Hồ Huy Thích viết lách và trải nghiệm du lịch.

Pà Thẻn những mùa thoi đưa

Đăng 5 năm trước

Pà Thẻn chỉ có một mùa xuân, Pà Thẻn chỉ riêng một mùa hạ, nhưng Pà Thẻn có đến bốn mùa thoi đưa. Bài học của các cô gái được bắt đầu bên chiếc khung cửi Pà Thẻn.

Theo truyền thuyết, người Pà Thẻn ở vùng Than Lô (Trung Quốc) đến Việt Nam cách đây khoảng 200-300 năm với câu chuyện vượt biển cùng người Dao. Trước kia người Pà Thẻn sống chủ yếu bằng nương rẫy. Phương thức canh tác là phát đốt rồi chọc lỗ, tra hạt. Cây trồng gồm lúa, ngô và các loại rau, đậu, khoai sọ, khoai môn. Công cụ sản xuất là rìu, cuốc, dao. 

Do sản xuất phụ thuộc vào thiên nhiên, nhất là những lúc mất mùa, giáp hạt, người Pà Thẻn vẫn phải lên rừng đào củ mài, củ nâu… Vì thế hái lượm còn đóng vai trò đáng kể trong đời sống kinh tế. 

Nghề dệt của họ có từ lâu đời, sản phẩm dệt được nhiều dân tộc xung quanh ưa thích. Ðàn ông thường đan lát, làm mộc. Người Pà Thẻn chăn nuôi các loại gia súc và gia cầm như: trâu, bò, dê, lợn, gà. Ngoài phục vụ nhu cầu sức kéo, chăn nuôi còn nhằm thoả mãn nhu cầu tiêu dùng và lễ nghi tôn giáo.

Lâu nay, phụ nữ dân tộc Pà Thẻn luôn tự hào về bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình. Niềm vui, tự hào ấy được nhân lên khi Hợp tác xã dệt thổ cẩm truyền thống bản My Bắc (xã Tân Trịnh, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang) được thành lập với mục đích bảo tồn nghề dệt thổ cẩm truyền thống. 

Dân tộc Pà Thẻn có bộ sưu tập các mẫu hoa văn vô cùng phong phú, được bảo lưu và trao truyền từ đời này sang đời khác. Trước hết, đó là hệ thống hoa văn hình học cơ bản, như: Hình chữ thập, tam giác, hình vuông, hình thoi… phân bố thành các dải băng ngang, làm đường phân tuyến cho những hoa văn khác trên khăn, ngực áo, eo lưng, gấu áo, thân váy. Những hoa văn hình người, chân chó, mắt cua, con nghé, sừng trâu phức tạp hơn; ngoài ra, hoa văn cây thông, cây cỏ và một số loại thuốc quen thuộc của đồng bào là những chất liệu độc đáo, tôn vinh thêm vẻ đẹp của bộ trang phục.

Đa số những cô gái trẻ người Pà Thẻn đều biết các kỹ năng thêu, dệt và chắp vá hoa văn trước khi đi làm dâu. Đó là của hồi môn thiêng liêng mà bà, mẹ trao cho con gái. Thông thường, việc dệt vải, thêu thùa thường làm vào những lúc nông nhàn. 

Hình thù các hoa văn xuất hiện trong từng đường khâu, mũi chỉ phản ánh cuộc sống của người dân và gắn liền với các con vật gần gũi, tượng trưng cho sức mạnh để cầu mong mùa màng tươi tốt, bội thu, dân làng ấm no.Một ngày mãn xuân, tôi lại ngược về Tây Bắc. Lại nhớ Tây Bắc ư mùa thu gấm vóc những nẻo đường

Nghe bạn bè nói nhiều về Pà Thẻn nên tôi chiều lòng đôi chân ham đi, ham vui, ham luyến thương những mảnh trời Tây Bắc. Bản văn hóa du lịch My Bắc, xã Tân Trịnh, huyện Quang Bình, Hà Giang là một bản văn hóa với 100% số dân là người dân tộc Pà Thẻn. Suốt chặng đường dài từ huyện Bắc Quang đến Quang Bình, tôi bất ngờ gặp rất nhiều những sắc đỏ rực rỡ trên các bộ trang phục của người phụ nữ Pà Thẻn chen lẫn giữa màu xanh mê man của núi rừng cao nguyên.

Nhìn những bộ quần áo truyền thống của phụ nữ Pà Thẻn, tôi nhận thấy rất rõ màu đỏ là gam màu chủ đạo trên toàn bộ trang phục, từ quần, váy, áo, khăn, thắt lưng… Trước đây, người Pà Thẻn thường tự trồng cây lanh lấy sợi để dệt thổ cẩm và may quần áo, những năm gần đây họ thường mua chỉ công nghiệp ngoài chợ về dệt cho đỡ tốn công sức. 

Cầm trên tay những bộ trang phục truyền thống, tôi khó có thể hình dung được những người phụ nữ Pà Thẻn đã phải mất bao nhiêu công sức và thời gian để dệt lên những sản phẩm thổ cẩm độc đáo của dân tộc mình. Bởi vậy mới nói Pà Thẻn những mùa thoi đưa.  

Thời gian để dệt hoàn thiện một bộ trang phục với một người cũng phải mất hơn một tháng. Trong đó, khó làm và mất nhiều thời gian nhất là những họa tiết, hoa văn cầu kỳ. Phụ nữ Pà Thẻn ở My Bắc hầu như ai cũng biết dệt quần áo vì trước khi về nhà chồng người con gái được mẹ truyền dạy cho kỹ thuật và từng công đoạn dệt, họ phải tự tay dệt cho mình bộ váy áo mới để mặc trong ngày cưới. 

Một vài năm gần đây người Pà Thẻn dệt quần áo ít dần hơn so với trước, trang phục truyền thống cũng chỉ được mặc vào những ngày lễ, ngày tết, ngày làng có đám cưới và chợ phiên… còn lại những ngày thường không mấy ai mặc.

Ở lại Pà Thẻn đêm ấy lòng tôi không khỏi rộn ràng bởi những sắc màu thổ cẩm, bởi những con thoi khung dệt lấp loáng qua những khung cửa Pà Hưng mà tôi còn bị cuốn vào không gian của vũ điệu than hồng. Păng…păng…păng, tiếng gõ đều đều của thanh tre trong tay thầy cúng mỗi lúc một thôi thúc, các động tác lắc lư của các chàng trai mạnh dần. 

Họ bắt đầu bật lên, cúi người, nhảy lò cò và tiến ra gần đống lửa. Một nguồn năng lượng nào đó nâng bổng người thanh niên nhảy bật lên bằng cả hai chân và lao vào giữa đống lửa cháy rừng rực. Khi cơ thể đã rung lên, nguồn sức mạnh đã đến dồi dào, vạm vỡ, thì đôi chân như được mách bảo, được kéo đi đến những đám than hồng. 

Càng lúc thanh niên tụ tập xung quanh thầy mo càng nhiều và lần lượt thay nhau ngồi lên chiếc ghế dài. Trong phút chốc họ lại rung lên và nhảy vào đống lửa. Điều đặc biệt, họ vừa nhẩy vừa đưa tay bới tung than hồng, thỉnh thoảng lại bốc lên một viên than cho vào miệng nhai. Cứ hai mươi phút lại có một đợt nhảy, vũ điệu nhảy lửa càng về sau càng sôi động. Dần dần, không chỉ có các thanh niên trực tiếp làm lễ xin phép tham gia, mà ngay cả khán giả reo hò xung quanh cũng nhập cuộc.

Trong tiếng hò reo không ngớt, trong tiếng gõ rộn ràng nhịp nhịp của thầy mo, những sắc màu thổ cẩm như tan ra chảy vào than hồng. Và đâu đây hay là quanh đây con thoi vẫn đều đặn tháng ngày qua ô của của người Pà Hưng. Pà Thẻn những mùa thoi đưa…


Trải Nghiệm Khác Biệt

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn