Giáo Sư Mặt Ngựa

Phương pháp sáng tạo 3 bước của Walt Disney để tạo ra những ý tưởng sâu sắc và giá trị

Đăng 4 năm trước
Phương pháp sáng tạo 3 bước của Walt Disney để tạo ra những ý tưởng sâu sắc và giá trị

Sáng tạo không phải là một năng khiếu bẩm sinh mà là một kỹ năng mà bạn hoàn toàn có thể học được.

Quá trình sáng tạo sẽ đơn giản hơn rất nhiều khi bạn chia nhỏ nó ra thành các giai đoạn riêng biệt và hiểu rõ từng giai đoạn này. Và Walt Disney đã có một hệ thống 3 bước để chỉ rõ cho bạn cách thức thực hiện.

Ba căn phòng khác nhau cho ba Walts khác nhau:

"Thực tế có ba Walts khác nhau: người mơ mộng, người thực tế và kẻ phá hỏng. Bạn không bao giờ biết ai sẽ đến cuộc họp."

Trích dẫn trên được cho là của một người cộng sự thân cận của Walt Disney. Nó giúp chúng ta nắm bắt một sự thật cơ bản về cả cách người sáng lập Disney làm việc và cách thức hoạt động của sự sáng tạo. Một ý tưởng sáng tạo hoàn chỉnh không đột nhiên xuất hiện ngay lập tức khi bạn đang đi dạo hoặc trong phòng tắm, mà nó là kết quả của một quá trình gieo hạt – phát triển – chỉnh sửa trước đó.

Disney hiểu rằng không thể đưa ra, phát triển và phê bình các ý tưởng cùng một lúc. Mỗi giai đoạn trong quá trình này đòi hỏi một kiểu tư duy khác nhau. Và theo Robert Dilts, người đã phát triển Chiến lược sáng tạo của Disney dựa trên phương pháp động não của Walt Disney vào những năm 1990, những tư duy khác biệt đó đạt được tốt nhất bằng cách áp dụng không chỉ các kiểu suy nghĩ khác nhau, mà còn bằng cách thiết lập các không gian vật lý hoàn toàn khác biệt cho từng giai đoạn của quá trình sáng tạo.

Bằng cách dành ba phòng khác nhau cho mỗi giai đoạn của quá trình sáng tạo (hoặc chia phòng làm việc thành ba không gian riêng biệt), bạn có thể tự mình áp dụng tư duy đúng cho từng giai đoạn của quá trình động não - và để lại những phiền nhiễu của các giai đoạn khác ở bên ngoài.

1.Người mơ mộng:

Để có được một ý tưởng tuyệt vời, thường bạn sẽ cần bắt đầu với rất nhiều ý tưởng. Các ý tưởng càng điên rồ càng tốt. Bởi vì nếu một ý tưởng không “điên rồ”, rất có thể những người khác đã thực hiện nó từ lâu. Trong giai đoạn này, để tạo ra nhiều ý tưởng điên rồ, bạn cần phải tạm thời tắt phần não sẽ nói rằng “Điều đó sẽ không bao giờ hoạt động!” hay “Giải pháp này nghe có vẻ ngớ ngẩn!”

Nói ngắn gọn, bạn phải “bịt mồm” nhà phê bình nội tâm của mình và thể hiện đầy đủ vai trò của Người mơ mộng.

Trong không gian của Người mơ mộng, mọi thứ đều có thể và những lời chỉ trích đều bị cấm.


2.Người thực tế:

Bây giờ bạn có một đống ý tưởng khổng lồ để lựa chọn, đã đến lúc bắt đầu để thực tế quay trở lại với suy nghĩ của bạn. 

Trong giai đoạn này, bạn cần đánh giá tính khả thi thực tế của các ý tưởng mà bạn đã tạo ra ở giai đoạn 1 và bắt đầu phát triển chúng. Với mỗi ý tưởng, bạn tự hỏi mình những câu hỏi như:

  • Tôi có đủ nguồn lực để thực hiện ý tưởng này không?
  • Một kế hoạch hành động thực tế sẽ như thế nào để biến ý tưởng này thành hiện thực.
  • Với những hạn chế hiện tại của tôi, làm thế nào tôi có thể điều chỉnh ý tưởng này để làm cho nó dễ thực hiện hơn?

Đây là không gian nơi bạn bắt đầu nói về cách bạn có thể đạt được ý tưởng của mình.


3.Người phá hỏng (Người chỉ trích):

Bây giờ bạn đã định hình ý tưởng của bạn thành một cái gì đó nghe có vẻ thực tế. Và bây giờ là thời gian để Người phá hỏng bước ra sân khấu. 

Trong không gian thứ 3 này, bạn sẽ tập trung vào việc chỉ trích và phê phán (bằng lý lẽ hợp lý và bằng chứng, tất nhiên) các ý tưởng của bạn để có thể khám ra những điểm yếu của chúng.

Bằng cách phát hiện ra các điểm yếu tiềm tàng trong các ý tưởng, bạn có thể sửa lỗi cho chúng hoặc từ bỏ một ý tưởng hoàn toàn sai lầm trước khi nó ngốn quá nhiều tài nguyên trong thực tế.


Nguồn: Giáo sư mặt ngựa

Chủ đề chính: #phương_pháp

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn