Lạc Thư Trầm Gã mộng mơ lạc lối tìm lại chính mình bằng những con chữ ấp bằng cả niềm đam mê

Review Sách: Cô Gái Như Em (Marc Levy)- Cuốn sách chỉ nên đọc từ sau trang 100?

Đăng 4 năm trước

Bạn nghĩ sao, nếu tôi giới thiệu cho các bạn một cuốn sách và yêu cầu các bạn chỉ đọc nó từ trang 100 trở đi? Đó quả là một ý tưởng quái lạ và có phần kỳ cục. Nhưng thật sự suy nghĩ đó đã nảy ra trong đầu tôi khi tự mình tôi trải nghiệm già nửa cuốn tiểu thuyết mới nhất của Marc Levy, Cô Gái Như Em. Vậy thật ra cuốn sách của tác giả Người Pháp ẩn chứa gì bên trong, và bạn sẽ quyết định thế nào nếu cầm cuốn sách ấy trên tay sau khi đã được tôi dẫn môt câu hỏi kỳ lạ như nhan đề của bài viết này

Bạn nghĩ sao, nếu tôi giới thiệu cho các bạn một cuốn sách và yêu cầu các bạn chỉ đọc nó từ trang 100 trở đi?

Đó quả là một ý tưởng quái lạ và có phần kỳ cục.

Nhưng thật sự suy nghĩ đó đã nảy ra trong đầu tôi khi tự mình tôi trải nghiệm già nửa cuốn tiểu thuyết mới nhất của Marc Levy, Cô Gái Như Em. 

Vậy thật ra cuốn sách của tác giả Người Pháp ẩn chứa gì bên trong, và bạn sẽ quyết định thế nào nếu cầm cuốn sách ấy trên tay sau khi đã được tôi dẫn môt câu hỏi kỳ lạ như nhan đề của bài viết này? Hãy cho tôi câu trả lời sau khi đọc xong những gì dưới đây nhé!

Vậy trong 100 trang đầu tiên, Marc Levy mang đến những gì?

Mạch truyện diễn ra chậm đôi khi trễ nải một cách khó chịu. 

Giọng văn đôi chỗ lê thê, nhân vật xuất hiện nhiều hơn tình tiết và nội dung câu chuyện như đã được giới thiệu trong "trailer bìa 4"của cuốn sách cũng gần như dễ đoán với người đọc sau những thông tin ban đầu mà Marc Levy dọn ra cho bữa tiệc của mình.

Món khai vị của một trăm trang đầu tiên bình thường đến mức không có gì để bình luận.

Đó là hơn 30 trang đầu bạn sẽ nhận ra tình yêu tuyệt đối của Deepak dành cho chiếc thang máy cơ cổ kính, dành cho công việc của mình. Ông điều khiển một cổ máy già cỗi như vận hành cả  một niềm đam mê, một niềm tin đến mức tín ngưỡng, 

"Thang máy  của ta là một phòng xưng tội"

và rằng thứ hảo vọng ông đề ra khiến người đọc vừa trầm trồ cảm phục về niềm say mê nhưng lại vừa ngờ vực về sự ý nghĩa?

Đó còn là những trang in nghiêng, xen kẽ vào giữa các chương, ban đầu khiến bạn khó chịu vì phải tự mình canh chuẩn lại cột mốc thời gian, để rồi khi nhận ra đó là một câu chuyện riêng phần được kể gián cách nhưng móc nối vào mạch truyện chính. À không, gọi đó là câu chuyện thì không hẳn, phải chính xác gọi đó là những dòng tự sự về một trải nghiệm của nữ nhân vật Chloe. Những con chữ in nghiêng đưa bạn đi từ mơ hồ đến lúc tường minh, cũng là hành trình khiến trái tim bạn loạn nhịp vài lần vì những nhát bóp mạnh va vào thành ngực, khi bạn chợt nhận ra cô ấy đang thuật lại hành trình... mất đi đôi chân của mình!

Đó còn là sự xuất hiện của Sanji với những đoạn đối thọai có phần cầu kỳ và thiếu tự nhiên của anh và những nhân vật xung quanh như người cô Lali, hay cậu bạn thân Sam. Tất cả đều khiến người đọc mường tượng ra những phần tiếp theo, nên màn hài kịch mà đã biết "mảng miếng" trước thì không còn mấy khi khiến khán giả bật cười. Kể cả cuộc gặp gỡ tình cờ của Sanji và Chloe bên tiếng kèn Trumpet tại công viên cũng không phải là ngoại lệ...

 

Và trang 103 ập đến !

Cú ngã của ông Rivera-người gác thang máy ca đêm- không phải là một thông tin gì quá bất ngờ vì vốn dĩ bạn đã biết chuyện đó sẽ xảy ra ngay từ bìa cuối của cuốn sách rồi. Nhưng cú ngã của ông ấy với những cư dân trong tòa nhà này thì gây xáo trộn vô cùng, đặc biệt là với Chloe-cô gái ngồi xe lăn ở tầng 9-.

Vốn dĩ, Chloe vẫn hay ngồi bên cửa sổ, nơi với cô không khác gì như một tháp canh. Cô ngồi đó, nhìn quanh phố phường Newyork vội vã trôi đi. Khoảng không gian ấy còn như một pháo đài để cô tự vệ tránh xa những ánh mắt thương xót, những lòng trắc ẩn mà đôi khi sẽ xoáy sâu vào thực tại mà cô cố gắng chối từ...

" Mất đi một phần tư cơ thể thì đã sao?" 


Cho đến khi ông Rivera ngã nhào xuống thang bộ và phải nhập viện...

...Buổi hòa nhạc sẽ kết thúc vào tối muộn,khi không còn ông Rivera trong ca trực đêm, Chloe bằng cách nào để trở về căn hộ trên tầng 9 của mình? 

Khi thứ duy nhất làm được chuyện đó là chiếc thang máy cơ với chiếc cần gat mà chỉ còn vài "người nghệ sĩ già" như ông Deepak,như ông Rivera có thể vận hành được...

Và chín tầng thang bộ để nhấc bổng người mình yêu sau buổi hòa nhạc thật sự có thể là một giải pháp mà Julius làm được?

Không, không đời nào...

Vì chính Chloe, từ ngày đó,từ thời khắc chiếc đồng hồ dừng lại ở khoảnh khắc 14h50, tay cầm của xe lăn là thứ mà cô không để mấy ai được phép chạm đến, huống chi bây giờ là...

Và lựa chọn của Chloe là ở lại với tháp canh-pháo đài của mình...

Vậy đó, trang 103 ập đến bằng một cuộc đối thoại mà đa phần Chloe trả lời bạn trai mình bằng sự im lặng của nỗi bất lực. 

Vậy đó, cú ngã nhào của ông Rivera, khiến cô gái trong căn hộ tầng chín cũng ngã nhào về với thực tế cay nghiệt của đời mình, tháp canh hay pháo đài cũng không còn giữ cho cô sự bình thường mà cô muốn tạo ra với tất thảy xung quanh.

Và từ trang 103,từ cuộc hẹn không thành ấy, câu chuyện của Cô gái Như em, chính thức bắt đầu!

Và những gì diễn ra tiếp theo mang đến cho người đọc nhiều hơn về mặt cảm xúc, chứ không hề mang hơi hướng huyền ảo hay những cú twist giàu chất điện ảnh. Những yếu tố trinh thám trong tác phẩm này gần như mờ nhạt dù một lần nữa ngài thanh tra Pilguez "huyền thoại" lại xuất hiện. Những tình tiết về vụ phá hoại bộ điều khiển tự động cho thang máy, hay vụ mất đồ của một quý bà trong tòa nhà đều không được giải quyết một cách rõ ràng. Marc Levy viết cứ như kiểu chính ông cũng thừa biết khi trưng trổ mọi thứ trong 100 trang đầu, người đọc tự biết hết đáp án rồi,và cái mà người ta chờ đợi là câu chuyện được kể như thế nào,và một vài yếu tố tình cảm được điểm xuyến ra sao? Về mặt này thì tác giả người Pháp đã không khiến người xem thất vọng...

Vậy như câu hỏi nhan đề của bài viết này, liệu có nên chỉ bắt đầu đọc từ trang 100 trở đi, cuốn Cô gái Như Em, tiểu thuyết mới nhất của Marc Levy. Bạn sẽ đọc theo kiểu bắt đầu từ trang 100, rồi chỗ nào không rõ thì quay trở lại phần trước mà tìm hiểu ?

Tôi cũng không biết hiệu ứng cảm xúc sẽ như thế nào khi đọc kiểu đó. Tôi chỉ từ những thước phim slow motion trong 100 trang đầu, thì những cung bậc cảm xúc của tôi được đẩy lên một cách tự nhiên ở phần sau, khiến tôi không hề muốn khép cuốn sách lại  khi số trang bên bàn tay phải cứ vơi dần...

Tôi không biết từ lúc nào cũng đã hóa thân thành chàng Sanji mà trước đó tôi cho là rất phi lý, khoác bộ chế phục của ông Rivera để điều khiển chiếc thang máy cơ, dĩ nhiên là vô cùng vụng về khi dừng nó chệch đi so vơi chiếu nghỉ ở những khoảng cách rất xa, chứ không thể "một cách nghệ sĩ" như cách ông Deepak vẫn làm...


Tôi cũng không biết từ lúc nào, hồi hộp cùng xem ông già người Ấn Độ Deepak có thực hiện được hảo vọng của đời mình, khi gần cuối cuốn sách, với tôi, những hoài nghi về ý nghĩa của kỳ tích ấy tuyệt nhiên không còn nữa. Bởi lẽ, tôi nhận ra, dù chỉ là một nhân vật lá xanh, nhân vật làm nền, nhưng Deepak và chiếc thang máy cơ của ông  như một chiếc cầu dao cũ kỹ mà Marc Levy gửi vào đó niềm hy vọng bậc lên những giao tiếp, tắt bớt những lập trình- những lập trình vắng tiếng người đến lạnh lùng-...


Và tôi cũng hồi hộp chờ đoạn kết của Chloe và Sanji, khi một lần nữa những trang in nghiêng khiến trái tim bạn không còn nằm yên trong lồng ngực !


Có lần anh đã hỏi em bằng giọng thách thức, rằng khoảng cách giữa chúng ta là khoảng cách của một đại dương hay của chín tầng nhà. Khoảng cách đó lớn hơn thế nhiều, chính xác là bốn mươi centimet.


Vậy cuối cùng họ có vượt qua được bốn mươi centimet đó hay không , bạn hãy tự tìm cho mình câu trả lời trong Cô gái Như Em nhé.

Còn bắt đầu từ trang 100 hay như thế nào, tôi tin bạn đã có lựa chọn cho riêng mình!


Lạc Thư Trầm


P/s : Ở giữa bài viết này có một video, và theo đó bạn sẽ được dẫn đến một studio review sách và hơn thế nữa. Ủng hộ mình nha, mình trân quý từng cái click chuột của các bạn!

Chủ đề chính: #review_sách

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn