Woody Übermensch Mình thích thì mình viết thôi

Những thuật ngữ khoa học thường bị sử dụng sai lầm bởi quần chúng

Đăng 8 năm trước

Đôi khi đọc báo, chúng ta thường gặp các thuật ngữ khoa học. Tuy nhiên ít ai biết rằng nhiều thuật ngữ đã vô tinh bị sai lệch đi, không còn nguyên nghĩa ban đầu

Với tư cách là một người hoạt động trong lĩnh vực khoa học, tất nhiên tôi cực kỳ khó chịu mỗi khi nhìn thấy một thuật ngữ khoa học được sử dụng sai lệch bởi đám nhà báo và phần đông quần chúng.

Một số nhà khoa học có ý định thỏa hiệp cho rằng chúng ta có thể mặc kệ những thuật ngữ bị hiểu lầm này và tạo ra các thuật ngữ mới để thay thế. Tuy nhiên điều này không giải quyết tận gốc vấn đề, nó chỉ thay thế những hiểu lầm cũ bằng những hiểu lầm mới và càng làm cho vấn đề tồi tệ hơn. Chỉ vì những thuật ngữ khoa học bị đa số mọi người hiểu sai không có nghĩa là chúng ta cần phải ngừng sử dụng chúng, mà chúng ta nên làm tốt hơn việc giáo dục khoa học.

Dưới đây là một số thuật ngữ khoa học thường bị hiểu sai bởi văn hóa đại chúng :

1. Hữu cơ (Organic) :

Mô tả hình ảnh

  • Tiền đề của thuật ngữ : “Hữu cơ” bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp “organikós “, ý nghĩa ban đầu của thuật ngữ này là “liên quan đến cơ quan trong cơ thể”, ý nghĩa tổng quát sau đó là “liên quan đến/có nguồn gốc từ cơ thể.” Cần phải nói thêm rằng, trước thế kỷ 18, đa số các học giả đều cho rằng có sự khác biệt về bản chất giữa các vật liện cấu thành nên sinh vật (chất hữu cơ) và các vật liệu cấu thành nên vật vô tri (chất vô cơ). Tuy nhiên, với sự phát triển của Hóa học từ thế kỷ 18, các nhà khoa học đã phát hiện được sự sai lầm trong cách phân chia truyền thống này và biết rằng các chất hữu cơ và vô cơ về bản chất đều được cấu thành từ các nguyên tử và nguyên tố như nhau.
  • Thuật ngữ khoa học chính xác : “Hữu cơ” là thuật ngữ dùng để chỉ một lớp lớn của các chất hóa học bao gồm carbonhydrat và các dẫn xuất của chúng. Carbon, Hydrogen và Oxygen là 3 nguyên tố đóng vai trò quan trọng nhất trong thành phần các chất hữu cơ. Tất nhiên ngoài 3 nguyên tố chính còn có sự đóng góp của các nguyên tố khác. Như vậy tất cả các hợp chất có chứa Carbon (ngoại trừ một số ngoại lệ là các Carbon oxide, Carbide, Cyanide và Carbonic Acid) đều là chất hữu cơ. Điều đáng lưu ý ở đây là : thứ nhất, có rất nhiêu các hợp chất hữu cơ không tồn tại trong các cơ thể sống (đồng thời, cũng có rất nhiều các hợp chất vô cơ tồn tại trong cơ thể sống); thứ hai, các hợp chất hữu cơ hoàn toàn có thể được tổng hợp nhân tạo; và thứ ba, một họp chất được coi là hữu cơ hay vô cơ là dựa hoàn toàn trên bản chất hóa học của chúng và hoàn toàn không có liên quan gì đến việc những hợp chất đó có nằm trong cơ thể sinh vật hay không.
  • Thuật ngữ bị hiểu sai : Sự phát triển của khoa học và công nghệ ở thế kỷ 19 và 20 đã làm thay đổi nền nông nghiệp Hoa Kỳ. Trồng trọt và chăn nuôi đã được công nghiệp hóa với quy mô lớn và hiệu quả cao hơn. Năm 1800, nông dân chiếm 90% lực lượng lao động của Mỹ; năm 1900, tỷ lệ của họ đã giảm tới 38%; và vào năm 1990, nó chỉ còn 2,6%. Tuy nhiên, không phải ai cũng hài lòng với những thay đổi của xã hội. Do đó ở Hoa Kỳ và Châu Âu đã bắt đầu nổi lên phong trào khôi phục lại cách thức canh tác tiền công nghiệp, và trong phong trào này, cách hiểu “dân dã” của từ “hữu cơ” đã được tạo ra bởi JI Rodale vào năm 1942 khi ông này xuất bản tạp chí “Canh nông và làm vườn hữu cơ ( Organic Farming & Gardening)” - tạp chí này hiện vẫn còn lưu thông ngày nay. Thuật ngữ dân dã về “hữu cơ” này dùng để chỉ việc không sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc từ phòng thí nghiệm (như thuốc trừ sâu, phân bón hóa học...) trong sản xuất nông nghiệp. Rõ ràng đây là một khái niệm ngớ ngẩn, vì trong thực tế, các thực phẩm (trừ số rất ít các thực phẩm có nguồn gốc khoáng vật vô cơ như muối ăn) luôn bao gồm các hợp chất hữu cơ. Lúc đó Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) đã từ chối công nhận thuật ngữ “thực phẩm hữu cơ” và khái niệm này trong một thời gian dài sau đó cũng chưa bao giờ được xem là nghiệm túc. Tuy nhiên do các vận động hành lang vào những năm 1990 đã thuyết phục Quốc hội Hoa Kỳ uỷ quyền cho thành lập một quy trình cấp giấy chứng nhận cho các loại thực phẩm hữu cơ. Từ đó cách hiểu sai về thuật ngữ “hữu cơ” đã bắt đầu trở nên phổ biến.

2. Lý thuyết (Theory) :


Mô tả hình ảnh

  • Thuật ngữ khoa học chính xác : Một lý thuyết khoa học là một lời giải thích về một khía cạnh của thế giới tự nhiên đã được chứng minh thông qua rất nhiều bằng chứng và rất nhiều thử nghiệm khoa học được lặp đi lặp lại. Điều đó có nghĩa là nếu không có một hệ thống thử nghiệm và bằng chứng chặt chẽ thì sẽ không có lý thuyết. Các lý thuyết thì súc tích, mạch lạc, có hệ thống, có tính tiên đoán, và áp dụng rộng rãi, thường xuyên kết hợp và khái quát nhiều giả thuyết. Bất kỳ lý thuyết khoa học đều phải dựa trên một cuộc kiểm tra cẩn thận và hợp lý của các sự kiện. Sự kiện và lý thuyết là hai thứ khác nhau. Trong các phương pháp khoa học, có sự phân biệt rõ ràng giữa các sự kiện (trong đó có thể được quan sát và / hoặc đo lường) và lý thuyết (lời giải thích về sự kiện các nhà khoa học). Lý thuyết có thể được chứng minh, bác bỏ, cải thiện và bổ sung theo thời gian. Tuy lý thuyết không phải là sự thật, nhưng nó là thứ gần với sự thật nhất mà con người có thể đạt được.
  • Thuật ngữ bị hiểu sai : Đối với một người bình thường, “Lý thuyết chỉ là một ý tưởng bất chợt trong đầu ai đó. Hết.”

3. Giả thuyết (Hypothesis) :


Mô tả hình ảnh

  • Thuật ngữ khoa học chính xác : Một giả thuyết là một đề xuất để giải thích một hiện tượng, sự kiện, quy luật và có thể kiểm chứng được. Mục đích một giả thuyết được tạo ra là để được chứng minh hoặc bác bỏ.
  • Thuật ngữ bị hiểu sai : Giả thuyết chỉ là một sự tưởng tượng, một giả định nào đó và không thể kiểm chứng được.

4. Tự nhiên (Natural) :

Mô tả hình ảnh

  • Thuật ngữ khoa học chính xác : Tự nhiên là những gì tồn tại mà không bị tác động bởi con người.
  • Thuật ngữ bị hiểu sai : Bất cứ thứ gì tự nhiên đều tốt (cho sức khỏe), bất cứ thứ gì không tự nhiên đều có hại.
  • Thực tế : Asen, Thủy ngân... là tự nhiên và gây độc cho sinh vật sống. Cắt móng tay là không tự nhiên, đánh răng là không tự nhiên, mặc quần áo là không tự nhiên, nấn thức ăn là không tự nhiên nhưng những thứ không tự nhiên đều mang lại lợi ích cho con người.
  • Thực tế 2 : Với cùng một chất hóa học, không có bất kỳ khác biệt nào (về đặc tính vật lý, đặc tính hóa học, tác dụng sinh học...) khi chất đó được chiết xuất từ nguyên liệu tự nhiên hay được tổng hợp nhân tạo bằng phương pháp hóa học.

5. Bẩm sinh và nuôi dưỡng (Nature vs nurture) :

Mô tả hình ảnh

  • Cách hiểu khoa học chính xác : Là 2 yếu tố đồng thời tác động vào đặc tính của sinh vật theo những cơ chế cực kỳ phức tạp và khó dự đoán. Ví dụ như sự khác biệt về gene gây ra sự khác biệt về tính trạng nhưng môi trường cũng có thể tác động vào quá trình bật/tắt của gene.
  • Thuật ngữ bị hiểu sai : một đặc tính nào đó ở sinh vật được gây nên hoặc hoàn toàn do bẩm sinh, hoặc hoàn toàn do môi trường.

6. Tỉ lệ thuận (Direct Ratio) :

Mô tả hình ảnh

  • Thuật ngữ khoa học chính xác : 2 đại lượng tương quan với nhau theo một hàm tuyến tính thuần nhất được gọi là 2 đại lượng tỉ lệ thuận.
  • Thuật ngữ bị hiểu sai : 2 đại lượng cùng tăng (cùng giảm) gọi là 2 đại lượng tỉ lệ thuận.
  • Thực tế : 2 đại lượng cùng tăng (cùng giảm) gọi là 2 đại lượng đồng biến.

7. Tăng trưởng theo hàm mũ (Exponential growth) :


Mô tả hình ảnh

  • Thuật ngữ bị hiểu sai : Tăng trưởng theo hàm mũ là tăng trưởng theo tốc độ rất cao (cao khủng khiếp).
  • Thực tế : Tăng trưởng theo hàm mũ có thể là một mức độ tăng trưởng lớn hoặc nhỏ, thậm chí rất nhỏ. Ví dụ nền kinh tế tăng trưởng với tốc độ 0,1% một năm là một tốc độ cực kỳ nhỏ.


8. Phần trăm (Percent) :


Mô tả hình ảnh

  • Thuật ngữ bị hiểu sai : Khi đề cập đến phần trăm, hầu hết người nghe chỉ để ý phần trăm lớn hay nhỏ nhưng lại không quan tâm đến một vấn đề rất quan trọng : “Phần trăm của cái gì?”
  • Thực tế : Phần trăm có thể được sử dụng một cách có chủ ý để đánh lừa người nghe dựa trên sự mơ hồ và hiểu nhầm. Ví dụ một căn bệnh có tỉ lệ mắc bệnh là 1%, nếu bạn nghe ai đó nói rằng một yếu tố X nào đó khiến tỉ lệ mắc bệnh tăng 90% có thể bạn sẽ cảm thấy 90% là một tỉ lệ rất ghê gớm nhưng trên thực tế yếu tố X chỉ làm cho nguy cơ mắc bệnh tăng từ 1% lên 1,9%. Hóa ra 90% được nói đến là 90% của 1% tức là chỉ có 0,9%.

Tác giả : Woody Übermensch

Chủ đề chính: #hiểu_sai

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn