Quốc Hoàn

Quản lý tài chính của bản thân mà ai cũng nên biết

Đăng 5 năm trước

Mỗi chúng ta, đặc biệt là những người trẻ cần có một phương pháp để quản lý ngân sách của bản thân, không chỉ đơn giản là việc có đủ tiền để thanh toán các hóa đơn đúng hạn mà là việc xác định số tiền cần thiết phải chi tiêu cho những mục nào. Phương pháp phân bổ tài chính ra thành 6 lọ là một phương pháp hướng dẫn phân chia tỷ lệ, giúp bạn có thể lập kế hoạch và phân bố nguồn lực tài chính một cách hợp lý.


Lọ 1. Quỹ tiêu dùng thiết yếu: 55% thu nhập

Tất cả những khoản ăn uống, sinh hoạt chúng ta lấy từ quỹ này. Mục đích của nó là duy trì cuộc sống. Nếu bạn thấy quỹ này không đủ thì hãy xem lại cách chi tiêu của bạn!

Việc cắt giảm những khoản chi tiêu không cần thiết là một việc làm quan trọng để cải thiện tình hình tài chính cá nhân. Hãy kiểm soát thu chi hàng ngày, ghi chép tất cả những khoản chi của bạn vào một cuốn sổ nhỏ và đặt ra hạn mức chi tiêu trong ngày. Cắt giảm chi tiêu cũng có nghĩa là cắt giảm nhu cầu. Hãy cứ nhẫn nại và kiên trì mỗi ngày, chắn chắn việc tiết kiệm và cắt giảm chi tiêu sẽ thành công.


Lọ 2. Quỹ giáo dục: 10% thu nhập

Quỹ này dùng để đầu tư vào chính bản thân chúng ta. Hãy dùng nó để đầu tư vào tri thức, mua sách hoặc tham gia các khóa học kỹ năng/ năng khiếu và trở thành một người hoàn hảo hơn.


Lọ 3. Quỹ hưởng thụ: 10% thu nhập

Đây là quỹ dành cho việc ăn chơi, và bạn nên thực hiện theo đúng nguyên tắc: tiêu hết sạch và thật hoành tráng.

Con người chúng ta luôn có phần "con" và phần "người", bởi vì chúng ta luôn muốn phát triển phần "người", luôn muốn phát triển bản thân mà áp chế phần "con", nên nếu để phần "con" bùng nổ ra thì sẽ cực kỳ nguy hiểm. Quỹ này chính là để nuôi dưỡng phần "con" của bạn một cách đúng mức. Chỉ khi ăn chơi ở những nơi sung sướng thì tiềm thức của bạn mới được kích thích, mong muốn những lần ăn chơi hoành tráng tiếp theo khiến bạn có động lực kiếm nhiều tiền hơn. Nhưng hãy nhớ, chỉ ăn chơi trong phạm vi 10% thôi nhé. Tuyệt đối không được mất kiểm soát.


Lọ 4. Quỹ tự do tài chính: 10% thu nhập

Bạn có thể dùng quỹ này để thực hiện những việc đầu tư như: gửi ngân hàng, mua cổ phần công ty. Dùng nó để tạo ra thu nhập thụ động, coi nó là "con ngỗng đẻ trứng vàng", hãy để tiền tạo ra tiền. Tuyệt đối đừng dùng nó để làm bất cứ việc gì, hãy nhớ càng nhiều tiền làm việc cho bạn, bạn sẽ càng phải làm ít việc hơn.


Lọ 5. Quỹ chia sẻ: 5% thu nhập của bạn

Quỹ này dành để cho đi. Hãy mua những món quà, làm từ thiện hoặc giúp đỡ người thân, bạn bè. Đừng nói "tôi sẽ cho đi, sẽ giúp đỡ khi có nhiều tiền". Nếu bạn không dám cho đi 250.000đ khi thu nhập của bạn là 5.000.000đ thì liệu bạn có dám cho đi 25.000.000đ khi thu nhập của bạn là 500.000.000đ


Lọ 6. Quỹ tiêu dùng dài hạn: 10% thu nhập

Đây là khoản tiền để đầu tư cho những mục tiêu dài hạn, thực hiện những ước mơ của bạn (mua xe, mua những món đồ xa xỉ,...). Đừng nên vay tiền mua trước rồi trả sau, đây chính là nguyên nhân dẫn đến hầu hết tình trạng tài chính tồi tệ. Quỹ này cũng có thể là cứu cánh khi bạn gặp khó khăn.

Thiết lập những thói quen tốt sẽ giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của bạn. Không nhất thiết phải có một nguồn thu nhập cao mới có thể áp dụng phương pháp này, mỗi người đều có thể áp dụng chúng tương ứng với số tiền mình kiếm được.

Quy tắc này cũng không thể áp dụng hoàn hảo cho mọi người trong mọi trường hợp, hãy coi nó như một hướng dẫn để bạn có thể áp dụng cho quỹ ngân sách của mình. Đừng cứng nhắc mà hãy linh hoạt thay đổi tỷ lệ phần trăm để tạo ra một phương án tối ưu nhất cho mình.

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn