Kokoro Vì gió vẫn thổi và ta phải tiếp tục sống và mơ ước dù biết ngọn gió cuộc đời không lặng bao giờ

Những phát minh được tạo ra tình cờ nhưng đã thay đổi cả thế giới: Từ khoai tây chiên đến lò vi sóng

Đăng 4 năm trước

Nhiều khi 'hay không bằng hên' - những sự cố bất ngờ và tưởng như nhỏ nhặt chẳng đáng quan tâm lại dẫn đến kết quả ngoài sức tưởng tượng của chính những người đã phát hiện ra chúng.

Lịch sử văn minh nhân loại không thiếu những khám phá và phát minh được tìm ra một cách hoàn toàn tình cờ. Trên thực tế, các chuyên gia ước tính rằng khoảng 30 đến 50% trong tổng số các khám phá khoa học là những sự kiện ít nhiều đều do tình cờ ngẫu nhiên mà ra. 

Chính khả năng nhận thấy ứng dụng thực tiễn của những sự vật hiện tượng nhỏ nhặt là yếu tố cơ bản giúp con người vượt lên trên các giống loài khác và đạt đến trình độ phát triển đáng kinh ngạc như hiện nay. Hãy cùng nhìn lại những phát minh được ra đời do "sơ ý" nhưng đã thay đổi hoàn toàn cuộc sống của chúng ta trong hai thế kỷ gần đây.

1. Que diêm

Năm 1826, dược sĩ người Anh John Walker trong lúc làm công việc pha trộn hóa chất đã để ý thấy một nhúm hỗn hợp khô dính trên đầu một chiếc que nhỏ. Ông cố gắng chà xát để cạy nó ra, và tình cờ phát hiện khả năng tạo ra lửa của vật thể này. Sau khám phá thần kỳ ấy, Walker đã bắt đầu sản xuất và kinh doanh những que diêm đầu tiên ngay tại chính hiệu thuốc của mình. Từ chỗ được làm bằng bìa cứng, các que diêm về sau đã được chuyển sang làm từ gỗ và được phổ biến rộng rãi tới công chúng.

Điều đặc biệt là John Walker không hề đăng ký bản quyền cho phát minh này, bởi ông tin rằng đây là một sản phẩm đột phá mang lại lợi ích to lớn cho cả nhân loại. Nhờ đó đã có vô số người khác được tự do tham gia khai thác thị trường đầy tiềm năng của phát minh mới này.

2. Mauveine (Thuốc nhuộm aniline màu tím)

Trước những năm 1850, quần áo thường có màu gốc mặc định là nâu xám, và tất cả các màu sắc khác đều được lấy từ thiên nhiên như cây cỏ, côn trùng hay khoáng vật. Những màu này có nhược điểm là sắc độ nhợt nhạt, không bám chặt vào vải và không bền theo thời gian.

Tất cả đã thay đổi vào năm 1856, khi chàng sinh viên ngành hóa học William Perkins 18 tuổi trong lúc cố gắng điều chế một hợp chất quinine nhân tạo để làm thuốc trị bệnh sốt rét đã tình cờ tạo ra một chất nhựa than đá sền sệt như bùn. Khi kiểm tra kỹ hơn, anh kinh ngạc nhận thấy chất này có màu tím hoa cà (mauve) đẹp đến ngỡ ngàng, và đó là lúc loại thuốc nhuộm aniline đầu tiên trên thế giới được ra đời. 

Loại thuốc nhuộm này có màu sắc đồng nhất, sống động và bền. Không chỉ đặt nền móng cho ngành sản xuất màu tổng hợp trên toàn thế giới, phát minh này còn mở đường cho hóa học hữu cơ phát triển thịnh vượng và đem lại vô số thành tựu khác cho ngành sản xuất nước hoa, y học, chất nổ và cả nhiếp ảnh nữa.

3. Penicillin

Năm 1929, Sir Alexander Fleming - khi đó còn là một nhà nghiên cứu vi sinh vật trẻ tuổi - trong lúc dọn dẹp phòng thí nghiệm sau kỳ nghỉ lễ đã nhận thấy một đĩa petri nuôi cấy vi khuẩn Staphylococcus bị bỏ quên không đậy nắp lại. Điều đáng kinh ngạc là có một loại nấm mốc nào đó đã tình cờ rơi vào đĩa, phát triển và tiêu diệt số vi khuẩn sống xung quanh nó. Fleming đã định danh được đó là nấm Penicillium notatum, và sau khi thử nghiệm thêm ông còn phát hiện ra nó có khả năng giết chết các loại vi khuẩn khác nữa, cũng như nó có thể được dùng cho các động vật nhỏ mà không gây tác dụng phụ nguy hại nào.

Một thập kỷ sau đó, Howard Florey và Ernst Chain đã tiếp nối công trình của Fleming và tách chiết được chất hóa học có đặc tính diệt khuẩn trong loại nấm mốc kia. Đó là penicillin - thuốc kháng sinh đầu tiên của nhân loại. Cả ba người đã được trao giải Nobel Y học vào năm 1945 nhờ phát minh lịch sử này.

4. Lò vi sóng

Vào thời kỳ những năm 1940, một công ty của Mỹ tên là Raytheon lúc bấy giờ đang tập trung nghiên cứu hệ thống phòng thủ radar dùng trong chiến sự. Kỹ sư Percy Spencer của công ty này trong lúc làm việc với một thiết bị gọi là magnetron (ống cộng hưởng electron để tạo ra vi sóng) đã nhận thấy thỏi kẹo trong túi mình bị tan chảy do tác động của vi sóng. 

Nhận thấy khả năng ứng dụng to lớn của hiện tượng này, Spencer đã chế tạo một thiết bị hình hộp sử dụng vi sóng và nhận thấy thực phẩm được nấu chín nhanh hơn với năng lượng của loại bức xạ này. Chiếc lò vi sóng đầu tiên trên thế giới được đặt tại một nhà hàng ở New England để thử nghiệm, và chiếc lò đầu tiên dùng cho gia đình được ra mắt vào năm 1967 bởi một chi nhánh của công ty Raytheon.

5. Chất dẻo plastic

Mặc dù các loại chất dẻo làm từ chất liệu tự nhiên đã có từ trước đó, nhưng phải đến năm 1907 chất dẻo plastic được tổng hợp nhân tạo 100% mới được ra đời nhờ công của Leo Hendrik Baekeland. Trong một nỗ lực tìm cách tạo ra chất thay thế cho shellac - một sản phẩm đắt tiền được chiết xuất từ một loài bọ trong tự nhiên - ông đã kết hợp formaldehyde với phenol, sau đó đun nóng hỗn hợp lên. Sản phẩm thu được không hề giống với shellac, mà lại là một chất polymer với đặc tính độc đáo là chịu nhiệt và chịu sức căng tốt. 

Loại chất dẻo mới được phát hiện này đã nhanh chóng được ứng dụng trong vô số ngành sản xuất công nghiệp, đồng thời mở ra kỷ nguyên của vật liệu tổng hợp vẫn còn phát triển mạnh mẽ cho đến nay.

6. Khoai tây chiên dạng lát mỏng

Năm 1853, đầu bếp George Crum của nhà hàng Saratoga Springs gặp phải một vị khách sộp khó tính khi ông này cứ phàn nàn về những miếng khoai tây chiên kiểu Pháp (vốn là món ăn thịnh hành vào thời đó) được cắt quá dày. Sau khi bị trả lại đĩa khoai tây đến lần thứ ba, đầu bếp Crum bực mình đến nỗi ông đã cắt lát khoai mỏng hết mức có thể, chiên lâu hết cỡ và cuối cùng rắc thêm thật nhiều muối lên trên trước khi đem ra phục vụ.

Thật bất ngờ, vị khách khó tính nọ ngay lập tức mê mẩn món ăn mới này và còn gọi thêm một suất nữa. Chẳng mấy chốc món khoai tây chiên lát mỏng đã trở thành đặc sản của nhà hàng và thay đổi thói quen ăn vặt của mọi người trên khắp thế giới. Tuy vậy có một sự thật không thể phủ nhận rằng: khoai tây chiên đang là một trong những thủ phạm gây tăng cân nhiều nhất hiện nay.

7. Tia X

Năm 1895, nhà vật lý người Đức Wilhelm Conrad Röntgen trong lúc đang loay hoay với ống phát tia electron (thiết bị được ứng dụng trong bóng đèn huỳnh quang và tivi) đã phát hiện thấy một mảnh giấy tẩm barium platinocyanide trong phòng bỗng nhiên phát sáng. Ông biết chắc hiện tượng đó không phải do tia electron từ ống phát ra, bởi nó không thể chiếu xa đến vậy. Vì chưa rõ bản chất của loại tia bí ẩn kia nên Röntgen đã gọi nó là tia X. 

Khi tiến hành tìm hiểu sâu hơn, ông phát hiện ra nhiều loại vật chất khác dường như "vô hình" trước loại tia này, và nó cũng có thể tác động tới các tấm phim ảnh. Bức ảnh ông chụp bàn tay của vợ mình bằng tia X đã làm chấn động công chúng và lưu danh Röntgen vào lịch sử khoa học cũng như y học. Phát minh này cũng đem về cho ông giải Nobel Vật lý năm 1901.

8. Kính an toàn

Vào thời kỳ sơ khai của ngành sản xuất ô tô, một trong những mối nguy hiểm lớn nhất khi xảy ra tai nạn giao thông là những mảnh vỡ sắc nhọn của kính cửa có thể làm mọi người bị thương nghiêm trọng. 

Nhà hóa học kiêm họa sĩ người Pháp Édouard Bénédictus trong lúc làm việc tại phòng thí nghiệm đã vô tình làm rơi một mảnh kính khiến nó bị vỡ nhưng - thật bất ngờ - không bắn tung tóe các mảnh vụn ra như thường. Bénédictus phát hiện ra rằng phần thủy tinh được bọc bởi một lớp nhựa cellulose nitrate bên ngoài sẽ trở nên an toàn hơn, bởi các mảnh vỡ bị giam lại bên trong và hoàn toàn vô hại. Ban đầu các hãng ô tô không chấp nhận phát minh này để giữ chi phí sản xuất ở mức thấp, nhưng sau khi được ứng dụng thành công để chế tạo mắt kính của mặt nạ phòng độc trong Thế chiến thứ nhất, loại kính an toàn này đã được đưa vào ngành sản xuất ô tô và phổ biến rộng rãi trong những năm 1930.

9. Thuốc Viagra

Trên thực tế, từ lâu con người đã bỏ công sức đi tìm một loại "thần dược" giúp tăng cường sức mạnh sinh lý cho cánh mày râu. Nhưng điều thú vị là việc phát hiện ra thuốc Viagra (mà hoạt chất thực sự của nó là slidenafil) lại đến từ một cuộc tìm kiếm hoàn toàn khác.

Khi các nhà nghiên cứu đang thử nghiệm slidenafil để xem xét khả năng ứng dụng nó làm thuốc điều trị tăng huyết áp và bệnh tim, họ nhận thấy nó chẳng mấy hứa hẹn với vai trò này, nhưng những người tham gia thử nghiệm lại cho biết nó có công dụng tuyệt vời đối với một bộ phận khác của cơ thể - bạn biết đó là gì rồi đấy! Hãng dược Pfizer sau đó đã nhanh nhạy nắm bắt cơ hội bằng vàng này và đăng ký bản quyền cho thuốc Viagra vào năm 1996. Đến năm 1998 loại thuốc này đã được FDA cấp phép sử dụng để điều trị chứng rối loạn cương dương ở nam giới, và doanh thu từ loại "thần dược" này liên tục tăng trưởng đều đặn hơn 1 tỉ USD mỗi năm.

Mẹo nhỏ cho bạn: các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng chỉ 1 milligram chất sildenafil hòa tan trong lọ nước cũng có thể giúp những cành hoa tươi mới cắt "đứng chào cờ" lâu hơn bình thường tới một tuần!

10. Bánh quy vụn sôcôla

Không phải cứ phát minh hay khám phá là phải ra đời từ phòng thí nghiệm hay do giới khoa học sáng chế ra. Đôi khi những phát kiến thú vị lại nảy sinh từ một căn bếp, và thậm chí là căn bếp của một ngôi nhà trong trạm dừng chân thu phí! 

Ruth Wakefield và chồng sống trong một ngôi nhà như vậy, có tên là Toll House Inn, ở bang Massachusetts nước Mỹ. Bên cạnh công việc thu phí giao thông, đó còn là nơi Ruth thường nấu ăn cho các vị khách. Vào một ngày đẹp trời năm 1937, trong khi đang chuẩn bị bột làm bánh quy, cô nhận ra trong nhà đã hết sạch loại sôcôla dễ nấu chảy chuyên dùng để làm bánh. Cô buộc phải đập nhỏ những thỏi sôcôla cứng thông thường thành nhiều mảnh vụn và hy vọng chúng sẽ chảy ra trong lúc bánh được nướng. Kết quả là không. Nhưng nhờ thế mà món bánh quy yêu thích của người Mỹ đã được ra đời. 

Có lẽ chưa đạt đến mức "thay đổi thế giới", nhưng loại bánh mới này vẫn đủ sức đem lại cảm giác thăng hoa ngất ngây tuyệt vời cho bất kỳ ai cắn thử một miếng vừa lấy ra khỏi lò. Ngon tuyệt cú mèo!

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn