6-7 tuổi. Có nhiều thực nghiệm cho thấy quạ có thể phân biệt được vật nặng - nhẹ, vật rỗng - đặc để bỏ vào bình nước. Đúng là nó biết cách cho sỏi vào bình nước để nước dâng lên. Đó là sự thật chứ không phải chỉ có trong truyện kể.

Tuy nhiên thực nghiệm cũng cho thấy khi bỏ các hòn sỏi vào bình nước thì mực nước cũng không dâng lên là bao mặc dù sỏi đã gần đầy bình. Như vậy quạ sẽ khó mà uống được nước.

Thực ra thực nghiệm này chỉ cho thấy một mặt của vấn đề. Qụa có thể uống được nước nếu các viên sỏi đủ lớn sẽ làm dâng mực nước lên cao hơn. 

Như vậy, phương pháp có thể đúng nhưng còn phụ thuộc vào tính chất và đặc điểm của công cụ thực hiện thì mới có thể thành công.

Vì là truyện dân gian nên có rất nhiều dị bản, có dị bản nói rằng quạ đến bờ suối để nhặt các viên sỏi mang về vì chỉ có ở bờ suối thì mới có sỏi được. Vậy tại sao quạ không uống nước luôn ở dưới suối?

Khi giải quyết vấn đề, cần phải cân nhắc kĩ lưỡng chọn cách khôn ngoan nhất để không tốn nhiều công sức vẫn đạt được hiệu quả cao.

Và cũng có nhiều ảnh chế hài hước từ câu chuyện này:


Đương nhiên đây chỉ là ảnh chế mà thôi, quạ không thông minh đến mức biết sử dụng ống hút đâu. Nhưng những hình ảnh này cũng gợi cho người ta suy nghĩ về sự sáng tạo phù hợp với thời cuộc, không thể cứ dùng mãi những phương pháp cũ đã không còn phù hợp với thời đại mới có nhiều biến chuyển. Phương pháp cũng phải gần với thực tiễn và thời đại nữa. Đó là bài học mà con người cần rút ra.

Người thông minh thật sự là người biết vận dụng sáng tạo phù hợp với thực tế cuộc sống. Hãy luôn luôn học hỏi và đổi mới.

Chưa bàn đến tính đúng sai, nhưng câu chuyện dân gian "Con quạ thông minh" đã thu hút nhiều ý kiến phản biện rất thú vị. Dù thế nào, câu chuyện cũng có ý nghĩa rất lớn, truyền cảm hứng về sự sáng tạo và khả năng giải quyết vấn đề

Mỹ Hằng 

* Tham khảo: truyenngan.vn, IFact, haivl, daikynguyenvn.com, hài.span.vn.

Xem thêm các bài viết khác của tôi tại đây.

Chủ đề chính: #truyện_con_quạ_thông_minh

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn