Tuti Sở thích: đọc sách, báo, viết lách, dịch thuật các tài liệu và tìm hiểu về công nghệ thông tin.

Phía cuối con đường

Đăng 7 năm trước

Nỗi lòng của cô dâu Việt lấy chồng và làm dâu nơi xứ Đài

Màn đêm đã buông xuống từ lâu, không gian yên ắng, tĩnh mịch đến lạ thường. Trong căn phòng nhỏ, dưới ánh sáng xanh dịu nhẹ của chiếc đèn ngủ, cô con gái nhỏ của My đang ôm chú thỏ bông say giấc nồng trên chiếc giường gỗ. A Hải chồng My thì mới sang Việt Nam cùng một người bạn để bàn công chuyện làm ăn từ năm ngày trước. Giờ này chỉ còn mình My vẫn còn thức trong căn phòng nhỏ, cô khẽ ngả người lên chiếc ghế sa lông, tai cài chiếc phôn tai và thả hồn theo giai điệu du dương của lời bài hát "Bức thư tình thứ hai" của nhạc sỹ Đỗ Bảo. Có lẽ đã lâu lắm rồi kể từ ngày My và cô con gái nhỏ theo A Hải về Đài Loan sinh sống, My mới lại có khoảng thời gian và không gian của riêng mình và nghe lại bài hát Việt mà cô yêu thích từ thời con gái.

"Có khi bước trên đường hun hút.

Em tự hỏi mình, ta đang đi về đâu?

Nếu ngày ấy em không đi về phía anh.

Không gặp nhau, giờ này ta thế nào?

Có khi nhìn kim đồng hồ quay.

Em tự hỏi mình, ý nghĩa những phút giây!

Nếu ngày ấy, vào một phút giây khác

Có chắc, mình trông thấy nhau"

...

Mới đó mà đã 8 năm trôi qua, kể từ ngày My và A Hải gặp nhau lần đầu tiên. Mọi cảm xúc và kỉ niệm lại ùa về trong tâm trí của My.

8 năm về trước: Một buổi sáng mùa thu đẹp trời, khi ấy My đang là nhân viên phiên dịch tiếng Trung cho một công ty Đài Loan có chi nhánh ở Việt Nam. My được phân công ra sân bay Nội Bài - Hà Nội để đón một đồng nghiệp người Đài Loan sang bên công ty chi nhánh Việt Nam để làm việc. Giây phút ban đầu gặp mặt ấy, cho đến tận giờ, My vẫn còn nhớ như in. Đó là một anh chàng đồng nghiệp Đài Loan to béo, tóc xoăn, đeo chiếc kính cận dày cộp, khuôn mặt nghiêm nghị, còn ánh mắt thì đăm chiêu. Anh chàng này thậm chí còn không hề nở nụ cười nào suốt cả quãng đường tầm 40 cây số từ sân bay cho đến khi về đến công ty. My thầm nghĩ và tự mỉm cười một mình: anh chàng này đúng kiểu một "thanh niên nghiêm túc", nhìn y như một ông cụ non chính hiệu, không phải là tuýp người trong mộng của My.

Thế mà đúng là "Ghét của nào, trời trao của ấy", sau quãng thời gian 3 năm làm việc chung ấy, tình yêu đến với My và A Hải lúc nào không hay. My nhận thấy đằng sau cái ngoại hình to béo và khuôn mặt lúc nào cũng nghiêm nghị của A Hải, lại là một con người hoàn toàn khác, càng ngày My càng cảm thấy mến cái anh chàng to béo, nhưng hay quan tâm đến người khác. Và quan trọng hơn hết, My thấy tính cách của anh chàng đồng nghiệp người Đài này có điều gì rất giống tính cách của mình: thẳng thắn, tốt bụng, hay sẵn sàng giúp đỡ mọi người. Tình yêu cứ lớn dần lên sau những ngày làm việc chung, những buổi gặp gỡ, hẹn hò riêng. Sau lời cầu hôn ngọt ngào của người yêu, My thông báo với cả nhà muốn kết hôn. Chả phải nói, trong nhà ai cũng phản đối kịch liệt. Không phải phản đối vì chênh lệch ngoại hình. Anh chàng thì to béo, còn My thì thấp bé nhẹ cân, hai người đi bên cạnh chả khác nào người khổng lồ và gã tí hon. Gia đình My phản đối cũng không phải bởi rào cản ngôn ngữ, bởi vì My là nhân viên phiên dịch tiếng Trung, nên việc giao tiếp với người Đài bằng tiếng Trung không hẳn quá khó khăn. Lí do bố mẹ My phản đối là vì My là con gái út trong gia đình, từ nhỏ tới lớn đã quen sống trong sự bao bọc yêu thương của gia đình. Trong con mắt bố mẹ, My vẫn còn trẻ con, chưa tự lập. Anh chàng kia lại là con trai trưởng trong gia đình,  bố mẹ My lo nếu về sau phải sang Đài sinh sống, My sẽ không biết xoay sở mọi chuyện, gánh nặng của nàng dâu trưởng không phải đơn giản như trong suy nghĩ của My, rồi còn nhiều sự khác biệt về suy nghĩ, lối sống, phong tục tập quán...giữa hai lãnh thổ mà một nàng dâu Việt còn ít tuổi như My không phải chỉ một sớm một chiều là có thể thích nghi ngay được. 

Thế rồi cùng với thời gian và sự kiên trì thuyết phục của My, cuối cùng gia đình My cũng đồng ý để hai đứa kết hôn. Một năm sau ngày cưới, gia đình nhỏ của My đón thêm một thành viên mới trong niềm hạnh phúc ngập tràn. Cô con gái nhỏ ra đời là trái ngọt tình yêu của vợ chồng My. Cuộc sống yên bình cứ lặng lẽ trôi đi. Khi con cứng cáp hơn chút và hết thời gian nghỉ thai sản, My nhờ bố mẹ đẻ trông cháu giúp vợ chồng My buổi ban ngày, để My tiếp tục trở lại với công việc mà My yêu thích.

Với My, cuộc sống lúc đó thật nhẹ nhàng và bình yên. Dù vẫn còn phải đi thuê nhà để ở, song ngôi nhà nhỏ của My luôn đầy ắp tiếng cười trẻ thơ, hai vợ chồng luôn quan tâm đến nhau và cùng dành những tình cảm tốt đẹp nhất cho cô con gái bé bỏng của mình. Có lẽ với My hạnh phúc là những điều thật giản dị như thế mà thôi. 

Nhưng cuộc sống không phải lúc nào cũng màu hồng, đã xảy ra một vài biến cố, thay đổi trong công việc nên khi cô con gái nhỏ tròn năm, thì chồng My quyết định đem vợ con về Đài sinh sống. Thế là bắt đầu từ đây, My bước vào một cuộc sống hoàn toàn mới: làm dâu trên xứ Đài. 

Ngày đưa tiễn gia đình nhỏ của My về Đài ở sân bay, dù không nói ra, nhưng My vẫn đọc được sự lo lắng và cảm giác không nỡ rời xa đứa con gái và đứa cháu ngoại bé bỏng trong mắt của mẹ My. Bản thân My dù khi quyết định kết hôn với A Hải cũng đã có sự chuẩn bị tư tưởng bất cứ lúc nào cũng có thể phải theo chàng về dinh, song thực tế khi đến ngày ấy, My vẫn có cảm giác lưu luyến và không nỡ rời xa nơi chôn nhau cắt rốn của mình. My đã phải rất cố gắng để không cho những giọt nước mắt lăn ra nơi khóe mắt, My nói với mẹ: "Mẹ cứ yên tâm, con sẽ cố gắng hòa nhập vào cuộc sống mới, sẽ cố gắng sống tốt và làm tròn bổn phận của một người vợ, người mẹ, người con dâu trong gia đình chồng. Chúng con hẹn mẹ một ngày gần nhất sẽ trở về thăm bố mẹ..."

Vậy là chiếc máy bay chở My, A Hải và cô con gái nhỏ từ từ cất cánh rời xa quê hương Việt Nam để đến với quê hương mới: Đài Loan.

Ngày đầu tiên bước chân sang xứ Đài, My dù cũng hơi hồi hộp một chút nhưng cũng không nghĩ quá nhiều, bởi vốn dĩ My nghĩ có lẽ chỉ một thời gian ngắn, My cũng sẽ làm quen và thích nghi được với môi trường sống mới. My nghĩ mình là người biết tiếng Trung ở một trình độ nhất định, lại đã từng làm việc mấy năm trong môi trường có nhiều sếp và đồng nghiệp Đài nên việc về Đài sống có lẽ sẽ không gặp quá nhiều trở ngại, nhất là rào cản về ngôn ngữ.

Thế nhưng, cuộc sống thì không bao giờ đơn giản như những gì mà My nghĩ.

Sự thử thách đầu tiên đối với My là việc từ một cô gái nhân viên văn phòng, có công việc tạm gọi là ổn định, với một mức lương hợp lí biến thành một bà mẹ bỉm sữa, một bà nội trợ trong gia đình. 

Trước đây My là nhân viên phiên dịch trong công ty Đài tại Việt Nam. Công việc hàng ngày của cô không chỉ đơn thuần là công việc phiên dịch tiếng Trung, là cầu nối giao tiếp của công nhân viên trong công ty với các sếp và đồng nghiệp Đài, mà My còn phụ trách rất nhiều mảng công việc khác như làm thủ tục xuất nhập khẩu hàng, tính lương, tính bảo hiểm cho công nhân viên trong công ty...Công việc hàng ngày của My tuy tương đối bận rộn nhưng bù lại, My thấy yêu thích công việc ấy, bởi nó cho cô cơ hội được tiếp xúc với nhiều người, nhiều tầng lớp, nhiều ngành nghề khác nhau, giúp cô mở rộng mối quan hệ, mở mang kiến thức, tầm nhìn và thế giới quan... Và quan trọng hơn hết công việc ổn định giúp cô độc lập tự chủ về kinh tế. Bản thân cô cũng rất vui vì hai vợ chồng chăm chỉ làm việc, có thu nhập ổn định để có thể lo cho cô con gái nhỏ có một cuộc sống đầy đủ nhất.

Nhưng từ khi về Đài sống, vì A Hải không muốn nhờ bố mẹ chồng My trông cháu giúp dù ông bà vẫn còn khỏe và rảnh rỗi, thế nên My tạm phải gác lại sự nghiệp của bản thân nơi nước mẹ đẻ để trở thành một bà mẹ bỉm sữa, một bà nội trợ trong gia đình nhà chồng, với công việc hàng ngày là chăm con, phụ giúp nấu nướng hay dọn dẹp nhà cửa...Công việc hàng ngày của My chỉ gói gọn trong phạm vi gia đình, dù các công việc trong gia đình chồng không quá vất vả, nhưng My thời gian đầu vẫn có cảm giác không quen với cuộc sống của một bà mẹ bỉm sữa, một bà nội trợ trong gia đình như thế. My lại càng không cảm thấy quen với việc mọi thứ chi tiêu lại phải hỏi và lấy tiền từ mẹ chồng. Sở dĩ My nhắc đến vấn đề muôn thuở và nhạy cảm là "Tiền" như vậy, là bởi từ ngày về Đài Loan sinh sống, A Hải đã dặn My: " Từ nay về sau A My muốn mua gì thì cứ hỏi mẹ, bảo mẹ đưa tiền cho hoặc nhờ mẹ mua hộ". My nhiều khi cảm thấy bối rối bởi muốn mua bất cứ thứ gì dù là nhỏ nhất, My đều phải đi hỏi mẹ chồng, nhiều khi My vẫn cảm thấy ngài ngại sao vậy bởi trước đây, thời còn đi làm, cô vẫn thích được tiêu những đồng tiền do chính bản thân mình kiếm ra.     

Bên cạnh đó, cuộc sống chung cùng gia đình chồng với nhiều thế hệ cùng chung sống dưới một mái nhà cũng không phải là điều dễ dàng. Đôi khi có những rào cản trong việc trao đổi thông tin, vì suy cho cùng My cũng không phải là người bản xứ, tiếng Trung cũng chỉ ở một trình độ nhất định mà thôi, rồi những va chạm Mẹ chồng - Nàng dâu do chung sống cùng một nhà là điều không thể tránh khỏi do sự khác biệt về lối sống, quan điểm, suy nghĩ giữa hai người phụ nữ ở hai thế hệ khác nhau của hai đất nước hoàn toàn khác nhau. Cuộc sống vợ chồng dù xuất phát từ tình yêu nhưng cũng không tránh khỏi những lúc "Cơm không lành, canh không ngọt" khiến My nhiều khi không khỏi cảm thấy thất vọng, chán chường, đôi khi có cảm giác hụt hẫng về cuộc sống hiện tại.

Rồi còn có nhiều lần My và A Hải bất đồng quan điểm, thậm chí tranh luận gay gắt cũng chỉ vì vấn đề My đòi đi làm. Sở dĩ My mong muốn được đi làm cũng không phải không có lí do của nó. 

Thứ nhất là My thấy mình cũng đã ở nhà chăm con được một thời gian dài, con thì cũng đã cứng cáp và hiểu biết hơn rất nhiều so với thời gian đầu lúc con mới về Đài mới chỉ được tròn năm. Mẹ chồng và bố chồng My thì đều còn khỏe, ở nhà cũng không bận công việc gì nhiều. 

Thứ hai là A Hải chồng My lại mới từ bỏ công việc đi làm công ăn lương, mà quay sang mở công ty riêng. Công ty của A Hải thì mới bước đầu đi vào hoạt động, khó khăn chồng chất, lợi nhuận cũng chưa có nhiều. My không muốn cả gia đình nhỏ của My trở thành gánh nặng kinh tế của bố mẹ chồng. 

Nhìn vào tình hình như vậy nên My mới bàn với A Hải muốn nhờ mẹ chồng trông giùm cháu giúp buổi ban ngày để My có thể đi làm ở công ty ngoài, cùng chồng chia sẻ bớt gánh nặng kinh tế. My muốn thời gian đầu đi làm công ty bên ngoài, có một khoản lương cố định, như vậy sẽ chia sẻ bớt với chồng về gánh nặng kinh tế. Còn về sau khi công ty của A Hải đi vào quỹ đạo, hoạt động ổn định hơn, cần người phụ giúp, thì My sẽ về công ty chồng làm việc, hai vợ chồng cùng cố gắng, phấn đấu.

Thế nhưng A Hải khi mới nghe xong và biết được ý định của My thì gạt phăng đi. A Hải tỏ ra giận dữ, bảo My: "A My đừng nghĩ đẻ con ra để bắt bố mẹ A Hải phải trông hộ. Bố mẹ A Hải không có nghĩa vụ phải trông cháu nội. Con mình đẻ ra thì tự trông"... 

Câu nói như gáo nước lạnh dội xuống đầu My. Chính trước đây hồi mới cưới sống ở Việt Nam, A Hải còn nói với My: " Vợ chồng chúng ta trước mắt ở Việt Nam làm việc vài năm đã, bao giờ có con và con đến tuổi đi trẻ, chúng ta sẽ cho con về Đài Loan học, vì môi trường sống và học tập ở Đài Loan rất tốt…". Hồi đó A Hải còn chủ động bảo My: " Nếu sau về Đài Loan sống, con lớn một chút, A My có thể nhờ mẹ trông cháu giúp để đi làm công việc mà A My yêu thích...". 

Sở dĩ My nảy ra ý muốn nhờ bố mẹ chồng trông cháu giúp, vì bố mẹ chồng My đã có kinh nghiệm trông hai cháu ngoại, giờ đứa cháu ngoại nhỏ nhất cũng vừa đến tuổi đi trẻ, và hơn nhất, chính mẹ chồng My cũng đã chủ động bảo My là bà muốn trông cháu giúp vợ chồng My, để vợ chồng My có thể yên tâm đi làm. 
Vậy mà mọi thứ không hề giống như những gì mà My mong đợi. My cảm thấy hụt hẫng, nhiều khi sống trong những phút giây trống trải, cô đơn, cảm thấy mình bơ vơ, lạc lõng trong gia đình chồng, có những nỗi ấm ức tủi hờn... mà không thể tìm được tất cả những sự an ủi ấm áp, bao dung bên người chồng mình. Nhiều khi My muốn buông tay, vì không tìm được tiếng nói chung trong cuộc sống vợ chồng. Cho dù lí do không phải là do có người thứ ba xen vào cuộc sống gia đình, cũng không hẳn là tình yêu đã vụt tắt hoàn toàn, mà là cả hai đã sống theo cái Tôi của bản thân quá nhiều, ai cũng muốn sống theo cách mà bản thân mình mong muốn. My nhiều khi cảm thấy cuộc sống của mình ngột ngạt, cô không được tự do làm những gì mà mình thích. Ngay cả những ý kiến My đưa ra, không cần suy xét có hợp tình, hợp lí hay không, A Hải chồng My cũng đều gạt đi, A Hải chỉ muốn My làm theo mọi ý kiến và sắp đặt của A Hải. 

My biết A Hải gặp nhiều áp lực trong công việc, khi mọi thứ không được suôn sẻ thì nó cũng sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý, rồi thái độ sống. My không trách A Hải thay đổi. Nhưng My thấy những ý kiến mà mình đưa ra, dù sao cũng xuất phát từ mong muốn muốn sẻ chia cùng chồng gánh nặng kinh tế, muốn giúp chồng vượt qua giai đoạn khó khăn, vất vả trước. Chứ không phải là My muốn chối bỏ trách nhiệm của một người mẹ, một người con dâu, cũng không phải là My chỉ biết nghĩ cho riêng mình. Suốt những năm tháng về Đài Loan sống cùng gia đình chồng, My đều cố gắng chu toàn việc nhà, chăm con và nuôi dạy con tốt, làm tròn bổn phận của một người con dâu trong gia đình chồng. Không cần phải nói ra, nhưng My nghĩ cả A Hải và gia đình chồng My có lẽ cũng đều nhận ra sự cố gắng muốn hòa nhập vào cuộc sống gia đình chồng của My.
 Vậy là tính đến hôm nay là tròn 5 hôm kể từ ngày A Hải bay sang Việt Nam bàn công chuyện làm ăn. Lúc ban chiều My lại đạp xe trên con đường quen thuộc để đi đón cô con gái nhỏ tan lớp, trong lòng nhen nhóm một niềm vui khó tả bởi chỉ tối nay thôi là A Hải chồng My sẽ trở về nhà để sum họp cùng mẹ con My. 

Ngày hôm nay, cũng vẫn con đường quen thuộc ấy, nhưng My bỗng thấy lòng nhẹ nhàng hơn rất nhiều. 

Tạm bỏ qua hết tất cả những gì thuộc về ngày hôm qua. Ngày hôm qua có những nỗi buồn, những tranh luận, cãi vã không vui vẻ, có cả những cuộc chiến tranh lạnh đến cả tuần mà hai vợ chồng không ai thèm nói với ai câu nào, cũng không ai muốn làm lành trước, đôi khi có cả cảm giác cảm thấy bản thân mình bất lực, muốn buông xuôi...Đó là những phút giây cả My và A Hải đều sống trong thế giới của riêng mình giống như hai người xa lạ, có chăng thời điểm đó, điểm nối kết duy nhất giữa hai người là cô con gái nhỏ mà thôi. Tình yêu vốn dĩ rất phức tạp, yêu để đến được với nhau là điều đã khó, để giữ được tình yêu còn khó hơn gấp nhiều lần, bởi con tim luôn luôn có những lí lẽ riêng của nó. Cuộc sống vợ chồng nhiều khi không tránh khỏi có những lúc cãi vã, căng thẳng. Là người, ai cũng có những giây phút không kiềm chế được cảm xúc, những phút giây sống ích kỷ cho riêng mình, chẳng có ai là hoàn hảo cả. Trong cuộc sống vợ chồng nhiều khi cũng không tránh khỏi có những lúc rơi vào trạng thái khủng hoảng, bế tắc… nhưng khi đã vượt qua được nó thì sẽ thấy trân trọng và yêu quý đối phương nhiều hơn. Cái quan trọng hơn nhất là tình yêu của My và A Hải dành cho cô con gái bé bỏng của họ là không hề thay đổi. Cả hai người cũng đã kịp nhận ra cái sai của bản thân để điều chỉnh, biết đối mặt để vượt qua, dung hòa cảm xúc, điều chỉnh thái độ sống, cả hai đã biết dẹp bỏ bớt cái Tôi cá nhân của bản thân, biết dừng lại đúng lúc để hàn gắn mối quan hệ, tiếp tục làm tròn bổn phận của một người cha, người mẹ. Hơn ai hết cả My và A Hải đều hiểu rằng đứa con gái nhỏ là người quan trọng nhất trong cuộc đời của họ. Chính cô con gái là trái ngọt tình yêu của hai người, nếu chỉ vì sự ích kỉ của cá nhân người lớn mà làm tổn thương đến cô con gái nhỏ của họ, khiến con thiếu vắng tình thương của người bố hay người mẹ, chắc chắn tới lúc đó cả My và A Hải sẽ sống trong sự day dứt khôn nguôi. 

Ngày hôm nay, My đã tìm lại được sự tự tin, tìm thấy nguồn động lực lớn lao để bước tiếp con đường mà mình đã chọn bởi cách đây không lâu, My đã quyết định gửi con đi nhà trẻ và đi công ty A Hải để làm chứ không đi tìm công việc bên ngoài làm như ý định trước kia nữa. My đã sẵn sàng từ bỏ hình ảnh một cô nàng công sở với quần áo gọn gàng, ngồi làm việc bên máy vi tính trong căn phòng có máy lạnh mát rượi, đi đâu xa lại có xe công ty đưa đón..., giờ đây My đang cố gắng học cách gánh vác công việc cùng chồng mình, cho dù những công việc ở công ty A Hải, My chưa từng làm qua. Công việc mới này nhiều khi còn gắn liền với những việc nặng nhọc bằng sức lao động chân tay, mồ hôi nhễ nhại với những hôm làm bên ngoài trời, đôi khi còn có cả những chuyến đi dài với A Hải để chở hàng, giao hàng...nhưng My vẫn thấy vui, bởi hai vợ chồng cô có cơ hội kề vai sát cánh, cùng nhau chia sẻ khó khăn, cùng nhau lao động chăm chỉ, học cách làm giàu...  

My biết rằng dù con đường My đang đi sẽ còn gặp muôn vàn khó khăn, trở ngại ở phía trước, nhưng có một điều chắc chắn rằng phía cuối con đường này vẫn luôn có một ngôi nhà nhỏ đứng lặng lẽ chờ My trở về, trở về sum vầy với người chồng và cô con gái nhỏ, hai người thân yêu nhất mà cô đã dành tất cả tình yêu thương của mình ở nơi xứ người này. 

"Nhìn theo, đường hun hút còn xa, xin cám ơn nhưng điều đã qua
Gọi anh người đương thời ơi, em yêu anh, em yêu anh rất nhiều.
Nhìn theo, đường hun hút còn xa, xin cám ơn nhưng điều đã qua
Gọi anh người đương thời ơi, em yêu anh, em yêu anh rất nhiều"

...

Lời cuối của bài hát đã đưa My trở lại với hiện thực. Chuông đồng hồ giờ đã điểm 11 giờ đêm. Còn ít phút nữa thôi là My sẽ lại được gặp A Hải - người chồng của mình sau năm ngày xa cách. Cảm ơn tất cả những gì mà cuộc sống mới trên quê hương mới - Đài Loan đã đem lại cho My. Có gặp khó khăn, vất vả thậm chí là cả mồ hôi, nước mắt…mới thấm thía được giá trị của cuộc sống, tất cả đã giúp cô trở nên trưởng thành, mạnh mẽ hơn. Đài Loan - hòn đảo xinh đẹp giờ đây đã trở thành quê hương thứ hai của My, nơi đây có những con người bản xứ nhân hậu, khí hậu ôn hòa, đất nước văn minh, giàu đẹp…nó sẽ là miền đất hứa để cô tiếp tục vươn lên, trưởng thành, mở rộng trái tim mình hơn nữa.

Gia đình hạnh phúc

Chủ đề chính: #Làm_dâu_xứ_Đài

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn