Giáo Sư Mặt Ngựa

Ơ kìa, sao lại đổ lỗi cho “ý thức” và “dân trí”?

Đăng 3 năm trước
Ơ kìa, sao lại đổ lỗi cho “ý thức” và “dân trí”?

Xả rác bừa bãi nơi công cộng, lạng lách đánh võng gây nguy hiểm khi tham gia giao thông, đeo bám quấy nhiễu du khách, mở nhạc to hết cỡ làm náo động cả xóm trong đêm, cướp giật hôi của trên đường phố... Lý giải những thói xấu đó nhiều người cho là tại dân trí còn thấp, là tại thiếu ý thức cần nhắc nhở giáo dục. Nhưng ở đây, có thật là do dân trí thấp? Có thật là do thiếu ý thức?

Một người ít học, thậm chí mù chữ, nhưng tâm trí bình thường liệu có xả rác, phóng uế bừa bãi trong nhà của họ không? Một cậu thiếu niên học lớp 5 chẳng hạn, không thể không biết rằng ra đường phải đi lề bên phải, thấy đèn đỏ ở ngã tư phải dừng xe và rằng đêm khuya người ta cũng cần... đi ngủ.

Đó là những phép tắc rất sơ đẳng mà họ hoàn toàn biết rõ - nói chữ nghĩa một chút, họ hoàn toàn nhận thức được sự đúng sai, được phép hay không được phép và hậu quả tốt hay xấu của hành vi đó.

Thế nhưng họ vẫn cứ làm những việc gây ảnh hưởng xấu cho người khác, cho xã hội. Nếu hiểu dân trí là trình độ nhận thức về hành vi, cách ứng xử đối với người chung quanh, rộng ra là xã hội của người bình thường thì những vi phạm phép tắc sơ đẳng đó hoàn toàn không do trình độ dân trí thấp.

Có rất nhiều những vụ án hình sự, dân sự gây xôn xao dư luận mà báo chí thường đưa tin trong đó chủ mưu là những người có học thức rất cao. Có ông thạc sỹ thuê côn đồ chém người giành bạn gái, có bác sĩ thẩm mỹ hại chết bệnh nhân xong phi tang xác dưới sông, có quan chức cỡ lớn của ngành thanh tra biết luật nhưng vẫn phạm luật... và vô vàn những ví dụ khác. Họ là những người học cao hiểu rộng, có thừa sự hiểu biết về chuyên môn cũng như luật pháp, nhưng họ vẫn hành xử như thể Nhà nước không có pháp luật. Rõ ràng không thể đổ lỗi cho “dân trí thấp” được.

Không nói đến những người phạm tội có trình độ học vấn cao, ngay cả đa số dân thường khi phạm luật cũng không phải do dân trí thấp. Hẳn nhiên, khách quan mà nói, về nhiều phương diện, chẳng hạn kiến thức khoa học, lịch sử, địa lý, kinh tế..., sự hiểu biết về tổ chức xã hội và nội dung chính của các bộ luật..., trình độ người dân bình thường nói chung còn thấp. Nhưng chuyện xả rác bừa bãi nơi công cộng, thuê côn đồ hành hung, tạt axit người khác, hôi của khi xe chở hàng gặp nạn... thì dứt khoát không dính dáng gì đến dân trí.

Ngoài việc đổ lỗi cho “dân trí”, người ta cũng thường đổ lỗi cho “ý thức”.

Từ "vô ý thức" (hoặc cách nói khác "thiếu ý thức") là một trong những từ bị sử dụng một cách bừa bãi nhất trong tiếng Việt hiện nay. Khi một người vi phạm pháp luật, hoặc có những hành động thô thiển trái với thuần phong mỹ tục, hoặc có những hành động đi ngược lại đạo đức xã hội thì thường người đó sẽ bị gọi là "vô ý thức". Bản thân cách dùng từ này là một giả định sai. Đó là giả định cho rằng mọi hành vi tồi tệ đều chỉ có một nguyên nhân duy nhất là sự không nhận thức của chủ thể đối với hành vi đó, cụ thể là: mọi hành vi phạm luật đều là do không biết luật, mọi hành vi trái đạo đức đều là do không biết hành vi đó trái đạo đức. Cách dùng từ "vô ý thức" đã loại trừ những trường hợp biết luật mà vẫn phạm luật, biết những hành vi mình thực hiện là xấu, là ác mà vẫn thực hiện, mà những trường hợp như vậy có khi còn phổ biến hơn những trường hợp do vô ý thức hay không biết.

Một cách dùng từ sai lầm tương tự là khi một người tự giác thực hiện một hành động tốt đẹp thì người đó được gọi là "có ý thức" như thể ý thức là thứ thúc đẩy con người hành động. Đó không phải là "ý thức". Trường hợp đó có thể dùng những từ như "có tự giác", "có kỷ luật", "có đạo đức", "có tự chủ", "có mong muốn", "có động lực" nhưng không thể dùng từ "có ý thức". Ý thức chỉ là sự tiếp nhận thông tin của não bộ, là sự phản chiếu của thế giới khách quan vào não bộ, nó chỉ gói gọn ở đầu vào (input) cộng với xử lý thông tin ở cấp độ đủ để nhận diện sự vật hoặc tạo ra khái niệm, thậm chí còn chưa đi tới bước xử lý thông tin ở cấp độ sâu chứ chưa nói gì tới đầu ra (output). Tất nhiên đầu vào là điều kiện cần để có đầu ra tương ứng cũng tức là điều kiện cần của hành vi tương ứng nhưng nó không phải là điều kiện đủ của hành vi. Thiếu đầu vào ảnh hưởng đến hành vi tương ứng (nghĩa là vô ý thức có thể là một trong những nguyên nhân gây ra hành vi tương ứng) nhưng hành vi bị ảnh hưởng không suy ngược ra được là do thiếu đầu vào vì vấn đề có thể phát sinh ở các bước xử lý thông tin và đầu ra (nghĩa là một người có hành vi nào đó không có nghĩa nó xuất phát từ nguyên nhân vô ý thức).

Nguyên nhân quan trọng nhất của những hành vi vi phạm pháp luật cũng như vi phạm chuẩn mực đạo đức xã hội ngày càng phổ biến là do pháp luật chưa nghiêm, tính răn đe của luật pháp đã quá yếu ớt, đã bị lờn.

Người ta cứ mải mê với việc “nâng cao dân trí” và “giáo dục ý thức” vốn dĩ là những biện pháp có tác dụng rất yếu ớt mà lại quên đi công việc quan trọng là duy trì tính nghiêm minh của pháp luật. Tại sao lại cứ mãi đi tuyên truyền, nhắc nhở, giáo dục những người biết sai mà vẫn cứ làm? Họ biết luật, họ hiểu luật, và họ vẫn cứ vi phạm.

Còn riêng với vấn đề giáo dục, chúng ta nên tập trung vào giáo dục đạo đức và giáo dục nhân cách ngay từ khi còn nhỏ chứ không phải đợi đến khi nhân cách đã định hình, đạo đức đã xuống cấp rồi chăm chăm vào làm những điều thừa như nâng cao dân trí và giáo dục ý thức.

Chủ đề chính: #ý_thức

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn