Thanh Dung Sở thích: đọc sách và du lịch.

Quát mắng chưa bao giờ là một cách dạy con

Đăng 5 năm trước

Chúng ta đã làm rất nhiều để thuyết phục người lớn ngừng đánh đòn trẻ trong suốt gần 50 năm qua. Gần đây, chúng ta lên án dữ dội nếu có một em bé nào bị bạo hành ở nhà hay ở trường. Thật may mắn là hiện tượng này đang giảm dần. Nhưng còn quát mắng ? Cho tới nay nó vẫn phổ biến trong rất nhiều gia đình vì lý do “không biết phải làm gì nếu không đánh cũng không quát ?”. Bài viết dưới đây sẽ giúp cha mẹ có kiến thức và giải pháp cho điều này.

Từ năm 2014, một nghiên cứu trên Tạp chí Sự phát triển của trẻ em (The Journal of Child Development) đã cho thấy ảnh hưởng và tác hại của việc quát mắng thực chất không khác gì đòn roi với trẻ. Nghiên cứu chứng minh được mức độ lo lắng, áp lực và cảm giác đau buồn ở trẻ bị đánh và ở trẻ bị mắng là giống nhau; hơn nữa, bị mắng hay bị đánh thì trẻ đều có xu hướng gia tăng những hành vi không tốt sau đó. Thực tế hiện nay cho thấy trẻ thường xuyên bị la mắng có xu hướng sống thu mình và dễ có nguy cơ trầm cảm hơn.

Còn về phía phụ huynh, có bao giờ bạn thấy rằng la mắng trẻ là có ích, trẻ sẽ nghe lời, mọi người đều vui vẻ không? Có bao giờ bạn thấy hối hận sau khi to tiếng với trẻ không? Nếu bạn nhìn nhận lại mỗi lần như vậy, bạn sẽ thấy sự bất lực của la hét, cũng là sự bất lực của chính bạn. La hét cũng như đòn roi trẻ không thể hiện quyền lực của người lớn, mà chính là thể hiện sự bất lực. Vì tôi không biết làm thế nào khác? Vì tôi không thể dừng cảm xúc giận dữ của tôi lúc đó được.

Để làm rõ hơn về việc quát mắng trẻ, chúng ta sẽ thống nhất rằng việc bạn tức giận hét lên khi vừa kéo được trẻ khỏi tích tắc lao ra đường cao tốc – một tình huống cứu trẻ khỏi nguy hiểm – thì không được gọi là bạo hành. Chúng ta cần nói đến việc quát mắng trẻ như một cách dạy con hàng ngày, thậm chí lớn tiếng như một thói quen, ví dụ như hét lên “Ngồi vào bàn ăn ngay đi !” hay “Đừng có xoa đầu con chó nữa !” “Tại sao lại đánh nhau suốt thế !” … Cách giao tiếp với trẻ như vậy là hoàn toàn sai, nó chỉ khiến cho trẻ hình thành sự chống đối và bắt chước thói quen la hét với người khác.

Alan Kazdin là chuyên gia tâm lý học và bệnh tâm lý ở trẻ em từ Đại học Yale, Mỹ, nhấn mạnh thêm rằng la hét không phải luôn luôn tồi tệ. La hét là một cách để giải toả cảm xúc được áp dụng rất hiệu quả trong một liệu pháp tâm lý (từ trong chuyên ngành là “catharsis”). Nhưng nếu cha mẹ không có vấn đề về tâm lý cần can thiệp, nếu cha mẹ mong muốn thay đổi điều gì đó ở đứa trẻ thì la hét lại không phải là cách.

Vậy cách ở đây là gì?

Từ những năm 1960s, thống kê cho thấy 94% cha mẹ có sử dụng đòn roi như một hình phạt dành cho trẻ. Tới năm 2010, con số này đã giảm xuống còn 22%. Chắc chắn là các nhà chuyên môn và cha mẹ đã tìm ra nhiều cách khác có hiệu quả hơn để giáo dục trẻ mà không phải là đòn roi. Cuối cùng thì điều mà cha mẹ mong muốn là sự thay đổi trong hành vi và thái độ của trẻ. Vậy tại sao lại phải đánh trẻ khi mà nó không hiệu quả? La hét cũng không có hiệu quả. Hầu hết các hình thức phạt trẻ cũng vậy.

Tiến sĩ Alan Kazdin đưa ra một gợi ý 3 bước, ông gọi tắt là ABCs – viết tắt của các từ Antecedents – Behaviors – Consequences. Người dịch sẽ định nghĩa hẹp hơn là 3 bước: Thông báo – Làm mẫu – Ghi nhận.

  • Bước đầu tiên là thông báo. Hãy nói với trẻ, một cách rất cụ thể, về điều mà bạn muốn trẻ làm. Đừng chỉ tay năm ngón và bắt trẻ phải làm ngay. 
  • Bước thứ hai là làm mẫu. Bạn mong muốn trẻ làm gì, làm như thế nào, hãy mô tả, giải thích và quan trọng là làm gương/làm mẫu cho trẻ xem. 
  • Bước cuối cùng là ghi nhận. Ngay khi trẻ thực hiện đúng hay gần đúng điều mà bạn mong muốn, hãy thể hiện sự ghi nhận dành cho trẻ (tung hô trẻ lên mây một chút cũng không sao).

Ví dụ, tối nào bạn cũng phải gào lên với con về việc trẻ vứt đồ đạc lung tung mà không dọn. Thay vì như vậy, bạn hãy làm ba bước theo ABCs. Đầu tiên, hãy đợi đến ngày hôm sau, hãy hỏi trẻ: “Tối nay về nhà, con sẽ để ba lô của con vào đúng chỗ giúp mẹ nhé ?”, có thể trẻ sẽ không đồng ý ngay đâu. Bước thứ hai, tối hôm đó về nhà, hãy chắc chắn là bạn cũng để túi của bạn vào đúng chỗ cần để. Bước cuối cùng, nếu đến một ngày đẹp trời và bạn thấy trẻ đi học về là cất ba lô đúng chỗ, hoặc chỉ cần gần đúng chỗ thôi, hãy đến ngay bên cạnh con và nói: “Mẹ thấy con để ba lô khá gọn gàng rồi đấy, chàng trai!” và “Hi-five để chúc mừng nào!”.

Khen ngợi trẻ cũng là một nghệ thuật đòi hỏi một số kĩ thuật. Bạn sẽ phải thật trìu mến nhưng cũng phải chân thành. Bạn có thể phải tập nở nụ cười, hoặc giơ hai tay lên cao như đang tạ ơn… cho đến khi bạn làm nó thật tự nhiên và dễ dàng. Bạn sẽ phải nói ra chính xác trẻ đã làm gì khiến bạn vui như vậy và giọng điệu phải vui thật. Sẽ tốt hơn nữa nếu bạn còn dành cho trẻ một cử chỉ âu yếm nào đó như ôm, vỗ vai… để trẻ thấy rằng đó thực sự là một sự kiện đặc biệt mà trẻ nên lặp lại. Nếu trẻ nghĩ thế thì bạn đã thành công rồi!

Rõ ràng, để gào lên thì dễ dàng hơn nhiều! Nhưng bạn phải lưu ý rằng, khi bạn làm một việc ngày này qua ngày khác, nó sẽ biến thành thói quen. Bạn sẽ có thói quen quát mắng trẻ lúc nào mà không hay. Ngược lại, khi bạn thực hành các bước trên nhiều lần, bạn sẽ dần tự động làm điều đó một cách dễ dàng.

Nếu như bạn đã đọc đến đây của bài viết này, bạn đã có trong tay một công cụ để làm cha mẹ. Chắc chắn bạn sẽ không còn bị động, luống cuống khi lần tới con của bạn làm gì khiến cho bạn “tức muốn điên lên”. Bạn đã biết 3 bước rồi.

Thế nhưng điều này vẫn không đảm bảo được rằng bạn sẽ không hét lên lần nào với con nữa, bởi vì đơn giản chúng ta là con người. Để tồn tại và tiến hoá thì con người có một đặc điểm mà khoa học gọi là “negativity bias”, tạm hiểu là não bộ luôn nhạy cảm đặc biệt với những gì tiêu cực (so với tích cực) trong môi trường. Có thể hiểu rằng chúng ta có bản năng dùng tiếng la hét để báo động điều bất thường, chúng ta cũng có bản năng bảo vệ đứa trẻ, điều đó khiến chúng ta la hét với con.

Nhưng kết quả của sự cố gắng này? Ngoài việc điều chỉnh các hành vi không mong muốn ở trẻ theo cách tốt cho trẻ, bạn sẽ vui mừng nhận thấy rằng số lần trẻ và cha mẹ giận dữ và làm tổn thương nhau giảm đi, kéo theo là mối quan hệ gia đình trở nên tốt đẹp hơn. Điều này như một vòng tròn luân hồi vậy, nếu trẻ cư xử tốt hơn, chúng ta chẳng có lý do gì mà quát tháo; và nếu chúng ta ngừng quát tháo, thì trẻ sẽ cư xử tốt hơn.

Theo Nytimes.com/Nguồn: BabyHub

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn