Kimle

Những tượng đài ít người biết ở Hà Nội thời Pháp thuộc

Đăng 4 năm trước

Thị trưởng Hà Nội khi đó là bác sĩ Trần Văn Lai,. Một trong những việc đầu tiên ông làm trên cương vị Thị trưởng là cho kéo đổ tất cả các tượng mang dấu ấn thực dân ở nơi công cộng. Trong đó có tượng 'Bà đầm xòe'. Tượng toàn quyền Paul Bert. Tượng Sĩ-Nông-Công-Thương ở vườn hoa Canh Nông. Tượng Thống chế Ferdinand Foch, Tượng Jean Duquis....vv. Tất cả tập trung để trong nhà kho Sở Lục Lộ Hà Nội.

Hà Nội đã từng có một tượng Thần Tự Do.

Khi trao tặng tượng Thần Tự Do khổng lồ cho nước Mỹ, người Pháp có giữ lại cho mình một phiên bản nhỏ (cao 11 mét) cũng bằng đồng, đặt cạnh chiếc cầu bắc qua sông Seine.

Đồng thời cũng có một phiên bản khác nhỏ hơn nữa ( cao khoảng 3 mét ). Năm 1887, phiên bản này đưa sang triển lãm tại Hội chợ Đấu xảo Hà Nội (nay là Cung văn hóa Hữu Nghị Việt - Xô). Triển lãm xong, pho tượng được tặng cho Hà Nội.  Và theo thói quen hình tượng hóa, người dân Hà Nội đặt tên cho pho tượng là "Bà đầm xòe"

Số phận long đong của "Bà đầm xòe" ở Hà Nội

"Bà đầm xòe" được dựng ở vườn hoa trước Ngân hàng Đông Dương, tức vườn hoa Chí Linh, nơi đặt tượng đài Lý Thái Tổ bây giờ. 

Vào ngày 14 tháng 7 năm 1890, ngày Quốc khánh Pháp, chính quyền Pháp tại Đông Dương quyết định dựng tượng Paul Bert thế chỗ tượng bà đầm xòe.  

Theo lời đề nghị của kỹ sư Pháp Daurelle, tượng bà đầm xòe được chuyển lên đặt trên đỉnh tháp rùa ( Hồ Hoàn Kiếm ).

Trong khi đợi lấy đá từ núi Vossges, quê hương của Paul Bert để làm bệ, tượng bà đầm xòe đã bị vội vã vật đổ nằm ngửa ra nền cỏ, nằm chình ình bên cạnh tượng Paul Bert cũng được đưa đến sớm. Chính vì thế, thời đó trẻ con Hà Nội có câu vè châm biếm : "Ông Pôn Be lấy bà đầm xòe / Trước nhà kèn ò e ý e...".

Bà “đầm xòe” đứng ở vị trí đắc địa là vườn hoa Chí Linh nhìn ra hồ Hoàn kiếm chưa nóng chỗ, thì phải nhường vị trí đó cho ông Paul Bert. Còn bà được chuyển lên trên nóc tháp rùa.

Hồi đó, dân Hà Nội phản đối kịch liệt, nhất là những sĩ phu. Họ không chấp nhận một mụ đầm Tây Phương lại đứng chùm váy lên nền văn hóa bản địa.  

Chính quyền bảo hộ không chịu được sức ép dư luận, phải di chuyển "Bà đầm xòe" đến vườn hoa Neyret phía đông hồ Hoàn Kiếm - tức là Vườn hoa Cửa Nam gần Thư viện Quốc gia. Bà đứng đó trong nhiều năm trong sự thờ ơ của dân chúng, để đêm đêm chứng kiến những cặp tình nhân tình tự bên dưới.

TƯỢNG TOÀN QUYỀN PAUL BERT.

Paul Bert (1833 – 1886) là nhà khoa học, nhà chính trị Pháp, thống sứ An Nam và Bắc Kỳ. Paul Bert là quan chức dân sự đầu tiên được bổ nhiệm vào cương vị Toàn quyền Lưỡng kỳ ( Bắc và Trung kỳ). Được bổ nhiệm vào tháng 1/1886, đến Hà Nội vào tháng 4 nhưng đến tháng 11 năm đó thì Paul Bert đã chết vì dịch bệnh. 

Thực dân coi Paul Bert như người tổ chức lại thuộc địa và quy hoạch trước khi vua Đồng Khánh trao Hà Nội cho Pháp làm nhượng địa (1888). Do vậy Paul Bert đuợc tôn vinh bằng cách đặt tên phố, tên trường và đúc tượng.Tượng đồng đặt tại khu đất trống cạnh Toà thị chính bên Hồ Gươm

Bức tượng toàn thân của Paul Bert tay cầm lá cờ Pháp và một người bản xứ ngồi dưới chân mắt ngước lên đã tạo nên nhiều dư luận chỉ trích. 

Hình ảnh Paul Bert  đứng xòe tay che chở cho người bản xứ với ý nghĩa An Nam nằm dưới sự bảo trợ của thực dân Pháp. Tiền đúc tượng lấy một phần từ công quỹ, vua Đồng Khánh góp 1.000 đồng và ông vua này còn lệnh cho Nha Kinh lược Bắc kỳ thông tin đến các quan lại hàng tỉnh, hàng phủ đến hàng huyện bắt dân chúng phải đóng góp. Tượng đúc bằng đồng ở bên Pháp. Ngày 11-7-1890, Hội đồng thành phố làm lễ khánh thành tượng.

Tượng Đại uý Joost van Vollenhoveni

Đại uý Joost van Vollenhoveni , một nhà chỉ huy quân sự thời kỳ Chiến tranh thế giới thứ nhất. trong Vườn Bách thảo Hà Nội.

Tượng thống chế Ferdinand Foch.

Tượng Ferdinand Foch, một quân nhân và nhà lý luận quân sự Pháp, đồng thời là người hùng quân sự của khối Đồng minh thời Chiến tranh thế giới thứ nhất. ở Hà Nội. Tượng được dựng ở vườn hoa Robin ( sau bức tượng Đài tưởng niệm vườn Canh  Nông  ) Đường phía sau tượng đài nay là đường Chu Văn An.

Đài phun nước bề thế trước cửa Nhà hát Lớn Hà Nội .

Ở vòng xoay trước cửa Nhà hát Lớn Hà Nội (nằm đầu phố Paul Bert) cũng từng có một tượng đài phun nước bằng đá trắng khá lớn nhưng sau đó cũng bị đập bỏ, thế chỗ cho quảng trường Cách mạng tháng Tám hiện nay. 

Tượng đài La France Trước cổng Phủ Toàn quyền (nay là Phủ Chủ tịch) ở Hà Nội

Trước cổng của Phủ Toàn quyền (nay là Phủ Chủ tịch) ở Hà Nội đầu thế kỷ 20 từng có Tượng đài La France

Đây là một tác phẩm đồ sộ thể hiện một người phụ nữ biểu trưng cho nước Pháp ngồi trên một cái ngai, phía dưới là một gò đất tượng trưng cho xứ Đông Dương với hình ảnh những người lính và phụ nữ bản xứ vây quanh.

Do bị dư luận phê phán, chính quyền đã cho dỡ bỏ tượng đài này chỉ sau ít năm.

Tượng chân dung Jean Dupuis và phù điêu các chiến hạm Pháp cập Bến Phà Đen .

Ngày 23/5/1931, tại cảng Quai Clemenceau (ngày nay là bến Phà Đen  đường Trần Nhật Duật) người Pháp dựng bức tượng Jean Dupuis. Phía dưới pho tượng chân dung Jean Dupuis là phù điêu các chiến hạm Pháp cập Bến Phà Đen.

Jean Dupuis là một tay lái súng, vận chuyển súng từ Hải Phòng lên bán ở Vân Nam (Trung Quốc) bằng đường sông Hồng và bị thuế quan Hà Nội bắt giữ năm 1873 tại Trạm Quan thuế nhà Nguyễn đúng ở vị trí ngày nay gọi là Ô Quan Chưởng 

Đài tưởng niệm Monument aux Morts ở vườn hoa Canh Nông (Ngày nay là vườn hoa Lê Nin )

Sau Chiến tranh Thế giới thứ nhất, người Pháp đã dựng lên một tượng đài bề thế giữa công viên Robin, gọi là Đài Tử sĩ (Monument aux Morts), nhằm tưởng niệm binh sĩ Pháp- Việt chết trận trong cuộc chiến.

Theo thiết kế, phía trên tượng đài là hình ảnh hai người lính Pháp -Việt , một giương súng trường, một ném lựu đạn về hướng Cột Cờ. Phía dưới là bốn bức tượng “Sĩ, Nông, Công, Thương” quây quanh, đại diện cho bốn tầng lớp cơ bản của xứ An Nam hồi đó.

Theo đồ án, “Sĩ” là một thanh niên cắp tráp đeo ống quyển, tư thế như đang tới trường. “Nông” là anh thợ cày gánh cày chìa vôi đi sau con trâu., trên lưng trâu là một cậu bé tóc để trái đào. “Công” là một người thợ đang ngồi nặn gốm. “Thương” là cô gái gánh đôi quang thúng đi chợ.

Trong cụm bốn tượng này, bức tượng “Nông” nằm ở mặt chính diện, dễ thấy nhất. Và theo thói quen hình tượng hóa, người dân Hà Nội gọi luôn Đài Tử sĩ là tượng đài Canh Nông. Công viên Robin cũng được gọi luôn là vườn hoa Canh Nông.

Vào giai đoạn trước 1945, tượng đài Canh Nông là tượng đài bế thế, tinh xảo bậc nhất Hà Nội. Nhưng tượng đài này đã không tồn tại lâu do những biến động thời cuộc.

Tháng 3/1945, Nhật đảo chính Pháp, dựng nên Đế Quốc Việt Nam , thủ tướng chính phủ là Trần Trọng Kim. Thị trưởng Hà Nội khi đó là bác sĩ Trần Văn Lai. Một trong những việc đầu tiên ông làm trên cương vị Thị trưởng là cho kéo đổ tất cả các tượng mang dấu ấn thực dân ở nơi công cộng. Trong đó có tượng "Bà đầm xòe". Tượng toàn quyền  Paul Bert. Tượng Sĩ-Nông-Công-Thương ở vườn hoa Canh Nông. Tượng Thống chế Ferdinand Foch, Tượng Jean Duquis....vv....Tất cả tập trung để trong nhà kho Sở Lục Lộ Hà Nội .

Khi đó làng đúc đồng nổi tiếng Ngũ Xã có ý tưởng đúc một pho tượng Phật A-di-đà lớn nhất Việt Nam. Mua rồi quyên góp đồng khắp nơi vẫn thiếu. Cuối cùng làng cũng xin được chính quyền Thành Phố  Hà Nội  một số đồng khá lớn, đó chính là số tượng chất đống trong kho Sở Lục Lộ.

Vậy là hiện nay bức tượng nữ thần tự do  và những bức tượng khác đang nằm trong pho tượng phật A-di-đà nặng 16 tấn, ngự trên tòa sen, gương mặt rạng ngời như cảm thông, luôn muốn cứu vớt những nỗi đau trần thế tại chùa của làng Ngũ Xã. Nó “hoá thân” âu cũng là sự hòa quyện của hai nền văn hoá Đông - Tây!

Kimle

Ảnh: Internet

Chủ đề chính: #lịch_sử_việt_nam

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn