Ho Hoanganh Đi, nghe, nhìn, đọc và viết.

Phụ nữ Bắc Triều Tiên và 'Những con đường CHẾT'

Đăng 5 năm trước

Trong những năm qua, có hàng ngàn người dân Bắc Triều Tiên đã tìm cách trốn khỏi nước này thông qua đường biên giới giáp với Trung Quốc mong muốn tìm được một cuộc sống tốt đẹp. Tuy nhiên, trớ trêu thay, theo các nhà hoạt động nhân quyền rất nhiều phụ nữ Triều Tiên đã bị biến thành nô lê tình dục hay rao bán như món hàng tại Trung Quốc.

Những con đường trở thành nô lệ tình dục

Để thoát khỏi Bắc Triều Tiên, họ có hai con đường chính để đi. Thứ nhất là hướng về phía bắc, vượt qua biên giới để vào lãnh thổ Trung Quốc. Nhưng Trung Quốc không công nhận tư cách tị nạn của hàng ngàn người dân Bắc Triều. Theo Hội Quan Sát Nhân Quyền vào năm 2002, ước tính có từ 10.000 đến 300.000 người Bắc Triều Tiên đang tìm cách lẩn trốn ở Trung Quốc. Và có lẽ, đến nay con số đó đã tăng gấp nhiều lần nhưng không được chính phủ Trung Quốc công khai. 

Thật khắc nghiệt, khi họ tìm cách rời khỏi quê hương để tìm tự do thì lại rơi vào những cảnh ngộ tàn độc, mất cả quyền con người. 

Nhiều người sợ bị bắt và trục xuất về để lãnh án chung thân trong các trại tù khét tiếng Bắc Hàn, nơi tù nhân bị thí nghiệm với các hóa chất độc, bị bỏ đói hay bị bắn. 

Cũng có những người tìm đường đi đến được Mông Cổ. Tuy vậy, cơ hội sống sót là khá hiếm hoi vì họ thường bỏ mình trong hoang mạc. Tổ chức HRW (Tổ chức Nhân quyền) kêu gọi Trung Quốc ngưng bắt và hăm dọa các nhà truyền giáo và cứu trợ viên trong chiến dịch giải thoát những người dân tị nạn Bắc Triều Tiên. 

hàng hóa từ bên ngoài đưa vào đã giúp thuyết phục một số người đào thoát. Những bộ phim nhập lậu từ Trung Quốc đã cung cấp cho người Bắc Hàn một cái nhìn thoáng qua về thế giới bên ngoài, và một động lực để rời khỏi Bắc Hàn tìm đến Trung Quốc như một lối thoát. 

Ra khỏi Trung Quốc là việc rất nguy hiểm cho bất kỳ kẻ trốn thoát  nào.Hầu hết muốn vào một nước thứ ba, và đến một đại sứ quán Hàn Quốc, nơi họ sẽ được cấp một chuyến bay trở về Hàn Quốc và xin tị nạn. Nhưng đi khắp Trung Quốc mà không có căn cước rất là nguy hiểm. 

Con đường thứ hai những người di dân có thế đi là về hướng nam để vào lãnh thổ Hàn Quốc, nơi họ có thể trú ẩn an toàn. 

Tuy nhiên, giữa hai nước là một khu giới tuyến được quân sự hóa mạnh mẽ với sự canh gác chặt chẽ của quân đội Triều Tiên và những con đường được gài đầy mìn. Đó lại là một con đường chết vì họ cỏ thế bị chết do trúng đạn hay mìn.

Liều mình tìm tự do

Vì thực trạng thiếu lương thực vẫn là gánh nặng với Bắc Triều khi họ đang chịu hàng loạt các lệnh trừng phạt do quá trình các lãnh tụ nước này theo đuổi chương trình phát triển vũ khí hạt nhân bất chấp lời kêu gọi của quốc tế. Trong thập niên 90, nạn đói đã diễn ra vô cùng khốc liệt khiến một triệu người phải bỏ mạng. Cơn đói được gọi là The Arduity March đã buộc họ phải ăn cả rễ và vỏ cây. Bắc Kinh xem họ như “di dân kinh tế” và trục xuất về Bắc Triều, nơi họ bị xử tử vì bỏ trốn  tương đương tội phản quốc. 

Theo tờ báo London The Guardian - Hàng ngàn người đào tị Bắc Triều đang sống và ẩn trốn tại Trung Quốc đang bị buộc thành lao nô hay gái điếm, hay bị bán đi bán lại cho các đàn ông Trung Quốc để làm “đồ chơi sex,” theo lời các nhà hoạt động nhân quyền. 

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Triều Tiên. Các chính quyền Mỹ từ lâu đã chỉ trích Bắc Kinh vì không tuân thủ chặt chẽ các lệnh trừng phạt nhằm vào Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, chính Trung Quốc cũng bắt đầu cảm thấy “nóng mặt” vì một loạt vụ thử tên lửa và bom hạt nhân của Triều Tiên.  

Tường trình về buôn bán người hàng năm của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã liên tục chỉ định Triều Tiên là một trong những quốc gia buôn người tồi tệ nhất. 

Việc buôn bán phụ nữ đôi khi được người dân sống ở khu vực biên giới Trung Quốc gọi là "buôn bán lợn Hàn". Giá của mỗi phụ nữ có thể dao động từ hàng trăm đến hàng ngàn đôla Mỹ. Mặc dù rất khó để có được số liệu thống kê chính thức, LHQ từng lên tiếng cảnh báo về mức độ buôn bán phụ nữ cao của Triều Tiên.

Nô lệ tình dục trong quân đội Triều Tiên

Một cựu nữ quân nhân Bắc Triều kể rằng cuộc sống cho phụ nữ trong quân đội gian khổ đến mức rất nhiều người tắt kinh. 

Bà cho biết tình trạng hãm hiếp cũng xảy ra thường xuyên với những đồng đội của bà. Trong suốt 10 năm, bà Lee So Yeon ngủ ở ngăn dưới của chiếc giường tầng, trong một căn phòng bà chia sẻ với hơn 20 phụ nữ khác. Mỗi người được giao một cái tủ nhỏ để đựng quân phục. Trên nóc tủ, họ giữ hai bức ảnh đóng khung. Một bức là ảnh của lãnh tụ Bắc Triều Kim Il-sung(Kim Nhật Thành) , còn bức thứ hai là của người con trai ông, Kim Jong-Il, nay đã quá cố.  

Rời Bắc Triều đã gần mười năm nay, bà So Yeon vẫn nhớ như in mùi của doanh trại bê tông nơi bà từng ở. 

"Chúng tôi đổ mồ hôi nhiều. Cái đệm chúng tôi nằm làm từ vỏ trấu. Vậy nên mùi của cơ thể thấm vào đệm. Đệm không phải làm bằng bông. Vì nó làm bằng vỏ trấu, mùi mồ hôi và các mùi khác thấm vào đấy. Không lấy gì làm dễ chịu."

Một trong những lý do của tình trạng này là thiếu chỗ tắm giặt."Là phụ nữ, một trong những điều khổ nhất cho chúng tôi là không được tắm rửa đàng hoàng," bà Lee So Yeon nói. "Vì không có nước nóng. Họ nối vòi nước vào dòng suối và chúng tôi dùng nước chảy trực tiếp từ suối ra. Đôi khi chúng tôi có cả ếch nhái hay rắn chảy qua vòi."

Là con gái của một giáo sư đại học, bà So Yeon, nay 41 tuổi, lớn lên ở phía bắc của Triều Tiên. Trong gia đình bà, nhiều phụ nữ đã vào quân ngũ, và khi nạn đói tàn phá đất nước vào những năm 1990, bà xung phong đi bộ đội - chỉ với suy nghĩ sẽ được đảm bảo có một bữa ăn hàng ngày. Hàng ngàn phụ nữ trẻ khác cũng xin nhập ngũ vì lý do tương tự. 

 "Nạn đói kéo theo một giai đoạn hết sức khó khăn cho phụ nữ ở Triều Tiên," bà Jieun Baek, tác giả cuốn sách North Korea's Hidden Revolution (tạm dịch "Cuộc cách mạng Ẩn giấu của Bắc Hàn"). "Nhiều phụ nữ phải gia nhập lực lượng lao động và nhiều người phải chịu đối xử tàn tệ, đặc biệt là quấy rối và bạo lực tình dục."

Có khoảng 70% những người đào tẩu Triều Tiên là nữ - con số mà một số người cho là do tỷ lệ thất nghiệp cao hơn đối với phụ nữ. Quá nửa số người này trong độ tuổi 20 và 30, một phần là do người trẻ tuổi có thể bơi qua sông và chịu đựng chặng đường gian khổ tốt hơn.  

Bà So Yeon nói trong thời gian bà tại ngũ, quân đội Triều Tiên không cung cấp băng vệ sinh, và bà cùng các nữ đồng đội không có sự lựa chọn nào ngoài việc tái sử dụng băng vệ sinh. 

Phụ nữ Bắc Triều phải đi nghĩa vụ quân sự ít nhất là bảy năm, còn nam giới 10 năm. Đây là quy định nghĩa vụ quân sự bắt buộc lâu nhất thế giới. Ước tính có khoảng 40% phụ nữ trong độ tuổi 18 đến 25 trong quân ngũ. Con số này được trông đợi là sẽ tăng, vì nghĩa vụ quân sự mới trở thành bắt buộc cho phụ nữ cách đây hai năm.  

Chính phủ Triều Tiên nói khoảng 15% ngân quỹ nhà nước được chi cho quân đội, nhưng các viện nghiên cứu cho rằng con số này có thể lên tới 40%. Những học sinh có năng khiếu đặc biệt, chẳng hạn về thể thao hay âm nhạc, có thể được miễn nghĩa vụ quân sự. Quấy rối tình dục là chuyện phổ biến. 

Dù Bình Nhưỡng có luật hình sự đối với tội cưỡng hiếp, buôn người và quan hệ tình dục với cấp dưới, báo cáo này cáo buộc rằng chính phủ Triều Tiên gần như không công nhận sự tồn tại của nạn hiếp dâm trong nước.

Hồ Hoàng Anh tổng hợp

Chủ đề chính: #bắc_triều_tiên

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn