Tuti Sở thích: đọc sách, báo, viết lách, dịch thuật các tài liệu và tìm hiểu về công nghệ thông tin.

Quan niệm về làm dâu, ở rể trong xã hội Đài Loan

Đăng 7 năm trước

Quan niệm về làm dâu, ở rể trong xã hội hiện đại đã có nhiều thay đổi so với trước đây và cũng không giống nhau ở mỗi quốc gia. Không thể phủ nhận một điều là vấn đề bình đẳng giới hiện nay đã được cải thiện hơn trước rất nhiều.

Ở xã hội Đài Loan vào những thế hệ trước, người phụ nữ khi kết hôn về làm dâu nhà người sẽ mang theo họ của chồng. Sau khi đăng ký kết hôn, họ vẫn giữ được họ tên đầy đủ do cha mẹ đặt, chỉ khác thêm họ của người chồng vào trước họ tên của mình. Tục lệ nước này thật lạ phải không? Ví dụ người phụ nữ trước khi kết hôn có họ tên đầy đủ là: Đỗ Thu An, khi kết hôn cùng chàng trai họ Trương. Sau khi đăng ký kết hôn, họ tên người phụ nữ ấy sẽ đổi thành: Trương Đỗ Thu An. Cái họ tên mới ấy sẽ theo người phụ nữ ấy đến suốt đời, đến khi người phụ nữ ấy nhắm mắt xuôi tay, hoặc đến khi ly hôn người phụ nữ ấy mới trở về tên họ ban đầu của mình. Thế mới hay theo quan niệm truyền thống, người phụ nữ không có quyền và địa vị gì trong xã hội. Kết hôn xong chấp nhận cuộc sống ở nhà làm nội trợ, phục vụ, chăm sóc chồng con, mọi thứ đều do người chồng quyết định.

Đấy là thế hệ người phụ nữ Đài Loan thời trước. Đến thời nay người ta đã bãi bỏ quy định cũ. Người phụ nữ Đài thời nay đăng ký kết hôn xong thì vẫn mang họ tên cũ như thời con gái, không phải dùng họ của người chồng nữa. Điều đó thể hiện phần nào sự bình đẳng của người phụ nữ với đàn ông Đài trong xã hội hiện đại.

Người phụ nữ Đài Loan thời hiện đại đã bình đẳng với nam giới trong nhiều lĩnh vực nhất là trong công việc cũng như trong cuộc hôn nhân.
Trong công việc, người phụ nữ được tự lựa chọn công việc mình yêu thích, thậm chí rất nhiều người đã lựa chọn công việc liên quan đến chính trị, xã hội, tham gia các kỳ bầu cử, giữ chức thị trưởng thành phố hay cao nhất là người phụ nữ giữ chức Tổng thống là bà Thái Anh Văn – Tổng thống nữ đầu tiên của Đài Loan.

Trong cuộc hôn nhân hiện đại, người phụ nữ Đài Loan đã được tự do lựa chọn: kết hôn có giấy giá thú hoặc không cần đăng ký kết hôn, sau khi kết hôn có quyền cùng chồng bàn bạc và quyết định ở nhà riêng, ở bên nhà bố mẹ đẻ hay ở nhà bố mẹ chồng, sinh con hay không sinh con... Đó là những sự thay đổi trong suy nghĩ của thế hệ trẻ Đài Loan ngày nay. Còn lớp thế hệ già thì sao?

Xã hội Đài Loan vẫn còn nhiều quan niệm lạc hậu từ xa xưa để lại và còn hằn sâu vào tiềm thức của nhiều bà mẹ, ông bố Đài. 

Một trong những quan niệm cũ vẫn là vấn đề làm dâu, ở rể. Nếu hỏi 10 cặp ông bố, bà mẹ Đài ở độ tuổi 60 trở lên có con trai đến tuổi kết hôn, chắc chắn ít nhất 8 cặp trong số họ sẽ trả lời muốn con trai lấy vợ về làm dâu trong nhà. Để con trai họ đi ở rể bên nhà vợ ư? Không đời nào họ muốn như vậy. Vì đa phần không ông bố, bà mẹ nào muốn con trai mình bị gắn cái mác "bị gả" cho người vợ. Vì theo quan niệm truyền thống trai là phải "lấy vợ", "gả chồng" là cụm từ chỉ dành cho người phụ nữ mà thôi. 

Người đàn ông theo quan niệm truyền thống khi ở rể, sống ở gia đình nhà vợ thường bị người ngoài cười chê, coi thường, thậm chí có người ác khẩu còn gọi đó là đàn ông "vô dụng".

Vì thế có rất nhiều ông bố bà mẹ Đài còn mang nặng tư tưởng cũ, phản đối con trai mình về sống bên nhà vợ sau khi kết hôn. Thậm chí họ kiên quyết bắt con trai mình phải chia tay bạn gái chỉ vì bạn gái muốn người bạn trai đó về nhà mình chung sống sau khi kết hôn. Kết quả sẽ có một bộ phận đàn ông Đài nghe theo sự sắp đặt của bố mẹ chia tay bạn gái, từ chối kết hôn, còn một số khác chấp nhận đi ở rể để giữ cuộc hôn nhân với người mình yêu.

Song song với những quan niệm cũ lạc hậu về hôn nhân. Rất nhiều ông bố, bà mẹ Đài ngày nay sinh con gái một bề lại muốn con gái mình cũng bình đẳng với bạn trai. Họ muốn con gái họ không phải vất vả với công việc nhà, không phải đi làm dâu nhà người. Họ muốn con gái, con rể hoặc ở riêng, hoặc về cùng chung sống với họ để tiện cho việc chăm sóc các con và các cháu. Lí do đơn giản là người phụ nữ ấy từ nhỏ đến lớn đã quen được bố mẹ đẻ chiều chuộng và làm giúp các công việc trong nhà. Nếu sau kết hôn, thuyết phục được người chồng chịu về nhà vợ ở rể thì cuộc sống của đôi vợ chồng son ấy sẽ nhàn hạ biết bao. Hai vợ chồng ấy đi làm về đã có cơm canh phục vụ sẵn, ăn xong đã có mẹ vợ dọn dẹp, rửa bát hộ. Thậm chí nếu sinh con thì cũng được ông bà ngoại chăm cho. Nếu người đàn ông chưa thể sắm được nhà riêng thì việc ở rể cũng chỉ là một điều rất bình thường trong xã hội hiện đại này.

Công nhận một điều ngày càng nhiều phụ nữ Đài không thích về làm dâu nhà chồng. Với họ, cuộc hôn nhân cũng không phải điều quan trọng nhất, rất nhiều người thích cuộc sống độc thân. Họ có công việc tốt, có thu nhập cao và trên hết là thích cuộc sống tự do, không bị ràng buộc. Nếu mà lớp đàn ông Đài cứ khư khư giữ lối sống, quan niệm cũ như lấy vợ về làm dâu, muốn vợ chỉ ở nhà làm nội trợ, chăm sóc con cái và bố mẹ chồng... vào xã hội hiện đại thì rất khó lấy được vợ Đài ở xã hội Đài Loan này.

Xã hội nào cũng song song tồn tại hai mặt tốt và xấu. Cái chúng ta đề cập ở đây là quan niệm về ở rể, làm dâu, sự bình đẳng giữa phụ nữ và đàn ông trong xã hội Đài Loan để nhìn vào những cái tiến bộ của họ mà học tập. Chỉ cần những người trong cuộc hôn nhân lựa chọn môi trường tốt cho bản thân và cho con cái họ thì việc làm dâu hay ở rể không phải là vấn đề quá khó để người trong cuộc quyết định. Người ngoài cũng không nên có cái nhìn quá khắt khe về quan niệm làm dâu hay ở rể của họ. Cái quan trọng là dù sống ở môi trường nào thì cũng không nên quên đi trách nhiệm của bản thân đối với thế hệ bố mẹ hai bên nhà chồng và nhà vợ. Có như thế cuộc hôn nhân của họ mới trở nên có ý nghĩa và trọn vẹn hơn.

Chủ đề chính: #làm_dâu

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn