Nguyễn Thị Thúy Ngân Không thử thì bạn sẽ chẳng bao giờ biết đã bỏ lỡ điều gì.

“Phubbing” kẻ âm thầm phá vỡ các mối quan hệ

Đăng 5 năm trước

Cùng với sự phát triển của công nghệ, điện thoại đã trở nên vô cùng phổ biến, chiếc điện thoại cũng dần dần làm chúng ta xao lãng khỏi hiện tại. Bằng những chiếc hộp phát sáng kia, “phubbing” len lỏi vào các mối quan hệ của bạn, việc mà có khi chúng ta chẳng hề để ý đến. Vậy “phubbing” là gì, làm sao để tránh và lỡ bạn bị “phubbed” thì nên làm gì?

Dùng điện thoại để ngó lơ người đang bên cạnh ta chính là “phubbing.” Nhìn vào màn hình, ta có thể nhắn tin với một người khác, xem lại những tấm ảnh trong album hay chỉ lướt qua mạng xã hội. Trớ trêu thay, điều này lại làm ta quên mất người thực sự đang ngồi cạnh ta, thường lại là những người quan trọng nhất.

Một vài nghiên cứu chỉ ra rằng sự xuất hiện của điện thoại ảnh hưởng sự gắn kết giữa mọi người, làm tăng khoảng cách giữa họ và làm giảm chất lượng cuộc trò chuyện. Điều này làm ta bỏ lỡ những kết nối thực sự, điều mà làm nên bất cứ mối quan hệ nào. Giao tiếp không chỉ dừng lại ở lời nói. Mải mê với màn hình điện thoại, ta chẳng thể nhìn vào mắt người khác, đọc những cảm xúc mà họ thể hiện qua giọng điệu hay cử chỉ. Bạn có thực sự hiểu người đang nói chuyện cùng bạn? 

Còn những người bị “ngó lơ”, họ thường tìm đến mạng xã hội. Cứ cho là họ làm thế vì mọi người đều như vậy. Họ có khi tìm đến điện thoại để quên đi cảm giác bị “bơ”. Chính những người này có xu hướng sử dụng điện thoại một cách tiêu cực, dẫn đến gia tăng stress và trầm cảm. 

Một nghiên cứu Facebook cho thấy cách ta tương tác trên Facebook ảnh hưởng  đến việc ta cảm thấy vui hay buồn. Khi ta lướt qua những bài đăng của người khác, chúng ta cảm thấy tệ hơn. Một nghiên cứu khác còn chỉ ra mạng xã hội làm con người cô đơn hơn. 

Thật mỉa mai khi điện thoại di động, ban đầu được thiết kế như một công cụ giao tiếp, thực sự có thể gây trở ngại hơn thay vì kết nối các cá nhân. Những nạn nhân của “phubbing” tìm đến mạng xã hội, từ đó ngó lơ những người khác. Điều này vô tình tạo nên một vòng tròn luẩn quẩn. 

Tại sao mọi người lại rơi vào cạm bẫy “phubbing” từ đầu? Có thể, sợ tụt hậu giữa biển thông tin, và thiếu khả năng kiểm soát bản thân là lý do. Tuy nhiên, nghiện mạng xã hội, nghiện điện thoại, và nghiện internet mới là nguyên nhân chính. Nghiện internet có ảnh hưởng đến não bộ như bất kì chất gây nghiện nào khác. Đặc biệt với trẻ nhỏ, đối tượng mà não bộ và những kỹ năng xã hội vẫn trong giai đoạn phát triển. 

Có khi nào chúng ta đang “phub” chính bản thân mình? Bước chân vào một thế giới ảo, ta quên mất những nhu cầu thực sự cơ bản của bản thân, chẳng còn thời gian cho việc ăn, ngủ, hay những thú vui cá nhân.          

Cất điện thoại đi và chú tâm vào hiện tại, vào người đối diện là cách duy nhất chúng ta có thể phá vỡ vòng tròn “phubbing.” Vì thế lần tới khi bạn bị chiếc điện thoại lôi kéo, dù trong hoàn cảnh nào hãy dừng lại một chút, đẩy nó ra xa. Để có thời gian hiểu chính bản thân mình và không bỏ lỡ bất kì kết nối thật sự giữa người-người. Hãy lắng nghe không chỉ lời nói mà còn ánh mắt, cử chỉ của người đối diện, thực sự kết nối và phá vỡ vòng tròn “phubbing” luẩn quẩn.

Chủ đề chính: #phubbing

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn