Nguyễn Thị Bích Hạnh

Những trào lưu phổ biến trên mạng xã hội và cái kết của chúng ở Việt Nam (P1)

Đăng 8 năm trước

Bạn là một cư dân của mạng xã hội, bạn biết gì về những trào lưu đã và đang phổ biến trên cộng đồng ảo này? Và số phận của những trào lưu đó tại Việt Nam ra sao

Mạng xã hội đã và đang dần dần đi vào cuộc sống của nhiều người. Nếu như trước đây người dùng internet thường tương tác đơn lẻ theo từng cặp, hoặc nhiều nhất chỉ là một nhóm người dưới hình thức như diễn đàn, chat room...Thì cùng với sự phát triển của mạng xã hội, sự tương tác đó đã mở rộng ra thành một cộng đồng. 

Lượng tương tác nhiều hơn, tự do hơn và cá nhân hơn nhanh chóng tạo thành hiệu ứng số đông, và tạo lên những cơn sốt, những trào lưu kỳ quái mà không ai giải thích nổi. Bạn đã từng tham gia những trào lưu nào sau đây chưa? Và nếu đã tham gia, liệu bạn có hiểu hết về chúng.

1. Confessions - Lời thú tội

"Confessions" hay "Lời thú tội" là một thuật ngữ bắt nguồn từ thiên chúa giáo. Ở các nhà thờ của thiên chúa giáo thường có phòng xưng tội, khi tín đồ thiên chúa cảm thấy buồn bực hay hối hận về những hành vi mà mình đã làm, họ sẽ đến nhà thờ và thú tội với linh mục, mong nhận được sự tha thứ.

Cùng với sự phát triển của mạng xã hội, không chỉ tín đồ thiên chúa mà tất cả mọi người đều có cơ hội nói ra lời "thú tội" trên các Confessions page. Họ có thể che giấu danh tính của mình, nói ra tất cả những việc mà trước đó không dám chia sẻ cho bất cứ ai. Một cách để nói ra điều thầm kín, để bản thân cảm thấy nhẹ nhõm mà không cần phải sợ hãi hay hổ thẹn. 

Confessions page từng làm mưa làm gió trên các mạng xã hội nước ngoài và bắt đầu bùng nổ ở Việt Nam vào khoảng đầu năm 2013. Một loạt các Confessions page ra đời, đa số đều là của các trường học như FTU Confessions, NEU Confessions... hoặc của một cộng đồng có chung sở thích như Kpop confessions, Ha Noi Cosplay confessions...

Mô tả hình ảnh


Chỉ có điều người lắng nghe những lời thú tội này không phải là các linh mục mà là "cộng đồng mạng". "Lời thú tội" cũng theo đó dần dần bị biến tướng. Không còn chỉ là lời thú tội, confession còn vô tình trở thành nơi ném đá giấu tay của các anh hùng bàn phím. Họ có thể tha hồ công kích một đối tượng cụ thể trong khi đó hoàn toàn không sợ người ta biết mình là ai. 

Mô tả hình ảnh

Rõ Ràng là dù lập ra với mục đích gì thì các Confessions page cũng thu hút được sự chú ý của rất nhiều người. Ai mà chẳng thích thoải mái lên tiếng mà không cần chịu trách nhiệm về những gì mình nói. 

Cơn sốt này cũng đến lúc hạ nhiệt, nhưng nó không biến mất hoàn toàn như một số trào lưu khác. Các trang confessions dù ít người ngó vào hơn nhưng vẫn tiếp tục tồn tại như một nơi cần thiết để trút bầu tâm sự. Cũng có một số trang confessions rất thành công và được đông đảo người ủng hộ, ví dụ như "Cái hố đen" hay "18+ confessions"...

Mô tả hình ảnh

Tạm kết cho một trào lưu, "thú tội" hay "thầm kín nói lên quan điểm" đều không xấu, nhưng hãy biết điểm dừng. Suy cho cùng Confessions page cũng chỉ nằm trong mạng xã hội ảo, bạn có thú tội hay nói lên quan điểm cũng hoàn toàn chẳng nhận được sự tha thứ hay một lời đồng tình thực sự nào. Viết ra lời thú tội chỉ giúp bản thân bạn cảm thấy nhẹ nhõm hơn, và nếu thực sự cảm thấy thoải mái với điều đó thì chẳng có vấn đề gì khi tìm đến các trang Confessions cả.

2. Trào lưu chế ảnh

Nếu bạn dùng facebook thường xuyên chắc cũng không còn xa lạ gì với trào lưu kỳ quặc này. Không rõ nó xuất hiện trên facebook từ khi nào, nhưng có lẽ khởi nguồn của trào lưu này bắt đầu từ các diễn đàn sinh viên hay các diễn đàn công nghệ, nơi mà chỉ cần vài phút là một bức ảnh bình thường đã bị biến tấu đi rất nhiều. Và trước facebook có lẽ các trang web giải trí ví dụ như haivl đã thành công nhân rộng chúng.

Mô tả hình ảnh


Ban đầu chỉ là chế ảnh hài hước của các nhân vật hoạt hình hay phim ảnh, thêm vào vài câu nói vui mang tính giải trí, hoàn toàn vô hại. Không ít nhân vật đã "trúng đạn", trong đó ở Việt Nam trúng đạn nhiều nhất có lẽ là Chaien, Đường Tăng và nàng Bạch Tuyết.

Mô tả hình ảnh

Có lẽ nhìn thấy được sự phát triển của trào lưu này, facebook đúng lúc đó cải tiến thêm chức năng comment bằng ảnh, tạo điều kiện thuận lợi cho trào lưu chế ảnh tiếp tục lan rộng. Sau đó hàng loạt các fanpage phục vụ cho việc chế ảnh lần lượt ra đời, cung cấp một nguồn comment free dồi dào cho các facebook-er.

Mô tả hình ảnh

Trào lưu này cũng nhanh chóng hạ nhiệt, tuy nhiên tính năng comment bằng hình ảnh của facebook thì vẫn còn, thế nên bất cứ khi nào có sự kiện hay nhân vật "bỗng nhiên nổi tiếng", các chuyên gia chế ảnh lại có thêm nguyên liệu để cho ra đời những tác phẩm mới. Và trào lưu lại được hâm nóng trong thời gian ngắn.

Đông đảo cư dân mạng ưa thích trào lưu này bởi nó mang tính giải trí cao, lại vô cùng dễ dàng để thực hiện. Tuy nhiên không phải cái gì mang ra để giải trí cũng tốt. Ví dụ như trào lưu chế ảnh "Ngưng ngược đãi" hiện nay. Bộ ảnh mang ý nghĩa tốt đẹp, nhưng lại vô tình bị một số "chế ảnh gia" biến tấu, bóp méo ý nghĩa. Thậm chí còn có người thuận thế kiếm lời. Phải chăng người thực hiện bộ ảnh "Ngưng ngược đãi" lại đang bị chính những bức ảnh chế này ngược đãi?

Mô tả hình ảnh

Tạm kết, trào lưu chế ảnh không phải là xấu nếu nó được dùng với mục đích giải trí và hoàn toàn vô hại. Nhưng nó cũng có thể trở thành con dao hai lưỡi, một công cụ chỉ trích và "ném đá" hữu hiệu. Vì thế đừng để một trò đùa vô hại đi quá xa. 

3. Biến tấu ngôn ngữ

Bạn có cảm thấy quen thuộc với những cụm từ như "thanh niên nghiêm túc","đắng lòng","hoy đi nha","chuẩn cơm mẹ nấu"...Và liệu bạn có hay sử dụng những từ viết tắt như "GATO", "ATSM", "CMNR", "CLGT","CDSHT"..v...v...Nếu có thì chắc chắn rằng dù vô tình hay cố ý bạn cũng đang tham gia một trào lưu trên mạng xã hội, mà ở đây mình xin tạm gọi là "Biến tấu ngôn ngữ".

Thực ra trào lưu biến tấu ngôn ngữ đã xuất hiện từ rất lâu, ngay từ khi internet mới bắt đầu phát triển. Giới trẻ luôn luôn tìm cách biến hóa ngôn ngữ của mình để tránh khỏi "tai mắt" của phụ huynh. Ở nước ngoài, việc biến tấu ngôn ngữ thường chỉ dừng lại ở việc viết tắt một số cụm từ thông dụng, hoặc rút ngắn câu. 

Mô tả hình ảnh


Nhưng đến Việt Nam, việc biến tấu ngôn ngữ không còn chỉ dừng lại ở mục đích né tránh "tai mắt" của phụ huynh. Một bộ phận thanh thiếu niên biến tấu tiếng Việt thành một ngôn ngữ mới, mà theo họ thì "tiện lợi" và "dễ sử dụng" hơn tiếng Việt chính thống. Ngôn ngữ này được nhiều người nhắc đến với cái tên "Teen code". 

Teen code được đưa vào đề thi

Cũng may việc biến tấu ngôn ngữ như thế này tuy phổ biển nhưng không được nhiều người đồng tình. Còn được đưa cả vào đề thi như một bài học về giao tiếp. Dần dần teen code cũng không còn xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội. 

Bỏ qua teen code, vốn làm mất mỹ quan của tiếng Việt, một hình thức biến tấu ngôn ngữ khác bắt đầu xuất hiện và thay thế nó. Đó là việc sử dụng những cụm từ ăn theo và những từ viết tắt như mình đã nhắc đến ở trên. Nếu như teen code là việc biến tấu ngôn ngữ về mặt hình thức, thì việc sử dụng những cụm từ trên là sự biến tấu về ý nghĩa và cách sử dụng. 

Mô tả hình ảnh

Tiếng Việt vốn đa nghĩa và những facebook-er Việt rất biết cách lợi dụng sự đa nghĩa này để biến tấu ngôn ngữ. "Đắng lòng chưa chắc đã là đắng lòng, thế mới lại đắng lòng". Một cụm từ hay một từ viết tắt nhìn qua có vẻ không có gì đặc biệt nhưng lại nhanh chóng "hot" và được sử dụng rộng rãi, bởi có thể một cư dân mạng nào đó bỗng chợt phát hiện ra cách sử dụng mới của nó, và thế là được đông đảo các cư dân mạng khác hưởng ứng.

Những thứ được gọi là "trào lưu" thường chỉ mang tính chất tạm thời. Thế nhưng trào lưu này lại liên quan đến ngôn ngữ, một thứ có sức mạnh lan tỏa to lớn, vì thế nó đã gây ra bao chuyện dở khóc dở cười. Điển hình là các báo vì ganh đua lợi nhuận, cũng ra sức giật tít theo kiểu biến tấu để thu hút độc giả.

Mô tả hình ảnh

Có điều việc lạm dụng trào lưu và sử dụng ngôn ngữ một cách vô tội vạ cũng nhanh chóng làm nhiều người thấy phản cảm. Điển hình như cụm từ "đắng lòng" và "hoy đi nha" giờ đã nằm trong sổ đen của hầu hết cư dân mạng. Một số từ và cụm từ có thể biến mất nhưng trào lưu vẫn chưa dừng lại, biết đâu một ngày đẹp trời nào đó, một cụm từ bình thường mà ít khi được dùng đến lại nhanh chóng "hot" chỉ sau một đêm. 

Không thể khẳng định chắc chắn rằng trào lưu biến tấu ngôn ngữ này là tốt hay xấu. Nhiều người nhìn vào thì cho rằng việc sử dụng ngôn ngữ một cách không chính thống là sai lầm và tai hại. Nhưng suy cho cùng, trào lưu này cũng giống như hai trào lưu mà mình vừa liệt kê trước nó, đều có hai mặt lợi và hại. Lợi ở chỗ, trong một số trường hợp chúng ta có thể sử dụng ngôn ngữ, mà ở đây là tiếng Việt một cách linh hoạt và uyển chuyển hơn mà không gây phản cảm. Còn cái hại thì ai cũng nhìn thấy rất rõ, ngôn ngữ biến tấu dễ dàng bị lạm dụng một cách vô tội vạ, vô hình chung làm cho những cái biến tấu ảnh hưởng không tốt đến từ ngữ ban đầu

-------------

Lời kết

Trên đây mới chỉ là ba trào lưu đã và đang phổ biến trên mạng xã hội, vẫn còn kha khá những trào lưu khác mà cư dân mạng nô nức hưởng ứng. Nhưng chúng ta đều có thể nhìn thấy một điểm chung, đó là độ "hot" của chúng chỉ mang tính tạm thời. Trào lưu nào bị lạm dụng quá nhiều và bị đẩy đi quá xa so với mục đích ban đầu thì đều nhanh chóng chìm nghỉm. Tuy nhiên chúng không hoàn toàn biến mất mà chỉ duy trì theo một hình thức khác, không "hot" và không còn được gọi là trào lưu nữa. 

Hãy cùng tiếp tục tìm hiểu xem trên mạng xã hội còn có những trào lưu gì và số phận của chúng ở Việt Nam ra sao ở phần tiếp theo.

SW2710 (sưu tầm và tổng hợp)

Chủ đề chính: #mạng_xã_hội

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn