Hạnh Nguyễn

Quần đảo xa xôi trên Đại Tây Dương với những làng nghề truyền thống lâu đời.

Đăng 5 năm trước

Hãy cùng khám phá lịch sử của những làng nghề truyền thống trên quần đảo Azores, Bồ Đào Nha. Quần đảo của chè, cà phê, phô mai và rượu vang… này nhé!

Sống trên một hòn đảo biệt lập giữa sự khắc nghiệt của thiên nhiên, cần đến một ý chí kiên cường và người Azores đã chứng minh được điều đó. Là một quần đảo gồm 9 đảo núi lửa nằm giữa Đại Tây Dương, cách Bồ Đào Nha lục địa 850 dặm về phía tây, là một trong hai vùng tự trị của Bồ Đào Nha. Azores được biết đến với các ngọn núi lửa, suối nước nóng tự nhiên, thác nước cao 600 feet, các ngọn núi xinh đẹp, những con đầm phá xanh mướt và những cánh rừng ngút ngàn.   

Nhưng không phải lúc nào nơi đây cũng yên bình như vẻ đẹp của nó. Trong lịch sử, người Azores đã phải trải qua bệnh tật, núi lửa phun trào, động đất và bão táp - những thứ đã tàn phá nguồn thực phẩm, đe doạ đến nền kinh tế và sự sống của người dân.    

May mắn thay, người Azores lại là những bậc thầy sáng tạo khéo léo: họ đã học được cách trồng chè và cà phê, những loài cây không có nguồn gốc trên đảo nhưng lại lớn nhanh trong khí hậu ôn đới và vùng đất núi lửa giàu khoáng chất. Họ cũng bảo tồn và giữ gìn những truyền thống lâu đời của cha ông trong sản xuất phô mai và rượu vang - gìn giữ sự bền vững của một nền văn hoá đáng tự hào.  

Sau đây, hãy cùng tôi khám phá nền văn hoá và lịch sử của quần đảo Azores qua những làng nghề truyền thống của họ nhé!  

Cà phê - câu chuyện về gia đình ông Nunes

Tôi đã phải bước vội để theo kịp người đàn ông 66 tuổi Manuel Nunes này. Dù đã luống tuổi nhưng ông leo đồi thoăn thoắt, bước đi mạnh mẽ, không hề ngần ngại vượt qua những con dốc đá trên đường đi. Ngón tay ông nhanh nhẹn hái những hạt cà phê trên cây, phơi chúng dưới ánh mặt trời rồi rang trên bếp với chiếc chảo gang của mình. Sau đó, cà phê được bán theo hạt hoặc phục vụ ngay tại quán cà phê Nunes của ông ở Faja dos Vimes, một ngôi làng với dân số vỏn vẹn 70 người trên đảo Sao Jorge.   

Trang trại nhỏ của ông Nunes, là đồi cà phê lớn nhất ở châu Âu, với 700 cây cho năng suất khoảng 1.600 pound* cà phê hàng năm - nhỏ bé nếu so với các nước trồng cà phê lớn. Độ cao thấp kết hợp với độ ẩm cao là khí hậu lý tưởng để trồng cà phê arabica. Trên đảo không hề có sâu bọ nên không cần đến hoá chất, và kết quả là ta có một tách cà phê hoàn toàn không axit. Ông Nunes tự mình làm hầu hết toàn bộ công việc, kể cả vụ thu hoạch dài từ tháng 5 đến tháng 9.  

*pound: đơn vị đo cân nặng của Anh và Mỹ

“Đó là điều tôi yêu, là đam mê, là nơi tôi thuộc về. Nơi tôi cảm thấy hạnh phúc nhất.” Ông nói (con gái ông, Dina Nunes đã dịch lại) 

Giống cây này đến từ Brazil, mặc dù không ai biết chính xác làm thế nào mà chúng đến được.   

“Rất nhiều người đã di cư sang Brazil vào những năm 1800 sau trận động đất năm 1757, nhưng một vài người đã quay lại, có thể họ đã mang theo hạt giống hoặc cây trồng từ đó”, Cô Nunes nói.   

Lúc đầu, ông Nunes trồng cà phê để tự tiêu dùng và theo thói quen - để phục vụ cho khách hàng của vợ mình trong khi họ ngắm nghía những chiếc khăn trải giường thủ công của bà.  Maria Alzira A. Nunes nổi tiếng với phong cách dệt “high point”, một trong những món nghề thủ công nổi tiếng tại đảo. Trên khung dệt bằng gỗ do chồng làm, bà dệt những mảnh vải sắc màu hình vuông vào nhau, một kỹ thuật được truyền lại từ bà cố của bà.   

“Người dân bắt đầu đến rất đông, và đó cũng có nghĩa là rất nhiều cà phê”, Dina Dunes cho biết. “Rồi cha tôi nói “Làm không công sao? Không!” và rồi ông đã tạo nên quán cà phê của gia đình vào năm 1997.   

Mới đầu chỉ có người dân địa phương đến, nhưng rồi tiếng tăm của Nunes lớn dần. Và giờ khách du lịch cũng như người dân địa phương đổ đến mua cà phê, tham quan đồn điền và xem vợ ông làm những chiếc khăn trải giường.  

Phô mai - chuyện về thế hệ ba đời làm phô mai ở đảo Sao Jorge.

Queijaria Canada là một nhà máy sản xuất phô mai nhỏ do gia đình điều hành tại làng nông nghiệp Santo Amaro trên đảo São Jorge. Xí nghiệp có một thùng chứa sữa lớn cứ đầy 2 lần một ngày, bởi Joao Silveira khi anh vắt sữa bò xong. Mẹ của anh, bà Graça Silveira sau đó sẽ tách sữa đông và váng sữa. Còn cha của Joao thì ép các khối sữa vào khuôn tròn để tạo hình cho phô mai. Sau 48 giờ, các khuôn được loại bỏ và phô mai sẽ được phơi trên kệ gỗ trong 60 ngày. Manuel Silveira là thế hệ thứ ba làm phô mai. Gia đình ông chỉ làm duy nhất một loại phô mai là Canada, loại phô mai cứng vừa, cay, với một lớp bơ béo ngậy bên trên, giống như các loại khác được sản xuất trên đảo Sao Jorge. Hàng năm, gia đình ông bán khoảng 3.700 pound cho các nhà hàng và những cửa hàng đặc sản trên các đảo khác, cũng như ở Bồ Đào Nha và tại cửa hàng của riêng ông. Nơi các du khách có thể nếm thử phô mai và xem cách nó được sản xuất.  

“Nếu bạn đến một nhà hàng ở đây hay ở đảo bên cạnh, họ sẽ hỏi bạn muốn phô mai bình thường hay phô mai Sao Jorge”, ông Silveira nói. Phô mai thường là những loại phô mai được nhập khẩu của các thương hiệu khác.   

Phô mai được sản xuất ở Azores từ thế kỷ 15, cùng sự xuất hiện của những người định cư vùng Flanders ở miền bắc nước Bỉ, những người đến Azores thông qua sắc lệnh hoàng gia của hoàng tử Bồ Đào Nha - cũng là Nhà hàng hải Henry.  

Ông Silveira làm phô mai theo từng mẻ nhỏ để đảm bảo hương vị chuẩn xác của nó. Bò ở đây ăn rất nhiều cỏ hữu cơ, bạn thậm chí có thể nếm được mùi vị đó trong phô mai. Ông cũng thường gửi các mẫu đất đến Đại học Azores trên đảo Sao Miguel để phân tích.

“Chúng tôi làm phô mai với trí khôn, tình yêu và đam mê. Ba điều rất quan trọng đối với tôi. Nếu Sao Jorge không làm thì các đảo khác cũng sẽ làm. Xét cho cùng thì chúng tôi là nông dân, mà nông dân thì cần truyền thống để tồn tại”, ông Silveira nói. 

Rượu vang trên đảo Pico

Vào một ngày đẹp trời trên đảo São Jorge, bạn có thể nhìn thấy Núi Pico trên Đảo Pico đằng xa xa. Chỉ cần đi một chuyến phà ngắn là đến nơi. Núi Pico cao 7,713 feet* và chính chiều cao chót vót này của nó là chìa khoá dẫn đến thành công của nghề trồng nho nơi đây.  

*feet hay foot: là một đơn vị đo quốc tế, dùng để đo chiều dài, cao và sâu. 1 feet bằng 0,3048 mét = 30.48 cm = 12 inch   

“Ngọn núi khổng lồ này đã thu hết mây về phía nó vì vậy ở đây có nhiều nắng hơn là những đảo khác”, ông Antonio Macanita, đồng sáng lập của Công ty rượu vang Azores cho biết. Công ty có 247 mẫu đất trồng nho và hàng năm sản xuất 40.000 chai rượu. 

Ở đây, nho mọc trên mặt đất chứ không mọc trên giàn. Không ngần ngại vì số lượng những hòn đá núi lửa quá mức trên đảo, người dân đã biến chính những hòn đá thành lợi thế cho mình. Tường đá basalt * được dùng để bảo vệ vườn nho khỏi gió, nước biển khắc nghiệt và cũng để giữ lại hơi ấm từ ánh nắng mặt trời cho cây - nhiệt độ hiếm khi giảm xuống 52 độ F hay vượt quá 80 độ F*. Những rặng đá dài đen cao 3 feet này được gọi là currais, bạn có thể trông thấy chúng trên khắp đảo tại các vườn nho và trang trại, nơi người dân sản xuất rượu nho để tiêu dùng cá nhân.   

*Đá basalt: đá núi lửa 

*Nhiệt độ chuẩn cho nho lớn là 63-68 độ F (17-20 độ C)  

“Muối không hề tốt cho nho, nhưng nho ở đây lại sống sót một cách ngoạn mục, bạn thậm chí có thể nếm được chút vị mặn trong đó”, ông Macanita nói, người làm rượu vang trắng bằng nho bản địa verdelho, terrantez do Pico và arinto dos Acores. Mỗi giống nho đều có những đặc trưng riêng của mình nhưng đều có chung một sự hoà trộn giữa trái cây mát lành, khoáng chất và muối, giống như Azores vậy. Đây là thứ rượu vang trắng duy nhất mà tôi từng uống và yêu thích.  

Nho đã được trồng trên Pico từ thế kỷ 15, sau khi những người định cư ban đầu nhận ra những cây nho được trồng rất tốt trên đất núi lửa. Với một dòng người nhập cư mới mang đến các giống nho khác nhau, một doanh nghiệp xuất khẩu ra đời đã phát triển chúng sang Hoa Kỳ, Châu Âu và thậm chí cả Nga cho đến những năm 1850, khi những vườn nho của họ bị bệnh nấm mốc và sâu bọ tiêu diệt.  

“Điều này đã đưa sản lượng từ 10 triệu lít lên 25.000 lít vào năm 1859”, ông Maçanita nói. 

“Cách duy nhất để chúng tôi sống sót qua bệnh dịch là trồng những giống gốc ghép mang từ Mỹ và Châu Âu, loại có khả năng chống lại nấm mốc tốt hơn, truyền thống này vẫn được duy trì cho đến ngày nay”, Ana Ferreira cho biết, cô là giám đốc tiếp thị của Pico Wine, một công ty gồm 300 thành viên cùng nhau trồng nho và chia sẻ lợi nhuận. Hợp tác xã đã được thành lập năm 1949 để hồi sinh ngành công nghiệp đang suy giảm lúc bấy giờ. 

Những bức tường đá và nho bản địa đã được hồi sinh như vậy, đồng thời chúng cũng là di sản văn hoá mà người Azores rất tự hào. Năm 2004, Unesco đã công nhận những vườn nho trên đảo Pico là Di sản thế giới.  

“Trồng nho ở đất này rất khó khăn nhưng khi bạn kết hợp các yếu tố tưởng như bất lợi này với nhau: đất núi lửa, gần đại dương, vĩ độ, và ba giống nho địa phương - chúng tạo nên một hương vị khác biệt”, ông Macanita cho biết. 

“Độ tin cậy của rượu vang phụ thuộc hoàn toàn vào vùng đất nơi nó sinh ra. Thật vậy, bạn sẽ hết hẳn nghi ngờ khi đưa ly rượu lên mũi và nhận ra được sự khác biệt của nó mà vùng đất mang lại”

Chè - Gorreana, đồi chè lớn và lâu đời nhất Châu Âu

Chá Gorreana, là đồi chè lớn và lâu đời nhất ở Châu Âu, nằm trên đảo São Miguel, cách Pico 50 phút đường bay.   

“Bấy giờ chè là hy vọng duy nhất của gia đình tôi, chúng tôi trồng và mong rằng chúng sẽ phát triển”, Madalena Mota cho biết, gia đình cô đã thành lập Gorreana từ 5 thế hệ trước, vào năm 1883 khi dịch bệnh quét sạch vụ mùa cam của họ. Đồi chè đầu tiên được xây dựng vào khoảng năm 1820 bởi Jacinto Leite, người đã mang hạt giống camellia-sinensis (hạt giống chè) đến Azores từ Brazil.  

Chỉ có Gorreana và đồi chè Chá Porto Formoso bên cạnh là vẫn còn tồn tại, từ một ngành công nghiệp thịnh vượng một thời đã đạt đến đỉnh cao trong thế kỷ 20. Bà Mota cho rằng tuổi thọ của Gorreana xuất phát từ việc ông cố của bà đã sử dụng thủy điện để chạy các máy móc cần thiết cho việc sản xuất. Cách làm này không hề thay đổi từ năm 1920.  

Để làm trà đen, lá phải được phơi khô trong 10 giờ đồng hồ, sau đó đặt vào  máy cán để loại bỏ nhựa cây; chúng được xử lý oxy hóa, sấy khô một lần nữa và cuối cùng là đóng gói. Quá trình làm trà xanh cũng tương tự, ngoại trừ việc lá chè được hấp trước khi đi vào con lăn và không được oxy hóa trước khi sấy.  

“Nguồn nước đến từ các con suối trên đảo. Ở Châu Âu này, năng lượng là một thứ vô cùng đắt đỏ, và những con suối tự nhiên đó đã giúp chúng tôi sống sót đến bây giờ. Không có chúng, có lẽ gia đình tôi sẽ phải đóng cửa đồi chè”, cô Mota cho biết.  

Hàng năm, Gorreana sản xuất 40 tấn trà xanh và đen từ cây camellia-sinensis; nó được bán ở Azores và xuất khẩu sang các thị trường ngách ở Canada, Hoa Kỳ và Châu Âu. Công ty không sử dụng hóa chất, vì không có loại nấm nào ảnh hưởng xấu đến cây trồng trên đảo. Trà của họ thơm ngon và có hương vị phong phú, đậm đà.   

Ngày nay, 86 mẫu đất Gorreana được mở mỗi ngày cho du khách đến thăm quan. Khách có thể lang thang, khám phá quanh cánh đồng, và xem quá trình pha trà và lấy mẫu, tất cả đều hoàn toàn miễn phí.  

“Đây là niềm đam mê của tôi”, cô Mota nói. “Nhưng, Gorreana không phải của riêng tôi. Nó là của Azores của Bồ Đào Nha. Truyền lại nó cho thế hệ sau này chính là cách để gìn giữ nó mãi tồn tại.”


Nguồn: newyorktimes

Chủ đề chính: #đảo_azores

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn