Nguyễn Giang "SỐNG"

Những xác ướp cổ xưa nhất thế giới thực sự ở đâu?

Đăng 4 năm trước

Ai Cập là quốc gia nổi tiếng với những kim tự tháp ngàn năm, những xác ướp lâu đời, nhưng liệu xác ướp lâu đời nhất có phải ở quốc gia châu Phi này không, hay ở một nơi nào khác trên thế giới? Cách nay không lâu, người ta đã tìm thấy những xác ướp lâu đời nhất thế giới tại một nơi tưởng chừng như không thể: nơi khô nhất thế giới.

Cách nay khoảng 7,000 năm trước Công nguyên, người Chinchorro đã định cư ở vùng vịnh ven biển của sa mạc Atacama, khu vực ngày nay thuộc Chi-lê. Chính tại nơi đây, đến khoảng năm 5,000 trước Công nguyên, họ đã phát triển kỹ thuật ướp xác. Như vậy, với khoảng thời gian này, kỹ thuật ướp xác đã được người Chinchorro sử dụng trước người Ai Cập cổ đại gần 2,000 năm. Đối với người Ai Cập, việc ướp xác một cách công phu được dành cho các Pharaoh và những người thuộc tầng lớp thượng lưu, còn đối với người Chinchorro chuyên săn bắt, hái lượm, với những công cụ ở thời kỳ tiền đồ gốm, họ sử dụng kỹ thuật này một cách bình đẳng hơn nhằm để tưởng nhớ người đã khuất. 

Mặc dù ít được biết đến thậm chí ở Chi-lê, quốc gia này vẫn hy vọng đến cuối cùng, việc đăng ký Di sản Thế giới có thể giúp những xác ướp này nhận được sự quan tâm mà chúng xứng đáng có được (các địa điểm khảo cổ này hiện đang nằm trong danh sách dự kiến của UNESCO).

“Bộ sưu tập linh thiêng”

Để tìm hiểu lý do vì sao việc ướp xác có thể thực hiện ở nơi đây và vì sao có quá ít người biết đến những xác ướp này, Mark Johanson (phóng viên của CNN – ND) đã đáp chuyến bay kéo dài 2 tiếng rưỡi từ Santiago đến thành phố Arica, cực bắc của Chi-lê. Tại đó, Johanson đã bắt một chiếc colectivo (một loại hình chia sẻ taxi) đi thêm khoảng 15km để vào Thung lũng Azapa, và ghé thăm Bảo tàng Khảo cổ tại ngôi làng nhỏ mang tên San Miguel de Azapa. 

Bảo tàng ít tiếng tăm này là nơi lưu giữ xác ướp của khoảng 300 người Chinchorro, nhưng chỉ trưng bày cho công chúng xem khoảng 10% bộ sưu tập. Lý do là vì ở thời điểm hiện tại, người ta không có đủ kinh phí cũng như không gian để trưng bày các xác ướp mà đảm bảo chúng không bị hư hại. “Đó là một bộ sưu tập linh thiêng vì phần lớn các chi tiết đều có liên quan đến nghi lễ dành cho người chết”, Mariela Santos – người quản lý bảo tàng đồng thời là nhà bảo tồn – giải thích khi nhóm phóng viên nhìn chăm chú nhìn xác ướp của một phụ nữ trẻ với gương mặt ẩn sau lớp mặt nạ bằng đất sét gợi cảm. 

Những xác ướp đen và những xác ướp đỏ

Việc ướp xác bắt đầu từ trẻ em và các thai nhi, sau đó mới đến người lớn, có thể vì lượng asen cao trong sa mạc dẫn đến nhiều bào thai không sống được. Có 5 loại xác ướp khác nhau, nhưng theo Santos thì 2 loại phổ biến nhất là xác ướp đen và xác ướp đỏ. 

Để hoàn thành một xác ướp đen, người ta tháo các bộ phận của cơ thể người chết, xử lý chúng, sau đó lắp và bọc chúng lại. Còn đối với xác ướp đỏ, người ta loại bỏ nội tạng trong cơ thể người chết qua những vết mổ nhỏ, sau đó hong khô cơ thể. Người ta thường dùng những que củi và cây sậy để làm đầy những xác ướp, trang điểm chúng bằng những bộ tóc giả, và làm những chiếc mặt nạ bằng sét. Mặt nạ cho xác ướp đen được sơn bằng mangan, còn xác ướp đỏ người ta dùng màu hoàng thổ (ochre). 

Khi Johanson thắc mắc vì sao những xác ướp của người Chinchorro không mang theo những thực phẩm giống xác ướp Ai Cập, Santos cho rằng có lẽ người Chi-lê không quá xem trọng giá trị của những kho báu dọc theo biên giới cực bắc của họ. Và điều đó có lẽ sẽ sớm thay đổi. 

Những hy vọng về việc bảo vệ Di sản Thế giới

Nhiều người hy vọng lời đề nghị về việc công nhận Di sản Thế giới cho Chinchorro của Chi-lê sẽ đến UNESCO vào đầu năm 2020. Trong thời gian chạy đua để được công nhận, chính quyền địa phương không ngừng tăng cường nỗ lực để thúc đẩy du lịch khảo cổ, đồng thời trao quyền cho hội nghề cá địa phương để họ trở thành những người trông coi, chăm sóc cho khu vực chôn cất của người Chinchorro. 

Một loại hình du lịch mới phát triển sẽ giúp du khách tái hiện lại hành trình của người Chinchorro, bắt đầu từ bảo tàng tại San Miguel de Azapa đến khu vực khảo cổ gần vùng Arica và Caleta Camerones, cách 113 km về phía Nam. 

Trong khi đó, tại Bảo tàng khảo cổ ở San Miguel de Azapa, người ta dự kiến mở thêm một gian rộng để trưng bày thêm 35% của bộ sưu tập vào năm 2020, với hy vọng rằng, nếu người Chi-lê nhận thức được tầm quan trọng mang tính toàn cầu của văn hóa xác ướp, thì có lẽ thế giới cũng sẽ nhận thức được điều đó.

Bernardo Arriaza là một nhà nhân chủng học vật lý (nhà khoa học quan tâm đến sự tiến hóa và sự đa dạng sinh học của con người), đã có hơn ba thập kỷ nghiên cứu về những xác ướp Chinchorro. Ông là một trong những người có sự đóng góp to lớn trong việc đề xuất Di sản thế giới qua việc chứng minh tầm quan trọng mang tính toàn cầu của khu vực này. “Điều chúng tôi đang nỗ lực để chứng minh là chúng tôi không chỉ có bằng chứng cổ xưa nhất của hình thức ướp xác có chủ đích, mà đó còn là những xác ướp được thực hiện bởi những người chuyên săn bắt hái lượm, bằng những công cụ của thời kỳ tiền đồ gốm trong một môi trường thô sơ mà vẫn còn tồn tại đến ngày nay”, Arriaza nói. Cũng theo Arriaza, người Chinchorro là những cư dân đầu tiên tại vùng Atamaca, và ông muốn “nghĩ về họ như những người mở đường trong sa mạc”. “Họ không có công nghệ tiến bộ, nhưng tất cả sự phức tạp, công phu của họ đều dồn vào việc sửa soạn cho người chết”, Arriaza cho biết.

Bãi biển Arica - nơi phát hiện xác ướp Chinchorro

Max Uhle là một nhà khảo cổ học người Đức. Cách nay một thế kỷ, ông là người đầu tiên phát hiện ra những xác ướp này ở gần bãi biển Arica và đã đặt tên cho chúng là Chinchorro. Xác ướp Chinchorro phức tạp nhất được Uhle tìm thấy trên con dốc của ngọn đồi đỉnh bằng El Morro cao 139m. 32 xác ướp khác cũng được chôn cất tại đây, cùng với những vật dụng trong tang lễ, da thú và một số hiện vật đã được chuyển đến lưu giữ tại Bảo tàng Museo de Sitio Colón 10. 

Cũng trên ngọn đồi này, một nhà thờ lớn được xây dựng với thiết kế của Gustave Eiffel, người đã làm nên tên tuổi của mình với ngọn tháp đã trở thành biểu tượng của “Kinh đô ánh sáng - Paris”.

Thành phố hiện đại Arica ngày nay nằm trên một nghĩa trang rộng lớn của người Chinchorro. Tuy nhiên, người ta tìm thấy những xác ướp cổ nhất của người Chinchorro tại vùng vịnh Caleta Camarones, cách Arica 70 dặm. Khu vực này hầu như không thay đổi trong 7,000 năm qua từ khi những ngư dân cổ đại bắt đầu công cuộc chuẩn bị cho tang lễ của họ. 

Đường cao tốc Pan – American nối thành phố Arica và Caleta Camarones băng qua một khu vực hoang vu, thiếu nước trầm trọng. Dấu hiệu duy nhất cho sự tồn tại của con người là sáu bức tượng Chinchorro vừa mới hoàn thành được đặt dọc theo con đường, do hai họa sĩ địa phương là Paola Pimentel và Johnny Vásquez thiết kế. Vì mối liên hệ giữa khu vực này và nền văn hóa Chinchorro vẫn còn bị chôn vùi dưới sa mạc, công trình điêu khắc này vừa là một sự nhắc nhở rõ ràng về quá khứ, đồng thời là một dự đoán những gì có thể xảy ra trong tương lai nếu hình thức du lịch Chinchorro trở thành hiện thực.

Khí hậu khô hạn

Vùng vịnh Caleta Camarones là đề cử Di sản thứ hai được trình lên UNESCO. Thông qua những ngư dân làm việc tại nơi đây, nhà nhân chủng học Arriaza đã hình dung vùng vịnh này như là nơi lưu lại những dấu vết sự sống của người Chinchorro. Phóng viên Johanson đã tìm gặp Jorge Ardiles – Chủ tịch Hiệp hội ngư dân địa phương – để có một chuyến hành trình ra vùng vịnh tìm bào ngư và nhím biển. Sau khi trở lại đất liền, họ ngâm những thứ mình đã đánh bắt được vào nước cốt chanh và ăn sống như người Chinchorro đã từng làm. Sau đó, Johanson di chuyển đến khu vực Camarones 14, nơi những xác ướp lâu đời nhất được khai quật vào năm 1978. Người ta ước tính những xác ướp này có từ khoảng 5,000 năm trước Công nguyên.

Theo Ardiles, khí hậu khô hạn ở khu vực này là nguyên nhân khiến xác ướp còn tồn tại đến ngày hôm nay. Thêm vào đó, do ở gần bờ biển nên lượng muối trong môi trường cao đã tạo nên điều kiện lý tưởng để xác ướp không bị phân hủy suốt bảy nghìn năm qua, cho đến khi biến đổi khí hậu làm thay đổi cục diện này.

Một cơn mưa dông ít xuất hiện ở khu vực này vào tháng Hai đã giúp Johanson phát hiện ra một số hiện vật Chinchorro khi phóng viên này và ông chủ tịch Hiệp hội ngư dân đi bộ dọc trên một ngọn đồi ở vịnh. Một số xương và sợi thực vật đã trồi lên khỏi lớp đất nâu trong một khu vực rộng bằng sân bóng đá. Những ngư dân ở đây đã dùng bùn để che lại những hiện vật này nhằm ngăn chặn bọn trộm mộ. Họ nói rằng đây ra điều tốt nhất mà họ có thể làm được.

Đến cuối cùng thì hiện tại, vẫn không có bảo tàng nào ở Chi-lê còn chỗ trống cho những xác ướp này, chúng cũng chưa trở thành một phần Di sản Thế giới, và nhiều người thậm chí không biết rằng đó chính là những xác ướp lâu đời nhất từng được tìm thấy.

Chủ đề chính: #xác_ướp

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn