Tiểu Quyên

Phương pháp cấp cứu cho nạn nhân bất tỉnh ngừng hô hấp, tuần hoàn (CPR)

Đăng 3 năm trước
Phương pháp cấp cứu cho nạn nhân bất tỉnh ngừng hô hấp, tuần hoàn (CPR)

Nếu được cấp cứu kịp thời và đúng cách sẽ làm tăng khả năng sống sót cho nạn nhân bị bất tỉnh ngừng tuần hoàn, ngừng hô hấp.

Lay gọi nạn nhân, nếu nạn nhân không đáp lại xác nhận nạn nhân đã bất tỉnh cần nhờ người xung quanh gọi cấp cứu, đồng thời kiểm tra mạch và nhịp thở của nạn nhân, nới lỏng quần áo nạn nhân.

Cách kiểm tra mạch:

- Đối với người lớn: kiểm tra mạch cảnh, từ đường giữa cổ đi ra khoảng 3 cm.

- Đối với trẻ em: bắt động mạch cánh tay, vị trí chỗ 1/3 trong nếp gấp cánh tay.

Cách kiểm tra nhịp thở: Nhìn lồng ngực nạn nhân có di động hay không.

Quá trình kiểm tra tuần hoàn và hô hấp cần diễn tra nhanh (không quá 10 giây).

Bắt đầu thực hiện cấp cứu cho nạn nhân:

A (Airway- Đường thở), B (Breathing- Hô hấp), C (Circulation- Tuần hoàn)

- Thực hiện cấp cứu cho nạn nhân theo các bước C-A-B (tương ứng là Ép tim-Khai thông đường thở-Thổi ngạt), khi đã lấy được dị vật, và đường thở được khai thông chỉ thực hiện C-B.

- Riêng các trường hợp bị đuối nước, trẻ em sặc sữa thực hiện theo các bước A-B-C ( tương ứng là Khai thông đường thở-Ép tim-Thổi ngạt).

Ép tim: Bước này nhằm mục đích tạo ra tuần hoàn nhân tạo, đẩy máu có oxy đến các cơ quan và giữ cho não sống cho đến khi có các phương pháp can thiệp khác.

- Người lớn: Vị trí chỗ 1/3 dưới xương ức, dùng 2 tay ép mạnh, liên tục, nhịp nhàng, tốc độ khoảng 100-120 lần/phút.

Người lớn dùng 2 bàn tay

- Trẻ em 1-8 tuổi: dùng 1 bàn tay để ép.

Trẻ 1-8 tuổi dùng 1 bàn tay để ép

- Trẻ em dưới 1 tuổi chỉ dùng 2 ngón tay (vị trí đường giao nhau giữa xương ức và 2 núm vú)

Trẻ dưới 1 tuổi dùng 2 ngón tay

Thổi ngạt:

Một tay đặt dưới cằm, đẩy cằm lên trên, một tay đặt lên trán nạn nhân, hít thật sâu, đồng thời dùng 2 ngón cái và trỏ bịt mũi nạn nhân, mở miệng nạn nhân, áp miệng vào miệng nạn nhân thổi ngạt 8-10 lần/ phút,quan sát lồng ngực nạn nhân xem có phồng lên, xẹp xuống theo nhịp thở không. Nếu không thấy lồng ngực nạn nhân phồng lên cần kiểm tra lại tư thế của đầu và cằm, xem đường hô hấp có thông không.

Tỷ lệ ép tim, thổi ngạt

- Người lớn: 30:2 (30 lần ép tim, 2 lần thổi ngạt).

- Trẻ em: 30:2 khi có 1 người cấp cứu và 15:2 khi có 2 người cấp cứu.

- Trẻ sơ sinh: 3:1, với trường hợp biết nguyên nhân ngừng tim do bệnh tim thì dùng tỷ lệ 15:2.

Trong khi thực hiện cấp cứu, cứ 2 phút kiểm tra lại mạch và nhịp thở cho nạn nhân, khi tim đập trở lại tuần hoàn ổn định, môi hồng, cho nạn nhân nằm thoải mái, đắp ấm và tiếp tục theo dõi mạch và nhịp thở. Chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất.

Tổng hợp

Tiểu Quyên

Đọc thêm:

Chủ đề chính: #cpr

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn