Lê Phương Linh Hãy cứ đi rồi sẽ tới ^^

Phân loại rác thải và vấn đề bảo vệ môi trường

Đăng 4 năm trước

Khi đặt chân đến nhiều nước trên thế giới sẽ không khó khăn cho bạn để bắt gặp trên đường phố, các khu vực công cộng hình ảnh những thùng rác nhiều màu đặt cạnh nhau với hướng dẫn bỏ rác đúng theo loại rác. Nếu bạn đã từng lưu trú theo hình thức homestay thì chắc chắn bạn cũng sẽ được chủ nhà hướng dẫn chi tiết về việc phân loại rác, dùng đúng túi ni lông quy định cho từng loại rác. Việc phân loại rác dường như khá là phức tạp. Và có thể bạn sẽ tự đặt ra câu hỏi có cần thiết như vậy không?

Trước hết, rác thải bao gồm những loại cơ bản sau:

  1. Chất thải lỏng: nước bẩn, nước mưa, nước thải sinh hoạt
  2. Chất thải cứng: được chia thành những loại sau
  • Rác thải nhựa: túi ni lông, chai lọ và các vật dụng bằng nhựa khác. Rác thải nhựa không phân hủy trong môi trường
  • Rác thải giấy/bìa: vật liệu đóng gói, báo, tạp chí, bìa cứng, giấy ăn và các sản phẩm khác
  • Rác thải kim loại: lon, hộp và các loại khác
  • Thủy tinh/đồ sứ

3.  Chất thải hữu cơ: thực phẩm, chất thải từ vườn, phân bón, thực phẩm hỏng..

4.  Rác thải tái chế: các loại chất thải cứng tất cả đều có thể tái chế thành sản phẩm và sử dụng lại

5. Chất thải nguy hiểm: các loại chất thải dễ cháy, độc hại, ăn mòn…

Nhận biết được đặc tính khác nhau của các loại rác thải cũng như những ảnh hưởng của nó tới sức khỏe và tác động xấu tới môi trường nếu bị trộn lẫn và không được phân loại, xử lý đúng cách sẽ thúc đẩy ý thức bảo vệ môi trường của chúng ta. Bảo vệ môi trường hiện nay không còn là trách nhiệm của riêng chính quyền mà còn là trách nhiệm của mỗi người. Thông qua việc phân loại rác ngay từ đầu, từ các hộ gia đình, các cơ sở kinh doanh, khu vực công cộng….chúng ta sẽ có thể ngày càng tự tin về việc hiện thực hóa mô hình 3R Reduce - Reuse -Recycle (Giảm thiểu - Tái sử dụng - Tái chế) tại chính đất nước mình

Hiện nay đã có rất nhiều nước thành công trong việc triển khai các chương trình xử lý rác thông minh khi phải đối mặt với thực tế rằng diện tích đất để chôn lấp rác thải ngày càng giảm đi và những tác động tiêu cực của nó với môi trường.

Singapore là một ví dụ khi đất nước này ngoài việc ưu tiên tái chế rác thải đã có xây dựng tới 4 nhà máy điện dùng cách thiêu rác để tạo ra điện. Sau tất cả, chỉ còn lại một phần nhỏ rác thải phải chôn lấp.  

Nhật Bản cũng là một ví dụ khác điển hình về việc áp dụng thành công hệ thống phân loại rác tại nguồn và công nghệ xử lý rác hiện đại. Rác thải nhựa được tái chế thành sản phẩm mới. Ngoài ra Nhật Bản cũng sử dụng rác thải làm vật liệu bồi đắp để tạo ra những hòn đào nhân tạo mới.

Với Thụy Điển, họ dùng rác thải để sưởi ấm. Các lò đốt rác được đặt tại đây để tái chế rác thải thành chất đốt, đốt rác để sản xuất nhiệt cung cấp cho hệ thống sưởi ấm. Chỉ còn một phần nhỏ rác thải phải chôn lấp.

Như vậy, rác thải đã không còn là rác thải nữa. Rác thải giờ đây đã trở thành tài nguyên và quay lại phục vụ cho con người. Trở lại với câu hỏi liệu việc phân loại rác ngay từ đầu có cần thiết không? Tôi tin rằng mỗi người đều đã có câu trả lời. Phân loại rác thải ngay từ đầu sẽ giúp nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân, giúp tiết kiệm ngân sách và tạo thuận lợi cho việc thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải. 

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn