mirumirumirumo Every day may not be good, but there is something good in every day.

Phía sau ngành công nghiệp người mẫu

Đăng 4 năm trước

Bài viết dưới đây sẽ bật mí cho bạn một số sự thật về ngành công nghiệp người mẫu.

Ngày nay, nhiều người trẻ tuổi khát khao bước chân vào nghề người mẫu, có thể vì cảm giác lâng lâng khi được khoác lên mình những thiết kế tinh xảo, vì những lời mời tham dự sự kiện tầm cỡ. Nhưng ngành công nghiệp người mẫu có chắc là đã "cho họ muôn trượng hào quang" hay không? Trên thực tế, thế giới người mẫu đầy khắc nghiệt và đòi hỏi những người nhập cuộc phải đánh đổi, hi sinh và chịu đựng rất nhiều. Liệu khi trút bỏ hết hào nhoáng phấn son thì khuôn mặt mộc của nghề người mẫu có còn giữ được vẻ hoàn mỹ? 

1. Số lượng những người mẫu có sự nghiệp học tập vẻ vang chỉ đếm trên đầu ngón tay

Lý do của việc không nhiều người mẫu có thành tích học tập nổi bật không phải do họ ngốc nghếch hay tiếp thu kém. Cần hiểu rằng trên thực tế hầu hết những người mẫu catwalk thành danh đều dấn thân vào nghề từ khi còn rất trẻ (thường là 13 tuổi). Vì vậy để tập trung vào công cuộc khổ luyện và sải bước trên đường băng, nhiều khi họ phải chấp nhận từ bỏ việc học trung học hoặc đại học.

2. Nghề người mẫu không kiếm được nhiều tiền như bạn nghĩ

Các siêu mẫu kỳ cựu như Kate Moss hay Naomi Campbell có thể kiếm được rất nhiều tiền, hoặc như Karlie Kloss thì người ta hay nói "một bước chân kiếm được 7 triệu đồng". Tuy nhiên số lượng những tượng đài như vậy là CỰC KỲ HIẾM và thường chỉ những người mẫu catwalk cho những hãng thời trang tầm cỡ như Chanel, Dior, Gucci, Calvin Klein,... mới "cá kiếm" được một con số khổng lồ. 

Trong năm 2017, mức lương trung bình hàng năm cho các người mẫu là 22,900 đô la. Tất nhiên, đây là mức lương trung bình, có nghĩa là một số người mẫu kiếm được nhiều hơn số đó nhưng cũng có người kiếm được ít hơn. Trên thực tế, một số người mẫu được trả lương không phải bằng tiền mặt mà bằng quần áo, thậm chí nhiều người còn "tay trắng". Chưa tính đến các công ty, cơ quan quản lý tốn khá nhiều tiền cho chi phí đưa đón và đi lại của các người mẫu. Vậy nên đôi khi tiền lương của người mẫu sau khi cắt giảm các khoản chi phí chỉ còn lại khoảng 30%.

3. Người mẫu nữ thường được trả lương cao hơn người mẫu nam

Thông thường, phụ nữ khó có được vị trí cao và con đường thăng tiến rộng mở như nam giới trong sự nghiệp. Tuy nhiên, trong ngành công nghiệp người mẫu thì ngược lại: nữ thường được trả lương nhiều hơn nam. Theo thống kê, người mẫu nữ được trả công nhiều hơn 150% so với người mẫu nam. Chẳng hạn như trong cùng một khoảng thời gian, mẫu nữ có thể kiếm được tới 83 triệu đô la, trong khi mẫu nam chỉ kiếm được 8 triệu đô la. Angus Munro - nhà đồng sáng lập của AM Casting đã nói rằng: "Tôi không hiểu được tại sao người mẫu nam lại chỉ có thể kiếm được rất ít so với các đồng nghiệp nữ trong khi họ cùng làm một công việc. Nếu tình trạng này đảo ngược lại thì sẽ có một cuộc phản ứng không hề nhẹ. Thật đau lòng nhưng thực tế là vậy!"

4. 21 tuổi? Có lẽ bạn khá "dừ" để bước chân vào ngành công nghiệp người mẫu

Maria Eriksson đã xuất hiện trên tạp chí Playboy những ba lần và rõ ràng cô sở hữu ngoại hình của một người mẫu. Tuy nhiên, vào năm 21 tuổi, cô đã nhận được những lời nhận xét rằng cô đã quá tuổi để làm người mẫu. Tuổi tác dường như là một chướng ngại nghiệt ngã với họ. Sự nghiệp người mẫu chóng nở cũng chóng tàn, giống như các vận động viên vậy. Đó là lý do bạn thấy các người mẫu như Cara Delevingne và Kate Moss bắt đầu vào nghề khi còn rất trẻ và trong trường hợp của Cara Delevingne thì nó kết thúc khá sớm. Còn như con gái của siêu mẫu Cindy Crawford, cô đã đặt bước chân đầu tiên vào làng mẫu từ khi mới 10 tuổi.

5. Hình ảnh của người mẫu thường rất "vô thực"

Khi nhìn thấy một bức ảnh chụp của một người mẫu, bạn có thể nghĩ rằng chúng trông giống hệt như thế trong đời thực. Hoặc bạn biết những bức ảnh đó có sự can thiệp và nghĩ người mẫu ngoài đời thực trông sẽ khác. Chỉnh ảnh hay photoshop là việc quá đỗi phổ biến trong ngành công nghiệp người mẫu. Ngày nay, các biên tập viên hình ảnh kỹ thuật số có thể thực hiện bất cứ điều gì theo nghĩa đen, cho dù đó là làm người mẫu trông như gầy đi 10 kg hoặc sở hữu mái tóc đẹp siêu thực. Bất cứ cái gì có thể sửa thì sẽ được sửa, nên nghiễm nhiên kết quả cuối cùng là những tấm hình khá phi thực tế.

6. Đôi khi, người mẫu được khuyến khích phẫu thuật thẩm mỹ

Có khi, hình ảnh khác biệt của người mẫu là do sự đụng chạm của photoshop nhưng khả năng họ đã nhận được tác động vật lý trước cả khi photoshop không phải là không thể xảy ra. Nói cách khác, ở một số quốc gia, việc đụng chạm dao kéo được ủng hộ. Trên thực tế, rất nhiều cô gái trẻ tại Hàn Quốc đã phẫu thuật cắt mí, nâng mũi,... để có được hình ảnh như của các người mẫu phương Tây.

7. Nhiều người mẫu phải đối mặt với cảm giác không an toàn

Người mẫu cũng chỉ là con người giống như bao người khác, và tất nhiên họ có những nỗi sợ như người bình thường. Hơn nữa, các người mẫu làm việc trong một ngành công nghiệp nơi vẻ bề ngoài là yếu tố then chốt. Do đó, áp lực phải trở nên xinh đẹp với những số đo chuẩn thường làm họ thiếu cảm giác an toàn.

8. Người mẫu được kỳ vọng càng gầy càng tốt

Vào những năm 1950, "biểu tượng gợi cảm" Marilyn Monroe sở hữu thân hình với số đo 94-58-91. Ngày nay, số đo ba vòng trung bình của người mẫu là 79-58-86. Tất nhiên giờ đây một số công ty quy định người mẫu không được quá gầy và địa hạt của mẫu ngoại cỡ cũng đang phát triển, nhưng mốt "mình dây" vẫn còn quá sức phổ biến. Dẫu vậy, nói đi cũng phải nói lại, một thân hình mảnh khảnh sẽ có những ưu điểm nhất định khi lên hình và làm cho bộ trang phục trông "sang" hơn.

9. Những người theo đuổi con đường người mẫu có lẽ đều "đến nhanh mà đi cũng nhanh"

Không ngạc nhiên khi cho rằng thời vận của những người mẫu đến và đi theo xu hướng. Cũng như thời trang không ngừng biến đổi, một người mẫu giã từ sàn diễn tựa như chỉ là "gió thoảng mây bay" trong thế giới ấy. Chẳng hạn như mẫu song tính, có vẻ ở thời điểm hiện tại họ vẫn có một tấc đất cắm dù nhưng ai biết đâu một tháng, một năm hay vài năm sau đó họ sẽ không còn chỗ đứng trong làng mẫu. Biết sao được khi bản chất của ngành công nghiệp thời trang là hay thay đổi.

10. Chế độ ăn uống của người mẫu cực kỳ nghiêm ngặt

Việc người mẫu phải tuân thủ chế độ ăn ngặt nghèo thì không mấy xa lạ, nhưng bạn có biết nó ngặt nghèo đến mức độ nào chưa? Nếu một người mẫu đang làm việc cho một nhãn hàng, họ không được tăng cân mà cũng không được xuống ký. Họ phải bảo toàn nguyên vẹn và chính xác số đo cơ thể, nếu không thì sẽ không thể mặc vừa những bộ trang phục đã được "đo ni đóng giày". Đó là nguyên nhân mà chúng ta thường nghe nói đến việc người mẫu phải dùng thuốc nhuận tràng, ăn giấy hay liên tục nôn mửa và gặp chứng rối loạn ăn uống. Áp lực gìn giữ vóc dáng có thể dữ dội hơn bạn tưởng đấy.

Hi vọng qua bài viết các bạn có thể hiểu thêm về những mặt trái trong ngành công nghiệp người mẫu. Tuy nhiên, điều đó không phải là can ngăn hay cảnh tỉnh những người đang có ý định trở thành người mẫu. Tất cả phụ thuộc vào sự chọn lựa và cân nhắc của mỗi người, chúng ta muốn có được những gì và chấp nhận mất những gì khi theo đuổi một công việc khó khăn mà thôi.

Chủ đề chính: #người_mẫu

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn